Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ tư vừa được trao tặng cho sáu vị học giả, dịch giả và nhà giáo dục có cống hiến xuất sắc trên lĩnh vực hoạt động của mình vào tối 24-3 tại khách sạn Rex, TP Hồ Chí Minh.
Đó là giáo sư Hoàng Tụy (lĩnh vực giáo dục); nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình người Mỹ – Kevin Bowen và nhà dân tộc học người Czech – Ivo Vasiliev (lĩnh vực Việt Nam học); nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân (lĩnh vực nghiên cứu) và hai dịch giả Phạm Văn Thiều và Nguyễn Đôn Phước (lĩnh vực dịch thuật). Buổi lễ diễn ra trong không khí vừa trang trọng vừa trí thức đồng thời ấm áp tình hữu nghị.
Rất nhiều Đài, Báo đưa tin, phỏng vấn, bình luận về Giải. Đây là bài viết có cách nhìn lạ của Nguyễn Thế Thanh về Giải này. Inrasara.com xin cop hầu bạn đọc.
Inrasara
** Sara & nhà phê bình – nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, Photo Lý Đợi.
Báo Sài Gòn Tiếp thị, 25-3-2011
Thường thấy ở các giải thưởng tại Việt Nam (thể hiện qua các bài phát biểu và cách tổ chức) là sự cho, thậm chí có nơi có lúc còn là sự ban phát, ban ơn của người trao giải đối với người nhận giải. Tệ hơn nữa, đã từng có nơi người hoặc đơn vị nhận giải còn phải đóng tiền, dưới hình thức này hay hình thức khác cho có vẻ “đèm đẹp”, tỉ như “góp phần cho công tác tổ chức giải” (!).
Ở giải thưởng văn hoá Phan Châu Trinh, hội đồng Khoa học xem xét các công trình đề xuất một cách nghiêm túc và khách quan, không phân biệt tác giả là người dân tộc gì, quốc tịch gì, có là thành viên hay không của một tổ chức chính trị xã hội.
Độc đáo nhất là cách làm trong giải thưởng văn hoá Phan Châu Trinh: không mảy may, cả trong cách tổ chức cũng như trong cách nói, dáng dấp của người – ban – tặng, ban – phát; những người chủ trì giải thưởng không những rất trân trọng giá trị lao động sáng tạo của những người nhận giải, mà thậm chí chỉ biết tác phẩm, công trình phù hợp với tiêu chí xét giải chứ không biết… tác giả. Trường hợp của dịch giả Lê Anh Minh (giải dịch thuật năm 2009 với tác phẩm Lịch sử triết học Trung Quốc của Phùng Hữu Lan) là một minh chứng. Chỉ đến khi nhận giải, hội đồng Khoa học và tác giả nhận giải mới biết mặt nhau!
Trong diễn văn bế mạc những kỳ trao giải, vị đại diện cho quỹ văn hoá Phan Châu Trinh một mực khẳng định, rằng chính giá trị của các công trình và giá trị của các tác giả được trao giải đã đem lại giá trị và uy tín cho giải. “Chúng tôi muốn được cám ơn các vị đã nhận giải về điều đó, về vinh dự mà các vị đã đem lại cho giải thưởng này và cho quỹ Phan Châu Trinh của chúng ta… Điều đó có thể khơi gợi ngày càng mạnh mẽ sự quan tâm của toàn xã hội đối với sự nghiệp cải cách văn hoá, giáo dục; để cho sự nghiệp mà chúng ta tin chắc là hết sức cần thiết và cao quí này sẽ sớm trở thành sự nghiệp của toàn xã hội, như mọi cuộc khai hóa thật sự ắt phải diễn ra như vậy” (diễn văn bế mạc lễ trao giải văn hóa Phan Châu Trinh năm 2009).
Còn những người nhận giải thì sao? Diễn từ của họ luôn đầy ắp những suy nghĩ đẹp đẽ về các giá trị văn hoá Việt Nam mà họ có niềm vui và may mắn lựa chọn theo đuổi, cho dù họ sinh ra hoặc không sinh ra ở Việt Nam.
Nhà nghiên cứu văn hoá Chămpa, Inrasara trong diễn từ của mình xem giải Phan Châu Trinh là một trong những bàn chân đánh thức để nền văn minh Chămpa lộ diện sự khác lạ, độc đáo của nó, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng của cả một nền văn hóa Việt Nam.
George Condominas – tiến sĩ khoa học nhân văn, nhà dân tộc học người Pháp, giải Phan Châu Trinh năm 2009 về Việt Nam học thì viết trong diễn từ như sau: “Giải thưởng này cũng là vinh dự của cộng đồng Pháp ngữ, chẳng những thế, do gốc gác của riêng tôi (Condominas theo cha đến Tây Nguyên – Việt Nam từ khi mới tám tuổi và được cha dạy dỗ nhiều về văn minh nơi đây), nó còn là vinh dự cho tổ tiên người Việt đã gợi hứng cho tôi nghiên cứu”.
Kevin Bowen – một cựu binh Mỹ từ cuộc chiến tranh Việt Nam trở về đã nghĩ phải làm cái gì đó để góp phần xoa dịu vết sẹo đớn đau mà chiến tranh đem lại cho cả hai phía. Các cuộc thăm viếng văn học và thơ ca của cựu binh hai nước Mỹ – Việt đã ra đời từ suy nghĩ ấy, từ trước khi cánh cửa chính thức mở ra cho quan hệ đôi bên. Và vì thế, trong diễn từ nhận giải văn hoá Phan Châu Trinh năm 2010 về Việt Nam học, Kevin đã viết: “Vào cái ngày có tin bình thường hoá quan hệ Mỹ và Việt Nam (1995), tôi mới chợt nhận ra một sự thật là chúng ta (các nhà văn cựu binh Việt – Mỹ) đã là một phần của lịch sử, một phần của quá trình tiến lại gần nhau của hai đất nước chúng ta”.
Không còn gì để nói thêm về sự ngưỡng mộ đối với cái cách viết diễn từ tuyệt vời như vậy của những người trao và nhận một giải thưởng.
Cảm ơn tác giả Nguyễn Thế Thanh với những nhận xét thiện ý và khách quan về giải thưởng PCT.
Năm ngoái, khi Inrasara nhận giải nghiên cứu, anh đã viết một bài diễn từ quá xuất sắc và cảm động.
Vẫn nhớ những câu hỏi nao lòng trong bài diễn từ của anh:
“Nhưng, dân tộc có bia chữ Phạn, có chữ viết bản địa sớm như Chăm, lẽ nào họ không là gì cả trong văn chương? Lướt qua mấy công trình văn học sử Việt Nam, đâu là mảnh đất dành cho văn học Chăm? – Không chương nào, thậm chí không dòng nào. Đó là sự lạ. Vậy, làm sao có thể nói đến tính toàn vẹn của văn học Việt Nam?”