Người Chăm có thông minh không? – Chuẩn bị cho thảo luận: Thế nào là thông minh 3

Người Chăm có thông minh không?

Thử nhìn xa hơn, về phía sau khoảng trống của lịch sử, biết đâu nó giúp soi sáng phía tối của vấn đề.

1. Cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, Champa rã tan. Twơn Phauw, sau đó là Thak Wa đã tập hợp chưa đầy ngàn “cây nỏ” từ vài dân tộc khác nhau, quyết chiến với quân nhà Nguyễn thiện chiến với đầy đủ súng ống mua từ châu Âu. Trứng chọi với đá, hậu quả và hệ quả thế nào thì ai cũng biết rồi.
Để làm gì? – Chỉ với mục đích là cứu vãn danh dự!
Mưyah jơl nưgar halei, min drei nhu kađa
Dù mình có thất bại nhưng họ nể trọng mình
.

Danh dự đâu chẳng thấy, bởi ngay cả quân lính dưới tay ông cũng quay lại rủa sả ông.
Dom Cru, Raglai, Cam, Kahauw
Nhu chap hatơm Twơn Phauw, sunit ginrơh hagait yuw ni
Người Churu, Raglai, Chăm, Kaho
Chửi rủa Twơn Phauw: rằng tài phép sao ra nông nổi này
.

Sau đó, dân tộc Chăm gần như không TỒN TẠI.
(Inrasara, Văn học Chăm khái luận, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1994).
Twơn Phauw và Thak Wa được xem là bậc anh hùng, nhưng cách giải quyết đó có thông minh không? Trong khi cùng thời điểm lịch sử, Glơng Anak, Pauh Catwai đã nghĩ khác: giữ mạng sống cho con dân và cứu vãn nền văn hóa dân tộc.

2. Năm 1856-1858, – gần như cùng thời điểm thực dân Pháp quyết tâm vào Việt Nam -, Hoa Kì cũng muốn thôn tính Nhật (thực dân nào cũng như nhau). “Có kẻ đề nghị quyết chiến… Các phiên hầu nhìn xa hơn, nghĩ muốn thắng Âu Mỹ thì phải có kĩ nghệ, binh bị như Âu Mỹ, nghĩa là phải Âu hóa đã… Nhật hoàng lúc đó là Minh Trị… cùng với Y Đằng Bác Văn một người đa tài và nhiệt tâm ái quốc, tận lực canh tân quốc gia…
Các sĩ phu đều hăng hái học tập phương Tây, dịch sách Âu Mỹ, nghiên cứu chính thể kỹ nghệ. Chính phủ đón thầy Âu dạy học cho dân: kỹ sư Anh chỉ cách cất đường xe lửa và đóng tàu, người Pháp dạy về luật và binh bị, giáo sư Đức dạy về y học và hóa học, nhà chuyên môn Hoa Kỳ tổ chức giáo dục, các nghị sĩ Ý thì dạy âm nhạc và điêu khắc.
Phái thủ cựu phản động, hô hào bỏ cái học “man di” đó đi mà trở về Khổng giáo; nhưng thanh niên Nhật hăng hái canh tân, rút cục chính trị và kinh tế Nhật thay đổi hẳn”.
(Nguyễn Hiến Lê – Thiên Giang, Lịch sử thế giới, NXB Văn hóa Thông tin, H., 1995, sách tái bản, tr. 143-144).
Nhật Bản đã tồn tại rất oách, và cách nào đó họ đã “thắng Âu Mỹ”!

Nhật thì vậy, Việt Nam thế nào? Pháp đến, vua Tự Đức liền bế quan tỏa cảng, quyết chiến với thực dân. Thế là ngay sau đó sáu tỉnh Nam kì rơi vào tay Pháp. Rồi Hòa ước Patenôtre 1884. Cuộc kháng chiến trường kì, với Pháp, với Nhật, nạn đói kinh hoàng… Sau cùng là với Mỹ và khủng hoảng vượt biên và hậu vượt biên. Bao nhiêu trang sử hào hùng được viết, cạnh đó là chục triệu sinh linh ngã xuống, nghèo khổ và chia xé…
Chứ xin hỏi Minh Trị và Tự Đức, ai thông minh hơn?
[Ở đây xin mở ngoặc ghi chú thêm là hai lối nhìn trên về giai đoạn lịch sử chưa hẳn đã đúng, ta chỉ tạm mượn để minh giải đề tài đang bàn].

3. Thông minh không phải là chuyện học giỏi trong lớp, tiếp thu nhanh, nhớ giỏi để trả bài cho thầy, lấy điểm cao. Không phải! Bởi ta thấy Đại học có thể xuất lò cả ngàn tiến sĩ triết học, tiến sĩ toán học mà không có nổi nhà toán học hay triết gia, là thế.
Thông minh không là ứng đối mau lẹ như chuyện “Con thỏ thông minh” trong các truyện cổ Chăm, chuyện Trạng Con trong cổ tích Việt. Đó chỉ là thứ khôn vặt khôn lõi, không hơn không kém.
Thông minh chính là khả năng ứng phó ở thời điểm quyết định nhất của đời người, của lịch sử dân tộc, một phản ứng đầy thông minh, từ đó ta có thể Tồn tại như là tồn tại, qua đó Phát triển và Vượt thắng ở cấp độ toàn cục.

Đến đây, ta tạm minh giải một phần câu hỏi: tồn tại và bản sắc.
Dù luân lạc tận đâu đâu, con dân Chăm vẫn tồn tại, cho dù:
Nước non Chàm không bao giờ tiêu diệt
Tháng ngày qua vẫn sống trong đêm mờ

(thơ Chế Lan Viên)
Nhưng…
Người Chăm lưu lạc tận Hải Nam xa xôi thời gian Lưu Kì Tông làm vua Champa cuối thế kỉ thứ X, bao nhiêu người còn dám nhận mình là Chăm? Mấy vạn tù nhân Chăm hai đợt ra Bắc vào thời Lý, con cháu họ có tìm về nguồn cội? Chăm Hroi Bình Định – Phú Yên sau biến cố Vijaya hay nửa triệu Chăm ở Khmer, Thái Lan sau biến cố Minh Mạng… có ai còn nhớ đến Chăm? Rồi khi Chăm lai giống, con cháu họ có ai đã từng nhận mình là Chăm không?
Bạn hãy nhìn sâu vào câu hỏi và tự tìm cho mình câu trả lời.
Vậy: Người Chăm có thông minh không?

Tiếp theo…
Người Chăm có thông minh không?Thông minh & Sáng tạo 1: Chăm có cần thiết phải rành văn hóa dân tộc không?
(đây là phần quan trọng nhất của đề tài, sẽ được triển khai tập trung nhất, ở đó tất cả phần trên chỉ là mào đầu, mong độc giả hưởng ứng).

6 thoughts on “Người Chăm có thông minh không? – Chuẩn bị cho thảo luận: Thế nào là thông minh 3

  1. Klủn
    Bài này viết rất hay lắm bác Inra à.
    Bác đưa ra thí dụ rất độc. Em nghĩ Glơng Anak thông minh sáng suốt cực kì.
    Thời buổi đó, hãy cứu mạng sống cho Chăm đã, ưu tiên số 1.
    Phải không bác.
    Kính
    Klủn

  2. – Nhà thơ Inrasara lấy giai đoạn lịch sử này ra minh họa là rất xác đáng. Theo tôi được biết, người Chăm lúc đó nghe theo Lê Văn Khôi (ông có hứa gì đó) theo ông chống lại nhà vua Minh Mệnh, khi ông bị đánh bại, Minh Mệnh đàn áp Chăm. Biết rằng cũng có Chăm theo Minh Mệnh chống quân nổi dậy. Vậy là cả hai đều mắc bẫy. Sau đó người Chăm hầu như không TỒN TẠI, như Inrasara nhận xét.
    Nhà thơ Glơng Anak viết trong trường ca nổi tiếng: “Dù giận bao nhiêu hãy giữ khoan hòa, căm thù người thì tai vạ về phần mình thôi“. Nghĩa là ông không muốn Chăm theo phe nào cả, mà hãy khoan hòa và yêu thương. Một con người rất thông minh đã đề xuất một lối ứng xử thời cuộc thông minh!

    – Bạn Lưu Trung S khen “hiện đại xã hội Chăm duy nhất chỉ có Inrasara xứng danh là SÁNG TẠO” là sai. Tôi không nói nhà thơ Inrasara có xứng đáng hay không, mà là khen như vậy (“chỉ có”) là có so sánh rồi. Mà tôi đọc thấy nhà thơ Inrasara rất kị chuyện so sánh. So sánh thì mất lòng. Bạn đã làm mất lòng tôi (tôi không nói gì), gây đố kị cho THIEU – Thieu nổi nóng lên.

    – Tôi chưa thấy THIEU góp ý xây dựng Web này, mà chỉ viết xỏ lá. Lưu Trung S có quyền nói ý mình, cũng như THIEU có quyền phản hồi, cả hai đều được đăng lên. Theo tôi cho dù đảm bảo “tự do” phát biểu thế nào, BBT không nên đăng các ý tiêu cực: như một phần ý của LTS và cả bài của THIEU.
    Nói về chuyện khen nhà thơ Inrasara, theo tôi nghĩ chắc chắn Inrasara không cần đến lời khen trên Comment (đăng lên cho vui thôi). Bởi anh đã nhận quá nhiều sự ca ngợi, từ xã hội Việt Nam chớ không riêng Chăm đâu. Giáo sư nổi tiếng Hoàng Ngọc Hiến vừa tạ thế coi “Inrasara là cây bút phê bình lỗi lạc“, một luận văn thạc sĩ mới bảo vệ trước hội đồng khoa học cho “Inrasara là nhà văn, nhà phê bình hàng đầu Việt Nam hiện đại“. Vậy mà luận văn kia được chấm xuất sắc. Người Việt gồm tiến sĩ giáo sư có nói gì đâu! Nếu có THIEU ở đó, THIEU dám cãi không nhỉ?
    Lời thật mất lòng, thông cảm nhé
    Chúc tốt bụng và vui vẻ.

  3. “Người Chăm lưu lạc tận Hải Nam xa xôi thời gian Lưu Kì Tông làm vua Champa cuối thế kỉ thứ X, bao nhiêu người còn dám nhận mình là Chăm? Mấy vạn tù nhân Chăm hai đợt ra Bắc vào thời Lý, con cháu họ có tìm về nguồn cội? Chăm Hroi Bình Định – Phú Yên sau biến cố Vijaya hay nửa triệu Chăm ở Khmer, Thái Lan sau biến cố Minh Mạng… có ai còn nhớ đến Chăm? Rồi khi Chăm lai giống, con cháu họ có ai đã từng nhận mình là Chăm không?”

    Đó là những câu hỏi ráo riết, nghe mà đau đớn lòng.
    Tôi có thể hỏi thêm cùng Inra: Đừng hỏi chi xa, các chú các bác người Chăm khi lấy vợ ngoại tộc (Việt, Pháp, Mã lai…) các đứa con này có ai khai sinh mình là dân tộc Chăm k? Các chú các bác có dạy con cháu mình làm như vậy k?
    Kính

  4. Hoặc là chú Sara mâu thuẫn, hoặc là cháu chưa hiểu chú.
    Xin lỗi quý độc giả, cho phép tôi được bày tỏ vài điều tôi ấp ủ mà không ai trả lời thỏa mãn được. Tôi không khen chú Sara đâu, tôi không so sánh chú với ai. Chỉ xin hỏi thật lòng.
    Chú nói chú không tranh với thế gian mà rồi chú luôn luôn được. Rồi chú nói chú là kẻ gặp may. Có gì lấn cấn không? Có mâu thuẫn không? Lẽ nào cứ gặp may mãi. Cháu nghe có vài bác dự Đại hội ở HN về kể chính chú từ chối, vậy mà chú được phiếu rất cao vào Ban chấp hành Hội DTTS.
    Chú viết là đặc san Tagalau “không là gì cả” vậy mà chú bỏ rất nhiều công sức cho đặc san này – cháu cũng không hiểu. Có người hỏi thì chú nói “hãy sống với sự phi lí ấy rồi sẽ hiểu”. Hỏi có ai hiểu không?
    Chú không tranh mà lại được ngồi vào chức Phó chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà văn VN (cháu không hình dung nổi, nhưng nghe bảo phải uy tín lớn lắm mới được như vậy. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nổi tiếng như vậy mà chỉ là ủy viên). Một nhà văn Chăm lại được bầu là Nhân vật văn hóa trong năm của cả nước.
    Đây là điều cháu muốn hỏi thật: Cá nhân chú thì không nói, còn nếu chú chủ trương “không tranh” thì hỏi làm sao dân tộc Chăm có thể tồn tại? Vì người ta nói đời là trường tranh đấu. Chú có mâu thuẫn không? Chú nói chú không “khôn ngoan”, không muốn khôn ngoan, vậy xin hỏi chú Sara như vậy là thông minh hay khôn ngoan? Khôn ngoan khác thông minh thế nào? Cháu thật lòng không hiểu. Xin chú Sara hay độc giả nào biết giải thích giùm tôi.

  5. Cháu VINH sai rồi. Ta đang bàn về Chăm có thông minh không, chớ đâu phải hỏi nhà thơ Inrasara có thông minh không? Hay khôn ngoan khác thông minh thế nào. Cháu lạc đề nhé.
    Mến thương.

  6. Chế Lan Viên viết:
    Nước non Chàm không bao giờ tiêu diệt
    Tháng ngày qua vẫn sống trong đêm mờ

    – Rất hay. Nhưng khi viết:
    Sầu hận cũ tim ta ai biết được
    Người vui tươi ta mãi mãi căm hờn

    Thì hết hay!!!
    Mong anh linh nhà thơ lớn Chế Lan Viên tha thứ cho kẻ hèn mọn này.
    Cho nên nhà thơ Inrasara sinh sau đẻ muộn mới có chữ GIẢI SÂN HẬN.
    Mặc kệ ai phê bình, tôi cho đó là thông minh!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *