Chẳng có gì trầm trọng cả. Trong giai đoạn khốn cùng của lịch sử, những lúc chìm tận đáy đau khổ và tuyệt vọng, Chăm vẫn biết cười. Cả tôi cũng vậy. Ở mọi nơi tôi đến, tôi cứ nhận mình là Chăm – khoái hoạt! Tôi không cho Chăm ngon hơn dân tộc nào đó, cũng không phải thông minh hơn, cao đại hay ưu việt hơn. Tôi không hiểu tại sao mình khoái hoạt. Cũng chả thấy cần thiết phải tìm hiểu tại sao. Còn nếu có ai đó chối mình là Chăm, thay tên hoặc dùng dao lam cạo họ Chăm trên thẻ căn cước, là quyền của họ. Tôi không quan tâm sự chọn lựa đó. Khi chọn lựa là có sự tính toán lui tới, thiệt hơn. Tôi, không! Tôi yêu thương, vô ngại trong tình thương. Giữa cao ốc Sài Gòn toàn Kinh hay trong chòi rách gia đình Miên miền Tây, tôi vẫn sự sự vô ngại. Một bạn văn ở Úc lần ghé nhà tôi chuyện bao đồng, đùa là “tôi thấy Sara rất hãnh diện khi kể mình có bà vợ hơn tám tuổi”. Ông đúng. Tôi kể nó một cách vui vẻ, khoái hoạt. Vậy thôi. Hầu như tất cả mọi chuyện, tại bất kì đâu, với bất kì ai. Trước hội trường nghịt người hay chỉ với vài bạn thâm giao. Hoặc tôi thoải mái ở đó, hoặc tôi bỏ đi. Tôi không bao giờ mặc cảm hay ức chế điều gì đó.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình khổ cả.
Inrasara, “Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn & thơ”