Tiếng Chăm của bạn: Tiền tố M trong tiếng Chăm

Ngôn ngữ là chuyện dễ mà khó. Cực kì khó nữa.

Quang Cẩn kể hai năm trước, có nhà nghiên cứu Chăm ghé anh. Qua trao đổi, anh mới hay rằng nhà nghiên cứu nọ không hề biết tiếng Chăm có tiền tố prefix, trung tố infix… Anh thấy lạ vô cùng. Lạ, không phải vì nhà nghiên cứu kia không biết, mà chính bởi nhà đó hay nói, hay bàn về ngôn ngữ.

Chuyện không hiểu vấn đề chuyên môn nào đó, thì chẳng có gì đáng nói cả. Kiến thức mênh mông, biết được một phần triệu trong số chúng đã là ngon rồi. Đi sâu vào chuyên môn thì càng khó khăn hơn nữa. Nên khiêm tốn là hay nhất. Và khôn nhất.

Hơn 20 năm trước lúc tôi khi đang còn làm nông dân ở quê nhà, có ông bạn ghé tôi nói chuyện về ngôn ngữ. Tôi không ngờ anh không phân biệt được M trong hai chữ “Mưtai” và “Mưtian” trong tiếng Chăm. Anh nói: thì đó là lang likuk như nhau thôi. Tôi hỏi thêm:

– Tôi muốn nói về chức năng tạo từ của nó.

Anh im lặng. Vậy mà lúc đó anh đang “soạn” từ điển Chăm – Việt!

 

Lỗi không phải ở anh, mà ở ông trời sinh ra cái tính của anh: không biết cũng nói.

Cả tôi hay các bạn cũng thế. Nếu chúng ta không phân biệt được chia tiết nào đó trong ngôn ngữ mẹ đẻ, mà chúng ta biết học im lặng, thì đỡ lắm. Chúng ta sẽ cùng học…

 

1. MƯ chỉ là âm tiết đầu trong từ đa tiết. Nó không có chức năng tạo từ.

Ví dụ:

Mưtai: chết; mưyaw: con mèo – 2 âm tiết.

Mưlikam: bao, vỏ, da – 3 âm tiết.

Mưhexarai: hoàng đạo – 4 âm tiết.

 

2. MƯ là một hình vị có nghĩa “mang chứa”, “có”, “bao gồm”.

Mư + tian (bụng) = mưtian: có bụng, chửa

Mư + gru (thầy) = mưgru: học (có khả năng làm thầy)

Mư + pauh (đập) = mưpauh: đánh [nhau]

Mư + anưk (con) = mưanưk, mưnưk: đẻ con

Mư + bauh (trứng) = mưbauh: đẻ trứng

Mư + grơk (kên kên) = mưgrơk: có dáng như kên kên

Mư + ngap (làm) = mưngap: làm bộ…

 

Hình vị MƯ kết hợp với một từ có ý nghĩa, để tạo thành một từ khác mang nghĩa tương đương (bao hàm, mang chứa…). Phân tích dễ thấy nhất:

Nhim: mượn – là từ đơn tiết

Mưnhim: dệt – cũng có chữ cái MƯ đứng ở đầu. Thế nhưng,

MƯ trong Mưnhim không phải một hình vị có chức năng tạo nghĩa, mà chỉ là âm tiết đầu trong từ hai âm tiết là MƯNHIM. Bởi từ “mượn” và “dệt” không có liên quan ngữ nghĩa với nhau.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *