Hàng mã kí ức 05: Lê Hải

Lê Hải: NHỚ LẠI ĐỂ VỀ KHÔNG

hay Tôi đọc Hàng mã kí ức

 

Hấp dẫn, hứng khởi đọc liền tù tì Hàng mã kí ức, thay những thảo nguyên xanh bát ngát bằng những cánh đồng cát nắng cháy, tôi như đang thời sinh viên sống với Sông Đông êm đềm, Taras Bunba, Truy tầm triết học trong không khí khoáng đạt và minh triết [của vùng đất và cư dân ngụ trên đó, và cả của Nietzsche, Heidegger, Faulkner, Krishnamurti, Phạm Công Thiện…]

* Lê Hải (ngồi gần nhà thơ Hoàng Hưng đang nói) tại Bàn tròn Văn chương – Vũng Tàu, 11-2006.

Lạ một điều, đọc xong vẫn có một nỗi xao xuyến nền tảng, tuy vậy chẳng có gì trầm trọng cả [dù suốt cả thế kỉ, nhân loại quay cuồng trong hỗn mang của trùng trùng “giải thích” và hệ thống].

Ở đây nó không [hẳn, chỉ] là tiểu thuyết, nó là tập hợp những chuyên luận: lịch sử luận [như một giáo trình khoa học], triết học luận, văn hóa luận, thi pháp luận, bài thơ về sự khoáng đạt, bài ca về những con đường… Có thể đặt tên [thêm] thể loại cho văn bản Hàng mã kí ức là Modul: trong đó có nhiều ngăn, có thể độc lập hoặc liên kết với nhau thành một thể thống nhất đều được cả. OK- Modul dung chứa tất cả, từ khô tới ướt, từ chấp đến phá chấp, từ ngoại vi đến trung tâm, từ tiểu tự sự tới đại tự sự, từ lạc rừng tới đáo bỉ ngạn, từ câu hỏi tới câu trả lời [và cả sự im lặng] , từ CÓ tới LÀ rồi tới KHÔNG…

Một cách hoàn toàn tư biện, KÝ ỨC là cái TÔI, HÀNG MÃ là cái KHÔNG TÔI, đi từ KÝ ỨC tới HÀNG MÃ [thường thì VÀNG SON, HÀO HÙNG, OANH LIỆT…nhưng ở đây] chính là hành trình của ĐẠO.

Công cuộc nhớ lại này là một hành trình, tuy không đẫm máu như hành trình lên đồi Golgotha nhưng đầy bất trắc, rùng mình… Ta không học được gì cả, chỉ nhớ lại mà thôi [Socrate]

Ký ức kỳ thực là cuộc đối thoại với mình, với dân tộc mình, với thế giới. Ai ở đời chẳng ít nhất một trăm lần như thế. Đối thoại là bản chất của ý thức, bản chất của cuộc sống con người [Bakhtin]. Thật thú vị khi chứng kiến cuộc đối thoại này. Tinh thần của nó cũng phảng phất cuộc đối thoại dưới đây:

H : Này các con chiên ngoan đạo, các con có thể đứng trước vực thẳm, trước miệng núi lửa, trước sóng thần bon đạn, thân xác của các con sẽ thành cát bụi trước khi con đến với ta, nhưng con đường ấy không nhanh bằng các con chọn lối đi qua cuộc đời của những người phụ nữ vì đấy chính là sự thử thách lớn lao nhất để các con đến thẳng với ta.

C : Đừng cho chó những đồ thánh, và đừng quăng hạt trai mình trước mặt heo, kẻo nó đạp dưới chân, và quay lại cắn xé các ngươi.

Z : Lạy Thượng đế và Thần lửa, sao không nặn chúng sinh thành lửa để được đốt sáng và thành tro tàn mà lại nặn thành động vật dã man hơn tất cả các loài động vật dã man khác

P: Đừng tin tưởng một điều gì vì phong văn. Đừng tin tưởng điều gì vì cớ được nhiều người nói đi nhắc lại. Đừng tin tưởng điều gì dù là bút tích của thánh nhân. Đừng tin tưởng điều gì dù thói quen từ lâu khiến ta nhận là điều ấy đúng. Đừng tin tưởng một điều gì do ta tưởng tượng ra lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta. Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vin vào có uy tín của các thầy dậy. Đừng tin tưởng ngay cả lời ta nữa mà chỉ tin tưởng điều gì chính các người đã tự mình từng trải, kinh nghiệm và cho là đúng mà thôi

(Gương mẫu của đối thoại– ACE– Nxb Eutopia 2010)

 

Nhưng, mọi cuộc đối thoại, dù sáng suốt đến mấy, cũng không thay thế được sự im lặng của kinh nghiệm cá nhân, rất cần thiết để hiểu rõ bản chất sự việc. Kinh nghiệm mới chính là con đường và như P nói: Mỗi người cần phải đi trên con đường để rồi một ngày nào đó người mang tin lại trở thành chính cái tin mà mình mang đi.

Inrasara, với Hàng mã kí ức, là người mang tin và trở thành chính cái tin.

Xin chào và đón anh.

Sài Gòn 13-5-2011

Người nhận tin

Lê Hải, nhà thơ, hiện sống tại Sài Gòn.

__________

+ Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn [bác của MC xinh đẹp nổi tiếng Đặng Diễm Quỳnh] mà Sara có nhắc tới trong sách, hiện ở sát vách nhà mình, hàng ngày đang tập đi.

 

Trích mấy đoạn tôi khoái:

1.

Truyện thơ Chàm. Nghe cái tên thôi cũng làm nức lòng anh em Ban Biên soạn, từ lão làng là bác Lâm Nài cho đến cái thằng tôi mới hai lăm tuổi đầu. Bảy truyện chứ ít ỏi đâu! Trước đó, trắng. Cả trước 1975 nữa kia. Trung tâm Văn hóa Chàm quy tụ non chục trí thức Chăm xung quanh Moussay cũng chỉ cho ra đời vài tập lẻ bằng akhar thrahGlơng Anak và Dewa Mưno chỉ được Thiên Sanh Cảnh dịch cho đăng nhiều kì trên nội san Panrang ra thất thường. Háo hức buổi đầu bao nhiêu chúng tôi thất vọng bấy nhiêu khi đọc xong nó.

– Mỗi dịch giả đáng nhận vài phát roi vào mông. Có đúng nguyên văn câu nói của già làng Lâm Nài không, chỉ nhớ rằng sau đó ít lâu, Quảng Đại Cường ghé Ban đã tự thú anh “dịch” chúng theo trí nhớ. Ở Bắc khi đó làm gì có văn bản Chăm!

– Thế còn các phần sau? Cậu đào đâu ra?

– Bác thông cảm! Em phải “nâng cao” cho phù hợp với nhân sinh quan thời đại. Thôi thôi các bác bỏ qua cho. Em đọc ngay đây để hầu các bác sáng tác mới nhất của em. Thế là anh đọc, như kẻ lên đồng, nhập hồn và múa may. Tôi bất ngờ trước tài năng thơ dị kì này. Được biết trong các anh em Chăm ra Bắc tập kết, anh là khuôn mặt sáng giá. Chỉ vì ngộ nhận nhỏ mà ra nông nỗi. Lúc này anh chỉ biết trôi giạt và làm thơ tụng ca những người tình mộng chập chờn trong dòng đời quá cay nghiệt.

2.

Thầy Mạnh Tử bảo cái bệnh của thiên hạ là thích làm thầy đời. Ông thầy cũ kể chuyện lạ tầm quốc tế rằng có cô sinh viên đưa khoe ông luận văn tốt nghiệp về văn chương Chăm mới trình xong. Lướt qua luận văn, ông hỏi:

– Thế cháu có gặp Inrasara chưa?

– Dạ chưa.

– Cháu có đọc tác phẩm nghiên cứu nào của Sara chưa?

– Dạ chưa.

– Đã đọc kĩ tác phẩm cổ Chăm nào không?

– Cháu không biết chữ Chăm.

– Chứ cháu tham khảo tài liệu nào để viết?

– Một bài báo của Phan Đăng Nhật giới thiệu một tác phẩm cổ từ một tác phẩm nghiên cứu của Inrasara!

Vậy mà luận văn vẫn được điểm tám! Về cái khoản liều mạng trong khoa học của sinh viên lẫn giáo sư hướng dẫn mấy năm qua bia miệng thiên hạ đã tạc nhiều rồi, nói thêm càng phiền lòng. Cũng may, chúng yên giấc nghìn thu trong kho lưu trữ. Cầu Chúa ban phước lành cho chúng!

3.

Đâu là thông điệp? Glơng Anak và Pauh Catwai chưa bao giờ ý định gởi thông điệp. Tác phẩm văn chương không dại dột làm thế. Nhưng ở vào thế mạt vận của dân tộc, ông buộc phải nói.

Glơng Anak, Pauh Catwai phải vội vã

nên viết đã rất ngắn

như thể trối trăng

(Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

Lời trối trăng ấy, suốt mấy thế hệ Chăm đón nhận, chép truyền tụng. Như anh chàng Bini trong Ariya Cam – Bini kia, trước khi nhảy vào giàn lửa theo người yêu về cõi khác, đã ném lại cho đời bức thông điệp đầy tính nhân bản, từ một cù lao xa xôi trở về, Glơng Anak để lại cho đời một tập thơ, rất mỏng. Rồi ông đi đâu không biết. Làm vô danh giữa trời đất. “Thông điệp trong cái chai lại là một bài thơ và do đó, là một dạng thông tri đặc biệt”, Hirsch viết.

4.

Năm ngàn năm trước, Adinatha – đạo sư Jaina giáo – đã dõng mãnh làm cuộc cách mạng lật đổ phế truất Thượng đế. Con người là trung tâm của tôn giáo, chứ không phải Thượng đế. Nhưng cuộc cách mạng về một tôn giáo phi Thượng đế đó “đã bị chìm mất trong sa mạc của sự khắc khổ và sự hành xác”. Hai mươi lăm thế kỉ sau, Đức Phật đi theo con đường khác: thiền định. Phiền là hàng đồ đệ đã không hiểu ngài, biến Đức Phật thành một vị thần khác, đặt ngài lên bệ thờ thay vào sự vắng mặt ấy. Từ đó, “ý tưởng này cũng bị chìm mất trong một sa mạc khác, và đó là tôn giáo có tổ chức, có định chế”. May, tư duy Chăm chưa đến nỗi suy đồi. Tôn giáo cũng thế. Đó là thứ tôn giáo phi tôn giáo: “Không cần bất cứ Thượng đế nào, không cần bất cứ giới tăng sĩ nào, không cần bất cứ tổ chức nào”,

Chẳng có gì trầm trọng cả. Trong giai đoạn khốn cùng của lịch sử, những lúc chìm tận đáy đau khổ và tuyệt vọng, Chăm vẫn biết cười. Cả tôi cũng vậy. Ở mọi nơi tôi đến, tôi cứ nhận mình là Chăm – khoái hoạt! Tôi không cho Chăm ngon hơn dân tộc nào đó, cũng không phải thông minh hơn, cao đại hay ưu việt hơn. Tôi không hiểu tại sao mình khoái hoạt. Cũng chả thấy cần thiết phải tìm hiểu tại sao. Còn nếu có ai đó chối mình là Chăm, thay tên hoặc dùng dao lam cạo họ Chăm trên thẻ căn cước, là quyền của họ. Tôi không quan tâm sự chọn lựa đó. Khi chọn lựa là có sự tính toán lui tới, thiệt hơn. Tôi, không! Tôi yêu thương, vô ngại trong tình thương. Giữa cao ốc Sài Gòn toàn Kinh hay trong chòi rách gia đình Miên miền Tây, tôi vẫn sự sự vô ngại. Một bạn văn ở Úc lần ghé nhà tôi chuyện bao đồng, đùa là “Tôi thấy Sara rất hãnh diện khi kể mình có bà vợ hơn tám tuổi”. Ông đúng. Tôi kể nó một cách vui vẻ, khoái hoạt. Vậy thôi. Hầu như tất cả mọi chuyện, tại bất kì đâu, với bất kì ai. Trước hội trường nghịt người hay chỉ với vài bạn thâm giao. Hoặc tôi thoải mái ở đó, hoặc tôi bỏ đi. Tôi không bao giờ mặc cảm hay ức chế điều gì đó.

Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình khổ cả.

5.

Triết học Ấn Độ minh định rõ bốn cứu cánh hay mục đích đời người. Cứu cánh đầu tiên: Artha có nghĩa là đại diện cho, thay thế cho, vì, nhằm vào, “là những sở hữu vật chất… để chu toàn những nghĩa vụ cuộc sống”. Bạn bị ném vào đời, hoàn toàn không do chọn lựa của bạn. Không ai hỏi ý kiến bạn trước: Nơi chốn và ngày tháng năm sinh. Bất ngờ có đó, không thể chối bỏ, bạn học cách chấp nhận nó. Bạn cần bảo toàn sự có mặt ấy, bằng thấu hiểu đối tượng bạn theo đuổi, phương tiện đạt đến nó nhằm thỏa mãn nhu cầu căn bản của cuộc sống bạn. Không thể khác. Kinh tế, chính trị, tòa án, công sở nằm ở khu vực này.

Ở một bình diện khác, Kāma hay dục, lòng ham muốn, “là sự khoái lạc và tình yêu thương”, là cứu cánh thứ hai. Bạn học cách thỏa mãn lòng ham muốn [dục tính] của bạn và người bạn tình. Bạn hãy biến chúng thành nghệ thuật, nghệ thuật yêu đương. Cao hơn, bạn nâng nó lên thành kinh – kinh dục lạc.

Nhưng nếu chỉ có thế, khốn khổ cho loài người biết bao: bạn chỉ là thú vật đơn thuần không hơn! Sống là sống trong tương giao, với cộng đồng. Để tránh cho cộng đồng khỏi đổ vỡ, suy đồi, cứu cánh thứ ba: Dharma, nghĩa là pháp có mặt. Đạo sĩ Bà-la-môn khép mình vào khuôn khổ, tận tụy phụng sự công cuộc đó. Công cuộc gồm thâu mọi “bổn phận tôn giáo và đạo đức” với vô số khế ước xã hội và nghi thức cần tuân thủ.

Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, cả “tam chúng” trivarga đó. Chúng chỉ là những “theo đuổi thế gian” với bao triền phược, bổn phận với nghĩa vụ, trách nhiệm và gánh nặng. Ở chặng cuối, đạo sĩ Bà-la-môn nỗ lực tự giải thoát để vươn đến cứu cánh tối hậu. Người Ấn sử dụng các hạn từ Mokçaapavarganirvrtti, và nivrtti để chỉ mục đích này. Chính tại đây, triết học Ấn Độ ghi nhận những thành tựu oanh liệt nhất trong lịch sử tri thức nhân loại.

Mokça, nghĩa là “buông, thả, trả tự do, phóng thích; ra đi, từ bỏ, rời khỏi; hay apavarga, là “ngăn chặn, tiêu diệt, xua duổi; dứt bỏ, nhổ bật, bứt rời; hoặc nirvrtti, là “sự biến mất, sự hủy diệt, sự nghỉ ngơi, sự thanh tịnh, sự hoàn tất, sự hoàn thành, sự giải phóng khỏi sự tồn tại của trần gian; và nivrtti là “sự ngừng lại, sự chấm dứt, sự biến mất; sự từ bỏ, sự chừa bỏ, sự thoái vị; sự đình chỉ những hành vi hay cảm xúc thế tục; sự tĩnh lặng, sự cách biệt với thế gian; sự nghỉ ngơi, niềm hạnh phúc”.

Ở tận cùng của hành trình, khi đã tuyệt dứt mọi ảo tưởng, đạo sĩ Bà-la-môn là một thiện tri thức Kalyāamitra, hơn thế nữa – một người biết Paramārtha-vid. (Heinrich Zimmer).

6.

Truyền thống Ấn Độ còn đòi hỏi thi sĩ tôi luyện ở một cấp cao hơn nữa. Kinh Bhagavad-Gita cho rằng, đấng tối cao đầu tiên là thi sĩ. Nhà thơ là hiện thân của tiên tri thấu thị, kẻ thông tuệ. Muốn thành nhà thơ, người làm thơ phải trải qua sáu bậc tôi luyện: Svabhava: cảm tính thuộc bản năng, Carana: cảm tính hướng thượng, Abhyasa: sự tinh luyện về sử dụng nghệ thuật ngôn từ, Yoga: tham thiền nhập định để đạt đến hòa hợp với Thượng đế, Adrsta: sự kế thừa tài năng từ tiền kiếp, Visistopahita: ân sủng đặc biệt được làm chủ tài năng của người thông tuệ và tiên tri phi thường. Nói như ngôn ngữ hiện đại: Được ân sủng đứng trên vai các người khổng lồ. Do đó, nhà thơ Ấn Độ ngày xưa bị/ tự buộc tuân thủ kỉ luật rất khắt khe về giờ giấc sinh hoạt cũng như các lề luật đối xử với cuộc sống, chữ nghĩa

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *