Inrasara: Chuẩn “khách quan”…
Nhận định về văn chương thường chủ quan. Không thể không chủ quan. Ta có quyền chủ quan, trong khen chê ngoài lề; thậm chí trong phê bình, ta vẫn có được cái quyền đó. Nhưng để tiếng nói kia đạt mức khả tín nhất định, nó đòi hỏi đến sự minh dẫn và lí lẽ thuyết phục. Nghĩa là nhận định, đánh giá cần nỗ lực vượt qua chủ quan.
* Các nhà thơ-người đẹp tại Hội thảo Đồng Tháp: Thu Nguyệt, Nguyệt Phạm, Trương Gia Hòa…
Tổ chức công việc chấm giải thưởng hay xét kết nạp hội viên thì càng. Nhất là với những người được tập thể tín nhiệm trong một tổ chức nghề nghiệp như Hội Nhà văn Việt Nam.
Lần đầu tiên trong đời chữ nghĩa – không kể bên Hội đồng Văn học Dân tộc 2 nhiệm kì trước – tôi bị đẩy vào một tình thế chủ quan tự mình không thể chấp nhận. Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, lướt qua Bảng danh sách 300 ứng viên thơ, tôi đã làm thao tác bỏ phiếu đầy cảm tính. Cảm tính và/ nên đầy tắc trách. Đến quá 90% ứng viên trong danh sách kia, tôi chưa có cơ hội đọc họ. Hơn phân nửa trong số còn lại, tôi có đọc, nhưng đã… quên. Vậy mà tôi vẫn cứ bỏ phiếu. Bỏ phiếu dựa trên bảng lí lịch văn học vừa sơ sài vừa thiếu cập nhật do Ban Chấp hành cung cấp. Từ đó nhận định của tôi – và có thể nói hầu hết Ủy viên ngồi phòng kia, chắc chắn thế – không thể tránh khỏi dựa vào sự quen biết, xuất phát từ cảm tình và nhất là phó mặc cho cảm tính qua kí ức khá mơ hồ về các sáng tác của ứng viên kia, để quyết thuận hay không thuận.
Nghĩa là đầy chủ quan.
Nếu các chủ quan biết tự thức để nhận ra lổ hổng tai hại của mình, thì còn may. Đằng này, mấy nỗi chủ quan cứ kéo dài hết nhiệm kì này đến nhiệm kì khác, mà chưa có tín hiệu nào báo cho biết nó sắp chấm dứt.
Vậy, làm thế nào để chấm dứt nỗi chủ quan kia? – Cần nhiều chủ quan cộng lại để có thể đạt đến khách quan tính nhất định. Bởi dẫu sao, dù ở cấp chuyên nghiệp nhất như ở Hội Nhà văn Việt Nam, “nhiều chủ quan” của Hội đồng chuyên ngành, sau đó của Ban Chấp hành – là chưa đủ. Cần “nhiều chủ quan” khác nữa. Ở xung quanh Hội và cả ở ngoài Hội.
Tôi thử đưa ra một vài tiêu chuẩn và thang điểm các “chủ quan” khác nhau để “chấm điểm” một người viết, qua đó xét kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Vừa đỡ khổ, vừa tránh tiêu cực và điều tiếng.
A. Thể loại chuyên (Thơ, Văn, Phê bình…)
1. 2 tác phẩm 30 điểm
2. Dư luận báo chí 10-30 điểm
3. Giải thưởng
a. Hội Nhà văn Việt Nam 30-50 điểm
b. Hội Liên hiệp 10-20 điểm
c. Hội địa phương 05-10 điểm
d. Các loại giải khác 05-20 điểm
B. Thể loại bổ trợ
Có nhà văn viết hai hay ba thể loại khác ngoài thể loại chuyên của mình, tùy chất lượng và dư luận, có thể chấm từ 10-30 điểm.
Ta tạm lấy 80-100 là điểm chuẩn để xét kết nạp.
Ví dụ: Một nhà thơ có 2 tác phẩm = 30 điểm; dư luận báo chí đánh giá khá (4-6 bài trên thông tin đại chúng đọc được) = 15 điểm; được Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam = 30 điểm; nhà thơ này còn có 1 cuốn tiểu thuyết trung bình và 1 tập phê bình = 15 điểm. Cộng tất cả, cây bút này đạt được: 90 điểm. Vậy là DUYỆT.
Ví dụ 2: Một nhà văn có 2 cuốn tiểu thuyết xuất bản = 30 điểm; nếu anh chị ta đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam nữa là đủ chuẩn xét kết nạp (80 điểm).
Ví dụ 3: Một người viết phê bình, đã in 2 tác phẩm (30 điểm), đoạt giải thưởng Hội địa phương (10 điểm), cũng có vài tờ báo viết tán tụng (10 điểm), in thêm một tập thơ nữa (10 điểm); nếu chỉ có thế, cộng lại chỉ đạt 60 điểm, nhân vật này rơi đài là chắc chắn.
Như vậy, từ nhiều “chủ quan phụ” khác: báo chí, địa phương, tổ chức không chuyên, nỗ lực khác của người viết ngoài thể loại chính,… qua đánh giá của các “chủ quan chính” như của Hội đồng chuyên ngành (9 chủ quan) và Ban Chấp hành (15 chủ quan nữa), ta có được cái khách quan tương đối.
Qua đó tránh được oán trách hay điều tiếng không đáng có. Hoàn toàn không đáng có!
Vẫn còn là chưa đủ. Dư luận báo chí hay giải thưởng các loại vẫn đầy tràn nỗi đời ngoài lề. Các Ủy viên vẫn có thể bị đánh lừa. Yếu tố cuối cùng phải là: tác phẩm. Với thơ, ít nhất là 10 bài cụ thể, với văn xuôi là 3 truyện ngắn hay trích đoạn tiểu thuyết… do chính tác giả chọn. “Vật chứng” kia phải được nộp lên cùng lúc với tờ đơn. Chỉ như thế thôi, Ủy viên Hội đồng mới có thể cất cử cái lá phiếu của mình mà không bị lương tâm cắn rứt. Và nhất là có vật chứng tối thiểu để có thể đứng ra bảo vệ cái lá phiếu kia, khi cần thiết.
Sài Gòn, ngày Phụ nữ 2011