Thuộc hệ thống ngôn ngữ Mã Lai – Đa đảo, nhưng tiếng Chăm có sự cải tiến quyết liệt, đi xa nguồn cội của nó. Khác cả Malaysia, Indonesia… khác cả Raglai, Giarai… Ở đó, sự biến âm trong âm chính là một trong những cách quan trọng. Chính vì lí do đó, ông bà Chăm đã đẻ ra thêm 4 chữ cái nữa vào bộ chữ cái đã có để tiện ích cho biến âm này.
Hệ thống chữ cái vay mượn chữ Sanscrit có
Ka – Kha – Ga – Gha – Nga
…
thành
Ka – Kha – Ga – Gha – Ngưk – Nga
Chăm đã thêm NGƯK vào hàng đầu tiên, và thêm vào các hàng sau là: NHƯK, NƯK, MƯK
Hiện tượng này xảy ra ít nhất một thế kỉ rưỡi trước. Bởi cả trong từ điển Aymonier (xuất bản 1906) chúng đã được thể hiện rồi. Nghĩa là rất “truyền thống”. Thời đầu thập niên 60 của thế kỉ trước, tôi học chữ cái Chăm cũng có 4 chữ này. Từ điển Moussay cũng có chúng. Đến BBSSC Chăm, 4 chữ này bị loại bỏ. Dường như nhóm nghiên cứu Chăm ở hải ngoại cũng chấp nhận như vậy.
Ví dụ: Malaysia viết MATA, Raglai ở Việt Nam cũng viết MATA hay MƠTA, Chăm viết MƯTA. Malaysia viết MANUSIA, Raglai viết MANUX, Chăm viết MƯNUX. Rất nhiều trường hợp như thế, nên ông bà thấy cần đẻ thêm chữ cái MƯK cho tiện, là vậy.
Biến âm như thế này còn thể hiện ở các cặp khác nữa: Ba – bi, Ga – gi, La – li, Ra – ri, Ka – ku,…
Ba – bi
Trong Aymonier, hầu hết ghi 2 dạng: tỉ lệ 50-50
Bikan – bakan
Biđang – bađang
Bilang – balang…
Tỉ lệ ở Từ điển Moussay (1971) là: 30-70 (ba – bi)
Ga – gi
Aymonier ghi 4 từ GI: gila, gibbak, gilai, gita; còn lại là GA.
Moussay ghi 12 từ GI: gilam, gilơng, ginwơr, ginuh, ginum…
Ví dụ thường thấy
NAGARA là tiếng Phạn. Malaysia vay mượn để nguyên dạng mà dùng.
Chăm viết thành Nagar, sau viết thành Nưnggar, Nơgar rồi cuối cùng là Nưgar…
Trên Tây Nguyên có Krong Ana, Krong Kano, dịch chính xác là: Sông Cái, Sông Đực
(tiếng Chăm tanauw (đọc “tano”): đực; inư: cái – Ở Ninh Thuận có truyền thuyết Mương Đực Mương Cái). Ana: cái, Chăm đọc thành INƯ.
Kết luận: Viết takuh – tikuh, girai – garai, pataw – putaw, balan – bilan – bulan… thì không sai chính tả!