Thảo Anh thực hiện
Báo Văn nghệ trẻ, số 15, 10-4-2011
Anh nghĩ gì về nạn đạo văn diễn ra khá phổ biến hiện nay?
Inrasara: Cũng như tình trạng quay cóp bài vở trong thi cử để giật lấy tấm bằng, hay chuyện đánh cắp văn bằng các kiểu để giành/ giữ cái ghế nơi quan trường… vậy thôi. Xem xét đến tính mục đích của sự thể thì vấn đề sẽ được sáng tỏ. Với quan chức, mục đích không phải là văn bằng mà là cái ghế; với sinh viên, không phải là tri thức mà là văn bằng; với nhà văn, mục đích không phải là văn chương mà là cái gì ngoài văn chương…
Những người có hành vi đạo văn – nhiều người trong tay đủ thứ bằng cấp, họ làm công việc được xã hội kính trọng (như ngành giáo dục). Việc làm của họ khiến dư luận bức xúc và phẫn nộ. Theo anh, tại sao họ lại làm cái việc rất không nên làm như vậy?
Inrasara: Ăn cắp bất cứ cái gì, bất kì ở lãnh vực nào cũng là hệ quả của sự lười nhác, thêm tâm lí đốt giai đoạn sớm đạt mục tiêu mà không biết xấu hổ. Ông bà ta nói rồi: “Con ơi nhớ lấy lời cha/ Một đêm ăn cắp bằng ba năm làm“. Hưởng thành quả của kẻ khác mà không phải đổ mồ hôi – hấp dẫn lắm! Địa vị càng cao, nhân vật càng uy tín cộng đồng thì dư luận càng “bức xúc và phẫn nộ”. Tội hơn cả là nạn này được dung dưỡng bởi sự thiếu nghiêm minh trầm trọng của cơ chế…
Đạo văn khác với các loại ăn cắp khác, là để lại “dấu vết” không thể tẩy xóa. Tang chứng này có thể lặp lại, kéo dài lê thê và nguy cơ tái diễn, nếu không kịp chặn đứng.
Chúng ta thường có thái độ xuê xoa với những người viết trẻ khi tác phẩm của họ có những câu, những tứ coppy từ những tác phẩm của các tác giả nổi tiếng. Thậm chí có những trường hợp tác phẩm đạo văn đạt giải cuộc thi văn học cấp tỉnh và bị phát giác, nhưng kẻ đạo văn còn được một nhà thơ nổi tiếng đứng ra che chắn hộ. Anh nghĩ gì về điều này?
Inrasara: Ảnh hưởng, vay mượn, đạo văn… thường diễn ra theo chiều xuôi. Người kém tài hơn vay mượn người nhiều tài hơn, kẻ vô danh ăn cắp của người nổi tiếng. Thường thì họ thoát, bởi cây bút tập sự ít được chú ý, chỉ khi đạt được cái gì đó thu hút dư luận, hắn mới bị săm soi và phát giác. Hành trình đạo văn đôi lúc làm cuộc ngược dòng: Giáo sư ăn cắp công trình của sinh viên, nhà văn nổi tiếng đánh cắp thành quả từ con người còn trong bóng tối.
Đạo văn cũng có nhiều cấp độ khác nhau, tùy tình hình mà truy cứu. Bởi không có gì mới dưới ánh mặt trời. Shakespeare, Aristotle… còn bị “bắt quả tang” đạo văn nữa là. Đạo văn nhưng họ vẫn cứ vĩ đại. Câu nói nổi tiếng được cho là của Picasso: Tài năng thì sáng tạo, còn thiên tài thì ăn cắp, là một cách nói khác của sự vay mượn, ảnh hưởng từ người đi trước. Họ “ăn cắp” và họ “phi tang” [chữ dùng của Xuân Diệu(?)]. Phi tang thế nào để không bị phát hiện, mới là đích thị… tài năng!
Bởi nói như hậu hiện đại, con người chỉ là một văn bản. Nhà văn cũng là một thứ văn bản. Tài năng, khi bạn biết “phi tang” bằng nỗ lực thêm dấu ấn sáng tạo của bạn để tạo khoảng mờ tối đa trên văn bản trước đó nhiều càng tốt. Dấu ấn này chỉ xảy ra với kẻ coi văn chương là tiêu đích, chứ không là phương tiện; và “sáng tạo” là niềm vui chứ không phải lợi lộc từ thành quả của nó.
Nhưng dù ranh giới giữa ảnh hưởng, vay mượn và ăn cắp có mờ tới đâu, văn bản đạo văn thế nào cũng được nhận ra. Chuyện cây bút kém cỏi không chịu gia công “phi tang” thì miễn nói; còn bất kì ai dùng uy tín của mình bao che hành vi kia thì quả là hỏng nặng rồi.
Nếu tác phẩm của anh bị người khác ăn cắp, anh sẽ làm gì? Im lặng hay lên tiếng?
Inrasara: Cũng tùy vùng quy hoạch, mức độ vi phạm hay hậu quả của nó nữa. Vả lại tôi chưa bị cụ thể, nên chưa biết mình thái độ thế nào. Có bài thơ viết giống một bài thơ Inrasara đến 70%: ý, tứ, ngôn từ và cả nhịp điệu; đăng tạp chí chuyên đàng hoàng. Đọc thấy, tôi cười và cho qua. Tôi nghĩ nhà ấy chỉ ảnh hưởng, chứ không phải ăn cắp. Thử tưởng tượng nếu bài thơ đó đoạt giải nào đó, thì thế nào? Sẽ có người nhận ra. Và tôi dĩ nhiên, sẽ xác minh. Tôi đã một lần lên tiếng xác minh như thế. Còn trường hợp vài “nhà” dùng dụng ngữ của/ hệt Inrasara, tôi có nhắc sơ qua và đùa nghịch đó có thể chỉ là “liên văn bản”.
Ở trường học, vài sinh viên viết luận văn cũng có “phi tang” dấu ngoặc khi lấy lại nguyên đoạn văn của tôi. Ngược đời hơn nữa, bạn tôi kể có vị giáo sư phản biện luận văn thạc sĩ đã dùng cả ý lẫn văn của tôi ra mà phản biện học trò.
Rõ ràng là hiện nay nhiều nhà văn của chúng ta đã chấp nhận thái độ thoả hiệp, “chung sống hoà bình” với nạn đạo văn vì sợ mất thời gian, sợ những phiền luỵ không đáng có. Liệu đây có phải là cơ hội cho căn bệnh này phát tác ngày một phổ biến hơn, ngang nhiên hơn?
Inrasara: Có thể nói phần đông nhà văn Việt Nam không được gì cả, khi đạo văn. Bị đạo văn, họ cũng chẳng mất mát gì lớn. Bởi đại đa số là không đáng. Không đáng mà phải đuổi theo nó thì mất cả sinh lực, nên ít ai hào hứng. Nhất là với cơ chế chưa có gì là rõ ràng của hôm nay.
Liên quan vấn đề này, tôi chú ý đến phòng ngừa hơn là chữa trị. Phòng ngừa ngay khi chúng mới manh nha ý định hay chưa kịp ló đầu xuất hiện. Tạm lấy một chi tiết nhỏ ở thể loại tiểu luận hay phê bình văn học, “văn hóa chú thích” (Tienve, 7-2010) là rất cần, nhưng tôi thấy hầu hết báo ta hoàn toàn không chú ý đến nó, thậm chí muốn xóa bỏ thao tác khoa học này. Một bài dịch hay một bài tổng kết, chỉ cần viết “Theo…“, “Tổng hợp từ báo nước ngoài“,… là đủ. Hành động đó khác gì đồng lõa với sự trí trá.
Nhiều tiểu luận của tôi ghi đầy đủ chú thích, báo đăng, chúng biến sạch. Biết tánh ý, tôi cố nhét chúng vào trong bài theo cách tiết kiệm nhất, vậy mà chúng cứ bị xóa. Làm vậy là dung dưỡng cho sự lập lờ, từ đó dối trá có cơ hội phát triển.
Những người đạo văn, cần bị xử lý như thế nào?
Inrasara: Còn khi hành vi đạo văn đã bị lôi ra công luận, thì sự việc hoàn toàn thuộc pháp luật và cơ quan có thẩm quyền nào đó xử lí. Sự thể đã nằm ngoài tầm với của nhà văn rồi. Bởi nhà văn không biết làm, còn nếu cố làm thì họ sẽ làm rất kém. Hơn nữa, theo đuổi nó thì còn đâu thời gian và “cô đơn” cho sáng tạo nữa, phải không?
Một “cơ quan” khác có thể ngăn chặn và có thẩm quyền “xử lí” vụ đạo văn là tòa soạn báo chí. Khi nhận ra hơi hướng đạo văn trong văn bản gởi về tòa soạn, Ban biên tập yêu cầu đương sự làm rõ nguồn; nếu không thì không đăng; nếu đã đăng mà bị phanh phui thì sẵn sàng đưa sự việc ra công luận, cắt đứt không còn đăng bất kì bài nào của “nhà” ấy. Vĩnh viễn.
Để ngăn chặn nạn đạo văn, thái độ ứng xử của các nhà văn và xã hội cần phải ra sao, thưa anh?
Inrasara: Đạo là ăn cắp. Xử lí nghiêm minh, là chuyện đương nhiên rồi. Nghiêm minh từ trên xuống, nghiêm minh ở mọi lãnh vực, không chừa trừ ai. Nghiêm minh thế nào thì tôi không hình dung được, nhưng ít ra cũng ngang bằng vụ Bộ trưởng Quốc phòng Đức từ chức vì bị tố cáo “đạo văn tiến sĩ” (vnExpress, 3-2011). Ở Việt Nam, mong mỏi từ chức từ nhân vật đã yên vị trên chiếc ghế béo bở không khác gì nằm mơ hái sao trên trời. Rât nhiều trường hợp đánh cắp văn bằng, sử dụng bằng cấp giả không bị xử lí khiến cá nhân trở thành chai lì, xã hội nguy cơ trở thành chai lì với dối trá.
Nhưng nhà văn và trí thức được coi là lương tri của xã hội, định phận của họ là phản biện, là phơi bày mặt trái của xã hội. Họ phải lên tiếng, và lôi cuốn dư luận xã hội nói. Trên nhiều phương tiện khác nhau, bằng nhiều hình thức khác nhau.
Liên tục và đồng bộ vậy thôi, ta mới hi vọng có sự chuyển đổi. Hay ít ra mỗi cá nhân liên quan với chữ nghĩa phục hồi lại dây thần kinh xấu hổ nơi mình.
Nhận định của bác Sara về vấn đề đạo văn này rất hay, rất may phóng viên Lê Thắng đã phát hiện ra vấn đề đạo văn của Võ Thị Lệ Thủy, với bút danh là Lê Thủy. Đây là tiếng chuông cảnh báo cho các “nhà” ở Việt Nam nên viết những gì có trong đầu mình ra chứ đi viết lời của người ta thì không hay ho gì cả.
Báo chí VN hầu như tháng nào tôi cũng thấy phỏng vấn nhà thơ Inrasara, từ loại báo chí chuyên ngành hay báo phổ thông. Lí do vì sao không biết. Có lẽ anh trả lời hay. Cũng có thể anh nổi tiếng. Nhà báo cần có tiếng nói có sức nặng để giáo dục quần chúng chăng?
Nhiều người nói về đạo văn rất quá khích, bài này đĩnh đạc hơn.
Tôi hay đọc sách cổ nhân, tự hiểu “Đạo” là con đường mà nhiều người từ xưa đến nay do cùng đi và đến nên hình thành. Nếu cùng một trường phái thì sẽ có tên danh như đạo Phật, đạo Khổng, đạo Bà-la-môn v.v……
Còn trong cuộc sống tự hiểu mọi điều, mọi sinh hoạt… đều ẩn kín cái đạo bên trong. Ví dụ xã giao cho phải đạo, ăn nói phải đạo… và cả trà đạo, tửu đạo (tiên tửu, tục tửu).
Vì vậy đọc thuật ngữ “đạo là ăn cắp – nạn đạo văn” tự nhiên tôi thấy dị ứng, dù có tự hiểu phân biệt giữa danh và động từ (đạo). Do trình về ngôn ngữ có hạn chế, mong các bạn giúp giải thích thêm trong chữ “đạo”.
@tamthuc2000:
Bạn tham khảo thêm Wikitionary nhé:
http://vi.wiktionary.org/wiki/%C4%91%E1%BA%A1o
Trong mọi ngôn ngữ, trùng âm là chuyện…bình thường. Bởi thế người ta mới có thể…chơi chữ một cách thú vị. Tất nhiên là bạn …không thể không biết chuyện này.
Mến.
ĐẠO có nhiều nghĩa khác nhau, theo tôi hiểu như vậy.
Đạo có nghĩa là ăn cắp: đạo chích.
Người Việt ưa tạo ra từ mới: đạo văn, đạo nhạc, vân vân…
Tặc cũng vậy: lâm tặc, hải tặc, tin tặc, giáo tặc…
Cảm ơn bạn Minh và Jabeh-01! Tại tôi cứ hay tưởng tượng đằng sau một từ với nghĩa mới (khác) có cả câu chuyện hay bối cảnh hình thành nó.