Chay Mala: 20 năm sau


(Ngụ ngôn ủng hộ chuyên đề Người Chăm có thông minh không?)

 

Người đồ đệ từng theo hầu vị sư-vương 20 năm phục vụ đất nước. Thời gian ấy, người đồ đệ luôn bên cạnh sư-vương, thẳng thắn đưa ra nhận xét vừa tinh tế vừa uẩn khúc về nếp ăn nết ở, tài năng và cả tham vọng của các quan đại thần trong triều, giúp sư-vương rất nhiều trong việc triều chính.

20 năm, vị sư-vương mong rời bỏ chính trường, nhường ngôi cho con, lên núi tu hành thỏa chí bình sinh. Lần cuối, có mặt vị hoàng tử, vị sư-vương muốn người đồ đệ truyền lại tất cả hiểu biết về các quan trong triều, để qua đó người kế vị có kinh nghiệm trị vì vương quốc.

 

Rồi hai thầy trò lên núi…

20 năm sau, một tối nọ, nhớ lại cuộc trần gian, vị sư già hỏi đồ đệ cũng đã luống tuổi:

– Hồi ta trị vì, hỏi về các quan trong triều, đệ luôn nêu các điểm khuyết của họ; còn hôm ta sắp rời đi, có mặt con ta thì đệ chỉ một mực khen họ là sao?

– Dạ bạch thầy, lòng sư thầy bao la, trí sư thầy nhìn thấu trăm cõi, biết tâm địa cụ thể của bá tánh mà xoay chuyển cái chưa tốt nơi họ theo hướng có lợi cho nhân quần; còn hoàng tử tuổi đời chưa tới, trí lự chưa định, nêu mấy phần tốt thì có lẽ hợp hơn.

Vả lại con nghĩ, đất nước ta phồn thịnh là do tài đức bạch thầy của 20 năm trước; còn cái am nhỏ khiêm cung này còn yên tĩnh đến bây giờ, cái thân tứ đại thầy trò mình còn tồn tại đến hôm nay, phần lớn nhờ công sức tu hành của bạch thầy từ mấy kiếp trước, một phần nhỏ nữa cũng là nhờ trí mọn của đệ này vậy.

 

*

BBT

Theo bạn, trí mọn của người đồ đệ này là gì thế nhỉ?

 

 

8 thoughts on “Chay Mala: 20 năm sau

  1. Trí lớn tính việc lớn, trí nhỏ làm việc nhỏ. Trí lớn không có trí nhỏ hộ vệ thì rất dễ bị toi. Trí nhỏ làm việc vặt thì được, chớ mơ làm việc lớn thì nổ banh xác như con ếch mơ làm con bò.

  2. Đây không phải là ngụ ngôn Chăm cổ, mà chỉ là ngụ ngôn mới sáng tác. Chay Mala có thể viết nhiều nhưng rồi có thể sẽ bị thời gian bỏ quên hay nghiền nát gì đó, để còn lại vài ngụ ngôn… để đời là vui rồi.
    Cám ơn bạn.

  3. Ngoại sử:
    Lê Thánh Tông tài hoa và đã xây dựng triều đại hùng mạnh là chuyện ai cũng biết. Nhưng ngoại sử còn chép là, ông có người anh là Lê Nghi Dân, ông này không màng chuyện làm quan, mới bàn tính chuyện đi tu với người em. Lê Thánh Tông vui vẻ chấp nhận. Buổi tiệc chia tay, để trừ hậu họa, ông cho người lẻn ra phía sau giết chết người anh đức độ hiền từ.

    Trong Ngụ ngôn, người đồ đệ này muốn ngừa chuyện đó cho ông thầy mình. Nếu ông nói chuyện này ra có lẽ sợ ông thầy không tin, nên mới có hành vi như vậy. Trí mọn là thế, theo lối hiểu của “tiểu đệ” này.

  4. Tôi thử phân tích và nêu ý kiến, không biết có đúng không?

    Vị Sư vương cuối đời từ bỏ triều chính lên núi tu hành xứng là Minh sư. Qua đó ta biết quan hệ vua – tôi, sư phụ – đệ tử luôn diễn ra trong 40 năm.

    Trước khi từ bỏ ngai vàng, Sư vương hoàn toàn yên tâm giao cho đệ tử tự do truyền lại hiểu biết chính sự cho con mình (Hoàng tử) và không cải chính khi câu nói khác đi –> đánh giá cao sự hiểu biết của học trò.

    20 năm sau với câu nói – “Dạ bạch thầy, lòng sư thầy bao la, trí sư thầy nhìn thấu trăm cõi, biết tâm địa cụ thể của bá tánh mà xoay chuyển cái chưa tốt nơi họ theo hướng có lợi cho nhân quần; còn hoàng tử tuổi đời chưa tới, trí lự chưa định, nêu mấy phần tốt thì có lẽ hợp hơn”.–> Học trò dùng hiểu biết sâu rộng, tùy người nghe và hoàn cảnh cũng như ảnh hưởng sâu xa mà tự do chuyển tải.

    Chỉ bằng lời nói với SỰ HIỂU BIẾT –> kết quả tốt về sau. Phần của học trò bé mà không bé, trí này mọn mà không nhỏ.

    Bạn Chay Mala nghĩ sao?

  5. Cám ơn bạn Tamthuc. Bạn hiểu vậy là quá quý với tác giả rồi.
    Còn thì mỗi người hiểu mỗi cách.
    Thuk siam

  6. Theo tôi thì trí lớn và trí nhỏ bổ sung cho nhau. Có khi trí lớn qua chui không lọt cái lỗ, bị kẹt lại không chừng. Có khi còn chết khô nữa chớ. Còn trí nhỏ thì lươn lẹo nhiều ngõ ngách để sống còn.
    Ngụ ngôn này độc đấy nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *