Sau Chiến tranh lạnh, trong khi một nửa thế giới nỗ lực không ngưng nghỉ cho hiện đại hóa về mọi mặt, thì nửa kia vẫn tiếp tục đổ máu để xem ai là chủ của cái cây Ô-liu mỏng manh nào đó. Đó là một nhận định độc đáo – sau thời gian dài quan sát biến động trên thế giới – của Th. Friedman, trong cuốn sách thời danh: The Lexus and the Olive tree (2000). Chiếc Lexus tượng trưng cho động lực làm giàu và hiện đại hóa; cây Ô-liu: cho bảo tồn bản sắc truyền thống một cộng đồng. Cuộc chiến giữa Lexus và Ô-liu đang xảy ra trên phạm vi toàn thế giới, trong một khu vực, một đất nước, một cộng đồng và thậm chí, ở thẳm sâu tâm hồn của cá nhân.
Đó là bi kịch của nhân loại. Ngày xưa, bản sắc này tìm mọi cách loại bỏ bản sắc khác; hay nói cách hình tượng, cây Ô-liu này luôn muốn nhổ bỏ cây Ô-liu kia thì nay, cây Ô-liu còn phải ra sức chống lại sức mạnh ghê gớm đến từ Lexus, cái Lexus có mặt quanh nó và, trong nó! Vậy, làm sao cho Ô-liu sống cạnh, chung và với Lexus mà không bị èo uột hay khô héo? Hay, làm sao một cộng đồng, dân tộc, cá nhân,… giữ được bản sắc mà vẫn có thể hiện đại hóa, dung hòa truyền thống với tiến bộ khoa học kĩ thuật siêu hiện đại?
Inrasara, “Văn chương, suy nghĩ toàn cầu – hành động địa phương”.