Đã đăng tạp chí Thơ, 5-2011
THÁP NẮNG
Biết mấy trăm năm rồi tháp đứng
biển bên kia và cát bên này
biết mấy vạn đời rồi tháp nắng
trên đồi hoang như dấu lặng phơi bày
Không một bụi cây, không một làn mây
bao la nắng và mênh mông cát
âm thanh câm, thời gian vắng mặt
trắng không gian đậm đặc tư bề
Không có một bài thơ ca ngợi
không có lấy một lời ca ngợi ca
tháp vẫn đứng miệt mài với nắng
trong hoang mạc lòng nhân gian lạnh
Chuyến xe Sài Gòn – Phan Rang tôi đi lại quá trăm lần
tháp có đó, tôi vờ như không có
thoáng sát-na không gian bừng vỡ
hiện nguyên hình
tháp nắng
thênh thang.
Phan Rang, hè 1996
Tháp cổ của đồng bào Chăm, hay Chiêm Thành xưa, bây giờ đã trở thành tài sản văn hoá vô giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hơn thế, cũng đã từ mấy năm rồi, quần thể di tích tháp cổ Mỹ Sơn (Quảng Nam) đã thuộc về tài sản văn hoá của toàn nhân loại, được trùng tu, ít nhiều trả lại “nhan sắc” cho từng ngôi tháp cổ. Ấy là chưa nói việc vẫn đang tìm kiếm, phát hiện những chòm tháp đã và đang tàn phế, còn lẩn khuất đâu đó trong rừng hoang, trong gạch đá điêu tàn vì vô số những lý do khác nhau, kể cả “tuổi già”, kể cả chiến tranh giặc dã triền miên… Như thế, đã là một sự tôn vinh xứng đáng đối với những sáng tạo tuyệt mỹ của cha ông để lại, khiến chúng ta rất đỗi tự hào!
Đã khá nhiều thơ ca viết về tháp cổ dọc duyên hải miền Trung trong những năm gần đây. Chính nhà thơ quá cố nổi tiếng Chế Lan Viên (Phan Ngọc Hoan) hình như đã sáng tác cả một tập thơ đầu tay về đất nước Chiêm Thành xưa, với niềm yêu mến xót xa thành kính. Kẻ viết bài này, dẫu tài hèn sức mỏng, cũng có cơ may hơn vài chục năm sinh sống, qua lại ở vùng đất giàu trầm tích văn hoá này, lại còn viết không dưới năm bài thơ về tháp cổ, về đất và người nơi đây, như một niềm biết ơn sâu nặng.
Nhà thơ Inrasara (Phú Trạm) chính là hậu duệ của người Chăm. Và cũng chính anh đã góp nhiều công sức và tâm huyết để có thể ít nhiều làm sống lại, đồng thời tôn vinh tài sản tinh thần vô giá của dân tộc mình, sau những biến thiên thăng trầm của lịch sử. Bài thơ “Tháp nắng” viết năm 1996 tại Phan Rang của Innasara chính là một chút nỗi niềm trăn trở của anh trước hiện hữu những tháp Chàm cổ kính dọc miền Trung đang “héo” dần đi với thời gian, với sự thờ ơ vô cảm của người đời…
Mở đầu “Tháp nắng”, nhà thơ người Chăm chính hiệu viết: “Biết mấy trăm năm rồi tháp đứng / biển bên kia và tháp bên này / biết mấy vạn đời rồi tháp nắng / trên đồi hoang như dấu lặng phơi bày”…
Đó chính là vài chấm phá về tháp cổ, sừng sững giữa không gian nắng gió Phan Rang, bên mép sóng đại dương, đã tồn tại mấy ngàn năm, “mấy vạn đời”, vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” trên đồi hoang, như một “dấu lặng phơi bày”! Một liên tưởng chính xác và đầy gợi cảm, về những ngọn tháp như những “dấu lặng” đang tạc vào trời xanh, điểm xuyết thêm cho bức tranh thiên nhiên một nét kỳ thú. Chính nhạc sỹ- thi sỹ Văn Cao khi qua đây, cũng để lại một câu thơ bất hủ “Từ trời xanh / rơi / vài giọt tháp Chàm”… Đấy là đặc sắc của miền Trung, ai qua đây, phải ngước nhìn lên mới thấy. Lại cũng phải là thi nhân, hoặc những ai có tâm hồn thi sỹ, mới có thể cảm nhận, cảm thấu được chiều sâu thi tứ của đất trời mà người xưa ban tặng.
Khổ thơ tiếp đó, tả quang cảnh xung quanh chòm tháp: “Không một bụi cây, không một làn mây / bao la nắng và mênh mông cát / âm thanh câm, thời gian vắng mặt / trắng không gian đậm đặc tư bề”. Tháp Chàm đứng cô đơn giữa “tư bề” nắng, tư bề gió, tư bề cát, tư bề hoang lạnh. Không gian như đặc quánh lại, như bạc phếch ra. Thời gian như ngừng trôi, như “vắng mặt” và trong veo trời xanh, xanh đến kiệt cùng khô khát. Chỉ với những hoạ tiết giản lược, những mảng màu chói gắt, mà vẽ lên bức tranh thiên nhiên giàu ngôn ngữ biểu cảm, đủ thấy cái hoang lương, cái khốc liệt dữ dằn của Phan Rang. Tháp Chàm vẫn đứng đó, đối lập, kiêu hãnh, thách thức, bền gan chống chọi với thiên nhiên, với sự huỷ diệt lạnh lùng…
Nhưng thiên nhiên, dẫu khốc liệt, dẫu có sức mạnh tàn phá ghê gớm như thế, cũng chưa hẳn đã là tất cả. Còn có một sự huỷ diệt đáng sợ hơn, đáng buồn hơn, đó chính là sự vô tâm vô cảm của con người trước báu vật của tổ tiên. Nhà thơ Phú Trạm đã phải lên tiếng cảnh báo bằng những câu thơ nặng trĩu u hoài: “Không có một bài thơ ca ngợi / không có lấy một lời ca ngợi ca / tháp vẫn đứng miệt mài với nắng / trong hoang mạc lòng nhân gian lạnh”!
Kết thúc bài thơ “Tháp nắng”, tác giả viết:
“Chuyến xe Sài-Gòn – Phan Rang tôi đi lại quá trăm lần
Tháp có đó, tôi vờ như không có
Thoáng sát-na không gian bừng vỡ
Hiện nguyên hình tháp nắng thênh thang”
Trên kia là cảm quan chung rộng lớn, xung quanh tháp Chàm bé nhỏ, điêu tàn hoang lạnh, mà vẫn đứng đó hát mãi với trời xanh. Kết thúc là những suy tư “phản tỉnh” của tác giả, như lời tự thú của một tội đồ về tội lỗi của chính mình. Là hậu duệ của tiền nhân, thừa hưởng báu vật của người xưa để lại, biết rằng “Tháp có đó, tôi vờ như không có”. Chữ “vờ như” là một hình dung từ rất hay, chứa rất nhiều nội hàm tâm tưởng. Một nỗi đau thầm kín xa xôi. Một chút bùi ngùi tui tủi trước tháp Chàm sừng sững thiêng liêng. Một xao xuyến chân thành, có phần xa xót, được dấu đi trong cái vẻ ngoài tưởng như vô cảm, với cái “tôi vờ như” quá nhỏ bé và dường như bất lực trước việc đời như núi… Và thật bất ngờ, “không gian bừng vỡ” trong một thoáng sát-na, một lát cắt thời gian màu nhiệm vô cùng rực rỡ, như thể nhìn rõ hào quang phát ra từ tháp nắng thần thánh lung linh kỳ ảo. Tứ thơ khép lại ở một chớp sáng bất ngờ, chói sáng lên như một niềm kiêu hãnh và tin tưởng “thênh thang”!
“Tháp nắng” là một bài thơ giàu ý tưởng sâu xa, được trải ra với một tấm lòng chân thực. Những di sản thiêng liêng và quý giá của người xưa vẫn đang còn đứng đó, yểu điệu với trời xanh, như một lời nhắn gửi của tình yêu bất tử. Ngôn ngữ thơ giản dị, có phần chân mộc, mà tình thơ uẩn xúc, ngổn ngang những va đập “tư bề” tâm trạng.
Một bài thơ hay, đôi khi chỉ là xao động sóng ngầm, chợt bừng sáng lên ở những điều chưa nói. “Tháp nắng” của Inrasara là một bài thơ như vậy!
Hà Nội Xuân 2011