1. Nét đặc trưng trong gia đình mẫu hệ Chăm
Người Chăm thuộc chế độ gia đình mẫu hệ.
Tất cả đám cưới, đám tang hay phong tục tập quán đều theo họ mẹ.
Người con trai Chăm lấy vợ, theo vợ về nhà cha mẹ bên vợ, sống ở đó cho đến mãn đời. Vài chục năm qua, theo xu thế mới, đôi trẻ có thể tách ra ở riêng nhưng họ vẫn sinh hoạt theo phong tục tập quán bên đàng gái.
Đó là nét riêng chính yếu nhất của chế độ gia đình mẫu hệ Chăm.
Nét riêng này thế hiện rõ nhất qua đám tang. Khi mất, tất cả những người đàn ông Chăm đều trở về nằm trong nghĩa trang tộc mẫu, Kut của người Chăm Bà-la-môn hay Ghur thuộc Chăm Bàni.
Một điều nữa cũng không phải không đáng chú ý là, chế độ gia đình mẫu hệ ấy rất biết đùm bọc nhau. Đùm bọc thì gia đình nào của bất kì dân tộc nào là chuyện đương nhiên. Riêng với người Chăm, 20 năm trở về trước, xã hội gia đình mẫu hệ này không có hiện tượng ăn xin hay đĩ điếm, là điều rất đáng trân trọng. Một xã hội rất ít xảy ra hiện tượng li dị, nếu có, dù tài sản vẫn được phân chia đồng đều thì người đàn ông Chăm vẫn vui vẻ giao lại tất cả cho người vợ để nuối nấng con cái bằng chị bằng em.
Đất nước đổi mới, chế độ gia đình mẫu hệ Chăm có vài biến thái nhất định, nhưng các đặc trưng truyền thống ấy vẫn được lưu giữ khá đậm nét.
2. Về hôn nhân ngoại tộc
Hai mươi năm qua sau khi đất nước đổi mới, môi trường nông thôn ở quê Chăm hoàn toàn bị phá vỡ. Hàng ngàn thanh niên Chăm tràn vào thành phố lớn kiếm việc làm, con số tăng mỗi ngày. Ở quê, quá trình đô thị hóa ngày càng hiện ra rõ mồn một: người thì đông mà ruộng đất thì teo.
Lứa thanh niên này từ thành phố đi về quê nhà trong các ngày nghỉ hay lễ hội mang theo chúng những nếp sống mới lạ học được từ đô thị. Trong đó có hôn nhân ngoại tộc.
Toàn cầu hóa, hôn nhận ngoại tộc là xu thế chung của thời đại, không thể tránh.
Hôn nhân ngoại tộc của người Kinh với các dân tộc khác trong đất nước Việt Nam hay người nước ngoài, hoặc người Chăm với người Kinh hay các dân tộc khác. Muốn hay không đã không còn theo ý ta hay của bất kì cơ quan nào đó, bởi – không ai có thể ngăn cản. Điều quan yếu là làm thế nào để đôi trẻ hòa hợp trong cuộc sống gia đình mà không mất đi bản sắc văn hóa dân tộc của hai phía.
Với xã hội Chăm, quá trình đô thị hóa quá đột ngột. Đột ngột đến thanh niên thiếu nữ Chăm đã không được chuẩn bị một hành trang tối thiểu. Nhất là với hàng con cháu học vấn còn chưa qua trình độ phổ thông, họ càng chưa được chuẩn bị.
Chưa được chuẩn bị về tâm lí cũng như kiến thức, họ gặp nhau, yêu nhau rồi đi đến quyết định xây dựng gia đình. Xung đột văn hóa là nguy cơ khó tránh khỏi, từ đó sinh ra ức chế tâm lí. Chính tại nơi đây xảy ra hai hướng chọn lựa: hoặc chấp nhận đổ vỡ, hoặc một trong hai phải chọn một bên để cùng đi đến hòa hợp. Chính nơi ấy, phần thiệt thòi thường thuộc về phía yếu, phía thiểu số.
Như vậy đôi trẻ ấy được gì? Thay vì làm phong phú tâm hồn và cuộc sống đôi lứa, họ đánh mất sự đa dạng văn hóa. Sự đa dạng mà cha mẹ hai bên đã tiếp nhận từ tổ tiên họ.
Hôn nhân ngoại tộc hay hôn nhân hợp chủng là hiện tượng xảy ra từ lâu với thế giới, ở đó không ít cặp bởi được chuẩn bị kĩ từ đó họ đã làm nên cuộc hòa hợp tốt lành. Tình trạng này ở Việt Nam mới xảy ra vài chục năm nay, vấn đề không phải là nên hay không nên, mà là giáo dục để các bạn trẻ thuộc nhiều dân tộc khác nhau cái quyền tự do chọn bạn đời, xây dựng gia đình hạnh phúc, tôn trọng nhau và nhất là không đánh mất đi di sản văn hóa tinh thần quý giá từ hai bên.