Báo Lao động Chủ Nhật, 24-7-2011
Lịch sử Nam tiến của người Việt Nam kéo dài suốt từ thời Lý đến các vua triều Nguyễn luôn luôn là một đề tài hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu lịch sử từ xưa đến nay, cả ở trong và ngoài nước.
Các công trình nghiên cứu lâu nay mặc nhiên nhìn nhận quá trình Nam tiến của đất nước Đại Việt như một dòng chảy của lịch sử tiến trình khai phá với một mục đích tối thượng là mở rộng bờ cõi. Điều đó cũng đúng nhưng chưa đủ để giải thích mối tương quan văn hoá tồn tại đồng hành với những diễn biến lịch sử suốt một chặng dài ngần ấy thế kỷ.
Và, ngày hôm nay, vẫn còn đó những câu hỏi chưa có lời đáp về một vùng đất, vùng văn hoá đang hiện diện đó nhưng màn sương bí ẩn vẫn phủ lên trên từng ngọn tháp trầm mặc với thời gian.
Vốn là người Quảng Nam gốc, nhà văn, nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú, bằng một cách nhìn khác, một phương pháp khác, xuất phát từ đất, từ cát, từ bản sắc xứ Quảng để đưa ra những phân kỳ lịch sử, qua đó muốn dựng lại khúc cuối của quá trình Nam tiến từ đám cưới công cháu Huyền Trân năm 1306 đến 1802 khi vua Gia Long lên ngôi. Và ông đặt tên cho cuốn sách của mình là: “Có 500 năm như thế”.
Cuốn sách dắt người đọc dõi theo những dữ kiện lịch sử suốt 500 năm quan hệ Việt – Chăm từ địa giới đến các thế hệ qua gia phả, từ những phân kỳ lịch sử tạo nên bản sắc văn hoá đến sự hoà nhập qua giọng nói của người Quảng Nam, với một cách viết giàu tính văn học. Quá trình tìm tòi, suy ngẫm, rồi giải thích của ông như một cuộc khám phá , mạo hiểm bởi một tình yêu da diết với vùng văn hoá bí ẩn đầy hấp dẫn đã mang đến cho người đọc sức cuốn hút mãnh liệt trong trọn vẹn 250 trang.
Ở phần dẫn nhập, tác giả đã cho chúng ta thấy phương pháp luận cho công trình này để tạo dựng lại một quá trình lịch sử, ông viết: “Lâu nay, chúng ta thường nghĩ rằng lịch sử Nam tiến của người Việt Nam trải dài suốt từ thời nhà Lý đến các vua Nguyễn, các năm 1306, 1471 chỉ là những cột mốc đánh dấu dòng chảy rất đều, không ngừng nghỉ của các đoàn người Nam tiến.
Thực ra nếu nhìn kỹ vào từng giai đoạn, ta sẽ thấy dòng chảy ấy không đều như đã nghĩ. Nó có những lúc dữ dội để khai phá, lúc lắng lại để định hình, lúc thì nếp ăn nếp ở ngôn ngữ phong tục thiên về Chăm, lúc thì chuyển hẳn sang Việt. Ở đây chúng tôi xin đưa ra một cách phân kỳ để thử xác định ý nghĩa và dấu ấn của mỗi giai đoạn mà nó để lại trên mỗi tiến trình lịch sử, qua đó có thể ít nhiều hiểu được, và thử dựng lại những gì đã xảy ra trong suốt 500 năm dằng dặc ấy”.
Tác giả đã tìm được cho mình công cụ để khai khẩn những vết tích còn lại cũng như những sự kiện đã phôi pha để theo một logic cắt lát, phân kỳ tìm cho được bản sắc của mỗi vùng đất, mỗi tộc người.
Cũng ở phần đầu, ông viết rõ thêm: “Không để bị ràng buộc quá nhiều vào các cứ liệu, trên cơ sở những sử liệu đã có chúng tôi mạnh dạn đưa ra những giả định trên cơ sở những lập luận logic. Dĩ nhiên điều này thật khó tìm được sự đồng tình nhưng bù lại chúng tôi vẫn tin rằng điều này sẽ đẩy các cuộc nghiên cứu sau này thoát khỏi vạch xuất phát, thoát khỏi sự nghiên cứu lịch sử đơn thuần, để từ đó có thể đem lại những hiệu quả cụ thể trong đời sống văn hoá, tâm linh của người Quảng Nam, những hiệu quả cụ thể trong sự nghiên cứu các tộc họ, các gia phả. Và điều quan trọng nhất là qua đó chúng ta có thể hiểu được rằng lịch sử bản thân nó, với những câu chuyện, sẽ không là gì cả vì ở đâu mà không có những câu chuyện, cái quan trọng là qua lịch sử đó chúng ta hiểu được bản sắc của vùng đất ấy, dân tộc ấy”.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra nỗi băn khoăn da diết của một người con xứ Quảng về cội nguồn xa xôi của mình khi lật giở từng trang của những chuyển dịch lịch sử, binh đao và hoà nhập trên mảnh đất giao thoa của những nền văn minh lớn lao. Một mảnh đất có đầy đủ nhất những minh chứng của lịch sử.
Ở chương VI của cuốn sách, tác giả dành rất nhiều tâm sức cho một đề tài vốn là nguồn cảm hứng cho công trình này: “Giọng nói người Quảng Nam”. Ông đã đi từ bản sắc văn hoá riêng biệt, qua âm ngữ người Quảng Nam đến với những biến cố lịch sử ngược thời gian để chứng minh cho sự gặp gỡ bình dị, đương nhiên của hai dân tộc Việt – Chăm. Từ đó có được một cắt nghĩa dễ thuyết phục cho những thăng trầm lịch sử kéo dài suốt 500 năm. Đó chính là sự thăng trầm của văn hoá, chứ không hẳn của một chiến lược quân sự. Điều đó đúng cho không chỉ vùng đất miền Trung mà nó là toàn bộ xứ đàng trong cho đến hết Nam Bộ.
Trong phần kết của cuốn sách, tác giả khẳng định: “… Mở mang đất phương Nam là hoàn toàn của người Đàng trong, mà lịch sử Đàng trong thì bắt đầu bằng 300 năm hỗn cư không chính quyền của vùng đất thuộc lưu vực sông Thu Bồn. Nó hình thành tính cách, trong đó có giọng nói, của cả một xứ Đàng trong cho đến tận bây giờ. Vậy hà cớ gì chúng ta không thể nói một câu thật to rằng Mỹ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại, chứ không phải của vương quốc Chămpa đã bị diệt vong? Đó là di sản văn hoá của người Việt chứ không phải của một nền văn minh đã bị biến mất như các tờ rơi du lịch giới thiệu! Nó bình đẳng với chùa Một Cột, Cổ Loa hay bất cứ thứ gì làm nên sự tự hào trong tâm hồn mỗi người Việt…”.
Khoan chưa bàn đến tính xác thực của nhận định này, nhưng qua đó, ai thì cũng đọc được một điều rằng tác giả Hồ Trung Tú đã đủ yêu thương, đủ dũng cảm để khẳng định những dấu ấn bản sắc văn hoá Quảng Nam qua từng đoạn ngắt của lịch sử, và ở Quảng Nam quê anh, người ta đang nói tiếng Việt bằng giọng Chăm!
Đó chính là minh chứng cho sự giao thoa của hai nền văn hoá lớn.
http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/09/sach-oc-giua-trua-co-500-nam-nhu.html