Người Chăm có thông minh không? – Thông minh & Sáng tạo1: Chăm có cần thiết phải rành văn hóa dân tộc không?

1. Năm 15 tuổi, tôi đã dạy chữ Chăm cho vài bạn học. 18 tuổi mở lớp dạy chữ Chăm cho gần 70 anh chị em Chăm đủ lứa tuổi. Rồi làm thơ, sáng tác trường ca tiếng Chăm. Đến khi vào Sài Gòn, gần như tôi đã có trong tay hầu hết văn bản văn học và hoàn thành đề cương chi tiết cho bộ Văn học Chăm… Đó là chưa nói các tri thức ngoài Chăm mà tôi thu lượm được. Từ Nietzsche, Heidegger… cho đến Kinh Phật, Kinh Dịch, Dostoievski, Gide…
Mình cảm thấy mình hơn người, mình sanh tâm kiêu ngạo. Kiêu, ngấm ngầm kiêu.
Khờ khạo vậy đó!

* Cơ hội của ta, cơ hội cho cháu con... – Photo Chế Mỹ Lan.

Tôi xem thường Chăm nào không biết chữ Chăm, coi khinh các anh sinh viên Chăm lớn tuổi hơn tôi không hiểu văn hóa Chăm, khinh bỉ người Chăm có học nào ưa nói độn tiếng Việt trong sinh hoạt hàng ngày, ghét không muốn nhìn mặt mấy ông Chăm lấy vợ Việt, vân vân… Đi đâu tôi cũng nói về Chăm và văn hóa Chăm.
Rồi bất ngờ, vào một tối mùa hè ngồi tảng đá trên đồi cao nhìn vào vùng trắng mênh mông nơi biển Nha Trang sóng vỗ rì rầm, tôi hoát ngộ. Những gì tôi đọc, những gì tôi biết chẳng là gì cả giữa bao la kia. Cái thân tứ đại tôi, dân tộc tôi, cả loài người lúc nhúc cựa quậy trên quả địa cầu bé nhỏ này không là gì cả giữa vũ trụ vô tận trong thời gian dằng dặc.
Tôi trở lại xem thường tôi, khinh bỉ đến tận cùng bản thân mình. Tôi cảm nghe mình có tội, vô cùng có lỗi với những người tôi từng khinh bỉ, dù chỉ trong tâm tưởng.

Sống – có nghĩa là mang tội
tội lỗi bày ra
không cho ta sám hối, cũng chẳng thể sẻ chia
nó xóc ta cô đơn sòng bạc cuộc đời…

(Inrasara, Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

Năm đó tôi đúng 20 tuổi, – thời điểm tôi đã bỏ Đại học.
[Trả lời phỏng vấn Quỳnh Vân trên báo An ninh thủ đô,14-5-2010: “Tôi không có thời gian để kiêu ngạo”, một bạn đã nhắn nói vậy dễ gây hiểu lầm. Trả lời phỏng vấn là tương tác với câu hỏi trước đó. Do nhà báo cho là làm việc như thế, Inrasara có thời gian đâu dành cho ngủ, nên mới có phản hồi lại như vậy. Chớ sinh phận nào bất kì khi đã một lần giáp mặt với “khoảng không” kia, chắc chắn cả đời hắn không bao giờ còn vương chút dấu vết kiêu ngạo nơi cõi người].
Từ đó tôi lên đường đi tìm. Thấy rồi mới tìm, – ai đã nói thế?

2. Trước 1975, thanh niên Chăm lao vào hai nghề chính: giáo và y. Đến nỗi mươi năm sau thôi, xã hội ta ‘khủng hoảng’ thừa giáo viên và y tá. Thừa, và phải chi viện cho các làng Kinh lân cận. Nay thì khác, xã hội ta thừa “nhà nghiên cứu” văn hóa dân tộc. Thật ra để đáp ứng đúng đòi hỏi thì ta vẫn thiếu. Nhưng nhìn kĩ nó cứ thừa. Số dân như vậy mà nhà nghiên cứu có đến vài chục, trong khi cả Tây Nguyên không có lấy một nhà nào! – Quá là đông. Đông chen chân không lọt đâm ra cãi vã nhau.
Hơn nữa, thừa so với tỉ lệ người theo ngành nghề khác. Cả xã hội không có lấy một nhà báo, không có nổi một nhà nhiếp ảnh nói chi đạo diễn điện ảnh. Đó là hiện tượng cực kì lạ.
Sau cuộc khủng hoảng lịch sử, ta sợ mất gốc nên cần nghiên cứu để nhận diện bản sắc ư? Thế cuộc sống đầy biến động hiện tại, đào tạo nhà báo ra nhà báo để phản ánh kịp thời hiện tượng xã hội, dùng ngòi bút đấu tranh cho quyền lợi cộng đồng không cần kíp sao?
Bao nhiêu sự kiện to và nhỏ nảy ra trong xã hội Chăm, có phóng viên Chăm nào xuất hiện tại hiện trường không?
Nữa, chúng ta có quá nhiều người làm thơ, mà không có ai giữa những người cầm bút kia khởi động viết tiểu thuyết. Càng không có ai nảy ra ý định học làm nghề đạo diễn! Phim ngắn, phim tài liệu hay phim truyền hình thôi, chứ chưa nói đến phim nhựa cần nhiều thời gian, tiền của, công sức. Tại sao? Các bạn không thấy lạ hay sao?
– Xưa khổ cực, làm nghề giáo hay y thì chắc cú hơn; còn nay khi đã đủ ăn – nhà nghiên cứu thì oai hơn, nhà văn nhà thơ thì sang hơn,… ta nghĩ thế, có lẽ.
Đó là mới kể sơ về lĩnh vực khoa học xã hội, còn về khoa học tự nhiên, Chăm càng chưa có ai mang ý định học để làm nhà toán học, nhà thiên văn hay vật lí học,…

3. Chăm có cần thiết phải rành văn hóa dân tộc không? Câu trả lời tôi sau tuổi hai mươi và cả hôm nay là: KHÔNG.
Không, dù chính tôi được người đời tặng cho danh vị là “nhà nghiên cứu văn hóa Chăm”. Không, – để những người nghiên cứu văn hóa Chăm hôm nay biết thân biết phận, tránh ngộ nhận rằng mình xuất chúng hơn người, như tôi ngày xưa; từ đó sanh tâm coi thường thiên hạ. Không, để ta không cứ mãi cãi vã nhau ai hơn ai kém cực kì phi lí và thậm vô ích. Vân vân…
Không nên đòi hỏi mỗi người Chăm hiểu biết về văn hóa dân tộc mình; càng không yêu cầu trí thức Chăm biết rành về văn hóa dân tộc, bởi mỗi người có công việc khác, nếu ta biết đẩy nó dấn tới – thì quan yếu hơn. Ta chỉ cần nhớ ta là Chăm, là đã đủ. Biết sơ sơ về huyền sử và nguồn gốc Chăm của ta, cũng xong. Để rồi dành tất cả sinh lực vào việc khác.

Marx, Freud, Einstein được coi là các nhân vật xuất chúng ảnh hưởng to lớn đến thế giới, hỏi họ có rành về văn hóa Do Thái không? – Không. Nhưng điều chắc chắn là họ không quên nguồn gốc Do Thái của họ. Chính Freud đã nhận ra như thế:

Freud đã từng giải thích rằng ông cảm thấy chất Do Thái của mình, không phải bởi truyền thống hay lòng tự hào dân tộc, mà bởi vì hai đặc điểm mà ông thấy còn quý hơn vàng – tự do khỏi những khuôn mẫu niềm tin xưa cũ, những niềm tin thường ngăn cản con người sử dụng trí tuệ của mình, và đi ngược lại điều mà đa số thường làm“.
Eran Katz, Trí tuệ Do Thái, Phương Oanh dịch.

Freud nói: – không phải truyền thống, – không phải lòng tự hào mà chính là chất Do Thái, nghĩa là Trí tuệ sáng tạo mới xác định ông là người Do Thái. Vận dụng vào đời sống Chăm hôm nay, ta có thể nói: Không cần rành văn hóa dân tộc, không cần tự hào ta có truyền thống văn hóa Chăm lâu đời, mà điều cần nhất chính là chất Chăm, thần hồn cốt cách Chăm (hay nói như Chân dung Cát: Chăm được con rồng liếm), để ta có năng lực sáng tạo mạnh mẽ, cho tất cả “đứa con của Đất” ở Việt Nam và đang sống khắp thế giới tự hào.

Tinh thần này tôi đã thể hiện ngay trong trường ca “Quê hương” viết từ năm 1982:

Hành trình tìm hơi thơ – hành trình từ Đất
Hành trình đi tìm quê hương – khởi hành từ nỗi nhớ quê hương
Bắt đầu từ bàn chân trần – trắng, từ con số không
Từ con số âm, có lẽ

Ta không thể đi vào tương lai bằng giấc mê Quá khứ
Đi vào ngày mai bằng niềm tiếc Ngày qua
Không thể bay cao khi hồn còn trì nặng sâu mọt căm thù
Không thể đi xa khi chân còn kéo lê sợi tơ kiêu hãnh hão
Hãy để Tháp Cánh Tiên, Tháp Chùa với nhà trùng tu thi gan giông bão
Để yên Tara, Garuda trong viện bảo tàng
Po Klaung, Xah Bin – xin thắp ngọn nến, nén nhang
Coi chừng hai buồng phổi ta thiếu ôxi bởi khói!

Thế giới rậm rịt bao la cho ta ngàn cơ hội
Cơ hội của ta, cơ hội cho cháu con…

(Inrasara, Tháp nắng, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1996)

Tiếp theo:
Người Chăm có thông minh không?
– Thông minh & Sáng tạo2: Tự do khỏi những khuôn mẫu niềm tin xưa cũ

Các điểm nhấn sẽ được triển khai hay Các yếu tố cho Sáng tạo:
– Tự do khỏi những khuôn mẫu niềm tin xưa cũ
– [Đam mê] Học để [đam mê] Sáng tạo
– Mạo hiểm – Chuộng bất ổn
– Dám thay đổi và Chậm hài lòng
– Chấp nhận tối nghĩa đồng nghĩa với chấp nhận Vô danh

9 thoughts on “Người Chăm có thông minh không? – Thông minh & Sáng tạo1: Chăm có cần thiết phải rành văn hóa dân tộc không?

  1. Vừa đọc tên bài giới thiệu tiếp theo là “Người Chăm có thông minh không? – Thông minh & Sáng tạo1: Chăm có cần thiết phải rành văn hóa dân tộc không?” Tôi bèn nghĩ cái ông Inrasara chơi trò lập dị nào nữa đây? Hay ông nhờ văn hóa dân tộc để thành danh rồi, sau đó ông phủi tay chối bỏ văn hóa dân tộc??? hay không muốn ai làm nữa????
    Ông bạn nông dân tôi dù có mê ông Inrasara cũng nó cùng suy nghĩ, hôm qua như vậy. Nhưng sáng nay đọc bài này thì tôi thấy mình sai. Inrasara đã có tư tưởng đó cách nay 1 góc tư thế kỉ, lúc ông ta còn là thanh niên.
    Hãy để Tháp Cánh Tiên, Tháp Chùa với nhà trùng tu thi gan giông bão
    Để yên Tara, Garuda trong viện bảo tàng
    Po Klaung, Xah Bin – xin thắp ngọn nến, nén nhang
    Coi chừng hai buồng phổi ta thiếu ôxi bởi khói!…

    Ông chối bỏ, nhưng ông vẫn làm. Ông còn làm rất nhiều.
    Đây là thứ tư duy kinh khủng. Có cháu nào đó nói ông Inrasara mâu thuẫn là đúng. Tôi nghĩ ai hiểu được cái lí mâu thuẫn này mới hiểu được tư tưởng ông Inrasara. Tôi nghĩ có lẽ Tamthuc (người Kinh thì phải) sẽ hiểu ông Inrasara nói gì, làm gì.
    Hết.

  2. Chào web: inrasara.com
    Tôi hay vào những trang web viết về Chăm, trong đó có web inrasara.com. thực ra web này là web mang tên cá nhân, nhưng những bài viết có liên quan nhiêu đến Chăm. Mấy hôm nay Inrasara đưa ra một chủ đề rất hấp dẫn, đó là “Người Chăm có thông minh không”? Ngay cách đặt vấn đề đã hấp dẫn với mọi người, nhất là những bạn trẻ, người đều cho mình là thông minh, xuất chúng hơn người (giống như Inra đã tự hào trước đây).
    Tuy nhiên, Inra lại đưa ra một suy nghĩ “người Chăm có cần thiết rành về văn hóa Chăm không” câu trả lời của Inra là không? Tôi không đồng ý.
    Đã là người Chăm anh phải biết về văn hóa của dân tộc mình. Còn “rành” mức độ nào là tùy vào điều kiện, sự đam mê anh ta có theo đuổi nó hay không. Tại sao anh lại cho là không? Inra nên xem lại suy nghĩ của mình, bởi một phần nào đó nó sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của thế hệ trẻ.

  3. Viết hay lắm, chú Sara ơi. Con đọc mà phá lên cười. Chú đã giải quyết được mặc cảm của con. Lâu nay khi gặp người Việt hỏi con biết tháp này xây năm nào không hay vị vua kia có công gì không mà người Chăm mình xây tháp thờ… con ú ớ. Mắc cỡ quá chừng quá đỗi chú ơi. Con hứa tìm hiểu nhưng rồi học chẳng vô. Mà con có ngu gì cho cam. Nó không có hứng thú.
    Bây giờ con hiểu rồi. Con có chối mình là Chăm đâu, vẫn vỗ ngực tự hào chớ.
    Thôi thì con bắt chước chú nói: Einstein vĩ đại thế còn không biết văn hóa dân tộc Do Thái mình nữa là. Miễn sao con phấn đấu làm nghề của mình thật cừ, là tốt rồi.
    Phải không các bạn của tôi. OK?

  4. Từ nhỏ đến lớn tôi toàn sống ở thành phố, ít dịp về quê, nhất là không có để ý đến vấn đề Chăm. Có duyên từ Phạm Công Thiên từ bài viết anh Inrasara, đến website này thấy thích, cảm nhận mình như có chút TÍNH CHĂM vậy thôi và phảng phất đâu đó cảm nhận cốt cách, hồn xưa và cái gì rất riêng, rất đặc biệt, rất hay của Chăm. (Xin lỗi tạm ngưng vì công việc gấp)

  5. Chúng ta còn chưa biết, và không dám nói đó thôi. Như tôi đã thấy có một số người Chăm (không biết họ có rành văn hóa dân tộc?) làm nghề an ninh chỉ xảy ra 1 việc chi sơ sút nhỏ với thanh niên ở làng, họ muốn đánh rồi bắt luôn ngay chính cộng đồng mình vào tù. Bởi thế, nên “NGƯỜI CHĂM CÓ THÔNG MINH KHÔNG?” là vấn đề đặt ra rất cần thiết và có ý nghĩa. Những ai còn nhận mình dòng máu Chăm, cần quan tâm tìm hiểu và tự hỏi chính mình trước hết! Theo tôi ý nhà thơ Inrasara là như vậy.

  6. Diễm Sơn nêu chuyện cá biệt thôi chứ đâu phải đại biểu.
    Ví như anh thanh niên làng đó đúng, mà anh làm an ninh đó sai, thì anh ta cá biệt. Còn nhỡ anh thanh niên làng sai thì sao? Cũng phải chịu nhốt chứ phải k? Đâu có dính gì đến thông minh đâu hè!
    Nhưng chuyện này kể ra dù ko cụ thể, những người hay nịnh bợ cần xem lại mình.

  7. Anh Inrasara là nghệ sĩ sáng tạo đúng không? (nghĩa thực là không đụng hàng – không có vấn đề để cạnh tranh).

    Tính sáng tạo là liên tục tiếp nhận thay đổi trong từng thời khắc diễn biến của cuộc sống để vươn lên, không chết cứng, không định vị. Bản thân những người đặc biệt như vậy ngôn ngữ (bài viết) của họ luôn có ít nhất từ 2,3,4… nghĩa trở lên, phong phú lắm. Mà NGÔN NGỮ thì vẫn là bị giới hạn trong tư tưởng, không thể chuyển tải được hết cái sống động của đời sống mặc dù người sáng tạo có nỗ lực hết mức.

    Tôi chưa quen với hoạt động trang website này, nên còn lom com, ngẫu hứng ý kiến. Quan sát tạm thấy bài viết của anh Inrasara đưa ra có mạch lạc, bao trùm cho nhiều người, tại chúng ta không chịu đọc kỹ, liên tưởng, nối mạch nên dễ ngộ nhận ý của người viết rồi chụp mũ đấy thôi.

    Từ đầu trong bốn cứu cánh Bà-la-môn đã có số 4, 4 phần theo trình tự nhưng bàn số 1 thì phải liên tưởng 2,3,4 (dù là đại khái).

    Tôi tạm hiểu theo nhãn quan của mình. Đời sống con người có 3 phần thực, thanh, linh. Có tách bạch nhưng theo trình tự thống nhất và soi sáng cho nhau. Người thông minh họ bắt đầu từ phần thực, mượn và chuyển tải dần lên những phần cao (linh) hơn, lỗi ở người học (đọc) cứ nhập nhằng dùng ý phần 1 để nói lên phần 2, 3 hoặc ngược lại nên sai là tại mình, lộ phần khiếm khuyết vì vô tâm thì không nói, nhưng lộ ra vì những ý nghĩ cố chấp, hoặc mục đích sâu kín thì bẽ mặt.

    Tôi tự nhủ từ hôm nay chỉ vào trang này khi biết chắc là thong thả thời gian để mà suy ngẫm chớ đọc cái gì liên quan đến anh Inrasara nó cứ lôi cuốn, cứ nghĩ ngợi trong khi làm việc thì mệt lắm, không khéo lại lẫn thẫn, nói vậy chứ giúp nhiều trong nhận thức lắm đó.

    Cuối cùng xin đôi lời: Hãy để cho sáng tạo, cho Inrasara phát huy phần cao nhất rọi xuống phần thực tế là bước tiến để cho những ngôi tháp Chăm ngàn năm – phần vật chất chết được thêm sức sống, thêm LINH THIÊNG và GẦN GŨI với con người hơn.

  8. I
    Cám ơn bác Urang Champa. Cám ơn bác Tamthuc nữa. Đọc 2 bác thích quá trời.
    Bác Tamthuc thế mà hay! Mới bước chân vào mạng này thôi mà nói năng chững chạc đâu ra đấy.
    Bác thắc mắc nên em mới giãi bày, bởi em theo dõi web này từ nó mới cất tiếng khóc chào đời. Rằng là web này khá vô tư khách quan và nết na nữa.
    Em bảo nết na là web cá nhân (nhưng có cá nhân đâu mô, như Urang Champa nói) mà có bài mới đều đều. Kéo dài được 4 năm nay chớ có ít oi cho đâu. Khá và giỏi!
    Em nói vô tư là các còm đều được đưa lên, dù chê hay khen miễn sao có ý xây dựng bồi đắp cho xã hội ngon lành hơn lên. Nhưng còm của bác Thieu nói bác Inra này nọ thì e phải xét lại. Bác Inra có tự khen đâu, người ta khen bác ấy chớ. Vậy mà còm đó không bị xóa BBT lại đi xóa 2 cái còm của em trước đó. Oan lắm. Em tính nghỉ chơi luôn, nhưng nghĩ lại thấy mình trật. Em bình luận về ảnh bác Inra chụp trước cái bàn có bức tượng cái kia và cái ấy. BBT đưa lên rồi 2 ngày sau nghe dư luận lại xóa đi.

    II
    Bác Urang Champa có cái lý của bác ấy. Bác nói viết như bác Inra dễ hiểu lầm là đúng lắm. Nhắn bác Inra “nên xem lị suy nghĩ mình đi”, bởi có người hiểu lầm rồi. Nhưng viết như bác Inra theo em thì được mấy cái lợi như sau:
    – người ta phải đọc kĩ rồi đọc lại từ đầu.
    – tránh cho những “nhà nghiên cứu” tự cao tự đậi, bởi bác Inra đã lấy chính mình ra phê phán.
    Bác Inra nói dzậy đâu phải dzậy. Hãy nhìn những gì bác ấy làm, chớ không nghe những gì bác ấy nói. Mà bác ấy thì làm khối chuyện.
    – bác ấy nói “RÀNH” chớ đâu phải biết. Bác Inra luôn biết giăng ra cái bẫy chữ nghĩa. Ai không đọc kĩ thì rơi vào bị thương. Trí thức Chăm “biết” văn hóa Chăm rồi nghỉ, sau đó làm việc khác. Còn các “nhà” nghiên cứu thì học thêm để rành.

    ÔI viết có bấy nhiêu chữ mà mất cả buổi cà phê.
    Kính chào mọi người vui vẻ.

  9. Ta không thể đi vào tương lai bằng giấc mê Quá khứ
    Đi vào ngày mai bằng niềm tiếc Ngày qua
    Không thể bay cao khi hồn còn trì nặng sâu mọt căm thù
    Không thể đi xa khi chân còn kéo lê sợi tơ kiêu hãnh hão…

    Hay!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *