VTV3 – 8-12-2010
Trong tiến trình của thơ Việt đương đại, thơ của người làm thơ nữ thập niên qua đã làm cuộc nhập thế đầy tự tin. Nó là một phần không thể thiếu, khi thơ và người làm thơ ý thức góp phần mình vào việc giải trung tâm các sự thể trong cuộc sống hướng văn chương phát triển theo hướng dân chủ. Trong đó, sự phi tâm hóa giới là một yếu tố cực kì quan trọng.
Nhưng khác với các bạn thơ cùng thế hệ ở miền Bắc: đằm tính, đĩnh đạc và cân đối ngay khi vừa xuất hiện thì thơ nữ ở miền Nam hoàn toàn khác. Nó chông chênh hơn, nên nguy cơ thất bại lớn hơn. Hoặc bạn từ phá cách lội ngược về phía ổn định; hoặc bạn từ mực tím, áo trắng lớn dần lên để chín tới trên hành trình suy tư và viết.
Nếu Nguyệt Phạm thuộc dạng thứ nhất thì Ngô Thị Hạnh đích thị là đại biểu thuộc xu hướng sau.
Không ồn ào hay cố làm ra vẻ hiện đại, Ngô Thị Hạnh khởi đầu từ tiếp nhận truyền thống, có thể nói một truyền thống rất xa nữa, để đưa thơ phát triển dần lên theo xu hướng hiện đại. Từ Vang vọng đến Rơi ngược ghi nhận rất rõ bước đi đó. Nhưng như thế thì ta vẫn còn đặt nặng vào thủ pháp, dường như là điều Hạnh ít quan tâm. Thơ Ngô Thị Hạnh thiên về tình cảm, viết như trải lòng mình ra trang giấy. Nên Rơi ngược – tập thơ mang đậm dấu ấn Hạnh hơn cả – động cập đến rất nhiều mảnh của đời sống thường nhật. Những lúc thất vọng nhất, Hạnh tìm đến thơ, xem thơ như cái phao để bấu víu, sau đó thơ lại là quà tặng để Hạnh mang ra chia sẻ, tìm đồng cảm cùng mọi người. Và không thể nói Hạnh đã không thành công.
Ở hướng khác: Nguyệt Phạm.
Cô đơn, xung đột với ngoại giới và xao xuyến là ba cảm thức nền tảng của hiện sinh. Sartre thấy địa ngục là tha nhân. Ở đây, Nguyệt Phạm: Tha nhân mang hình mắt giấy cắt đứt mọi cảm thông sót lại! Một hình ảnh không phải là không độc đáo.
Mắt giấy có mặt khắp mọi nơi, trong quan hệ giữa người và người, người và sự vật… Có mặt ngày qua ngày. Xung quanh ta, cạnh ta và cả trong ta. Thế giới thiếu cảm thông càng thiếu cảm thông hơn nữa. Nguyệt Phạm muốn tìm đến nghệ thuật, nhưng cả nghệ thuật cũng không tìm được sự sẻ chia:
Những bài thơ ra đời
Lướt qua người khác
Rồi lại quên…
Nguyệt Phạm – con Ngựa Trời được cho là lành tính nhất làm cuộc trở về “trở về với giá trị cổ điển”. Cuộc trở về đầy suy tư. Suy tư trên lằn ranh nhớ và quên, cái nhìn đầy cảm thông hay mang hình “mắt giấy”… Chính nó làm cho thơ Nguyệt Phạm ngày càng chín đầy.
Sài Gòn, 8-12-2010.
Nhận định rất xác đáng. Viết ngắn mà nói lên được vấn đề của thơ ca VN ở phía Nam. Nhà thơ Inrasara thường có các nhận định sâu sắc như thế.
Chuc anh và gia đình mọi điều tốt lành.