Vấn đề về/ của trí thức dân tộc thiểu số

“Tôi nghĩ các cán bộ là người dân tộc thiểu số hay người Kinh đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc, cần nắm vững chính sách dân tộc của Đảng. Nắm vững và dũng cảm thực hiện mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn là mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng”.

Inrasara, Tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 1,2006.

 

1. Trí thức là ai?

Từ trí thức hàm nghĩa rộng, đưa ra định nghĩa khả dĩ là điều khó. Tạm nêu vài thuộc tính. Trí thức là kẻ có học thức, trong nhà trường hay tự học hoặc cả hai, do đó có thể có hay không bằng cấp. Vào đầu thế kỷ hai mươi, trong xã hội Chăm và các dân tộc thiểu số khác, người có bằng Primaire cũng được xem là trí thức rồi. Nay thì khác, Đại học đang là mặt bằng học vấn mà xã hội đòi hỏi. Thuộc tính thứ hai thực tiễn hơn: Trí thức là người thường xuyên tham gia các hoạt động trí tuệ có tính xã hội. Thứ ba, trí thức là kẻ chọn cho mình trách nhiệm xã hội. Không ai buộc bạn trách nhiệm. Bạn tự đặt lên vai mình trách nhiệm ấy, gánh vác suốt cuộc đời trí thức, tranh đấu cho nó. Trong hoàn cảnh xã hội đặc thù, bạn có thể từ chối tham dự. Nhưng ngay lối hành xử này cũng phải được bạn xem là thái độ trí thức.

Như vậy, trí thức không chủ ở nghề nghiệp mà là thái độ. Trong các loại nghề, lao động trí óc “nguy cơ” trở thành trí thức hơn. Tại khu vực này, nhà văn và nhà báo tự do hay người hoạt động xã hội có xác xuất cao hơn. Bởi đây là môi trường dễ tạo cho họ tỏ thái độ.

Nhìn vào thực trạng dân tộc thiểu số, không ít dân tộc có nhà văn của mình, nhưng trước vấn đề của cộng đồng, họ đã làm gì? – Không gì cả! Với Chăm, Thái hay Tày đã thế, các dân tộc khác chưa có nhà văn, thậm chí chưa tiến sĩ, tình hình càng tệ hơn. Không ai khả năng giúp chính quyền và người ngoài tộc hiểu vấn đề mình, hiếm ai thẳng thắn nói lên ý nguyện của cộng đồng hay góp tiếng nói xây dựng cộng đồng. Trong khi đó, trách nhiệm xã hội và tinh thần khát khao công bằng là yếu tố quyết định để hình thành vị thế trí thức.

 

2. Thái độ trí thức

Ở nông thôn và các công trường, là chuyện khó. Bởi tính chất nghề nghiệp, bộ phận này ít điều kiện tiếp cận với/ lên tiếng về các vấn đề xã hội. Cán bộ công nhân viên cơ quan công quyền, cũng không dễ. Khi có cơ hội phát ngôn, hiếm khi ý kiến của họ thoát khỏi vùng phủ sóng của tư tưởng được quy định, phụ thuộc vào quyền lợi và vị trí của họ. Cả giới làm việc có liên quan đến “trí thức’ cũng chưa chắc. Việt Nam có truyền thống trọng khoa bảng, nên hay ngộ nhận người có bằng cấp là trí thức. Bằng cấp càng cao thì càng trí thức. Thế nhưng, những người có bằng cấp cao, nếu xu hướng của họ là chức tước, bổng lộc thay vì trách nhiệm cộng đồng, họ chỉ thuần là nhà khoa bảng. Còn chuyên gia và nhà khoa học, mục tiêu chính của họ là dấn sâu vào chuyên môn, để đạt thành tựu khoa học. Họ làm nghề của họ. Trong lúc đó, trí thức không là một nghề, mà là dám và biết tỏ thái độ mang tính trí thức trước thời cuộc. Bạn là nhà văn, bạn viết văn: đó là một nghề; bạn là giảng viên Đại học, đó là một nghề; nông dân hay nhà nghiên cứu, v.v… cũng thế. Khi bạn chưa bước ra khỏi ngành nghề của bạn để giáp mặt với các vấn đề xã hội, bạn vẫn cứ là kẻ hành nghề không hơn không kém. Chỉ khi bạn hiểu thời cuộc, dám lên tiếng, dám viết, dám đòi hỏi là bạn đã có thái độ trí thức. Những “dám” này vượt ra ngoài lợi ích cá nhân hay đảng phái của bạn. Cho nên, rất sai khi gọi trí thức là một đội ngũ hay tầng lớp. Trí thức là một cá nhân, những cá nhân.

Trường hợp Chăm, trình độ học vấn khá cao và thành phần học thức đang có mặt hầu hết các ngành, các cấp. Một lực lượng đáng kể. Thế nhưng, trước sự biến xã hội, tiếng nói được [Nhà nước và nhân dân] chờ đợi nhất lại hiếm khi được cất lên, vì sao? Đơn giản: họ chưa là trí thức đúng nghĩa hoặc, chưa có thái độ trí thức.

 

3. Làm thế nào để đào tạo trí thức dân tộc thiểu số?

Có thể đào tạo đội ngũ học thức phục vụ công tác nào đó – chuyên môn hay xã hội –, riêng trí thức – không! Trí thức là kẻ tự tôi luyện qua va chạm thực tế trong không gian trí thức mở. Nhưng không phải vì thế mà một nền giáo dục không thể chuẩn bị cho thành phần này ra đời. Ở đây, chỉ bó hẹp trong phạm vi trí thức dân tộc thiểu số, có ba vấn đề đặt ra:

– Trang bị kiến thức phổ thông là chuyện chung của xã hội. Hiệu quả giáo dục và đào tạo ở ta lâu nay ra sao dư luận kêu nhiều rồi, không nhắc lại. Riêng trường hợp các dân tộc thiểu số, có hai khía cạnh. Thứ nhất: “chế độ ưu tiên” vừa đúng vừa sai. Đúng, khi con em dân tộc cư trú vùng sâu vùng xa ít điều kiện tiếp xúc môi trường sách vở, họ được ưu tiên qua lớp Đại học dự bị là cần. Nhưng sau đó, tuyển thẳng họ vào Đại học mà không qua sát hạch sòng phẳng, thì sai. Không ít bác sĩ, kỹ sư ra trường với trình độ rất thấp, đã làm trì trệ xã hội. Thứ hai: Đến hôm nay, việc phổ cập kiến thức văn hóa dân tộc vẫn chưa được các chương trình Đại học quan tâm đúng mức. Bộ phận sinh viên này rất mù mờ về văn hóa dân tộc sau khi rời giảng đường, cả sinh viên ngành Văn hóa. Hơn phân nửa sinh viên Chăm còn mù cả chữ mẹ đẻ nữa! Họ hành xử thế nào, khi va chạm thực tế cuộc sống? Bởi tiếng nói quyết định về phát triển xã hội ở ngày mai không còn là của “già làng” hay tộc trưởng nữa, mà phải là thế hệ trẻ được đào tạo rất căn bản, của hôm nay.

Nhưng như thế vẫn còn chưa đủ.

– Chuẩn bị nền tảng tinh thần tự do. Là điều thiết yếu để người học thức có khả năng suy tư độc lập, dũng cảm lên tiếng trước bức xúc xã hội, dám góp tiếng nói về các vấn đề cộng đồng để thúc đẩy tiến bộ cộng đồng. Tránh cho họ thái độ sống chết mặc bây, trở thành kẻ ươn hèn, hoặc xu phụ quyền lực đủ loại. Đánh giá sự trưởng thành tinh thần của một dân tộc, không phải ở đất nước đó đào tạo bao nhiêu vị khoa bảng, nhà khoa học hay bác sĩ hàng đầu mà chủ yếu ở giới trí thức đứng ở đâu, phản ứng thế nào trước vấn nạn xã hội.

Được biết, Bàn về tự do của John Stuart Mill được coi là tác phẩm kinh điển bên phương Tây, mười hai năm sau xuất bản tại Anh (1859), người Nhật đã dịch và in hàng triệu bản phát hành rộng rãi. Ngay thời Duy Tân, Nhật Bản đã chuẩn bị cho các thế hệ tiếp nối tinh thần tự do rồi. Sau đó, tiến bộ của đất nước mặt trời mọc thế nào thì miễn bàn.

– Tạo không gian trí thức. Diễn đàn báo chí hay cuộc gặp gỡ trao đổi giữa đại diện chính quyền và giới trí thức sự hiểu biết lẫn nhau, giúp đất nước phát triển. Bởi, nếu chưa có không gian trí thức đúng nghĩa thì tiếng nói trí thức trung thực không thể đến với bộ phận trách nhiệm. Trí thức hoặc trở thành người phản kháng vô vọng, hoặc kẻ đi hàng hai tệ hại và tai hại. Từ đó, trí thức hết còn là nhân tố phản biện tích cực cho xã hội. Với dân tộc thiểu số thì càng. Cán bộ dân tộc thiểu số đa phần làm việc tại cơ quan nhà nước ở các trung tâm văn hóa lớn, sợi dây liên hệ với bản làng bị cắt đứt, họ lạc lõng giữa người đa số và, rất ít cơ hội phát biểu chính kiến về cộng đồng mình. Những người làm việc tại các tỉnh và địa phương, do điều kiện vật chất và sự tòng thuộc cấp trên, càng không dám nói thật, dù họ phải chứng kiến chuyện chướng tai gai mắt, hàng ngày. Ai, tổ chức nào tạo không gian trí thức cho họ? Và tạo như thế nào?

 

4. Trí thức, những người trung chuyển tư tưởng chuyên nghiệp (professional secondhand dealers in ideas) – như cách nói của Fr. Hayek – không cần là nhà chuyên môn đầu ngành hay kẻ xuất chúng. Vị thế, thói quen bám sát thời sự, tinh thần dấn thân và uy tín trí thức khiến họ dũng cảm và biết lên tiếng về mọi vấn đề xã hội. Họ nói, và dư luận lắng nghe. Quan điểm hay ý kiến của họ ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng.

Nhưng, trí thức dân tộc ở đâu? Họ đã được chuẩn bị đầy đủ tri thức và tinh thần chưa? Khi môi trường nông thôn bị phá vỡ kéo theo/ nảy sinh bao nhiêu vấn nạn mới, cấp thiết hơn bao giờ: văn hóa truyền thống bị thất tán hoặc bị làm sai lệch, tệ nạn xã hội các loại hoành hành, dịch lở mồm long móng, ruộng đất teo tóp và nông nghiệp thất thu, thay đổi khí hậu với lớp học ba ca,… là chuyện lâu nay chưa hề tồn tại trong cộng đồng? Trí thức không phải là người đồng tộc, đồng ngôn để đồng cảm có thể đáp ứng được các vấn đề bức thiết đó không? Nên, tiếng nói trí thức dân tộc có mặt nơi bản làng là tối cần thiết. Chính họ là cầu nối hữu hiệu giữa cơ quan chính quyền và nhân dân.

Nếu trí thức dân tộc thiểu số chưa được trang bị tri thức văn hóa dân tộc, bên cạnh thiếu dũng khí trí thức, thì làm sao họ có thể “trung chuyển” ý kiến cộng đồng lên cơ quan các cấp, hay để giải quyết vấn đề cộng đồng? Khi kiến thức về văn hóa dân tộc thua kém già làng thì đề nghị cải tổ “hủ tục” của bạn sẽ bị coi là phản truyền thống, hỏi bạn có thể thuyết phục cộng đồng nghe “khoa học tiên tiến” mới lạ không? Hoặc, nếu bạn không có tiếng nói bênh vực quyền lợi chính đáng của cộng đồng, hỏi bạn đủ uy tín với đồng bào không? Không thể! Hoạt động trí thức tê liệt là điều khó tránh khỏi. Và, thiệt thòi là luôn thuộc về xã hội và đất nước.

Trí thức hôm nay thôi còn là loại trí thức nhìn/ nói từ xa mà cần tiếp cận với thực tiễn đời sống hàng ngày. Bạn lăn xả vào cộng đồng, cần thiết – ba cùng với họ. Đó chính là thái độ trí thức hậu hiện đại.

 

Năm 2007 về quê, tôi có hỏi một sinh viên đi nghỉ Tết: Nạn mất gà ở làng ta giảm chưa? Bạn cười cười: Cháu cũng chả biết nữa chú ạ! Tôi hỏi cô sinh viên khác. Vẫn cái cười đó, nhưng cô hỏi lại tôi: Sao nhà văn lại quan tâm chuyện mất gà? Tôi bảo: Không gì thuộc về con người lại xa lạ với nhà văn; hắn cần hiểu tất cả những gì xảy ra quanh mình. Chú còn biết nạn trộm xoong chảo tận vài làng xa xôi khác nữa là!

Với châm ngôn: Suy tư toàn cầu – hành động địa phương, trí thức hậu hiện đại có thể theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới đồng lúc vẫn lên tiếng quyết liệt về bất công hay tệ nạn xã hội quanh mình, với những lo toan tưởng như vặt vãnh nhất của cộng đồng mình.

 

 

 

11 thoughts on “Vấn đề về/ của trí thức dân tộc thiểu số

  1. “Tôi nghĩ các cán bộ là người dân tộc thiểu số hay người Kinh đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc, cần nắm vững chính sách dân tộc của Đảng. Nắm vững và dũng cảm thực hiện mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn là mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng”.
    Inrasara viết như vậy, nhưng hỏi có quý cán bộ Chăm nào đọc câu này không?
    Nếu đọc và hiểu, hỏi có ông bà cán bộ nào dám làm không?

  2. Mặt bằng dân trí Chăm chúng ta ít thì không bàn cãi nữa, nhưng một số sinh viên đại học dự bị khi vào học các trường có thể coi là nổi tiếng mà văn hóa của tộc người mình chẳng có biết gì cả. Kaka giao lưu với một vài bạn học đại học dự bị, bạn có biêt nói và viết tiếng Chăm không, bạn này đáp lại một cách vô trách nhiệm đối với tộc người Chăm mình, thế bạn được sinh ra từ đâu, bạn theo tôn giáo nào? Vâng Balamôn, thế sao bạn không thích người Chăm, tôi không thích chút cả. Tại sao? Tôi thấy không đẹp, xấu, không giỏi…? Kaka thật sự ngỡ ngàng tại sao Chăm mình lại như vậy. Sao lại miệt thị tộc mình thế nhỉ? Trình độ dân trí của chúng ta thật là xa vời, hèn chi tộc người mình không phát triển vượt bậc được. Trong tương lai trí thức Chăm sẽ hoàn thiện hơn. Bài này của Cei viết hay lắm, sắc bén, rất thuyết phục mọi tầng lớp trong xã hội.
    Mến Cei

  3. Dù đi đâu, ở bất cứ nơi nào? vẫn tự hào là con Chăm,…
    Một ngày nào đó vẫn hằng mong Chăm sẽ tự hào về mình dù bản thân có đi đâu hay ở bất cứ nơi đâu.

  4. Thời trước người ta hay xưng hô đại nhân, tiểu nhân. Tôi thêm ở giữa là trung nhân, xem là vùng đệm. Phân biệt dựa trên tiêu chí:
    – Tiểu nhân là đa số những người sống và có trách nhiệm tốt với gia đình mình là 1 tế bào tốt trong xã hội.
    – Đại nhân là người ngoài tấm gương gia đình mình họ còn quan tâm đến CỘNG ĐỒNG, biết hy sinh với sự quan tâm đó làm đúng lương tâm với sự hiểu biết rộng của mình. Nếu họ được chính danh thì xã hội được nhiều hồng phúc và họ cũng được mọi người thực sự quý trọng.
    – Trung nhân là người trên sự tiến hóa từ tiểu đến đại nhân.

    * Tất cả mọi suy nghĩ hành động dựa trên sự tự nguyện theo lương tâm của mỗi người, không phải ép buột, phân biệt KHINH TRỌNG.

    * Thời văn minh hiện nay, tôi thấy có cái bệnh là con “lương tâm” nó bị móm, có một số gọi là trí thức hiểu biết hơn người trong xã hội họ cũng bị “con lương tâm” cắn nhưng chỉ hơi ngứa chứ không đau nên họ quên nhanh ngay.
    * Tạm bỏ qua trí thức kiểu có “văn bằng học vị chức tước” cao, cái quan trọng là tư cách làm người của mọi thành phần. Hiện tượng bên ngoài dễ thấy nhất hiện nay có 2 loại:
    ( KHÔN NGOAN đi đôi với HÈN – HƠI DẠI đi đôi với ANH HÙNG) – điều này có bình thường không (bình thường thôi)???

  5. Nếu so với trước đây trí thức Chăm hiện nay rất nhiều, hàng năm có hàng trăm sinh viên Chăm trúng tuyển ĐH, cao đẳng và THCN, hàng trăm sinh viên ra trường đi làm và công tác nhiều tỉnh thành khác nhau. Nhưng thật buồn hiện nay trí thức Chăm lại tự tách mình ra khỏi XH và cộng đồng, họ không nhận mình là Chăm, họ nói tiếng Việt trong khi tôi biết họ là Chăm và đang nói tiếng Chăm với họ. Một đại biểu đại diện cho dân tộc Chăm nhưng khi dự hội nghị thì chưa bao giờ mặc trang phục Chăm (rất khác với dân tộc khác như: Êđê, Bana, Tày, Nùng…), có khi gặp người Chăm họ luôn nói tiếng Việt… Họ đúng là trí thức 100%, sao họ không nhận mình là dân tộc Chăm? Có khi nào dân tộc thì xấu quá!? Có những tri thức luôn xưng mình là dân tộc Chăm nhưng khi cộng đồng Chăm tổ chức hoạt động gì thì trí thức đó không bao giờ tham dự hoặc có tham dự nhưng giữa chừng bỏ về… Họ không cổ vũ, không chia sẻ kinh nghiệm, thế họ con bắt lỗi từng cá nhân, có khi khinh bị. Ở Sài Gòn có hàng trăm trí thức người Chăm nhưng khi cộng đồng tổ chức các vấn đề văn hoá dân tộc mang tính cách cộng đồng nhưng lễ hội… họ lại quay lưng, đôi khi dùng câu rất mất văn hoá của một người trí thức Chăm “Sinh viên Chăm tổ chức chỉ xin tiền” thay vì dùng từ MẠNH THƯỜNG QUÂN ỦNG HỘ hoặc “NHỮNG NGƯỜI Ở KHÔNG MỚI RẢNH ĐỂ LÀM CHUYỆN KHÔNG ĐÂU VÀO ĐÂU, MẤT THỜI GIAN”, một số trí thức họ ẩn danh nhưng họ vẫn làm nhiều điều cho dân tộc đến khi họ nhắm mắt mới thấy ngành trăm sinh viên và trí thức đến viếng họ. Tôi đọc rất nhiều bài đang trên trang mạng của Inrasara, tôi rất cổ vũ bài viết của độc giả mang tính chất xây dựng thực tế, dẫn chứng cụ thể để nhưng người trong cuộc nhìn nhận mình “ở Việt Nam có tự do ngôn luận trong khuôn khổ pháp luật cho phép”, trí thức, sinh viên có thể cất tiếng nói của mình… Thực tế trí thức Chăm rất nhiều nhưng họ không quan tâm lắm đến vấn đề của dân tộc, tôi chưa nói đến vấn đề nhạy cảm. Và cũng có nhưng trí thức họ giỏi, có tiếng nói… nhưng họ không được dự các cuộc tiếp xúc tại địa phương do chính quyền địa phương đó tổ chức vì họ nói thật, nói đúng… Tại địa phương tôi cũng thế: nếu nói về trí thức thì hàng trăm người, họ công tác tại các cơ sở ban ngành, công ty… nhưng tại sao khi tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến về an ninh trật tự địa phương, xây dựng nông thôn văn hoá… họ không được mời tham dự, nếu có thì rất ít chỉ có Đảng viên, cụ lão, chức sắc… Tại sao họ không mời trí thức cùng góp ý và tranh luận để làm sao cho địa phương phát triển hơn, dân chủ, công bằng hơn đúng pháp luật và đường lối của Đảng. Tôi có hỏi một ông lão, có thể nói ông này có tiếng nói trong làng, ông cũng xác định với tôi rắng có hiện tượng đó, và ông hứa với tôi sẽ trình bày quan niệm của tôi với chính quyền địa phương. Tôi chỉ trình bày những gì tôi đã thấy thực tế về trí thức Chăm đã làm được gì và chưa thể hiện tiếng nói của mình trong cộng đồng Chăm. Tôi hi vọng trí thức Chăm cần phải đoàn kết hơn nắm vững pháp luật hơn và “Tôi nghĩ các cán bộ là người dân tộc thiểu số hay người Kinh đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc, cần nắm vững chính sách dân tộc của Đảng. Nắm vững và dũng cảm thực hiện mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn là mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng”. Và tôi chỉ sợ họ đã nắm vững nhưng họ không dám làm, dũng cảm vì sợ ảnh hưởng tới công việc họ đang làm hiện tại và gia đình của họ.
    Xin chân thành cảm ơn
    Mong sẽ nhận được nhiều bài chia sẻ của độc giả.

  6. Nguyên Ngọc là nhà văn nổi tiếng có tác phẩm như Đất nước đứng lên, Rừng Xà Nu… được đưa vào sách giáo khoa. Nhưng lúc đó ông chỉ là nhà văn. Còn khi ông lên tiếng về Bô-xit, phê phán sự hời hợt của ngươi Việt, phê phán nền giáo dục lạc hậu bây giờ… thì ông mới là nhà trí thức. Nhà trí thức lớn.

    Nguyễn nhật Ánh là nhà văn rất đắt khách bây giờ, nhưng ông KHÔNG là nhà tri thức. Vì ông im lặng về tất cả vấn đề xã hội VN.

    Ngô Bảo Châu là nhà toán học lớn. Khi ông lên tiếng về Bô-xit, về vụ án Cù Huy Hà Vũ… ông mới là nhà trí thức đích thực.

    Chăm mình ít tiến sĩ, thạc sĩ, ít ngệ sĩ… nên ta cứ xem họ là trí thức. Và họ mặc nhiên tự nhận là trí thức. Dù họ rất VÔ TƯ với xã hội, cộng đồng.
    Nhà trí thức ưu tư, lên tiếng về các vấn đề lớn của xã hội. Còn chuyện đi họp Hội đồng hương TP thì xin miễn cho họ nhé, các bạn trẻ!!!
    Chi Klủn này xin.
    Kajap karo!

  7. Yut drei!
    Ban Amuviya neu len rat nhieu truong hop dau buon cho nguoi Cham minh…tu choi minh la Chamm. Tuy nhien da co ai tim ra duoc nguyen nhan tai sao 1 nguoi co hoc thuc, biet suy nghi logic, doc nhieu va biet nhieu ma lai dung dung quay mat voi d/t minh? Co phai ho mac co voi nhung hu tuc ma nguoi minh den nay van con giu hay ko? Hay la 1 le gi khac? So bi ky thi? So bi co lap trong giao tiep? Tai sao va tai sao?

    Cang doc cac su viec lien quan den chuyen Cham ko chiu nhan minh la Cham toi thay su hoai nghi ma toi da co tu lau ve nguoi Cham minh la cang dung. Nhung toi cung chua dam noi ra vi so bi ban be, ba con chui. Do la nguoi Cham chung ta khong co “…..dan toc”. Tuy y cac ban dien vao cho trong do.

    Neu cac ban cung cung co hoai nghi nhu toi thi chung ta phai lam sao de bo sung cho su thieu sot do.

    Toi biet rat nhieu nguoi dang co gang san lap khuyet diem do; tuy nhien, nguoi co thien y thi it, ma ganh ti va dem pha thi nhieu.
    Buon lam thay. Xin dung loi toi ra de chui boi, hoac lam toi lam tinh neu ko dong y voi toi thi thoi vi chung ta cung la Cham. Neu toi co noi sai thi nen sua chua cho nhau de chung ta con nhin nhau va con vui ve voi nhau nhe.
    YC

  8. Người Chăm cần nhiều trí thức, chớ không cần người có học mà mang tâm hồn nô lệ hay nhu nhược.
    Đồng bào Chăm cần người lăn xả vào xã hội chớ ko cần người trốn lánh xã hội.

  9. “Cán bộ dân tộc thiểu số đa phần làm việc tại cơ quan nhà nước ở các trung tâm văn hóa lớn, sợi dây liên hệ với bản làng bị cắt đứt, họ lạc lõng giữa người đa số và, rất ít cơ hội phát biểu chính kiến về cộng đồng mình. Những người làm việc tại các tỉnh và địa phương, do điều kiện vật chất và sự tòng thuộc cấp trên, càng không dám nói thật, dù họ phải chứng kiến chuyện chướng tai gai mắt, hàng ngày”.
    Hay lắm!!!

  10. Tôi rất đồng ý với cách nói này của ông Inra:
    “Tôi nói với các bạn trẻ Chăm cần cho bỏ rớt lại sau lưng thứ phức cảm tự ti-tự tôn đi; cần hơn nữa là phải vứt bỏ đi gánh nặng kiêu hãnh hão về quá khứ. Ông cha ta đã có sự nghiệp to lớn, và chúng ta hôm nay cũng cần có công trình mới”.
    Ông ta nói công trình mới có nghĩa là làm ra cái mới đậm đà bản sắc dân tộc, chớ đâu phải ng cứu văn hóa dân tộc.
    Ông ta kêu gọi sáng tạo nhiều lãnh vực khác nhau. Vậy mới là Chăm.

  11. Có nước da hơi sáng em chối mình là chăm
    Mới ít tháng tha phương anh không nhân Việt Nam…

    Thơ Inrasara. Đâu phải có riêng Chăm, phải ko anh YC?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *