Kinh nghiệm về biên tập hay Ý kiến nhỏ về vấn đề lớn

Inrasara: Kinh nghiệm về biên tập hay Ý kiến nhỏ về vấn đề lớn

1. Định kiến rất khó thay đổi, ngay cả với người hãy còn trẻ. Lạ là người trẻ tuổi cũng mắc phải không ít định kiến.

Không đề cập định kiến về dân tộc, tôn giáo hay chính trị là điều quá nhiêu khê, ở đó chỉ có hàng đạt đạo mới vượt bỏ được. Phạm vi hẹp hơn, định kiến về cá nhân con người liên quan đến quyền lợi hay chuyện hỉ nộ ái ố khó thay đổi đã đành, mà cả phạm trù cái đẹp thôi, muốn thay đổi định kiến cũng rất khó khăn.

Văn chương thơ phú chẳng hạn.

Có người nữ Chăm chưa qua tuổi hai mươi, làm được ba bài thơ đầu đời. Cô gửi nhờ tôi giúp đăng tuyển tập, nhắn cei biên tập giùm cháu luôn nhé. Thế là tôi vô tư tác nghiệp, đinh ninh rằng sẽ không việc gì cả. Sách phát hành, cô nàng phone trách tôi là sửa sai ý cô. Tôi thừ người ra một lúc. Và bật hiểu. Tôi nói chống chế: – Nếu không biên tập thì không qua được cửa nhà xuất bản, bạn à.

Tạp chí mời tôi chọn năm bạn thơ Chăm cho tuyển, tôi nhắn lời mời chung. Một bạn thơ đồng môn xưa gửi mười bài thơ cho tôi kèm lời nhắn: – Tuyệt đối không sửa bất kì chữ nào. Tôi đọc kĩ mươi bài thơ và thấy chúng vương vướng đâu đó, nhưng tôn trọng ý bạn, tôi nghiêm túc chấp hành. Thế là thơ bạn ấy bị Ban biên tập loại đầu tiên.

Năm ngoái, một nhà thơ Việt đã thành danh nhờ tôi đọc bản thảo thơ mới nhất của bạn, với lời đề nghị: – Sara thì vĩ đại rồi, anh cứ xem kĩ và biên tập giúp nhé. Rút kinh nghiệm, tôi cẩn thận góp lời. Chú ý: không sửa, không biên tập mà chỉ đánh dấu lưu ý các cụm từ sáo, các câu mang hơi hướng thơ người khác, các tứ cũ mòn… Nhận bản thảo, bạn vồn vã cảm ơn và hứa xem kĩ lại. Cuối cùng, bạn thơ muôn vàn thương mến đó bỏ qua tất tần tật công khó của quý ngài vừa lên chức quan thơ là… tôi.

Từ đó, tôi quyết: KHÔNG biên tập, góp ý bất kì bài thơ nào của bất kì ai, dù đó là người mới tập sự viết hay nhà văn danh tiếng, dù quen thân hay sơ.

 

2. Về lời kết trong công trình Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú đang gây dư luận, bạn văn Trần Can vui tính và chưa đụng trận (có lẽ) nên đã tạm “diễn nôm” như thế (xem mục Phản hồi). Chứ tôi thì không. Tôi nói qua một lần rồi, đọc đoạn văn đó khi còn ở bản thảo, tôi nghe lấn cấn nên nhắc Hồ Trung Tú xem lại (chú ý: tôi và Hồ Trung Tú chưa hề quen biết; sau đó 4 tháng có dịp ra Đà Nẵng chúng tôi mới gặp mặt cà phê cùng vài bạn văn đồng hương trong non 15 phút). Còn anh có “xem lại” hay không thì đó là chuyện riêng.

Tôi nghĩ mỗi người viết có suy nghĩ riêng về vấn đề nào đó, có lối diễn đạt riêng. Và họ trách nhiệm về ý kiến cũng như văn phong của mình.

Đó là nói chuyện tác phẩm cá nhân. Ngay đặc san Tagalau, tôi tôn trọng tối đa ý kiến và văn phong của cộng tác viên. Vừa qua, nhận bài của hai bạn trẻ, BBT nhận xét đó là tiểu luận rất khá. Tôi chấp nhận ngay. Dĩ nhiên trong quá trình đọc, tôi đánh dấu ghi chú mấy điểm phụ, gửi cho tác giả xem lại. Sau một, hai lượt thư đi tin về, khi cả hai bên đả thông, tôi mới chốt văn bản cuối cùng để đưa qua nhà xuất bản kiểm duyệt. (Còn nhà xuất bản duyệt tới đâu thì là chuyện khác rồi). Sự thể nói lên tinh thần dân chủ của tôi. Mặc dù với tư cách [và quyền hạn tối thiểu của] chủ biên, tôi có quyền từ chối, nếu ý kiến kia trái ý, hay đi ngược lại quan điểm của mình. Nhưng không! Tôi chấp nhận tất cả.

Ban biên tập chấp nhận đăng giới thiệu (bất cứ bài nào và của bất kì ai  với việc “đồng ý” hoàn toàn với các quan điểm ấy – là hai chuyện khác nhau.

Cá nhân và tập thể nhỏ là vậy, ở phạm vi rộng hơn, Nhà nước chẳng hạn, sự thể cũng diễn ra không khác. Tạm đưa vài ví dụ:

 

3. Dave Robinson – Judy Groves trong cuốn Nhập môn triết học chính trị, NXB Trẻ, TPHCM, 2009, tr 122, bình luận:

Ngày nay, hầu hết các nhà Mac-xit đều nghĩ rằng mối quan hệ giữa hạ tầng kinh tế và đời sống chính trị, xã hội, văn hóa là phức tạp hơn [Marx nghĩ] nhiều, nhiều tư tưởng chính trị dường như có một đời sống riêng của nó, độc lập với các nguyên nhân về kinh tế“.

Nguyễn Văn Dân (Phó Giáo sư – Tiến sĩ, Hội đồng Lí luận – Phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam) trong bài “Chủ nghĩa hậu hiện đại hay là hiện tượng chồng chéo khái niệm”, Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lý thuyết, Lại Nguyên Ân (biên soạn), NXB Hội Nhà văn, H., 2003, tr. 138, viết:

Nhà triết học Pháp Lyotard là thành viên của nhóm Socialisme ou Barbarie. Sau khi nhóm này tan rã, ông bắt đầu xa rời chủ nghĩa Mác… ông đã phê phán chủ nghĩa Mác là không chú ý đến các khát vọng dục năng của mỗi cá nhân. Ông cho rằng bằng cách kìm nén các khát vọng đó, chủ nghĩa Mác đã bộc lộ tính chất độc đoán tiềm ẩn của nó“..

Nhận định trên phản bác lại nguyên lí căn bản của chủ nghĩa Marx, trong khi đoạn văn dưới “tố cáo” tính chất độc đoán của tư tưởng ông tổ chủ nghĩa cộng sản.

Vậy mà cơ quan xuất bản nhà nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa (mà không ít người có định kiến) vẫn cho dịch, sau đó cấp giấy phép cho in, rồi viết lời giới thiệu rất trân trọng nữa. Có ai dám bảo các nhà xuất bản, dịch giả và nhà phê bình kia, và cả Cục xuất bản nữa đều hoàn toàn đồng ý hay “đồng lõa” hoặc chịu trách nhiệm với mấy nhận định của ông tác giả Tây – Mỹ kia không?

Hỏi tức là đã trả lời rồi.

Còn nếu chỉ vì một nhận định hỏng, vì vài kiến thức sai mà ta đòi vứt đi cả cuốn sách, thì đích thị đó là lối suy nghĩ ấu trĩ và phản tiến bộ, không hơn không kém(*).

Sài Gòn, 30-5-2011

_____

(*) Ở xã hội Việt Nam, có thời điểm dài ta cũng đã hành xử ấu trĩ như thế. Nhưng mươi năm qua ta đã hiểu ra, biết sửa sai từ đó biết chấp nhận các ý kiến trái ngược mình, thậm chí chống lại mình. Hi vọng giới học thức Chăm cũng rút ra được điều gì đó từ kinh nghiệm quý báu kia.

 

 

2 thoughts on “Kinh nghiệm về biên tập hay Ý kiến nhỏ về vấn đề lớn

  1. Thực lòng, khi nghe anh Inrassara nhắc về câu kết này tôi có đọc lại và vẫn không nhận ra vấn đề gì, nên đã không sửa, và nay cũng vậy, tôi vẫn giữ nguyên ý này của mình. Tôi thực sự không hiểu các bạn cảm thấy tôi là “thực dân văn hóa” ở cái chỗ nào. Các bạn hãy đọc kỹ lại xem. Câu tôi nhấn mạnh trong tập sách là câu này: “Mỹ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại”. Có thể là trong vị trí xã hội khá nhạy cảm các bạn đã không “chịu” nhận ra rằng cái khái niệm “Tổ tiên” đó , trước đó, trong toàn bộ tập sách, đã được định nghĩa là có một phần Chămpa, trong một số trường hợp là 100% Chămpa, rồi. Khi bảo tổ tiên ta, tôi, là người Chăm sao tôi lại không được nói câu đó ?

    Cách diễn đạt này có thể gây ngộ nhận cho các bạn Chăm nhưng có thể gây “sốc” cho các bạn Việt. Có một thực tế đau xót là phần lớn, nếu không nói là hầu hết, người Việt xa lạ với các tháp Chăm, với Mỹ Sơn, với văn hóa Chăm; thậm chí họ sợ hãi với bất cứ thứ gì gắn với Chăm. Đau xót là trong một số trường hợp tôi biết đó là một làng Chăm nguyên vẹn đã quên gốc gác. Nay bảo Mỹ Sơn là chính là di sản của tổ tiên họ, để cho họ nghe được không phải là chuyện dễ. Đó là môt câu lay tỉnh chứ hoàn toàn không phải là một câu của một tay thực dân văn hóa như anh Inrasara so sánh với Philippe Papin, đi vơ quàng di sản của người Chăm.

    Đã trả lời ý này trong bài “Ý kiến của Inrasara về 2 nhận định về lịch sử” nhưng do thấy ở đây anh Inrasara cũng lặp lại chuyện này nên phải thanh minh lại, kẻo không nhiều người không đọc thấy lại hiểu không đầy đủ ý rồi rơi vào những tranh cãi không cần thiết

  2. Để minh họa cho ý người Việt ở Quảng Nam Đà Nẵng sợ những gì liên quan đến Chăm, mời các bạn đọc bài này:
    http://www.baodanang.vn/channel/5414/201105/Bao-tang-dieu-khac-Cham-va-ky-uc-tuoi-tho-toi-2050971/

    Trích: “Trước khi trở thành con dân rồi con dâu làng Nại, bà nội tôi từng trải qua thời con gái ở quê nhà là làng Bằng An – nay thuộc xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bằng An có một tháp Champa khá nổi tiếng và không biết có phải bị cái cổ tháp này ám ảnh hay không mà sinh thời bà nội tôi rất sợ… ma Hời. Bà thường dặn dò tôi với sắc mặt đầy lo lắng: “Đi ngang qua Musée Chàm, thấy tiền rớt chớ có lượm nghe con – họ thư chết đó”. Theo như giải thích có vẻ hơi hoang đường của bà thì họ đây là mấy người Chăm chuyên bán thuốc dạo và thư là cách giết người bằng bùa ngãi. Từ đấy nỗi sợ vô hình của người phụ nữ làng Bằng An dường như đã được trao truyền trọn vẹn sang đứa cháu nội là tôi. Trọn vẹn đến mức đi ngang qua Musée Chàm không biết bao nhiêu lần, dẫu chưa bao giờ trông thấy tiền rơi để mà nghe theo lời bà ngó lơ không nhặt, song lần nào tôi cũng ghé mắt nhìn vào khoảng không gian xưa kia có nhà ông bà nội tôi ở đó như nhìn vào một cõi thiêng liêng thâm nghiêm chỉ có thể kính nhi viễn chi – tôn kính mà chẳng dám đến gần… ”

    Cần biết, tác giả bài viết quê ở sát bảo tàng điêu khắc Chămpa, làng Nại Hiên (tên làng đã đậm chất Chăm) và khảo sát của tôi thì đó, trước khi thành nhượng địa của Pháp , là một làng Chăm đúng nghĩa như trong các tranh vẽ trong sách của Barrow năm 1793.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *