Các bạn à, thời đại vi tính, chuyện chụp không ảnh là điều bình thường.
Nhưng ở đây chúng ta đang nói về sưu tầm bộ ảnh cũ, lắp ghép và kết nối để bạn trẻ “nhớ” bộ mặt cũ của các palei Chăm, qua đó nhận diện toàn cảnh xã hội Chăm trong tiến trình lịch sử hiện đại. Từ đó mình yêu quê hương bhum bhauk mình hơn.
* Ảnh vệ tinh Caklaing hiện nay.
Về bức không ảnh Palei Caklaing (ảnh cũ).
Mặt sau bức ảnh có ghi chú bằng chữ Chăm Palei Cakain – 1955.
Các bạn nhìn kĩ lại bức ảnh (cũ), ở phía dưới bên tay mặt bạn, có khoảng màu trắng nổi bật hình chữ U. Đó chính là Trường Tiểu học Mỹ Nghiệp mà dân Caklaing quen gọi là “trường mới”. Ngôi trường này chỉ hoàn thành vào năm 1965, nên bức không ảnh không thể được chụp trước đó.
Như vậy là có sự ĂN GIAN. Ăn gian này xảy ra ngay trong “bản gốc”.
Không lạ đâu. Lịch sử thường ăn gian như vậy – đúng hơn: người ghi lịch sử ăn gian. Ăn gian, nhưng vẫn kêu đó là… lịch sử. Ở đâu và thời nào cũng thế. Thời chiến, nghe đài “Việt cộng”: Tối qua bộ đội ta tiêu diệt 127 ngụy quân, loại khỏi vòng chiến 39 lính thủy đánh bộ Mỹ, bắn hạ 3 chiếc máy bay B52, bên ta 3 chiến sĩ hi sinh… Toàn số lẻ, nghĩa là rất đáng tin. Nhưng có vậy đâu chứ!
Trước, vua Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh. Quân Thanh đâu lắm thế: 290.000 người, ít ỏi chi mô. Hô cho oai thôi. Xa hơn nữa, chính sử Việt ghi năm 1044, vua Lý bắt 5 ngàn tù binh Chàm, năm 1069, bắt 5 vạn tù binh. Chính sử hẳn hoi đó: toàn nổ thôi.
Chăm cũng đâu vừa. Ghi trên bia kí, nhà vua bảo nổ sao thì thợ khắc cũng nổ vậy. Có thấy đâu mà cãi. Và nếu có thấy, biết sự thật thì hỏi dám cãi không?
Lịch sử muôn đời vẫn là mớ hổ lốn!
Cho nên, không phải không lí do, truyền thống Ấn Độ chẳng thèm ghi “lịch sử” chi cho… mệt.