Chương trình giao lưu văn hóa: Đài VOV2

Chương trình giao lưu văn hóa

Đài Tiếng nói Việt Nam, hệ VOV2

Giao lưu với Amư Nhân, Inrasara và Ngô Văn Doanh

Phát vào 5h30 và 12h30  ngày 5-6 -2011.

Nôi dung về Tinh thần nhân văn của Hồ Chí Minh, về ca khúc “Làng Chăm ơn Bác”, về vai trò phụ nữ Chăm trong gia đình.

Đây là nguyên văn phần của Inrasara

Hoàng Thu Thùy thực hiện

1. Chào nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Chăm Inrasara! Thưa anh, nếu được nói về ca khúc “Làng Chăm ơn Bác” của nhạc sĩ Amư Nhân, anh có thể nói điều gì trước tiên?

Inrasara: Trong giai đoạn đầu xuất hiện, có thể nói chính bài hát “Làng Chăm ơn Bác” đã khẳng định tên tuổi của Amư Nhân, từ đó anh có cảm hứng sáng tác nhiều ca khúc khác, ra nhiều album và tập nhạc đặc sắc khác. Bên cạnh “Làng Chăm ơn Bác”, các bài như “Tiếng trống hội Katê”, “Apsara Vũ nữ Chăm” được phổ biến rất rộng trong cộng đồng Chăm, và được công chúng ngoài Chăm biết.

– Xin nhà thơ cho biết thêm về ca khúc này và tấm lòng của bà con Chăm đối với Bác khi nghe bài hát? Lời hát của ca khúc trên đã đi sâu vào lòng đồng bào dân tộc mình như thế nào ạ?

Inrasara: Riêng ca khúc “Làng Chăm ơn Bác” được các ca sĩ chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư trình bày và trình bày thường xuyên trên sân khấu nhà quê vào các dịp lễ hội hay nhiều lúc trên đồng ruộng sau giờ lao động nhọc mệt. Khi họ hát nhiều như vậy là họ đã yêu thích bài hát. Sự yêu thích này chứng tỏ tác phẩm đã đi sâu vào lòng đồng bào. Còn đi sâu như thế nào thì đó là mỗi người mỗi cảm nhận riêng. Nó thể hiện hàng ngày qua âm điệu, qua cách luyến láy đặc thù hay qua sự gởi hồn vào giai điệu của ca khúc ấy…

2. Thưa anh, vậy thì tư tưởng của Bác Hồ đã ảnh hưởng thế nào đối với tư cách một nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc như anh?

Inrasara: Có thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng mở. Tư tưởng nhấn vào sự bảo tồn nền văn hóa dân tộc, đề cập vừa sâu sắc vừa nền tảng về văn hóa dân tộc cũng như các vấn đề của người dân tộc thiêu số.

Về tư tưởng của Bác Hồ, tôi chỉ xin nêu một ví dụ nhỏ. Trong một lần đi thăm trường Trung học ở vùng Việt Bắc, thấy các cháu học sinh mặc đồng phục chung chung, Bác Hồ có hỏi hiệu trưởng: – Đây là trường người Kinh à? Hiệu trưởng trả lời: – Dạ thưa Bác, là trường dân tộc thiểu số ạ. – Vậy sao các cháu đều mặc quần áo Kinh? Hiệu trưởng nín lặng…

Đó là tư tưởng của Bác Hồ. Một điểm nhỏ thôi mà đã nói lên được rất nhiều điều. Tư tưởng ấy luôn nhấn vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc. Điều đó nói lên tính nhân văn sâu sắc của tư tưởng Bác. Tôi với tư cách nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc và người hoạt động xã hội đã rất trân trọng tinh thần nhân văn ấy. Bác muốn nhắn nhủ với cộng đồng các dân tộc, đến chính quyền địa phương hay Trung ương về chính sách đại đoàn kết dân tộc …

3. Được biết người Chăm theo chế độ mẫu hệ, do đó vai trò của phụ nữ là rất quan trọng. Nhà thơ có thể nói cho các bạn nghe Đài biết về phần tinh túy nhất của chế độ này…

Inrasara: Người Chăm có câu tục ngữ về điểm này: Likei di bơng mưsuh, kamei di bơng mưnưk- Phận của đàn ông là chiến đấu, Phận của đàn bà là sinh nở. Cũng có thể hiểu: Đàn ông ở vị thế chiến đấu, đàn bà ở vị thế sinh đẻ.

Nghĩa là phận của đàn bà là sinh nở, vậy hãy để cho họ cai quản gia đình. Đây là quyền lợi và nghĩa vụ cao cả của họ. Riêng phía nam giới, hãy trang bị cho họ đầy đủ vũ khí sắc bén để họ lăn xả vào cuộc chiến lớn hơn, khốc liệt hơn. Nói khác đi, hãy để cho họ toàn quyền cai quản xã hội. Do đó ta thấy, chị em đã chấp nhận hi sinh, ẩn mình cho và dưới vinh quang của chồng:

Hadiip krah ngap hadah bbauk pathang – Vợ sáng làm sang mặt chồng

Chính dưới tinh thần này mà Bà tổ ấm Quê hương đã soạn nguyên một tập gia huấn ca Kabbon Muk Thruh Palei dạy cho phụ nữ Chăm. Từ việc thêu thùa, bếp núc đến chuyện tổ chức gia đình; từ đối xử với người ở, chồng con, đến các vị khách của chồng; từ ruộng nương đến buôn bán, từ sản xuất đến tiết kiệm… tất cả chỉ cho con được vui sướng, chồng được mở mặt mở mày ngoài xã hội.

Theo tôi, mươi năm trở về trước, hiện tượng không có đĩ điếm, ăn xin trong xã hội Chăm là một sự lạ. Đó chính là ưu điểm lớn nhất của chế độ mẫu hệ Chăm. Bởi chế độ mẫu hệ Chăm ít cho phép phụ nữ rời bỏ làng – nói khác đi là rời bỏ kut (hay ghur). Adat drei kamei khik sang (phận gái giữ nhà).

Hai mươi năm qua, thế giới thay đổi nhiều, xã hội Chăm nói chung và chế độ gia đình mẫu hệ Chăm nói riêng cũng đã có nhiều thay đổi. Mấy ngàn người nữ Chăm vào thành phố tìm việc; họ biết vào xưởng máy làm công nhân thay vì bám đồng ruộng. Trong giới chị em Chăm. bác sĩ, y sĩ, kĩ sư, giáo viên cấp ba… không còn là chuyện hiếm. Họ vừa để cho các ông đi vào xã hội, vừa tự cho phép mình cùng tham gia gánh trách nhiệm cộng đồng.

 

4. Cả trong gia đình của nhà thơ cũng vậy sao? Tôi nghe nói ở làng quê anh, anh đã dựng lên Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm lấy tên vợ mình, phải chăng đó cũng là một cách?

Inrasara: Đúng vậy. Năm 2010, chúng tôi vừa khai trương Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani tại quê làng Caklaing – Ninh Phước – Ninh Thuận. Inrahani là tên vợ tôi, cũng là giám đốc Cty Thổ cẩm Chăm. Nhà Trưng bày gồm 4 gian. Gian 1 trưng bày các bức tượng cổ nổi tiếng sao bằng chất liệu nguyên ủy là đá sa thạch, các bản sách cổ Chăm, các ảnh tháp Chàm, nhạc cụ và đồ dùng cúng tế. Gian 2 có chiếc xe trâu cổ, là một trong ba chiếc còn lại tại Việt Nam, nông ngư cụ, dụng cụ săn bắt, gốm Chăm, vân vân. Gian 3 trưng bày thổ cẩm và y phục Chăm. Gian 4 là Tủ sách INRA với 5.000 bản sách phục vụ cho mọi lứa tuổi độc giả.

Đây có thể gọi là bảo tàng mở, phục vụ cho cộng đồng mà không thu phí, mở cửa từ sáng đến tối, có người thuyết minh. Một cô sinh viên về quê có thể tạc vào nghiên cứu cho khóa luận, một anh nông dân đi ngang qua ghé vào xem mà chẳng vấn đề gì, các cháu học sinh cấp Hai tranh thủ giờ rỗi cũng có thể tạc vào đọc mươi trang truyện tranh…

Tôi nghĩ nó cần thiết. Để người dân tộc có thể hiểu khái quát văn hóa dân tộc mình, bên cạnh các dân tộc có thể hiểu nhau hơn, từ đó xây dựng sự cảm thông giữa cộng đồng rộng lớn là dân tộc Việt Nam.

 

Độc giả có thể  nghe ở đây http://www.trungtamamthanh.com/VOV2.asp


One thought on “Chương trình giao lưu văn hóa: Đài VOV2

  1. Em đã nghe chương trình này. Anh S trả lời rất thông minh.

    Inrasara: “Có thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng mở. Tư tưởng nhấn vào sự bảo tồn nền văn hóa dân tộc,đề cập vừa sâu sắc vừa nền tảng về văn hóa dân tộc cũng như các vấn đề của người dân tộc thiêu số.

    Về tư tưởng của Bác Hồ,tôi chỉ xin nêu một ví dụ nhỏ. Trong một lần đi thăm trường Trung học ở vùng Việt Bắc,thấy các cháu học sinh mặc đồng phục chung chung,Bác Hồ có hỏi hiệu trưởng:–Đây là trường người Kinh à? Hiệu trưởng trả lời:–Dạ thưa Bác,là trường dân tộc thiểu số ạ. –Vậy sao các cháu đều mặc quần áo Kinh? Hiệu trưởng nín lặng…

    Đó là tư tưởng của Bác Hồ. Một điểm nhỏ thôi mà đã nói lên được rất nhiều điều. Tư tưởng ấy luôn nhấn vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc,bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc. Điều đó nói lên tính nhân văn sâu sắc của tư tưởng Bác. Tôi với tư cách nhà văn,nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc và người hoạt động xã hội đã rất trân trọng tinh thần nhân văn ấy. Bác muốn nhắn nhủ với cộng đồng các dân tộc,đến chính quyền địa phương hay Trung ương về chính sách đại đoàn kết dân tộc“…

    Anh S nói tư tưởng Bác là tư tưởng mở nhưng rất dân tộc.
    Sau đó nửa thế kỉ, tổng thống Hàn nói về tư tưởng này, đó là chủ nghĩa dân tộc mở Open nationalism. Bác Hồ lớn là vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *