* Với hai cháu ruột ở Palau, xinh đấy chứ! – Photo Thanh Lê.
1. Sự kiện Biển Đông đánh động cả tâm thức người Việt khắp toàn cầu.
Ở kì nhất năm 2007, hàng trăm bài thơ, văn ra đời. Trên mạng là chính. Còn thì tất cả im lặng. Rồi kì hai năm 2011 nữa, với bao nhiêu sáng tác nóng hổi ra đời. Lạ là chả có một nhà phê bình văn học Việt nào chú ý để viết tổng kết. Văn học bổ khuyết cho sử học và đi vào phần thẳm sâu của lịch sử, nhưng văn học như vậy thì làm gì đòi hỏi có tác phẩm lớn xứng tầm thời đại!?
Thế là tôi thu thập tài liệu, viết cho BBC. Họ OK ngay.
“Hai cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa”, BBC.co.uk/vietnamese, 9-7-2011, ra đời bởi đó. Bài báo được chỉnh sửa theo dạng nghiên cứu, tiếp tục có mặt ở Tienve.org.
Như là hệ quả của sự kiện này, báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần đặt bài về hiện tượng văn học né tránh hiện thực. – Anh Sara cứ viết thoải mái đi, có gì tính sau, – bạn văn nhắc thế. Tôi viết cả ngàn chữ, để rốt cục bị cắt cúp còn lại 299 chữ có lẻ gói gọn ở “Văn chương dòng chính né tránh hiện thực” (số 30, 22-7-201).
Văn học Hàn Quốc có khác.
Hội thảo quốc tế Dịch Văn học và Văn học dịch Hàn Quốc ở châu Á vừa diễn ra tại Khách sạn REX thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị do Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc và Bộ môn Hàn Quốc học thuộc Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh tổ chức, gói gọn trong hai buổi chiều 20 & 21-7-2011, nhưng rất xôm tụ
Với mục đích “đưa văn học và văn hóa Hàn Quốc đến gần hơn với thế giới”, Hội thảo lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, nên nó có tầm quan trọng đặc biệt. Mặc dù ngay sau thủ tục lễ lạc, các vị khách và phóng viên báo chí đã lục tục ra về bỏ lại một phần ba số ghế trống. Nhưng không vấn đề, Hội thảo có báo cáo, có thảo luận phản biện, có chất vấn và trả lời câu hỏi trực tiếp nên nó vẫn có sức thu hút riêng.
Hoạt động chữ nghĩa của tôi không liên quan đến văn học Hàn Quốc, nhưng vẫn được mời với tư cách nhà văn khách danh dự.
2. Tiếp Hong-Thao Nguyen, nghiên cứu sinh Mỹ Đại học University of Iowa, nghiên cứu về chuyển động thơ Việt đương đại: tinh thần và thể nghiệm. Không hiểu ai giới thiệu, cô tìm đến tôi. Hong-Thao hẹn gặp tại Khu Du lịch Bình Quới, trưa mời cơm luôn thể. Tôi nói: về nhà mình để biết nhà luôn đi. Cô nàng không biết tí ti tiếng Việt. Ừa, nhân cơ hội, cho Jaka thực tập luôn. Tôi nói tiếng Việt, Jaka dịch sang tiếng Anh. Phòng khi Đại học Mỹ có giấy mời đột xuất, khỏi lúng túng. 80 năm phát triển thơ Việt với các thế hệ nhà thơ, khác biệt giữa vùng miền, hệ mĩ học, tìm tòi và cách tân, đấu tranh cho cái mới và bảo thủ,… Sau gần hai tiếng đồng hồ thuyết, cô nàng cảm ơn rối rít.
Tôi giới thiệu hai địa chỉ ở Hà Nội để Hong-Thao tìm tới: Phan Huyền Thư và Lê Anh Hoài.
William Noseworthy hẹn dẫn giáo sư của anh qua nhà cơm tối, nhưng tôi bận. Rồi anh chàng cũng bận nốt sau đó, không về Ramưwan được. Đành khất kì sau vậy.
Dương Thu Hằng với một nữ tiến sĩ nữa ở Đại học Thái Nguyên cũng trật Ramưwan. Thu Hằng đăng kí vào Phan Rang từ năm ngoái, bảo phải vào quê Sara thâm nhập không gian văn hóa để có cái gì đó hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận văn Thạc sĩ về hai cuốn tiểu thuyết Inrasara. Kì này đã lên kế hoạch chi li, nhưng rồi Hằng kẹt vì lỡ mang… bầu.
Chả làm gì ra hồn cả. Chỉ lo đính chính ba cái lẻ tẻ. “Thư cho Huyền Minh” đăng trên Phongdiep.net, “Viết ngắn” cho tạp chí Nhà văn, số 7, 2011. Ồ, thây kệ văn chương với thơ phú chứ, sao lại tự biến mình trở thành thứ phản ứng? Đời tôi sa ngã từ bao giờ thế?
Rồi vài bạn Chăm tới hỏi về cuốn sách về ngôn ngữ do tập thể tác giả vừa in. Tôi nói tôi có thấy mặt sách và nhìn lướt qua mục lục, nhưng chưa đọc. Nên, hãy tha cho Inrasara đi. Chả lẽ sống để lãng phí sinh lực của mình cho mấy thứ vặt vãnh này sao?
Bài trả lời phỏng vấn cho Văn Bẩy về Hàng mã kí ức. Đây là bài phỏng vấn đầu tiên ngay khi sách vừa ra khỏi nhà in. Nhưng rồi, bao nhiêu bài nối đuôi nhau xuất hiện, riêng nó thì cứ bị ngâm. Nghe nói trên bảo “đợi có tiếng nói chính thức” đã. Ngâm mãi rồi cũng rục. Hai tháng sau nó ló đầu ở trang nhất: “Lịch sử luôn cần được kể lại”, báo Lao động cuối tuần, số 25, 7-2011. Sau đó in toàn văn trên Vanchuongviet.org, và khác…
* Cùng gia đình Chăm Bàni ở Cwah Patih.
3. Thanh Lê, giảng viên Đại học KHXH và NV Hà Nội, là nghiên cứu sinh ở Nhật thuộc Đại học University of Tsukuba chuẩn bị thực tế vùng Chăm để làm luận văn Cao học về Quan hệ cộng đồng dân tộc và cộng đồng tôn giáo trong vùng xen cư và cộng cư Chăm – Việt, Chăm Bà-la-môn và Bàni, Chăm Islam và khác… Đây là đề tài rất mới và mang tính thực tiễn cao, nên tôi rất hào hứng, như chưa bao giờ hào hứng như thế. Tôi nhắn cô nàng vào Phan Rang trước đi. Gặp bất kì ai mình muốn, theo chỉ dẫn của người quen. Để đảm bảo tính khách quan, và có cái nhìn đa chiều về hiện tượng xã hội này.
Ba ngày sau tôi lên xe về Ramưwan. Cô nàng ăn ngủ ở nhà tôi. Mỗi sáng Thanh Lê đèo tôi đi qua các làng Chăm, tối mịt mới về. Phan Rang, Phú Nhuận, Hiếu Lễ, Chất Thường, Như Ngọc, Hữu Đức, An Nhơn, Hiếu Thiện, Văn Lâm, Thành Tín, Phước Nhơn… Có thể nói, sau thời hàn vi, chưa bao giờ tôi có dịp “điền dã” sâu đậm như thế. Nhiều câu chuyện khác nhau, nhiều suy nghĩ khác nhau, nhiều kiến nghị có khi trái ngược nhau cùng tồn tại trong xã hội Chăm. Một xã hội tưởng yên lành nhưng đầy biến động, tưởng chân chất mộc mạc nhưng tràn suy tư và âu lo.
Lắm lúc tôi ghé vào nhà bà con, “thả” cho Thanh Lê thoải mái đến với các đối tượng.
* Với bạn học cũ Pô-Klong: Kiều Chí – Cwah Patih. Photo Thanh Lê.
Vấn đề nổi cộm:
– 15 người Chăm Bà-la-môn nưgar Paprong theo Islam, là điều lạ nhất.
– Nghĩa vụ quân sự đối với thanh niên Chăm, có miễn dịch như chế độ cũ không? Hay dân tộc thiểu số này cũng phải làm bổn phận công dân, như dân tộc đa số?
– Vấn đề nhà máy điện hạt nhân vẫn cứ là ám ảnh không nguôi. Tại sao Nhật Bản có chiến lược hạn chế tối đa điện hạt nhân? Đức lên kế hoạch chấm dứt hẳn nó vào năm 2020? Sao hai nước tiên tiến nhất về lãnh vực này hành xử như thế? Còn ta thì cứ tiếp tục chương trình…
Anh Thành Ngọc Có Chăm kiều Mỹ về Việt Nam, dặn qua nhà anh dự Ramưwan gia đình. – Em là người đầu tiên anh cho biết tin đấy, – anh nói. 4 giờ chiều tiễn Thanh Lê ra ga về Hà Nội rồi, nên tranh thủ đến sớm. Anh vào làng thăm bà con nên không gặp được, đành chung vui với mấy em anh là bạn học cũ.
4. Chuyện yêu ghét trong cõi người thì mênh mông đại hải, không ai có thể thoát.
Y kể với tôi rằng có bạn trẻ Chăm không ưa nổi tôi, vì tôi “viết chữ Chăm theo Ban Biên soạn”. Đơn giản vậy thôi, dù mới năm trước đó anh chàng từng xem tôi như thần tượng. Tôi bảo Y là hãy bảo bạn đó đọc bài “Tinh thần triết học và vấn đề xã hội Chăm” ở Tagalau 10 thử đi, xem sao. Sara làm việc bốn năm Ban Biên soạn, hỗ trợ Ban này rất nhiều, nhưng xưa nay tôi vẫn viết chữ Chăm theo Từ điển Moussay đấy chứ. Còn nét chữ thì ngay từ năm 16 tuổi tôi viết theo Từ điển Aymonier (trong đám bạn, Ngạt bắt chước lối viết này của tôi). Theo lối này hay nào đó, là thói quen, chủ quan tôi thấy nó gọn và đẹp, chứ tôi làm gì có chuyện chống hay hùa theo ai. Y mới nói:
– À, hén! Anh chàng không biết cei như vậy mà cứ nói tới…
.
Dấn thân vào phê bình hậu hiện đại tưởng là một khai phá thú vị, ai dè nó đã khiến tôi chịu bao nhiêu điều tiếng. Không ít người trong văn giới ghét cay hậu hiện đại rồi ghét lây sang cá nhân tôi.
Một bạn thơ cùng thế hệ Nhóm Mở Miệng, là dân văn nghệ vốn ganh ghét nhau là chuyện miễn bàn, đố tôi dám giơ tay ý kiến. Khi Bùi Chát được Giải thưởng Quốc tế về xuất bản, thì từ ghét chuyển hệ sang đố kị. Vậy là tôi chịu đòn lây. Cây bút trẻ này cứ nhè lưng tôi mà thọc. Đơn giản bởi “ông Sara từng ca ngợi bọn Mở Miệng”.
Nghe bạn văn kể có ông quan to đùng phê phán hậu hiện đại rất hăng, đã lôi đích danh Inrasara ra giữa bàn dân thiên hạ rằng: “một người tài hoa và sáng tạo như Inrasara mà đi ngợi ca hậu hiện đại, tán dương mấy loại thơ không đáng như thơ hậu hiện đại”. Ba, bốn bận như vậy ở vài diễn đàn khác nhau. Ẹ vậy đó.
Rồi Giải thưởng Nhà nước về văn học không dính dáng gì đến tôi, tên tôi cũng không có trong danh sách, và nhất là tôi chẳng chú ý đến nó nữa. Sự việc lùm xùm, vài báo lớn mời tôi có ý kiến, tôi còn từ chối nữa là. Vậy mà khi đâu đó nhắc đến sự “xứng đáng của Inrasara” với Giải này, thì có kẻ lôi hậu hiện đại ra đính kèm đấm lén tôi một miếng. Quái lạ!
Việt Nam thì cứ cộng sổ văn chương vào món độ chính trị như vậy thì làm sao mà đòi nền văn học vươn đến tầm khu vực, nói chi đến thế giới!
Sài Gòn,1-8-2011
* Cá nhân Inrasara nhận rất nhiều loại Giải thưởng khác nhau, trong khi tôi chưa hề nộp đơn hay tác phẩm dự giải. Duy nhất một lần, do bằng hữu thúc vào mông, tôi “làm đơn”, nhưng lại không được. – Thối! Về chuyện đánh đấm trong khu vực Giải thưởng Nhà nước, tạm nêu hai ý kiến tham khảo vui:
Giải thưởng Nhà nước kì trước, nhà văn Dạ Ngân bình luận trên báo Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam, 18-7-2006:
“Có những tên tuổi nổi lên sau năm 1975, thiết nghĩ, đợt này, Giải thưởng Nhà nước không để ý đến họ là sự thiếu hụt của giải. Nguyễn Huy Thiệp với sự đóng góp cho thể loại truyện ngắn thời đổi mới của văn học Việt Nam. Nguyễn Quang Thiều với “Sự mất ngủ của lửa”, giải thưởng Hội Nhà văn, một trong những tác giả đổi mới thơ thành công. Và Inrasara, ngôi sao lấp lánh (trên văn đàn) không chỉ vì là người dân tộc thiểu số. Có dư luận trong đề cử là bình thường, nhưng bỏ sót nhiều gương mặt xứng đáng là không bình thường. Văn chương vốn khắc nghiệt, vì vậy định giá nó cần quang minh, công bằng.”
Giải kì này, TXB bình luận trên Lethieunhon.com, 31-7-2011::
“Ví như Giải thưởng Nhà nước về Văn học đợt này ai cũng biết là dành cho lứa chống Mỹ. Mà những người “đường được” đã được giải lần trước rồi, vậy nên mới có mấy ông bà nào đó lọt vào đề cử. Cãi nhau rối mù cũng chẳng đến đâu vì giải là cơ cấu. Những tên tuổi 5X như NGUYỄN HUY THIỆP, NGUYỄN QUANG THIỀU, INRASARA, TẠ DUY ANH, PHẠM THỊ HOÀI, BẢO NINH… không nghe nhắc tới. Có cho kẹo mấy ông HỘI ĐỒNG cũng không dám nhắc tên chứ nói gì cho giải”.
Thích nhất là nghe Sara kể chuyện.
Thong dong và đầy khoái hoạt!
Nhà thơ Inrasara viết rất THỰC TẾ nè:
“Vấn đề nổi cộm:
– 15 người Chăm Bà-la-môn nưgar Paprong theo Islam, là điều lạ nhất.
– Nghĩa vụ quân sự đối với thanh niên Chăm, có miễn dịch như chế độ cũ không? Hay dân tộc thiểu số này cũng phải làm bổn phận công dân, như dân tộc đa số?
– Vấn đề nhà máy điện hạt nhân vẫn cứ là ám ảnh không nguôi. Tại sao Nhật Bản có chiến lược hạn chế tối đa điện hạt nhân? Đức lên kế hoạch chấm dứt hẳn nó vào năm 2020? Sao hai nước tiên tiến nhất về lãnh vực này hành xử như thế? Còn ta thì cứ tiếp tục chương trình…
Sao quý ông bà không bàn lại đi chê bai chuyện nhà thơ phê bình văn chương, hử? Không phi thực tế à???????????
Đồng ý với Jadar là Chàm mình cần thực tế.
Nhưng 3 điều anh Inra quan sát được và nêu ra rất thực tế: Lò Hạt nhân, Thanh niên Chăm đi quân sự và Islam vào làng Chăm Bàlamôn truyền đạo. Là rất đáng bàn. Ngoại trừ chuyện tôn giáo tôi không dám đề cập. Mà anh Inra cũng ghi nhận chứ không bình luận.
Phải khen là anh Inra nắm thông tin rất nhanh.
Về lò hạt nhân, ông thấy bà con Chăm bất an. Tôi cũng thấy đâu có sai. Ông là trí thức đầu đàn (thì tạm cho là bà con cho như vậy đi), sao ông không giải thích để bà con an tâm? TRí thức Chăm đòi ai vào đó giải thích nữa?
Cháu ông xinh thiệt đó. Con biết làng này gần lò hạt nhân. Con có qua đó một lần rồi. Lần sau chắc con sẽ được gặp mấy cô.
Cảm ơn ông Sara.
Bạn Tèo ơi! Nếu có “tè neng” thì tranh thủ đi nhé vì Lò điện hạt nhân đang tiến hành khởi công rùi đấy (các công trình hạ tầng – tui nghiêm túc)! Tui cũng thấy hai cháu của anh Sara xinh wá nhưng tiếc là tui hơi xấu trai! Cả cái nhà kia nửa cũng đẹp thật, rinh hết vô SG luôn đi nhen, rủi sau này như… Nhật Bản thì toi!
– 15 người Chăm Bà-la-môn nưgar Paprong theo Islam, là điều lạ nhất… Xã hội Chăm chuyển từ 100% Balamon sang 80% thành Islam há chẳng lạ hơn sao?