Quá nhiều sự cố và sự kiện trong tháng.
Tối khách người Nhật về quê tặng quà cho chị em phụ nữ Caklaing, thì chính hôm đó xảy ra động đất và sóng thần ập đến gây thảm họa cho Nhật Bản. Nhân dân Libya chuẩn bị hứng bom đạn. Đó cũng là ngày Phạm Công Thiện mất…
1. Khách người Nhật thái độ bình tĩnh lạ thường. Con gái ông phone nhắn bố đừng về, bởi nhà đã hư hại nặng. Về thì không có gì để ăn cả. Bố ở lại Việt Nam đi, khi nào ổn định tính sau.
Ông 70 tuổi rồi.
* Cùng tiến sĩ DT Mỹ Hạnh… tại Bảo tàng Tre – Bình Dương – Photo Mỹ Hạnh.
Nhưng ông vẫn cứ ở lại, bình tĩnh giải quyết công việc, như chẳng có gì xảy ra. Rồi ba hôm sau, lên máy bay về nhà. Gần tháng đi qua, Nhật Bản vẫn chưa ổn định: động đất, sóng thần rồi ảnh hưởng phóng xạ…
Tin Phạm Công Thiện mất được Nguyễn Tiến Văn báo qua tin nhắn lúc 16:50 ngày 10-3-2011:
PCT mat ngay 8-3. Ng emtrai la Phamtrungcang cho biet PCT chi dau binhthuong nhung tu truoc den nay nhatdinh kg chiu zung thuoc. Lannay nam 1 tuan kg an saudo mat luon. Sang Chunhat chua Jalam o SG se tochuc le causieu zo Tuesi chutri.
Tôi định đi, một lần trong hiếm lần tôi có ý định muốn đi viếng người chết, nhưng rồi không. Thân nhân, bằng hữu bệnh hay tai nạn, nghe tin – tôi luôn có mặt sớm nhất có thể, nhưng đám tang, đám cưới, tiệc tùng thì – không. Với Phạm Công Thiện, tôi đã muốn thay đổi thói quen, nhưng rồi không. Dẫu sao chính Phạm Công Thiện chứ không phải ai khác là người đã lay động tinh thần tôi, làm thay đổi hướng hoạt động trí tuệ tôi thuở trai trẻ.
Có nhà văn ta kính trọng, Nguyễn Hiến Lễ chẳng hạn, qua các trước tác và nghiên cứu đồ sộ với văn phong giản dị và hấp dẫn của ông. Có nhà văn ta ngưỡng mộ, bởi tài năng và khả năng sáng tạo của họ. Thanh Tâm Tuyền là một. Còn Phạm Công Thiện, không chỉ ngưỡng mộ thôi, anh đồng thời lôi cuốn ta về phía hành động, phía thay đổi.
Anh đã mất. Con người một thời cuồng nộ một thời im lặng ấy đã xa rời mặt đất trần gian. Vĩnh viễn đi vào câm lặng. Cầu bình an cho linh hồn anh.
2. 23-3-2011, qua Đại học Hoa Sen nghe Nguyên Ngọc nói chuyện: “Xây dựng con người tự chủ, để dân tộc tự chủ, chương trình vĩ đại bị dở dang của Phan Châu Trinh”. Và Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng: “Tinh thần Phan Châu Trinh, tinh thần xuyên thế hệ”.
Nguyên Ngọc cho rằng dù kính trọng Phan Bội Châu, nhưng Phan Châu Trinh vẫn quyết liệt phê phán chí sĩ này là: Yêu nước hẹp hòi – đi cặp đôi với Yêu nước hẹp hòi là Tinh thần vọng ngoại.
Chiến lược hành động của ông với phương châm: Triết học: Khai dân trí – Tâm lí: Chấn dân khí – Môi trường: Hậu dân sinh, đến hôm nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Đường lối canh tân của ông cùng với các nhà yêu nước đương thời, dù chỉ tồn tại trong vòng một năm, đã ảnh hưởng rộng lớn đến xã hội.
Nhật Lệ nghỉ sanh, nhờ tôi viết bài về Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh cho báo Lao động. Ừa, thì viết. Nhận viết thì phải đi.
Giải thưởng năm nay được trao tặng cho sáu vị học giả, dịch giả và nhà giáo dục: Đó là giáo sư Hoàng Tụy (lĩnh vực giáo dục); nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình người Mỹ – Kevin Bowen và nhà dân tộc học người Czech – Ivo Vasiliev (lĩnh vực Việt Nam học); nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân (lĩnh vực nghiên cứu) và hai dịch giả Phạm Văn Thiều và Nguyễn Đôn Phước (lĩnh vực dịch thuật). Buổi lễ diễn ra trong không khí vừa trang trọng vừa trí thức đồng thời ấm áp tình hữu nghị tại khách sạn Rex, TP Hồ Chí Minh tối 24-3.
* Bông tre với tôi như một huyền thoại – Photo Mỹ Hạnh.
3. Sáng thứ Bảy, tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh mời qua Làng Tre – Bình Dương tham quan, đi cùng hai cô nhân viên Đại học nữa. Bảo tàng tre mươi mẫu được xây dựng từ dăm năm qua, cả trăm loại tre (trên 350 loài của 16 giống thuộc họ Tre) được các chuyên gia hàng đầu thế giới lặn lội tìm mang về từ các vùng rừng núi khắp đất nước. – Đây là “bộ sưu tập lớn nhất Đông Nam Á” – chị Hạnh nói.
Chúng tôi dừng lại nơi cụm tre đang ra bông. Bông tre chỉ tồn tại trong tâm tưởng tôi như trong một thế giới huyền thoại mẹ kể năm sinh tôi hạn hán, cả làng lên núi tìm đãi hạt tre về nấu ăn thay cơm. Mẹ kể, chứ tôi chưa bao giờ nhìn thấy bông tre và hạt tre. Ai ngờ hôm nay duyên hạnh ngộ đưa tôi lọt thỏm giữa rừng bông tre…
Tôi nói ý này với chị Hạnh. Chị bảo thế nào anh cũng phải chộp mấy pô kỉ niệm mới được…
Cả khu rừng khang trang, đẹp và rất nhân văn hứa hẹn tương lai tươi sáng. Nhưng đùng cái, ngày khai trương chính là ngày cơ quan hữu trách cắt mất 6 ha, chỉ dành 4 ha cho vị tiến sĩ Pháp này làm “bảo tàng”. Phần còn lại để khai thác du lịch. Khai thác đâu không biết, chỉ thấy ngôi nhà truyền thống kia đang có dấu hiệu xuống cấp. Đau!
– Chị có kế hoạch gì mới để cữu vãn nó không?
– Không biết nữa anh Sara à. Đôi khi nản quá muốn bỏ cuộc… Tây cũng đã bỏ rồi. Tôi phải bỏ tiền túi ra để giữ, nhưng rồi không biết níu kéo tới đâu …
Cứu! Làm sao cứu? Công chăm sóc, khoản tiếp khách, lương nhân viên, tiền điện nước… Tôi lẩm nhẩm đọc:
Công trình kể xiết mấy mươi
Vì ta khắng khít cho người dở dang…
Chị khen hay. Tôi nói: Kiều đấy, chị à. Trưa, chị đãi ba thực khách thành phố bánh xèo đặc sản với rau vườn. Rồi cho xe con đưa tiễn về tận nhà. Buồn!
4. Biến động Bắc Phi lan rộng, đang lan sang Libya. Sắp đánh lớn rồi. Không thể tránh.
Bao nhiêu người của nhân loại đang hối hả gom góp tiền của, công sức trợ cứu nạn nhân thiên tai, nỗ lực chạy chữa đến đâu hay đến đấy khủng hoảng hạt nhân Nhật Bản. Cũng là để tự cứu mình. Thì cũng có bấy nhiêu người cũng của nhân loại ấy đổ tiền của, trí tuệ vào nghiên cứu cuộc phá hoại các công trình của con người, hoặc ra tay đầu độc môi trường trái đất.
Ôi là nhân loại.
Các thông tin từ nhà máy điện hạt nhân Nhật gây nên nỗi sợ hãi khắp hoàn cầu: “Chúng tôi không có một ý tưởng mong manh nào về tình trạng hiện nay là gì.” Nghĩa là tai họa hạt nhân đã vượt qua tầm hiểu, tầm kiểm soát của con người, dù đó là các chuyên gia hàng đầu trên thế giới.
“Một linh cảm xấu và bất tường”…
Mỹ buộc phải xem xét lại toàn bộ lò máy điện hạt nhận khắp đất nước. Canada, Pháp… Rồi Trung Quốc xét lại dự án hạt nhân tương lai của mình… Việt Nam thì vẫn hạ quyết tâm tiến hành, vì nó… “an toàn”.
Ôi nhân loại…
5. Khác
“Người Chăm có thông minh không?”. Loạt bài viết trên Inrasara.com đã tạo hiệu ứng nhất định. Hỏi, không phải để tìm câu trả lời có hay không. Mà để Chăm nhìn lại mình. Truy vấn và tự tìm câu trả lời cho chính mình. Để sống, sáng tạo và yêu thương. Ở thì tương lai.
Hai bài “Vấn đề xét kết nạp Hội viên Hội Nhà văn” trên Tiền Phong chủ nhật nhận được sự chú ý đáng kể của dư luận văn giới.
Nhiều người ủng hộ Inrasara dũng cảm, cho rằng đây là lần đầu tiên người trong Hội đồng dám nói. Chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến hoạt động của Hội Nhà văn. Tôi không tin lắm. Có bạn văn bảo Inrasara hãy sớm thoát khỏi cái Hội đồng ấy đi…
Đầu tháng, gia đình họ hàng Đôn (cháu) đi tiễn hắn qua Mỹ diện đoàn tụ. Cuối tháng, gia đình Tuyên có một cuộc tiễn khác: Tuyên sang Mỹ học chương trình Thạc sĩ. Dân Caklaing cũng tấp tênh xuất ngoại. Sao lại không? Dẫu gì cũng gọi là phá được cái dớp vốn đã trở thành truyền thống Caklaing lâu nay.
Sài Gòn, 31-3-2011