Nhưng khi đã cô đơn khỏi đồng nghiệp (tự tách ra khỏi bầy đàn, cô độc – hiểu theo Jiddu Krishnamurti), chúng ta chỉ mới cô đơn bán phần, vẫn chưa cô đơn toàn phần: cô đơn nội tâm, cô đơn khỏi mọi âm thanh và cuồng nộ của cuộc người để đối thoại với con chữ và đối diện trước tờ giấy/màn hình trắng. Lo toan thường nhật với bao chức vụ và trách nhiệm: làm chồng, làm vợ, làm mẹ, làm cha, làm công dân thường trực đẩy ta lẫn vào số đông. Thế nhưng, bằng nỗ lực vươn tới cô đơn của nghệ sĩ sáng tạo, dẫu có thoát khỏi chúng, ta vẫn khó cô đơn khỏi ý thức hệ xã hội, truyền thống văn hóa, xu hướng yêu ghét của người đọc đương thời. Nghĩa là nhà văn luôn sáng tác trong tâm thế thỏa hiệp hay tự kiểm duyệt tệ hại. Bao nhiêu là bóng u ám, giọng mơ hồ lởn vởn trong ta, quanh ta, sẵn sàng đe dọa thân xác ta, uy hiếp tinh thần ta. Nó lên tiếng khuyên/răn đe ta nên thế này hay không nên thế nọ. “Ta không bao giờ đủ một mình khi ta viết… Không bao giờ đủ tịch mịch quanh ta. Đêm vẫn quá ít là đêm” (Franz Kafka). Ta luôn phải sáng tác trong nỗi sợ hãi vừa siêu hình vừa hữu hình vây bọc. Mà đã sợ hãi thì làm gì có sáng tạo!
Inrasara, “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”