Inrasara.com đăng lại từ email của cư sĩ Trần Trúc, truct2003@yahoo.com
(Ngụ ngôn ủng hộ chuyên đề: Người Chăm có thông minh không?)
Ngụ ngôn và lời bàn.
*
Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là 2 học trò yêu của Khổng Tử.
Trong thời Đông Chu , chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ. Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.
May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo. Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi đảm nhận việc thổi cơm.
Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất – phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.
Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.
Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ. Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh rồi từ từ đưa cơm lên miệng.
Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài… ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”
Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về. Nhan Hồi lại luộc rau. Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ.
Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên: tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.
Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước.
Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy, cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?”
Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!” Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”
Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”
Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”
Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra định vất đi nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình chung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em.
Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi. Bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”
Nghe Nhan Hồi nói xong. Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!
Muốn hiểu biết tường tận một vấn đề gì, cần phải là người trong cuộc.
*
Lời bàn của Inrasara
“Muốn hiểu biết tường tận một vấn đề gì, cần phải là người trong cuộc”.
Nhưng Ngụ ngôn dạy ta: Ngay cả là người trong cuộc cũng chưa thể hiểu tường tận sự thật! Dù người trong cuộc đó nhìn vấn đề bằng con mắt vô tư và đầy tình yêu thương, như Đức Khổng với Nhan Hồi. Chính mắt mình thấy sự việc, sờ sờ trước mắt mình. Một sự việc cũng rất cụ thể, không phải dụng công hay trí để suy luận. Cụ thể đến ngay người ít học nhất, thiếu kinh nghiệm nhất cũng có thể phân định đúng sai. Nhưng không. Đức Khổng vẫn cứ ngờ ngợ, nên Ngài đã có cách để tự xét cái nhìn của mình lần nữa xem sao: Thì ra thấy vậy mà không phải vậy.
Ngụ ngôn dạy ta bài học về hoài nghi. Hoài nghi là bước đi đầu tiên của sự khôn ngoan và minh triết.
Chi tiết cụ thể trong một sự việc cụ thể, nếu ta không nhìn bằng con mắt vô tư và yêu thương, thì dễ dẫn đến hư hại. Chưa nói sự thể phức tạp hơn, cần nhiều tri thức và kinh nghiệm hơn. Sự thể được nhìn bằng con mắt thành kiến thì càng tai hại hơn nữa.
Con người vốn yếu đuối, nên hay có xu hướng nghe theo. Nghe theo và nói theo. Nghe theo sách vở, nghe theo ông thầy, thấp hơn là – nghe theo phe ta. Nghe mà chẳng có lấy chút suy xét. Có khi một sự việc ta chứng kiến, nhưng ta nhìn mà chẳng thấy. Hay ta chỉ thấy một chiều, thấy theo ý ta, định kiến của ta, quyền lợi của ta, tri thức hạn hẹp của ta.
Có khi hôm nay ta thấy thế này là tốt, mai thấy thế khác. Đọc bài này thấy hay, đọc bài phản bác bài trước đó, cũng nghe đúng lí. Không bao giờ có lấy một ý kiến riêng của mình.
Thử đưa ra 2 kinh nghiệm vui:
1. Năm lớp 9, tôi có dịch bài Hận Đồ Bàn ra tiếng Chăm. Chữ nào không biết thì tra từ điển. Có một chữ tôi dịch sai mà cứ hát: Đèo cao thác sâu… Paliw glaung har dalam… mãi đến năm 1983. Một hôm đạp xe lên Sông Pha chơi với Quảng Đại Thoang đang phụ trách Hiệu sách trên đó, nửa đường lên dốc, xe đạp xẹp bánh. Có 2 vợ chồng người Raglai giúp tôi. Xong, họ đi. Anh chồng nói với vợ: – Hư paliw nhu pak likuk nan… Mầy đèo nó đằng sau ấy… Tôi mới vỡ ra. Té ra khi dịch ca khúc trên, không hiểu chữ “đèo”, tôi mới lật từ điển Moussay mà quên nhìn sang phần tiếng Pháp. Đèo có 2 nghĩa: 1. Đèo dốc, 2. Đèo con. Ngốc vậy đó.
2. Đầu những năm 1990, đang soạn Từ điển Chăm – Việt, dư luận đồn Phú Trạm làm sai nhiều quá. Nhưng khi xong bản thảo in ra 20 bản gởi cho giới trí thức góp ý, rất ít ý kiến góp ý về cái sai cụ thể. Đến khi Hội nghị Góp ý Từ điển được mở ra ở Phan Rang mời non 200 trí thức, thân hào nhân sĩ Chăm đến góp ý – đối diện với người thật việc thật thì – hầu như không sai gì cả!
Pingback: Bữa cơm của Khổng Tử » Gilaipraung
Thấy Vậy Mà Không Phải Vậy
Xưa kia Khổng Tử, Nhan Hồi
Bậc thầy thiên hạ trao dồi cho nhau
Học trò kiếm được ít rau
Xin được ít gạo nhà giàu mới cho.
Đem về tỏ rõ tình trò
Liền đem đi nấu bụi tro giăng vào
Bây giờ chẳng biết làm sao
Bỏ đi thì tiếc, bỏ vào không xong.
Thế rồi nắm nắm trong vòng
Bàn tay thanh sạch cho lòng ấm lên
Hy sinh một chút làm nền
Cho Thầy bớt cực, đáp đền công ơn.
Vô tình Thầy thấy hết trơn
Nên Thầy mới khéo giận hờn chút thôi
Cơm này nếu thật không tồi
Phụ thân Ta cúng để rồi Ta ăn?
Học trò hết mực can ngăn
Cơm này không tịnh, để ăn thôi Thầy
Nhan Hồi con nói thật đây
Con đà ăn trước thưa Thầy vậy thôi.
Thế nên Thầy Khổng thấy tồi
Tự mình hổ thẹn vì Tôi thua trò
Rõ ràng mắt mở rất to
Mà sao không thấy lòng trò thẳm sâu.
Mình đây lấy “Đức” làm đầu
“Tam Cương” đã dạy từ lâu lắm rồi
Vậy mà xuýt nữa làm tôi
Cho phường gian ác, nhọ bôi suốt đời.
Từ nay chẳng dám khơi khơi
Chưa tường, chưa tỏ việc đời phán ngay
Rằng là các đệ nghe Thầy
Tai nghe, mắt thấy nhưng đầy cái sai?
Vậy nên các đệ khoan thai
Trong ngoài sáng tỏ đêm dài nghĩ suy
Suy đi, nghĩ lại những gì
Thầy đây đã dạy khắc ghi vào lòng.
Tỉ như cái Cúp vừa xong
Bi-da Phăng đó ở trong Nước Hàn
Phương Linh cơ thủ bất toàn
Nhưng nhờ điềm tĩnh và gan kiên trì.
Lần đầu đăng ký dự thi
Vượt qua các trận cách kỳ diệu thay
Để rồi chung kết đến ngày
Tuy không đạt Cup nhưng nay khác rồi.
Thầy đây nhớ lại cái tôi
“Ngũ Thường” đã dạy trao dồi nghe con
Thầy đây đâu phải đã ngon
Hằng ngày Thầy vẫn làm con Ông Trời.
Cũng may là rất kịp thời
Thầy trò ta học ở nơi khách này
Nhan Hồi con sẽ từ nay
Thay ta đàm phán lần này, lần sau.
Tìm ra Minh Quốc lẹ mau
Tìm ra Minh Chủ để mau giúp đời
Vì ta đi đã nhiều nơi
Nhưng chưa tìm thấy người Trời phú ban.
Nên ta chẳng dám làm càn
Đúng là thấy vậy, muôn ngàn trái sai
Từ nay phải nhớ thuộc bài
Tai nghe, mắt thấy: đúng, sai chưa tường!
CĐPS, ngày 25/09/2021
Lễ CN XXVI TN, năm B
Thánh Cosma và Đamianô tử đạo