Jaya Bahasa: Một biểu tượng chỉ hiệu nghiệm khi được nhìn thấy

Sự xuất hiện ba trung tâm văn minh Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo ở Việt Nam – sau này,  hình thành nên ba quốc gia độc lập Đại Việt, Champa và Phù Nam thời cổ đại – đã được phát hiện qua những ghi chép sử liệu thành văn, bia kí, và các hiện vật khai quật khảo cổ học. Trong đó, vương quốc Champa ra đời vào cuối thế kỉ thứ II, có lịch sử phát triển liên tục nằm trong vùng phi Hoa hoá. Nhưng tiếp biến văn hoá Ấn Độ sâu sắc, từ hệ tư tưởng đến các thiết chế văn hoá, xã hội. Tuy nhiên, sự biến mất của cư dân Champa khỏi địa vực văn hoá Sa Huỳnh vẫn còn nhiều bí ẩn, chưa có công trình nào giải thích rõ ràng về vấn đề này. Ngày nay, chỉ còn thấy vết tích các công trình kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc tôn giáo trên đền tháp cùng các lễ hội được bảo tồn trong sinh hoạt cộng đồng Chăm Panduranga-một biểu tượng của quá trình lịch sử.

Năm 1832, bốn trung tâm hành chính Panrang, Parik, Pajai, Kraung của Panduranga sáp nhập thành trấn Bình Thuận trực thuộc quyền quản lý của triều Nguyễn. Một bộ phận người Chăm phản đối công cuộc cải cách hành chính trên do vua Minh Mạng tiến hành bằng cuộc nổi dậy của Katip Sumat, Ja Thak Wa (1834-1835). Cuộc khởi nghĩa thất bại, đã đưa đến tình trạng bất ổn định trong khu vực sinh sống người Chăm được ghi chép trong Ariya Gleng Anak. Tác phẩm Ariya Gleng Anak ra đời định hướng một tư tưởng mới cho dân tộc con đường sinh tồn. Bởi vậy, thi phẩm trên đã trở thành bất tử trong dòng văn học cổ điển-một biểu tượng về giá trị tư tưởng nhân sinh.

Năm 1858, mở ra một thời kì mới xác lập lịch sử cận đại Việt Nam. Đây là cột đánh dấu thời điểm giao lưu với thế giới phương Tây mạnh mẽ nhất. Người Pháp từng bước thiết lập chế độ thuộc địa trên toàn cõi Đông Dương. Để nắm bắt được tình hình văn hoá, xã hội Việt Nam, người Pháp đã tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu các tập tục, loại hình kiếm sống của các cư dân bản địa ở nhiều vùng, miền khác nhau. Đặc biệt, cho mở trường dạy học Pháp ngữ, truyền bá văn hoá phương Tây. Từ đó, xuất hiện nhiều tầng lớp nhà khoa học, trí thức ảnh hưởng giáo dục Tây học, đồng thời chấm dứt nền giáo dục Nho học-một biểu tượng của văn hiến Việt Nam.

Năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt, hệ thống thuộc địa Pháp bị sụp đổ hoàn toàn. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, tiếng Việt được thừa nhận làm ngôn ngữ giao tiếp và dạy học chung cho cả nước. Nhưng chỉ một năm sau, Pháp tiếp tục quay trở lại chiến trường Việt Nam. Tuy nhiên, dự án chiến tranh không thể đề bẹp nổi ý chí, tinh thần của một dân tộc có truyền thống yêu nước quật khởi. Chi phí nuôi dưỡng chiến tranh hoàn toàn bị mất trắng sau thất bại tại Điện Biên Phủ vào năm 1954. Kế nghiệp, tư tưởng chiến tranh, Hoa Kỳ và đồng minh nhảy vào chiến trường Việt Nam. Một cuộc chiến đấu không cân sức, không có sự hiểu biết lẫn nhau, chỉ có chiến thắng ở chiến trường làm cơ sở đàm phán trên bàn ngoại giao. Mặc dù vậy, sức mạnh vũ khí, chiến lược chiến tranh  hiện đại nhất của Hoa Kỳ qua các đời tổng thống cũng không giành được chiến thắng cuối cùng ngoài việc hoa tốn ngân khố quốc gia vào canh bạc chiến tranh. Để rồi, Hoa Kỳ và đồng minh phải hạ cờ và tháo chạy trong hỗn loạn vào năm 1975. Dân tộc Việt Nam đã chiến đấu vì chính nghĩa nền độc lập quốc gia, đánh bại mọi thế lực hùng mạnh làm ngưỡng mộ trong toàn thể nhân loại yêu chuộng hòa bình-một biểu tượng truyền thống yêu nước.

Trong khoảng thời gian 30 năm chiến tranh Việt Nam (1945-1975), người Chăm có bước phát triển như thế nào? Người Chăm có xây dựng được nét văn hoá riêng trong sinh hoạt cộng đồng? Đó là câu hỏi không dễ dàng trả lời. Nhưng không phải là không có câu trả lời. Từ năm 1976-2011, là khoảng thời gian xây dựng và phát triển quá độ xã hội XHCN. Các nhà khoa học, nhà quản lý và nhà hoạch định chính sách, có đóng góp gì đưa cộng đồng Chăm phát triển? Bên cạnh đó, những cán bộ người Chăm công tác trong các cơ quan sự nghiệp hành chính Nhà nước có tư vấn, đề ra chính sách phù hợp với đặc thù, trình độ phát triển theo từng vùng cư trú người Chăm trong cả nước? Giải quyết các câu hỏi trên sẽ giúp hiểu thêm về bước phát triển của người Chăm trong cộng đồng đa tộc người Việt Nam-một biểu tượng quyền lợi và nghĩa vụ.

Nhà Vãng Lai, một cụm từ ra đời vào thập niên 60 của thế kỉ XX, là tên gọi nơi cư trú của người Chăm (nằm trong khuôn viên Trường THPT DTNT tỉnh Ninh Thuận trên đường Thống Nhất ngày này). Ngôi nhà Vãng Lai thực hiện chức năng giúp đỡ, tạo điều kiện cho  học sinh, cán bộ, nhân dân Chăm trong việc lưu trú hay tạm trú qua đêm khi có dịp vào thành phố Phan Rang, đồng thời là nơi gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt chung giữa các trí thức Chăm. Đây là hình thức nâng đỡ cộng đồng ban đầu vì sự tiến bộ của xã hội Chăm. Hơn thế nữa, sự xuất hiện Ty Phát triển Sắc tộc (TPTST), một cơ quan chuyên trách về các vấn đề tộc người ở Ninh Thuận. Làm việc tại TPTST đều là những người Chăm có am hiểu phong tục, tập quán địa phương, hay được đào tào từ Trường Học viện Hành chánh Quốc gia. Vì vậy, TPTST bám sát được các hoạt động đời sống tộc người, tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách, đề ra các chính sách phù hợp với trình độ phát triển. Bên cạnh đó, nhà Vãng Lai và Ty Phát triển Sắc tộc là hai địa chỉ người Chăm thường ghé thăm để trình bày tâm tư, nguyện vọng của nhân dân Chăm, giúp nhà nước-nhà khoa học-nhà nông có được điểm giao thoa với nhau trong xây dựng, phát triển kinh tế, ổn định trật tự an ninh-một biểu tượng đoàn kết xã hội Chăm.

Mười năm hình thành và phát triển, Trường Trung học Pô Klong (1965-1975) là cái nôi sản sinh ra trí thức Chăm đương thời. Tuy, Trường Trung học Pô Klong có xuất phát điểm thấp về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Nhưng, chính trong hoàn cảnh khó khăn, nhà trường đã ưu tiên giáo dục đạo đức, sinh hoạt tập thể làm động lực để phát triển. Từ chức năng giáo dục bậc Trung học cơ sở phát triển lên bậc Trung học phổ thông. Từ cơ chế “xin và mượn”, nhà trường từng bước nỗ lực phát triển, tự lực xây dựng được cơ sở vật chất khang trang bằng chính công sức của học sinh qua những đêm lưu diễn văn nghệ ở các làng Chăm để gây Quỹ học đường. Nếu như Trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trường Cán bộ Dân tộc Trung ương, Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc là mảnh đất ươm mầm hạt giống cho đất nước, thì Trường Trung học Pô Klong đã cung ứng cho xã hội những hạt giống tốt nhất-một biểu tượng giáo dục.

Năm 1968, linh mục G. Moussay qua lời giới thiệu của một phụ nữ Chăm về đời sống của người Chăm ở Phan Rang, đã tìm đến và thành lập Trung tâm Văn hoá Chàm ở Phan Rang, chuyên trách nghiên cứu phong tục, tập quán, văn hoá, lễ hội Chăm và Raglai. G. Moussay đã tập hợp được bô lão, nhân sĩ, trí thức Chăm đương thời tham gia công việc sưu tầm các văn bản chữ Chăm-Akhar Thrah-cho in thành sách. Đặc biệt, hoàn thành được công trình từ điển Chàm-Việt-Pháp. Là bộ từ điển dịch sang tiếng Việt đầu tiên và là từ điển tiếng Chăm thứ hai ra đời sau 68 năm. Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hoá Chàm Phan Rang còn là nơi nuôi dưỡng nữ sinh Chăm đang theo học tại các trường ở thành phố Phan Rang-một biểu tượng tinh thần khoa học và tình bạn quốc tế.

Năm 1978, khi những tiếng phi cơ, xe tăng thiết giáp ngừng lăng bánh và  im lặng trong đường phố Sài Gòn, thì mùi thuốc súng và làn khói đen lan toả vùng biên giới Tây Bắc và Tây Nam Bộ, hàng hàng lớp lớp đoàn quân đi về phía biên giới. Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm (BBSSCC) ra đời trong hoàn cảnh đó. Trải qua 32 năm phát triển (1978-2010), BBSSCC đã giáo dục đã dạy tiếng Chăm cho hàng trăm nghìn học sinh ở bậc Tiểu học và Trung học phổ thông. Đây là cơ quan duy nhất ở Việt Nam có chức năng biên soạn, dịch và phát hành giáo trình tiếng Chăm. Việc truyền bá chữ Chăm-Akhar Thrah- trong môi trường học đường giúp thế hệ trẻ Chăm có nhiều cơ hội tiếp cận với di sản văn hoá truyền thống. Ngoài ra, cơ quan BBSSCC là địa chỉ  người Chăm viếng thăm, trao đổi, chia sẻ thông tin-một biểu tượng truyền bá văn hoá.

Tóm lại, một biểu tượng chỉ phát huy được hiệu quả khi quan sát được. Một biểu tượng có thể bị mất đi hay thay thế bằng một giá trị khác. Nhưng ý niệm về biểu tượng thì tồn tại cùng với kí ức. Một biểu tượng gắn với một quá trình cụ thể, con người cụ thể, nhưng thể hiện tính chung và bao quát nhất phản ánh đặc trưng của tổ chức, tập thể, địa phương hay tộc người. Quá trình phát triển tộc người Chăm đã sáng tạo những biểu tượng riêng biệt phù hợp với đặc tính tâm lý và trình độ phát triển. Ngày nay, thật khó xác định đâu là biểu tượng văn hoá Chăm, khi các đền thờ, đền tháp đều được công nhận là di tích văn hoá lịch sử Quốc gia hay Di sản văn hoá UNESCO. Các Palei Chăm, được gọi là Làng Văn Hoá. Ở các thôn Chăm có Nhà Văn hoá Chăm, nhưng thường bị chiếm làm văn phòng để hội họp, làm trụ sở của thôn hơn là nơi sinh hoạt cộng đồng và trưng bày các sản phẩm văn hoá. Thậm chí, nhiều địa phương còn để hoang hoá, chưa có chính sách quản lý và sử dụng phù hợp với chức năng bảo tồn và quản bá văn hoá. Một biểu tượng bao giờ cũng thuộc về giá trị tinh thần./.

 

 

2 thoughts on “Jaya Bahasa: Một biểu tượng chỉ hiệu nghiệm khi được nhìn thấy

  1. JB đặt vấn đề đáng kể lắm. Nếu có chuyện gì, bà con Chăm chạy đến hỏi ai? Không hỏi ai được cả lúc này. Ngày trước bà con đến Trường Pô-Klong, hay đến Trung tâm hoặc sau 75 thì Ban Biên soạn. Còn bây giờ thì hết. Mỗi trí thức sống và làm việc riêng lẻ. Ban Dân tộc Tỉnh ư? – Không dám ạ! Đại biểu Chăm ở Quốc hội ư? – Hỏi có mấy người Chăm nào biết ai là người đại diện mình? Đại biểu này có vào làng Chăm thăm bà con k? Hỏi thì buồn lắm… buồn lắm.

  2. Đấy đấy, vấn đề Jalo Jalai đặt câu hỏi là ở chổ đấy đấy! Biết hỏi ai, ai người? Mặc dù Chăm hôm nay mang danh đã “tiến bộ”, đã có nhiều học hàm học vị đủ mọi cấp độ: thạc sĩ, bác sĩ, tiến sĩ,… và cả Thi sĩ nữa. Họ sống và làm việc trong môi trường như con chim bị lẻ đàn. Mong manh và luôn sợ hãi trước sóng bão của cuộc đời này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *