Hàng mã kí ức 04: Lê Việt Hà

Lê Việt Hà

CẢM NHẬN KHI ĐỌC BẢN THẢO THẰNG TRẠM MÁT

 

Đọc Thằng Trạm mát của Inrasara, tôi thu nhận được rất nhiều tư liệu bổ ích không chỉ dừng lại ở phương diện đời tư của tác giả mà còn là vấn đề của cả một dân tộc, một thời đại. Những vấn đề mà Inrasara đề cập đến không phải chỉ của riêng anh mà là vấn đề của nhân loại. Ấy là khát vọng cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho dân tộc. Ấy là thái độ làm việc nghiêm túc, công tâm của người nghệ sĩ chân chính… Ấy là còn hiểu thêm về thói đố kị với những kẻ hơn mình; tật hợm hĩnh của những kẻ dương dương tự đắc luôn cho rằng mình hơn người không chỉ riêng trong làng văn nghệ hay trong Chăm…

* Tại Khu tưởng niệm Đại thi hào Nguyên Du – Hà Tĩnh, 2009.

Inrasara không ngại phơi trần bản chất thật của con người như nó vốn có, đặc biệt trong cuộc sống xô bồ hiện tại… Nhưng ở đó, giữa mớ “tạp-pí-lù” ấy, thằng Trạm – hình tượng trung tâm – hiện lên như một kẻ “mát”. Mát có chủ ý, mát của kẻ đứng ở đường biên cõi người cười thói đời ngạo nghễ. Đó là sự ngông ngạo của kẻ thấu hiểu lẽ đời và hành xử khác đời nhưng không lỗi đạo. Người đọc khâm phục một tài năng, hơn thế, trân quý một nhân cách: không vụ lợi, không ăn thua, không tranh hơn… chỉ đau đáu nỗi niềm nhân sinh, chỉ sáng tạo và sáng tạo…

Đó phải chăng là phẩm chất của loài xương rồng lẳng lặng phơi mình dưới nắng, gió, cát  Phan Rang?

Đọc Thằng Trạm mát, tôi thêm một lần thấy rõ sự uyên thâm, sự thông minh, sắc sảo, tinh tế của Inrasara. Tôi thích những triết lí trong văn Sara vì nó không hàn lâm mà được rút ra bằng những trải nghiệm nên đọc rất thấm thía, càng ngẫm càng thấu chiều sâu u trầm trong suy tưởng của anh và dù ít, dù nhiều cũng rút ra được cho mình bài học về lẽ nhân sinh, về cách ứng xử trong đời…

Lối viết của Inrasara dung dị, giàu màu sắc uy-mua, giọng văn khinh khoái với cái nhìn đa chiều, qua tinh thần rất hậu hiện đại, tất cả nhẹ như không… rất phù hợp với chủ đề tác phẩm để nhằm khắc tạc hình tượng “thằng Trạm mát” lạc lõng giữa cuộc sống xô bồ, tỉnh giữa thiên hạ say. Tự nhận mình là “mát” nhưng những việc Trạm làm đầy lương tâm, trách nhiệm với cộng đồng, dân tộc. Giá chi có thêm nhiều kẻ mát như thế để thiên hạ nhờ!

Tuy vậy, theo cảm nhận của riêng, tôi thấy hình như đoạn đầu thằng Trạm mát hơn, mát thật hơn. Càng về sau, Trạm càng tỉnh ra, phải chăng là ý đồ nghệ thuật của tác giả? Nhiều chi tiết lặp nhằm khắc tạc hình tượng như một thủ pháp nghệ thuật (có chủ ý?) song không tránh khỏi cảm giác nặng nề cho người đọc.

Những kiến thức về Chăm phong phú, đem đến cho người đọc những hiểu biết sâu rộng về dân tộc, cộng đồng Chăm song tôi có cảm giác đôi lúc tác giả hơi lạm dụng và nói hơi dài dòng. Tiếng Chăm nhiều đoạn được chèn vào nhưng nếu không được chú thích kí lưỡng, người đọc do vốn hiểu biết về tiếng Chăm, văn hoá Chăm nên khó mà thưởng thức và cảm nhận hết được cái hay của nó, vì vậy nhiều khi gián đoạn mạch tư duy, vài chỗ thậm chí có thể gây phản cảm với người tiếp nhận.

Vinh, 5-1-2009

_________

Lê Việt Hà, Thạc sĩ Ngữ văn, hiện dạy học ở Vinh.

* Bản thảo Hàng mã kí ức hoàn thành vào tháng 9-2008. Cõi người ma là tít đầu tiên tôi đặt cho tác phẩm văn xuôi này, với tiểu đề “tự sự h[ậu h]iện đại“. Sau đó tôi đổi thành Thằng Trạm mát, gồm 15 chương chia làm 2 phần:

1. về tâm hồn con người Chăm và tinh thần văn hóa Chăm,

2. về tinh thần văn học Việt Nam đương đại.

Tiểu đề “tự sự h[ậu h]iện đại” vẫn giữ nguyên.

Trong thời gian làm Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, Ngành Lí luận văn học: Hành trình cách tân thơ của Inrasara, Lê Thị Việt Hà có sử dụng bản thảo lần thứ hai này để làm tư liệu tham khảo. Luận văn được bảo vệ thành công tại Trường Đại học Vinh năm 2009.

Bài ghi ngắn trên đây là cảm nhận của Việt Hà viết vào tháng 1-2009 gửi riêng cho tôi, như thể một cảm nhận và “góp ý”. 30 tháng đi qua, Hàng mã kí ức – lúc này đã mang tiểu đề “tiểu thuyết” – đã thay da đổi thịt rất nhiều. Tôi bỏ hẳn phần 2. “về tinh thần văn học Việt Nam đương đại” đi, lược bỏ các ghi chú và đa số phần ngữ Chăm nặng về nghiên cứu không cần thiết.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *