Inrasara: Thổ phỉ của Đoàn Hữu Nam ở Tọa đàm

Báo Đà Nẵng cuối tuần, 8-5-2011

Sáng ngày 23-4-2011, lần đầu tiên Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam tổ chức Tọa đàm văn học. Tiểu thuyết Thổ phỉ của Đoàn Hữu Nam vừa đoạt Giải A Văn xuôi của Hội là đối tượng được chọn. Nhà thơ Inrasara chủ trì Tọa đàm. Tham dự có mươi nhà văn, nhà phê bình khác, cùng 12 anh chị em học viên Lớp Bồi dưỡng Sáng tác VHNT dành cho các tác giả trẻ dân tộc thiểu số và miền núi.

Đây là tác phẩm có tiếng vang trong dư luận bạn đọc

.

Có thể khẳng định ngay rằng, thành công dễ thấy nhất ở Thổ phỉ là các trang soi chiếu cận cảnh ngôi nhà dân tộc miền núi, mô tả chi tiết về rượu của người vùng cao; về sinh hoạt xã hội của nhiều dân tộc thiểu số; thuốc phiện và thu thuế; cách yêu đương, lễ tục và hủ tục; các trận đánh lớn hay nhỏ, kéo dài hay chớp mắt cùng bao nhiêu kế hoạch, trò mị dân, xách động và mua chuộc, khống chế với răn đe, các cuộc thanh toán, cuộc đấu tranh tư tưởng, trận chiến tâm hồn ở từng cá nhân, cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể, gia đình và dòng họ, đối kháng giữa các dân tộc, các quan niệm. Vân vân…

Non nửa trăm sinh phận sống, yêu thương, lao động, chiến đấu cùng bao nhiêu hi vọng và tuyệt vọng, tội ác và hình phạt của họ. Cả các “nhân vật” Pháp, Nhật, Việt Minh, và dĩ nhiên – Thổ phỉ. Thổ phỉ như một bức tranh toàn cảnh của dân tộc miền núi phía Bắc ở một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Biến động lịch sử đất nước kéo theo bao nhiêu đảo lộn cuộc sống thanh bình của người miền núi bấy lâu.

 

Tuy nhiên nhà phê bình Lâm Tiến phê bình nội dung hiện thực phản ánh trong Thổ phỉ của Đoàn Hữu Nam không có gì mới, trừ cụ giáo Choong. Tất cả chi tiết trong tiểu thuyết đã thấy đây đó trong các tiểu thuyết viết trước đó. Cái được của Đoàn Hữu Nam là anh biết xâu chuỗi chúng lại để tạo thành bức tranh sinh động, khá đầy đủ về Thổ phỉ. Ba tuyến nhân vật phát triển theo thời gian vật lí và xảy ra trong không gian nhỏ hẹp. Hạn chế của Thổ phỉ là Đoàn Hữu Nam còn nặng lối viết chuyện kể, các chi tiết văn học chưa được chú ý đúng mức. Cả ngôn ngữ và tính cách nhân vật cũng thế. Nhà phê bình này còn nói thêm là phần kết thúc Thổ phỉ hầu như không nói được gì. Nó không gợi mở ra cái gì mới cho người đọc suy nghĩ. Nó chưa vượt qua được Rừng động, Hoa hậu xứ Mường, Đồng bạc trắng hoa xòe

 

Dĩ nhiên ý kiến này của Lâm Tiến chưa được mọi người đồng tình. Sương Nguyệt Minh phản bác rằng không thể nói Thổ phỉ không có cái mới, hay nó lặp lại đề tài cũ, chi tiết cũ. Theo anh cái đáng quý nhất của Thổ phỉ chính là cách thể hiện. Đoàn Hữu Nam đã có nỗ lực rất lớn trong cách thể hiện qua nhiều trang văn, khác hẳn với nhiều tác giả đi trước khi viết về miền núi. Quan trọng hơn là anh Đoàn Hữu Nam đã khắc họa được nhân vật trí thức dân tộc thiểu số. Đây là điều ít có. Có chăng các nhân vật xuất hiện như con người chân chất. mộc mạc, chứ không đầy tính trí tuệ và hiểu biết như cụ giáo Choong. Chỉ điều này thôi cũng đủ nói lên giá trị của Thổ phỉ.

 

Còn Trung Trung Đỉnh cho rằng Đoàn Hữu Nam là người Kinh sống nhiều năm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Anh đã lặn sâu vào cuộc sống hàng ngày của đồng bào, hiểu biết vùng núi rừng với bao ngõ ngách của nó. Nhiều đoạn trong Thổ phỉ được viết một cách thăng hoa, bay bổng. Các trang văn đó ra đời qua sự chiêm nghiệm dài lâu từ đời sống thực của đồng bào thể hiện bởi tinh thần nghệ sĩ trong anh. Đó là điều đáng quý nhất. Nó không giả vờ mà rất thực. Có thể gọi đó là huyền ảo núi rừng dân tộc Việt Nam cũng được. Cạnh đó, theo dõi Đoàn Hữu Nam ta thấy ở tác phẩm này, anh thoát khỏi kể mà đã có ý thức dựng truyện rất rõ nét.

 

Phạm Duy Nghĩa bổ sung về sự rậm rạp của khu rừng ngôn ngữ ở Thổ phỉ. Thế giới nhân vật ở đây cũng khá sinh động với những tính cách đa diện, đa chiều. Dù tiểu thuyết vẫn được viết theo phong cách hiện thực truyền thống, nhưng Đoàn Hữu Nam đã biết lạ hóa nghệ thuật của mình bằng những chi tiết, hình ảnh kì lạ. Tuy nhiên anh lưu ý phần kết tiểu thuyết có hậu và có vẻ hơi dễ dãi. Thổ phỉ ra hàng xuôi chèo, êm ả quá, không có bất ngờ…tướng phỉ nói năng hoa mĩ, chẳng khác gì một cán bộ tuyên huấn.

 

Tọa đàm lần đầu tiên của Hội nhưng đã diễn ra lí thú và hấp dẫn. Các nhà văn, nhà phê bình đã mổ xẻ khá chi tiết tác phẩm Thổ phỉ của Đoàn Hữu Nam.Đây là tiểu thuyết được viết theo phương pháp hiện thực. Và không thể nói là nó không thành công. Nhưng hạn chế nổi cộm nhất của nó chính là “cái nhìn của Thượng đế-tác giả” trong Thổ phỉ.

Trong khi tiểu thuyết đương đại của thế giới và phần nào ở Việt Nam đã rất khác. Trung tâm tiểu thuyết hết còn là nơi chốn vẫy vùng của riêng tác giả, mà đã được giao phó cho nhân vật – cho các nhân vật, với những cách thái biểu hiện đa thanh và độc đáo hơn. Thế giới văn chương là thế giới chứa đựng rất nhiều những khoảng trống. Khoảng trống nơi đó độc giả được trao cơ hội nhìn sự kiện hay nhân vật từ nhiều chiều khác nhau để có thể nhập cuộc đồng sáng tạo. Để lấp đầy các khoảng trống đó. Thế giới tiểu thuyết được mở rộng hơn, từ đó khả tính đời sống được nắm bắt linh động và đa diện hơn. Chúng mời gọi nhiều diễn giải hơn nữa.

Và chắc chắn, tiểu thuyết sẽ có sức hấp dẫn đầy tính [hậu] hiện đại.

 

 

 

2 thoughts on “Inrasara: Thổ phỉ của Đoàn Hữu Nam ở Tọa đàm

  1. Tui đọc cuốn này rồi, chẳng có chi độc đáo cả. Chỉ có kể lể thôi. Hội DT Thiểu số ưa cái gì đơn giản dễ hiểu nên mới trao giải cao. Như Hội này đã trao giải cho nữ họa sĩ Chăm năm ngoái vẽ chẳng có gì đặc sắc vậy thôi. Anh Sara bõ công làm Tọa đàm chi cho mệt… Nói như Klủn hãy lo chuyện Chàm mình đi.

  2. Vô Danh không công bằng rồi. Tôi chưa đọc sách anh Nam nhưng hội đồng này không đến nỗi đâu. Tôi chỉ sợ sách gây phản cảm thôi. Nghe nói anh Nam là người Kinh viết về sắc tộc, không phản cảm là tốt rồi. Chớ mà vẽ để chính bà con mình chê bài thì tội lắm.
    Mà Hội DTTS đâu phải chuyên nghiệp mà anh VD đòi hỏi chuyên môn cao.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *