1. Lá giả
Sống dai hơn lá ngoài trời
Cả đời làm một cuộc rơi không thành!
Gió đùa không biết rung rinh
Nắng mưa không thấm, trơ mình mà xanh.
Giọt sương cũng giả long lanh
Hình như chỉ bụi đeo quanh thiệt lòng!!!
2. Lá khô
Còn đây một xác lá rừng
Khô vàng như thể chưa từng thắm xanh.
Ta buồn như khói mong manh
Bỗng dưng ngớ ngẩn hóa thành từ bi
Trách mình ép lá làm chi
Mộng mơ có bớt chút gì mảnh đau?
Thơ dăm ba chữ rầu rầu
Bạn vài ba đứa vắng nhau không buồn
Không trà rượu ngắm trăng suông
Không say, không tỉnh, không buồn, không vui
Đừng hờn nhé lá khô ơi
Vô tình ta bắt mi rời rừng xanh
Lá chẳng về cội, quên cành
Ta ngồi nhìn bóng quên mình…
lá ơi!
Kiếp này lá bạn cùng tôi
Khô khan hai phận khóc cười có nhau
Nếu còn có kiếp mai sau
Trả rừng cho lá…
Về đâu phận mình?
3. Theo mùa
Lòng người chẳng hạ chẳng đông
Lòng ta hạt nhớ đem trồng đất quên.
Cây đời ta mọc mình ên
Ngả nghiêng rồi cũng làm nên bóng tròn.
Lẽ thường nắng tắt mưa tuôn
Ta không có bóng vẫn còn có ta.
Không cần trái, chẳng cần hoa
Xanh xanh vài chiếc lá là có cây.
Lộc non chăm chút tháng ngày
Vậy rồi …
ta thả lá bay theo mùa!
Inrasara bình
Lòng người chẳng hạ chẳng đông…
Bạn vài ba đứa vắng nhau không buồn
Dửng dưng vậy thôi. Hối hả cho xong công việc nào đó – không. Buồn vì một nỗi vắng mặt hay mất mát nào đó – không. Như anh chàng Meursault trong L’Étranger của A. Camus. Thứ dửng dưng khiến quan tòa nổi giận kết án tử anh, án tử dành cho thái độ dửng dưng kia hơn là hành vi sát nhân trước đó của anh.
Ở đây, Thu Nguyệt không tạo nên sự nổi giận, mà là sự thương cảm như thương hại ở phía nhân quần:
Bỗng dưng ngớ ngẩn hóa thành từ bi
Với một thế giới hối hả đầy xô bồ, – xô bồ không để làm gì cả mà để chỉ xô bồ, hối hả về phía không là gì cả, – Thu Nguyệt tẻ nhạt, lãnh đạm đến lãnh cảm với tất cả. “[M]uốn giang tay giữa trời mà hét” như Phạm Thị Ngọc Liên – không được. Muốn làm con hà mã “về lại mùa Đông” như Thảo Phương càng không được. Như lá giả kia, mong hoàn thành một nhiệm vụ đầy phù phiếm cũng không được:
Cả đời làm một cuộc rơi không thành!
Khủng quá! Khám phá được một phần dù rất nhỏ thế giới tâm hồn con người thời đại được như Thu Nguyệt là điều hiếm hoi. Phải có độ nhạy tinh tế của thi nhân mới có thể nắm bắt được “điều thật” khó nhận ra ấy giữa xô bồ thế giới hiện tại.
Rating 10/10 cho thơ Thu Nguyệt và 10/10 cho Inrasara đã phát hiện ra những điểm hay. Nhớ có lần Thu Nguyệt có một bài thơ rất ngắn nhưng rất Inrasara, cả về “ánh mắt, mái tóc, dáng dấp, thần thái, cái bắt tay” ….