Nhà thơ, nhà phê bình văn học Inrasara: Văn chương dòng chính né tránh hiện thực

Bài tiểu luận được tóm tắt đăng trên báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần, số 30, 22-7-2011

Việt Nam thiếu truyền thống triết học, là điều miễn bàn. Nhưng nói văn học không bám hiện thực cuộc sống có nguồn cội sâu xa từ sự thiếu khuyết ấy, thì sẽ bị phản đối. Trong khi đó là sự thật.

“Suốt đời tôi không làm gì hơn là đẩy cho đến cùng, cái mà quý vị chỉ dám làm có một nửa… – Dostoevsky nói thế. Còn ở ta: luôn luôn nửa chừng. Tiếp nhận trào lưu lãng mạn, nửa đường đứt gánh. Sáng tác hiện thực, Balzac đẩy sự thể đến cùng để dựng nên Tấn trò đời khổng lồ, ta thì nửa vời để rồi chẳng tới đâu. Chủ nghĩa hiện đại, ở ngoài kia thiên hạ làm nên bao nhiêu kiệt tác, ta cũng nửa vời. Chủ nghĩa hiện thực XHCN, nửa vời – thành “hiện thực phải đạo”. Ngay cả viết về sex, ta không thể có được các tác phẩm sâu thẳm, cao vời và mạnh bạo như Henry Miller, bởi ở đó vẫn cứ nửa vời… Thiếu triết học làm nền tảng, khiến không biết đâu là hiện thực, nhìn hiện thực một chiều, phiến diện, hời hợt, méo mó,…

Xét ở thượng tầng là vậy. Do đó ở hạ tầng xã hội là chuyện thời sự trực tiếp, văn học ta vẫn chưa thể chạm tới tận cùng của sự thể. Văn hóa văn chương ấy ưu ái và khuyến khích tính khái quát, chung chung nên dẫu có đụng đến hiện thực xảy ra trước mắt, nhà văn Việt Nam vẫn cứ mơ hồ, đại khái. Nhà văn không quan sát mọi khía cạnh của hiện thực, phân tích và mổ xẻ chúng tới nơi tới chốn. Từ đó dẫu không có ý né tránh, cũng thành né tránh.

12 thoughts on “Nhà thơ, nhà phê bình văn học Inrasara: Văn chương dòng chính né tránh hiện thực

  1. Nếu không “né tránh” thì làm sao thành nhà văn VN? Người ta có thể bắt giam CHHV bằng 2 bao CS thì nhà mô tả hiện thực kiểu gì? Mà người ta đã ban hành một chế độ nhuận bút rẻ mạt, để nhà văn VN nhất cử nhất động gì đều sống bằng lương hay tài trợ của nhà nước, không văn nô là may rồi còn mong gì hiện thực hay tô hồng…

    Mà anh cũng biết là xếp hàng để được vào Hội “tô hồng” hay “hiện thực” gì gì chăng nữa cũng không phải dễ mà được đến phiên. Cái danh “nhà văn trẻ” thôi chứ chưa được hiện thực tô hồng cho đúng nghĩa đã dành nhau đủ chuyện bi hài rồi.

    Hiện thực là hiện thực gì?
    Cả XH dối trá để sống anh bắt ai tin vào hiện thực của anh? Tốt nghiệp Tú Tài quanh quẩn mấy bài thơ và vài truyện ngắn cũ rích từ thời chống Pháp, chống Mỹ… văn chương gì mà anh dẫn Tây Tàu ra cho đau lòng?

  2. Bác TXB kính
    Bác nói hay lắm. Và đúng lắm đó. Nhưng phải nói chớ, sao lại sợ đau lòng!

    Trong bài “Tâm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa” đăng ở BBC và mạng Tiền Vệ, tôi đọc thấy nhà thơ Inrasara viết như thế này:

    “Xung đột và tranh chấp ở Biển Đông vào cuối năm 2007 và giữa năm 2011 cùng các hệ quả của nó, là một sự kiện chính trị xã hội lớn nhất Việt Nam trong thập niên đầu thế kỉ XXI qua hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra ở Sài Gòn, Hà Nội tác động mạnh đến tâm thức người Việt khắp toàn cầu, qua đó tạo nên một hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử văn chương tiếng Việt”.

    Vậy mà có nhà phê bình nào viết bài phê bình hay tổng kết đâu!!!
    Đến giờ này, nhà thơ (nhà thơ thôi nhé) mới là người đầu tiên và duy nhất viết. Hỏi bà con có kì không??????????????

  3. Ông Inrasara nói dzậy thôi. Mấy bài HIỆN THỰC kia ông in tận đẩu đâu chớ báo trong nước thèm in cho! Nếu có đăng thì họ xeo mất của ông 1.000 chữ còn 299 chữ (như ông tự khai ở Ghi chép tháng 7 kìa).
    Không khéo Hội của ô Thỉnh lấy mất cái ghế phó chủ tịch hội đồng Thơ đó. Ông dân tộc thiểu số rồi còn chả có thẻ đỏ lận túi nữa. Đìu hiu lắm.
    Nghĩ mà thương cho ông Sara của con quá.

  4. Trích “Khủng hoảng, phản kháng và dối lừa”:
    “Nhìn nhận nhà văn Việt Nam hôm nay “sống và viết hoàn toàn tự do,“ (như Vi Thùy Linh và Nguyễn Thanh Sơn) – dù phát ngôn xuất phát từ kẻ sáng tác hay người làm phê bình, nếu không phải là hoang tưởng ngu ngốc thì chắc chắn là thứ tự dối lừa, không hơn không kém.
    Một nền văn học tự do phải là nền văn học trong đó mọi người học tự do, viết tự do, in ấn và phát hành tự do, tiếp nhận tự do, phê bình và thảo luận tự do. Văn học Việt Nam đã nhận được đủ đầy nỗi ấy chưa? – Chưa, hoàn toàn chưa”.

    Nhà thơ viết đúng lắm, dũng cảm lắm lắm. Nhưng bài viết đó đăng ở mạng anh hay ở báo nào chớ đâu thấy in ở báo chính thống được. Nhà thơ đăng báo chính thống nhiều, nhưng khi nhà thơ HIỆN THỰC, thì báo không đăng. Và cả xã hội tiếp tục DỐI TRÁ, như TXB nói rất đúng.

  5. Bạn đọc thân mến
    Có 2 điều chú ý:
    – Về văn chương nói chung, phê bình của tôi là “phê bình lập biên bản”, ghi nhận mọi chuyển động của văn chương VN đương đại, nên ít bình luận. Lập biên bản từ sáng tác hậu hiện đại, hiện đại, cổ điển lẫn hiện thực xã hội chủ nghĩa… Tôi đã cố gắng công bằng nhất với mọi trào lưu văn nghệ. Tôi cố gắng không bỏ sót các sự kiện lớn của văn học: Từ văn chương mạng, văn học nữ quyền, văn học dân tộc thiểu số, sáng tác về Trường Sa – Hoàng Sa, vấn đề kết nạp Hội Nhà văn cho đến Giải thưởng VHNT DTTS,… tôi đều phản ứng kịp thời. Có bài báo, tạp chí trong nước đăng (nhiều báo khác nhau, thường là chỗ quen thân bạn bè yêu cầu viết), có bài tôi gởi báo mạng trong nước hay báo mạng nước ngoài, tùy nhu cầu của báo…
    Tôi thấy không vấn đề gì cả. Các bài viết của tôi đều lành mạnh và công bằng trong ứng xử. Nhiều bài tôi không đăng trong nước hay trên mạng Inrasara.com, bởi lí do riêng, chứ không vấn đề chính trị chính em gì cả đâu.

    – Các bài viết về văn hóa xã hội Chăm cũng vậy. Đâu phải bài nào tôi cũng đưa lên mạng của tôi hay đăng báo chí trong nước. Có khi tôi viết xong, cất đi, không gởi đi đâu cả. Chỉ những người thật thân tín tôi mới cho xem. Và yêu cầu không phổ biến. Chủ yếu chỉ vì vấn đề tế nhị mang tính nhân văn.

    Riêng về vấn đề HIỆN THỰC, tôi nhìn nó ở bề sâu và toàn cảnh theo tinh thần triết học là chính, chứ không thuần chính trị xã hội.
    Cám ơn các bạn đã đọc bài và ý kiến thảo luận.
    Inrasara

  6. 3 điểm anh Sara nêu trong Ghi chép tháng 7 chính xác lắm, nhưng tôi đâu thấy hiện thực đó có trong sáng tác của anh. Chúng chỉ có trong Ghi chép thôi. Vậy là anh né tránh hiện thực.
    Người Chăm cãi nhau lung tung xèng về chữ Thrah (rất ngu), anh không thèm lên tiếng giải thích nữa. Vậy là anh né tránh hiện thực xa hơn nữa.
    Trách ai?!

  7. “Riêng về vấn đề HIỆN THỰC, tôi nhìn nó ở bề sâu và toàn cảnh theo tinh thần triết học là chính, chứ không thuần chính trị xã hội…”
    Cái Thượng Tầng Kiến Trúc triết học của anh làm sao mà “theo tinh thần triết học là chính, chứ không thuần chính trị xã hội…”

    Không bao gồm chính trị, chính anh lại tránh né mất rồi. Put your best foot forward, Sara!

  8. Người Chăm cãi nhau lung tung xèng về chữ Thrah (rất ngu), anh không thèm lên tiếng giải thích nữa. Vậy là anh né tránh hiện thực xa hơn nữa.
    Trách ai?!
    ++++++++++++++++++++++
    Anh Sara tham gia làm gì? tham gia vào thì khác nào thêm dầu vào lửa và hiện thực đã chứng minh, những người tham gia vào vào dòng xoáy ấy được gì? sự cãi lộn ấy đã đẩy Chăm chúng ta “tan đàn sẻ nghé” như thế nào? Và vô tình những nhiệt tình của họ, những mong muốn đóng góp của họ cho sự phát triển CĐ, sẽ không cần tham gia nữa. Sara chọn giải pháp “im lặng là vàng thôi”. Anh đã rất hiện thực đấy.

  9. Bạn TXB thân mến.
    Rất nhiều ý của bạn tôi đồng cảm.
    Bài viết của tôi dài 1.000 chữ, bị cắt hết còn 299 chữ, đăng trên TT&VH. Tạm trích đoạn như sau:
    (đoạn in nghiêng là cắt bỏ)

    “Việt Nam thiếu truyền thống triết học, là điều miễn bàn. Nhưng nói văn chương Việt Nam hôm nay không bám hiện thực cuộc sống có liên quan mật thiết với sự thiếu khuyết ấy, thì chắc chắn sẽ bị phản đối. Vậy mà lạ thay, đó là sự thật.
    Hiện thực là hiện thực nào? Hiện thực như thực của nhà Phật hay hiện thực qua cái nhìn của chủ nghĩa thực dụng Mỹ? Hiện thực của trường phái hiện thực phê phán hay của trào lưu lãng mạn? Của hiện thực xã hội chủ nghĩa hay của trường siêu thực? Của hiện đại hay của hậu hiện đại?…
    Sau Freud, ai dám cho rằng các giấc mơ đầy cảnh tượng quái dị không là “hiện thực”? Hoặc họa phẩm với những nét chằng chịt như sợi dây thần kinh của Paul Klee thì kém hiện thực hơn các bức tranh chân dung của họa sĩ thời Phục hưng? Mỗi trường phái triết học, mỗi trào lưu văn học nghệ thuật hiến tặng cho nhân loại cách nhìn mới, khác về hiện thực. Chúng làm phong phú đời sống tinh thần con người. Vấn đề là ta hành xử thế nào với các “phương tiện thiện xảo” đó?

    “Suốt đời tôi không làm gì hơn là đẩy cho đến cùng, cái mà quý vị chỉ dám làm có một nửa…” – Dostoievski nói thế.
    (…)
    Nhà văn đụng chuyện thời sự chính trị xã hội, nếu thẳng thừng đến trái ý cơ chế thì dễ bị cho là “bôi đen hiện thực”. Tác phẩm bị ách lại nơi cửa nhà xuất bản, lỡ đã in thì bị thu hồi, kéo theo bao nhiêu là hệ lụy. Đó là còn chưa nói tới người viết nguy cơ bị treo bút. Mà tất tần tật vấn đề xã hội hiện tại, khi đẩy tới cùng thì không thể không vướng vào chính trị. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, thế là nhà văn Việt Nam hè nhau… tránh.

    (nghĩa là Triết học là nền tảng của nền tảng, căn cốt của mọi vấn đề, trong đó có chính trị)
    Cảm ơn bạn.
    Sara

  10. Lâm Trung nhé.
    Người Chăm tranh luận (cãi nhau) về inư akhar thrah là chuyện của họ, đôi khi nó lại tốt.

  11. Anh trả lời vậy thì bạn đọc web anh thấy mọi thứ mới rõ ràng. Nhưng “Tránh voi chẳng xấu mặt nào, thế là nhà văn Việt Nam hè nhau… tránh…” -> đành là voi, nhưng tránh miết vậy cũng… xấu chứ, anh? Chưa nói mấy ông nhà văn dỏm lợi dụng, giả bộ thấy cái gì cũng la lên là voi rồi tránh miết thành anh hùng Nup, nghĩ cũng ngậm ngùi…

  12. Tôi cảm ơn nhiều bình luận ở trang mạng này rất đáng đọc.
    Tôi nhớ đọc đâu đó nhà thơ Inrasara nói: nếu không là người Chăm anh đã thành triết gia, cầu thủ bóng đá hay nhà thơ thuần túy. May anh là người Chăm, cho bà con Chăm nhờ, và nhất là anh không thành thứ triết gia lụ khụ, dù anh đọc rất nhiều sách triết. Đọc mấy ông triết gia nặng đầu với khối chữ rồi thuật ngữ, chán chết đi được.
    Nhà thơ Inrasara thì nhẹ nhàng, hấp dẫn mà vẫn nhiều tư tưởng.
    Tôi có còm rồi là khi Phạm Công Thiện mất, xuất hiện rất nhiều bài về ông. Nhưng có lẽ theo tôi bài của Inrasara “Chớp lửa thiêng PCT và tuổi trẻ tôi” đậm tình nhất, bay bổng nhất và hấp dẫn nhất (dù tôi biết Sara không thích nói đến “nhất” này, nhưng tôi vẫn nói).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *