Sài Gòn, 20-7-2011
Bạn viết Huyền Minh thân mến!
Tôi vừa đọc bài “Thơ Việt – nghĩ vài điều khi vọng nhìn từ 2010 đến nay” của bạn trên báo Điện tử Tổ quốc, Phongdiep.net đăng lại ngày 19-7-2010
Bài viết gây cho tôi vài cái hứng. Hứng, nên/ và viết thư cho bạn viết chưa quen. Đây không là trao đổi học thuật, viết thư cũng chẳng phải chỉ là thư, thư như một cớ, hay đúng hơn một cơ may giúp bạn viết [mà mình hơi có cảm tình, có lẽ] nhìn nhận rõ hơn vài khía cạnh vấn đề. Có vài giải minh cần thiết như sau:
1. Ngay vào bài, bạn viết:
“Tôi vẫn đọc thấy đâu đấy năm 2010 là một năm thơ sôi động, nhiều gương mặt sáng giá… Chỗ khác thì năm 2010 là năm trầm lắng của thơ Việt. Hai kiểu nói nghịch nhĩ ấy, thực ra với thực trạng thơ Việt Nam gần đây, cụ thể là từ 2010 đến nay, thì nói kiểu nào cũng trúng”.
Khiếm danh như thế thì không phiền lòng ai cả. Dù sao thiển nghĩ, viết tiểu luận ta không cần thiết phải vậy. Cần nêu rõ tên tuổi tác giả và xuất xứ bài viết, thì tiện hơn. Đọc qua, ai có theo dõi mấy vụ “tổng kết” thơ Việt năm 2010, hẳn biết “sôi động” là chữ dùng của Inrasara; còn “trầm lắng” đích thị là nhận định của Trần Quang Quý (bài “Trầm lắng thơ năm 2010”, cũng báo Điện tử Tổ quốc, 4-12-2010.
Có thể giới hạn của báo giấy, yêu cầu hạn chế lượng chữ, nên người viết [và bộ phận biên tập] bỏ qua vài thông tin (chú thích); nhưng với báo mạng, mênh mông không gian, thao tác khoa học đảm bảo, thì hay hơn.
Bài “Sôi động thơ Việt Nam năm 2010” đăng báo Văn nghệ trẻ, Tết 2011, thế buộc, tôi cũng đã làm như bạn. Cùng nội dung, “Thơ Việt trong năm 2010”, đăng trên BBC.Vietnamese, 20-12-2010, tôi cũng có tiết chế nhất định, nhưng khi đăng lại trên mạng cá nhân Inrasara.com, 25-12-2010, mọi chú thích đều được phục hồi và đưa ra các chỉ dẫn link cần thiết.
Nếu báo chí ta làm được như vậy, tiện cho độc giả và đỡ khổ cho tác giả biết bao. Tôi nói đỡ khổ, vì bản thân một lần bị mắc nạn oan: rằng tôi lấy ý của người khác mà không chú thích.
Ừa, chỉ là chi tiết nhỏ lẻ có thể rút kinh nghiệm cho kì tới. Nay xin phép bàn vào vài điểm cụ thể.
2. “Sôi động” của Inrasara không là phản hồi “trầm lắng” của Trần Quang Quý. Bài viết của bạn thơ Trần Quang Quý trước đó chỉ gợi cho tôi về ngôn từ. Và không gì khác, không gì thêm. 5 năm qua, tạp chí Tia sáng hay BBC đều có mời tôi “ngoảnh lại” văn chương Việt Nam trong năm. Năm 2010 không là ngoại lệ.
Sôi động, tôi không chỉ nêu “nhiều gương mặt sáng giá” mà là liệt kê 7 yếu tố làm nên sôi động thơ Việt năm 2010. Đó là:
1. Các hội thảo. Hội thảo về Tố Hữu, Chế Lan Viên, Lê Anh Xuân, Trịnh Thanh Sơn… và nhất là Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Vịệt Nam ra nước ngoài.
2. Giải thưởng các loại. Cả tiêu cực lẫn tích cực.
3. Sự kiện gây xôn xao dư luận nhiều chiều và dai dẳng [lắm lúc bị đẩy ra ngoài cõi văn chương] của Thơ đến từ đâu?
4. Các tác phẩm chính lưu. Tuyển tập nhiều tác giả có Bông & Giấy và Thơ Kể. Riêng Mai Văn Phấn là Hôm sau và Đột nhiên gió thổi.
5. Sáu tập thơ xuất bản “vỉa hè” tạo được dư luận.
6. Thơ Trình diễn, thành công và thất bại.
7. Cuối cùng là Hiện tượng Lê Vĩnh Tài và Lưu Mêlan hai tác giả viết mạnh nhất trong năm qua. Ngoài ra còn có: Phạm Tường Vân, Jalau Anưk, Đỗ Trí Vương, Tuệ Nguyên, Đoàn Minh Châu, Tiểu Anh, Nhã Thuyên, Du Nguyên…
Mỗi mục đều đính kèm nhận định ngắn.
Sau cùng tôi kết luận:
“1 năm – 12 tháng – 7 sự kiện, không lấy chi làm nhiều với nền thơ của một đất nước có tiếng là yêu thơ. Chắc chắn nó còn “trầm lắng” hơn nữa – như có người đã nhận định (có chú thích) – nếu ta còn chưa thay đổi lối nhìn cũ, chưa phá vỡ các định kiến cố hữu về thơ và nhất là, nếu ta còn cầm chân thơ bằng nhiều thái độ và hình thức khác nhau. Các hình thức có khi hoàn toàn ở ngoài phạm vi văn học”.
Mươi năm qua tôi theo dõi khá sát sao sự chuyển động của thơ Việt (không chỉ là thơ Việt Nam). Thơ Việt trong nước và hải ngoại, thơ dân tộc thiểu số và dân tộc đa số, của cây bút đã và chưa là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ở trung tâm văn hóa lớn hay vùng sâu vùng xa, của nữ và nam, thơ ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam, tác phẩm in chính thống và in vỉa hè, đăng trên mạng hay in tập,…
Có thể lối điểm danh trên thiếu khuyết hay chủ quan (tôi nêu ngay khi vào bài), hoặc cũng có thể nhận định về mỗi mục chưa chuẩn, nhưng tôi làm việc khá cẩn trọng, điểm danh sự kiện thơ Việt qua cái nhìn tương đối toàn cảnh.
Tôi không bàn về cách làm của Trần Quang Quý, bởi lối “ngoảnh lại” của tôi khác hoàn toàn với anh.
3. Bạn viết:
“… nhìn từ 2010 đến nay, vẫn không thấy một sự kiện gì đáng để nói thơ gây ra chấn động trong đời sống văn hóa dân tộc. Các sự kiện thơ chỉ nóng trong giới thơ, sáng tác, phê bình với nhau chứ ít có ảnh hưởng mạnh tới xã hội”.
Đòi thơ “gây chấn động”, “ảnh hưởng mạnh” đến đời sống văn hóa xã hội thì hơi bị… oan cho Nàng. Chưa ở đâu và chưa thời nào như vậy cả. Nhìn lại [để tiếc nuối] thơ ca thời bao cấp hay thời nào đó xa xôi là hoàn toàn do tưởng tượng. Tưởng tượng thành ảo tưởng mà thôi. “Thời trước làm quan cũng thế a?” – không ít người ảo tưởng thế.
Xin mạn phép trích đoạn tôi viêt cách nay khá lâu: “Còn ai đọc thơ, hôm nay?” đăng ở báo Thơ, số 14, tháng 8-2004:
“Ngay từ những năm sau thế chiến thứ hai, thi ca là thể loại văn chương luôn bị đặt trong tình trạng dự báo tuyệt chủng. Câu nói nổi tiếng của T.W. Adorno: “Làm một bài thơ sau Auschwitz là điều dã man” vang lên như một ám ảnh. Nhưng hơn nửa thế kỉ qua, thơ cứ sống, và sống khỏe nữa. Rồi khi văn hóa nghe-nhìn phát triển lấn át văn hóa-đọc, lần nữa các nhà tiên tri giả chộp lấy cơ hội, lại lớn tiếng tuyên bố tiếng chuông đưa tang thi ca đang được đánh tới hồi cuối.
Cũng phải thôi: có bài thơ nào trong vài chục năm qua gây chấn động dư luận bằng cái chết của công nương Diana? Chưa nói sự chênh lệch cả một hố thẳm tỉ lệ người đọc Y. Bonnefoy với các fan mê cái chân trái đầy ma thuật của Maradona! Tiếp: văn hóa Internet xuất hiện, làm thay đổi cả hệ thống thẩm mĩ văn chương, từ cách viết đến cách tiếp nhận, in ấn lẫn phát hành, liên tục đặt thi ca nói riêng và văn chương nói chung trước một thách thức mới! Năng khiếu nghệ thuật của cá thể cũng chịu sự thách thức dễ gây chán nản cho những đầu óc ngoan cố nhất: qua lập trình phức tạp, máy vi tính có thể soạn nhạc, làm được cả thơ, hơn thế – chưa hẳn là thơ tồi!
Vậy mà thơ cứ sống nhăn!”
Nghĩa là thơ chưa hề gây chấn động xã hội, nhưng nó sẽ chẳng bao giờ… chết.
Tạm đưa vài cái ví dụ:
– Leaves of Grass của Whitman là niềm tự hào của nước Mỹ, thì chuyện ai cũng biết rồi. Nhưng tự hào ấy chỉ xảy ra nửa thế kỉ sau đó, chớ lúc vừa mở mắt chào đời năm 1855, tập thơ cùng với kẻ đẻ ra nó bị hất hủi khắp nơi.
– Une Saison en Enfer (1873) của Rimbaud cha đẻ của Thơ tự do, thi nhân thần đồng [đúng nghĩa thần đồng] đã làm nên cuộc cách mạng thơ thế giới, thân phận cũng không kém.
– Alcools của Apollinaire đầy tràn cái mới, nhưng lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1913, số lượng in có 241 cuốn. Nghĩa là chưa tới phân nửa con số tập thơ của nhà thơ cấp phường ở Việt Nam in ra để… tặng.
3 điển hình “tiên tiến” trên cũng đủ cho ta cái kết luận: Chả thời nào là thời của thơ cả! (câu này là tôi bắt chước Lê Đạt nói lại).
Vậy ở Việt Nam, trong năm nào đó, các sự kiện thơ “nóng” được “trong giới thơ, sáng tác, phê bình với nhau” thôi là đã quý lắm rồi. Phải là nóng đúng nghĩa nóng hổi, chứ không phải nóng giả, nóng ngoài văn chương.
4. Cuối cùng, do Huyền Minh vài lần nhắc đến Martin Heidegger, nên tôi mới hứng mà viết thư. Biết đâu đôi ta cùng hội cùng thuyền, cùng “cư trú gần bên Nỗi Chết”. Ở đây, tôi nhất trí cao với nhận định [chủ quan] của Phạm Công Thiện, rằng Heidegger là tư tưởng gia vĩ đại nhất trong toàn bộ lịch sử tư tưởng nhân loại. Từ tuổi hai mươi, tôi hoàn toàn sống sous le signe de Martin Heidegger. Tôi đọc không sót bất kì mảnh nào của ông, bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Đến hôm nay, ông là tác giả duy nhất tôi còn say sưa đọc lại.
Bởi sống dưới dấu hiệu Martin Heidegger, cho nên dù phân loại nhà thơ thành 3 loài: Người làm vần phục vụ đại chúng; Nhà thơ tiếp hiện tiếp nhận và thể hiện các thành tựu gần, sáng tác vừa với tầm mong đợi horizon of expectations của đại đa số độc giả, và Nhà thơ sáng tạo là kẻ luôn trên đường phiêu lưu khai phá, thay đổi và làm mới – tạm phân loại như thế để làm cuộc “Hóa giải và hòa giải ba loại nhà thơ hôm nay” (tạp chí Sông Hương, số 6-2010)-, thế nhưng tôi vẫn nghĩ khác.
Và dù ưu ái loài Nhà thơ sáng tạo, tôi vẫn coi đó là những cuộc phiêu lưu vô vọng.
“… làm sao có thể cứu thơ ca ra khỏi các cuộc phiêu lưu kia?
Khác đi, câu hỏi cần đặt ra là: Làm thế nào để cứu vãn “những quan điểm” về thơ và nhà thơ? Nghiêm xác hơn nữa: Làm thế nào để giải phóng mọi quan điểm, mọi tư tưởng [bằng] biểu tượng representational thought (chữ của Heidegger) về thơ, để thơ không còn là đối thể, như là một bộ môn văn hóa, mà là thuộc con người? Đó là câu hỏi lớn. Chỉ có trên một giải minh nền tảng, thơ bấy lâu chìm khuất bóng tối mới tìm thấy khoảng sáng chiều kích của nó trong tương quan với con người, qua đó chúng ta mới có thể đặt lại câu hỏi: Thơ là gì?
Tra vấn thơ là gì, chúng ta cần đặt câu hỏi ngôn ngữ là gì? Câu hỏi ngôn ngữ là gì cũng phải được đặt trên nền tảng câu hỏi khác nữa: Thế nào là thể tính con người? Và con người cư lưu như thế nào trên mặt đất này? Hay có thể đẩy câu hỏi xuống tầm thấp đầy hàm hồ và quen thuộc hơn nữa: Đâu là ý nghĩa cuộc đời? Thường thì người ta dễ chấp nhận mục đích được chọn ngẫu nhiên hay đầy tính toán rồi đem gán vào cuộc đời để tạo thành ‘ý nghĩa’. Càng nhiều mục đích càng tốt, mục đích càng cao cả thì càng ‘ý nghĩa’, thành công càng lớn càng quý. Con người vẫn cứ bị vướng kẹt trong vòng xoáy của tư tưởng biểu tượng”.
À, thư đã dài. Kết tại đây thôi bạn viết Huyền Minh nhé.
Chúc bạn viết an lành và nhiều hứng thú sáng tạo.
Thân mến
Inrasara
Nhà thơ Inrasara luôn là người bình tĩnh minh giải vấn đề, siêu là vậy đó. Và anh đã bàn thì đâu ra đấy. Tác giả biết chuyện phải lắng nghe, và thấy được thì sửa.