Jaya Bahasa kể
(để cổ động loạt bài: Người Chăm có thông minh không?)
Trong nhóm truyện về các con vật hoang dã thường xuất hiện môtíp “mẹo lừa” với mật độ cao. “Mẹo lừa” hấp dẫn người đọc ở sự thông minh, giỏi ứng đối của các con vật trong mọi tình huống hơn là hậu quả của hành vi lừa gạt xét về mặt đạo đức. Mẹo lừa còn là vũ trí để con người hay những con vật nhỏ bé chống lại sự đe doạ của thiên nhiên và những con vật to lớn, hung dữ để tồn tại. Mẹo lừa là một hình thức “tập khôn” của người xưa, là mơ ước của con người trong thời kỳ mà trình độ khoa học kỹ thuật chưa phát triển, mọi sự vật, hiện tượng xung quanh đều bí ẩn và đáng sợ. “Tập khôn” để tồn tại thì dù với hình thức nào cũng đáng được ngợi ca và trân trọng. Tác giả của những mẹo lừa trong truyện cổ tích về loài vật hoang dã của các tộc người Nam Đảo nói riêng và các tộc người Trường Sơn Tây Nguyên nói chung, và rộng hơn nữa là của các cộng đồng người Đông Nam Á thường là con thỏ (Phan Xuân Viện, 2007, tr.77).
Trong truyện cổ tích người Chăm cũng vậy, thường mượn hình tượng con vật để hoá thân làm đại diện cho một đức tính, nhân cách, phẩm chất, phản ánh tâm lí con người. Hình tượng con thỏ xuất hiện với nhiều đặc tính, nhưng tựu trung đều thể hiện sự mưu mẹo, lanh lợi, khôn ngoan, đầy trí thông minh trong việc giải quyết những tình huống gian nan để giúp đỡ người dân, bênh vực phía thiện, trừng bị kẻ hung bạo, tham lam, một cách chính đáng bằng tiểu xảo làm bật thành tiếng cười cho người nghe.
Nhân vật con thỏ có một vị trí trân trọng trong xã hội, nếu như các con thú vật lớn như voi, cọp được xưng hô bằng ông voi, ông cọp, thì con thỏ nhỏ bé cũng được xưng bằng anh thỏ, chú thỏ với sự nể nang và thán phục. Nhưng ở con thỏ cũng bộc lộ tính cách chủ quan, tự cao về tài năng của mình, xem thường năng lực của người khác. Nên, kết cuộc của những cuộc thách đấu, nhân vật thỏ thường không dành được phần chiến thắng.
Dưới đây, tôi đưa ra một số câu truyện cổ tích của người Chăm đề cập đến tài năng và đức độ của con thỏ để thấy được trí thông minh trong ứng xử của nhân vật.
1. Thỏ và ốc sên chạy đua
Một hôm, con thỏ đi uống nước, thấy con ốc sên đang đu bám vào một hòn đá bên cạnh nguồn nước.
Con thỏ: ốc sên mày làm gì ở đây ?
Ốc sên: thế anh thỏ đến đây làm gì ?
Con thỏ: tao đến uống nước và dạo chơi.
Ốc sên: thì tôi cũng giống anh.
Con thỏ: thân mày chỉ bằng ngón chân của tao, mày lại không có chân tay mà dám nói giống như tao à !
Ốc sen: anh thỏ bảo tôi không có chân tay. Vậy anh có dám chạy thi với tôi không ?
Con thỏ: cười nhạo. Nếu mày chạy kịp tao thì tao sẽ không đến đây uống nước nữa.
Sau khi hai bên đã thống nhất được với nhau về ngày giờ và địa điểm chạy thi. Hôm sau, đúng lịch hẹn con thỏ có mặt. Nhưng con thỏ không biết, trước đó ốc sên đã kêu gọi họ hàng cùa mình bố trí nhau đứng dọc khắp đoạn đường đua, hễ thỏ lên tiếng kêu thì đáp lại thanh liền. Cả hai cùng xuất phát, chạy được một đoạn đường, con thỏ ỷ lại dừng chân nghỉ ngơi và chơi đùa. Đến trưa, khi chợt nhớ lời thách đấu. Con thỏ bắt đầu chạy tiếp. Khi chạy được đoàn đường nào con thỏ hét tiếng lên đều nghe thanh ốc sen đáp lại phía trước đoạn đường. Con thỏ gắng hết sức chạy, gần tới đích vẫn nghe thanh của con ốc sên ở phía trước, mệt và đuối sức nên con thỏ thua cuộc. Từ đó, con thỏ không đến nơi nguồn nước nữa mà chỉ liếm giọt sương trên cỏ non mỗi sớm mai.
2. Con trâu đực đẻ con
Một anh nông dân nghèo ở đợ cho nhà giàu để trừ nợ. Khi đi, anh có dắt theo một con trâu nái, sau hai năm làm thuê, anh nông dân đã trả hết nợ nên được phép về nhà. Lúc đó, con trâu của anh nông dân nuôi chung chuồng với trâu nhà giàu đẻ được một con nghé. Nhưng gia đình người giàu, không cho anh nông dân dắt về. Họ bảo, con nghé là do con trâu đực của họ đẻ ra.
Anh nông dân đưa sự việc ra cho quan toà xử, nhưng vì đã ăn tiền đút lót của gia đình nhà giàu. Nên, toà phán xét anh nông dân thua kiện. Rời khỏi quan trường, anh nông dân buồn và khóc, trên đường đi gặp chú thỏ. Anh nông dân kể lại sự việc mình khóc cho thỏ nghe. Hiểu được sự việc. Thỏ bảo anh nông dân quay lại toà kháng án.
Trong lúc, quan toà đang xét lại bản án, con thỏ như không hè hay biết chuyện gì vờ ngủ gà ngủ gật. Thấy vậy, quan toà hỏi: Chú thỏ sao lại ngủ ở đây thế này ?
Con thỏ: đã mấy đêm nay, tôi không ngủ vì phải thức nuôi ba tôi đẻ em bé.
Quan toà: quát. Láo ! cha mi là đàn ông làm sao mà đẻ được.
Con thỏ: thế tại sao quan toà lại phán con trâu đực của gia đình nhà giàu đẻ con.
Quan toà: bị đuối lí, nên phán quyết lại cho người nông dân thắng kiện, được phép dắt con nghé về nhà.
3. Con thỏ và con cọp
Một hôm, trên đường đi học về, cậu học trò thấy một con cọp đang mắc phải bẫy, liền ra tay giúp con cọp ra khỏi bẫy. Đã không có lời cám ơn cứu mạng, con cọp lại còn đòi ăn thịt cậu học trò. Thế là, cậu học trò nói với con cọp: Anh muốn ăn thịt tôi cũng được. Nhưng hãy để tôi về nói với cha mẹ tôi biết để họ khỏi trông mong. Nghe được sự việc của cậu học trò. Con thỏ nói với cậu học trò: hãy dẫn tôi đi chỗ con cọp để hỏi xem lí do nó đòi ăn thịt.
Khi đến nơi con cọp đang nằm. Con thỏ hỏi : sao anh cọp đòi ăn thịt cậu học trò ? Con cọp đáp: Tôi chuôi vào cái bẫy định ăn thịt con dê thì thằng bé đến gỡ bẫy làm cho con dê chạy đi mất, lấy thịt đâu cho tôi ăn. Nên tôi bắt thằng bé phải thay thế.
Con thỏ giả đòn, không hiểu được những gì con cọp thanh minh. Bền yêu cầu con cọp diễn lại từ đầu, khi con cọp chuôi vào cái bẫy sập, chốt rớt xuống khoá chặt. Con thỏ và cậu học trò cười lên vỗ tay mừng. Anh cọp thích ở trong bẫy thì bảo trọng nhé. Chúng tôi đi báo dân làng đến bắt.
Tóm lại, các câu truyện cổ tích của người Chăm, con thỏ xuất hiện như một luật sư đứng ra bảo vệ cho thân chủ (những người dân bị hại) ở toà án. Con thỏ biết dùng tài năng của mình làm công việc nghĩa hiệp, hay bày ra những trò mưu mẹo, tinh nghịch, đánh lừa đối phương mang lại tiếng cười và sự thán phục. Như vậy, con thỏ thật sự là sự hiện thân của trí thông minh. Từ đó, có thể suy diễn ra, muốn biết người nào đó thông minh hay không ? Không nên đặt ra một mệnh đề, rồi cố gắng đi tìm dẫn chứng cho lập luận. Mà cần xem xét ở cách thức hành động, giải quyết những vấn đề khó khăn đem lại hiệu quả như thế nào ?
Những hành động và việc làm đó, có hoá giải hết các tình huống nguy khó một cách gọn nhẹ và an toàn. Có bênh vực được cho lẽ phải của chân lí, có bảo vệ phái yếu, trừng trị thích đáng kẻ tham lam, làm chuyện sai trái, hà hiếp nhân dân giống như nhân vật con thỏ nhập vai diễn xuất. Thông qua nhân vật con thỏ, cũng có thể đưa ra nhận định, sự thông minh không có tỉ lệ thuận với sự thành đạt trong cuộc sống, người thông minh là người biết làm những việc có ích cho cuộc sống. Một dân tộc thông minh là một dân tộc biết làm cho dân tộc khác phải ngưỡng mộ và thán phục./.
Tài liệu tham khảo
1. Phan Xuân Viện. 2007. Truyện kể dân gian các tộc người Nam Đảo ở Việt Nam. Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Đại học Quốc gia Tp.HCM.
2. Trung tâm văn hoá Chăm Ninh Thuận. 2000. Truyện cổ dân gian Chăm. Hà Nội: Nxb. Văn hoá dân tộc.