Jaya Bahasa: Đọc sách Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú

Lịch sử luôn được nhận thức lại theo những quan niệm mới về sử học, khi có sự khám phá mới, qua những di chỉ khảo cổ học và các trầm tích của văn hoá được lộ thiên.Việc hoài nghi về giá trị nhận thức lịch sử là đề tài được các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá thường đặt ra. Công trình Có 500 năm như thế bản sắc Quảng Nam từ gốc nhìn phân kỳ lịch sử của Hồ Trung Tú không nằm ngoài tư duy đó. Nhưng quan trọng là Hồ Trung Tú đứng ở góc độ nào ? Phương pháp luận sử học nào để đưa ra kiến giải mới ? Bởi vì, những tri thức lịch sử ghi nhận sự biến mất của người Champa ở xứ Quảng đã được xác lập từ hàng bao thế kỷ qua. Bằng thao tác khoa học nghiêm túc, khảo cứu thực địa, Hồ Trung Tú đã chọn một góc nhìn để tiếp cận vấn đề. Đó là phương pháp phân kỳ lịch sử và ngôn ngữ học (ngữ điệu, giọng điệu, phương ngữ) để chứng minh người Champa vẫn còn hiện diện trên chính mảnh đất của tổ tiên họ. Kết quả nghiên cứu này, đã tạo tiền đề cho những hiểu biết về người Champa sinh sống trong vùng ngoại biên Champa (khi không còn chủ quyền), và qua những dẫn chứng về địa danh, nơi tụ cư của người Champa, những gia phả còn lưu trữ trong các gia đình xứ Quảng, không thể phủ nhận sự tồn tại của gia đình, dòng họ Champa được. Mặc dù, sự có mặt của họ qua các dạng thức khác nhau như làng Chăm, họ Chăm, cách phát âm tiếng Việt lơ lớ và cả sự pha trộn huyết thống (nhân chủng) của hệ quả từ cuộc hôn nhân Việt-Chăm .v.v.
Trở lại vấn đề lịch sử, có sáu cột mốc đáng chú ý về quá trình tản cư của người Champa đồng thời cũng là quá trình chiếm cư của người Việt, khiến cho họ trở nên mờ nhạt hẳn trên chính mảnh đất đã sản sinh ra họ. Hệ quả này, chính là việc giải quyết những mâu thuẫn, bất hoà không thành công giữa Champa-Việt Nam. Ở đây, tôi không gọi là hệ luỵ của con đường Nam tiến, mà tôi cho rằng: Đó là quá trình Việt hoá và giải Việt hoá của Champa. Đầu thế kỷ thứ X, Việt Nam bắt đầu giành được quyền tự chủ dân tộc, từng bước thoát khỏi sự thống trị của Trung Hoa. Để kiến thiết lại đất nước bị hơn 1000 năm chịu cảnh vơ vét khủng khiếp của tập đoàn thống trị phương Bắc. Việt Nam phải làm lại từ đầu, làm thế nào để phục hưng nhanh chóng nền kinh tế đất nước, giải quyết cảnh khốn khổ, thiếu ăn trong nhân dân do thiên tai, hạn hán, mất mùa, lũ lụt, chiến tranh gây ra. Các dòng họ Việt Nam từ Khúc, Dương, Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Trịnh và Nguyễn thay phiên nhau lãnh đạo đất nước bằng những cuộc cải cách về kinh tế, chính trị và hành chính, họ muốn tiến ra Bắc nhưng không thể làm nổi, lấn ra biển hay vượt non cao thì chẳng đơn giản chút nào, chỉ còn con đường duy nhất là mở rộng hướng mưu sinh trôi dần về phương nam bằng các cuộc tấn công quân sự lẫn chính trị với quy mô lớn vào Champa và họ đã thành công.
Lần 1: Vào năm 1044, viện cớ là quân Champa xâm phạm biên cương, vua Đại Việt cầm đầu một đoàn quân hùng mạnh sang xâm chiếm Vijaya, tàn phá kinh thành Đồ Bàn và giết chết vua Champa trong trận chiến [5:15]. Ngày 24-2-1069 Vua Lý Thánh Tông hạ chiếu thân chinh Chiêm Thành và bắt sống được vua Chiêm là Chế Củ. Nhưng Lý Thánh Tông đã trả lại tự do cho Chế Củ sau khi vua Champa hứa nhận thần phục và cắt một phần đất đai sáp nhập vào bản đồ Đại Việt. Phần đất đó, Đại Việt sử kí toàn thư ghi là ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh [3:85]. Tức là phần lãnh thổ chạy dài từ dãy Hoành Sơn (Quảng Trị) đến đèo Lao Bảo ở phía Bắc của Huế. Từ đó, đèo Lao Bảo đã trở thành biên giới chính thức giữa Champa và Đại Việt [5:15].
Lần 2: Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên –Mông của Đại Việt ở cuối thế kỉ XIII, nhà Trần đã nhận được sự hiệp thương quân sự từ Champa cùng chống lại một kẻ thù chung. Chiến thắng trước đoàn quân Nguyên-Mông hùng mạnh quan hệ giữa Đại Việt và Champa càng trở nên tốt đẹp và thân thiết vượt trên mức ngoại giao bình thường. Năm 1301, Thượng hoàng Trần Nhân Tông nhân có chuyến sứ bộ Chiêm Thành về nước đã theo sang chơi từ tháng 3 đến tháng 11 mới trở về. Thời gian lưu lại rất lâu, tới 8 tháng, và nhân dịp này, Thượng hoàng nhà Trần đã hứa gả con gái của mình là Huyền Trân công chúa cho vua Chế Mân mà trong lịch sử Champa gọi là hoàng tử Sri Harijit lên ngôi vua xưng hiệu Jaya Sinhavarman III [3:128]. Đến năm 1306 hôn lễ được tổ chức với đồ sính lễ rất hậu của bên nhà trai gồm “vàng, bạc, hương quý, vật lạ” và hai châu Ô và Lý sau đổi tên là châu Thuận và Hoá, sáp nhập vào bản đồ Đại Việt, nay là nam Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Cuộc hôn nhân chính trị này kéo dài chưa đầy một năm thì Jaya Sinhavarman III từ trần trong một khung cảnh vô cùng mờ ám, để rồi Huyền Trân tìm cách chạy trốn về Thăng Long với Trần Khắc Chung mà chưa ai hiểu nguyên nhân nào để giải thích [5:18].
Lần 3: Chứng kiến câu chuyện Huyền Trân và việc cắt đất của Champa cho Đại Việt, Chế Bồng Nga mới lên ngôi vào năm 1360 quyết tâm tập trung lực lượng quân sự và chính trị để đòi lại phần lãnh thổ bị mất. Trong vòng 30 năm, ít nhất có 15 lần trận đánh lớn. Có thời gian 8 năm liền (1375-1383), năm nào cũng đánh, trong đó có hai lần tấn công đến tận kinh đô Thăng Long, các vua Trần mấy phen phải rời bỏ kinh thành và đem cất giấu của cải đi nơi khác [3:131]. Năm 1390, nhân lúc triều đình nhà Trần rối ren, Chế Bồng Nga lại đem quân đánh Đại Việt. Nhưng sự bất đồng đã xảy trong hàng ngũ Champa. Một viên quan Chăm đã bỏ chạy sang phía Đại Việt dịp này và báo cho biết thuyền của Chế Bồng Nga. Tướng Trần Khát Chân đã chỉ huy quân bắn trúng thuyền làm cho vua Champa chết tại trận. Năm 1400, Hồ Quý Ly giành ngôi từ dòng họ nhà Trần, liên tục gay sức ép với Champa. Trong tình thế đó, Ba Đích Lai (có lẽ là phiên âm của Adhiraja) đã phải cắt 2 châu Chiêm Động và Cổ Luỹ để cầu hoà. Hồ Quý Ly lấy đất ấy để lập ra 4 châu (Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa) và gộp làm lộ Thăng Hoa. Chiêm Động là Quảng Nam và Cổ Luỹ là Quảng Ngãi ngày nay. Lại lấy cả thượng du để lập đất Tân Ninh. Biên giới phía Bắc của Champa lui vào đến đất Bình Định ngày nay [3:132].
Lần 4: Vương quốc Champa càng ngày càng đi đến con đường suy vong, vừa quân sự lẫn chính trị. Một mặt, phải đối đầu với con đường xâm lăng từ phía bắc, mặt khác phải giải quyết những xung đột, mâu thuẫn trong nội bộ. Viện cớ là quân Champa quấy nhiễu ở biên giới, Đại Việt quyết định với bất cứ giá nào là phải xâm chiếm kinh thành Vijaya (thành Đồ Bàn) thuộc tỉnh Bình Định ngày nay [5:22]. Năm 1471, đích thân vua Lê Thánh Tông đem 26 vạn quân đi đánh Champa. Trận đánh toàn thắng, chiếm được kinh đô Vijaya, bắt được vua Bàn La Trà Toàn [3:135]. Khi làm chủ tình hình ở Vijaya, chính vua Lê Thánh Tông quyết định phong vương cho Bố Trì Trì quyền cai trị trên lãnh thổ Champa còn lại, đó là tiểu vương quốc Panduranga (Ninh Thuận và Bình Thuận) và Kauthara (Phú Yên và Nha Trang). Chính vì thế, Champa vẫn là một vương quốc độc lập, nhưng độc lập trong hệ thống chư hầu của Đại Việt. Sau ngày chiếm đóng Vijaya, vua Lê Thánh Tông đã gởi đến khu vực này hàng ngàn quân điền vừa phát hoang để khai thác kinh tế vừa phòng thủ để chống lại sự nổi dậy của Champa chinh phục trở lại đất đai của mình bị mất. Vua Lê Thánh Tông cũng còn áp dụng chính sách đồng hoá dân tộc Champa còn sống trong vùng bị chiếm đóng bằng cách đưa hàng ngàn người gốc Việt là những thành phần trộm cướp hay vi phạm pháp luật sang sống trà trộn với dân tộc Champa. Nếu hôm nay không còn ai, từ Quảng trị cho đến Nha Trang, dám nhận diện mình là dân tộc Champa nữa, thì dữ kiện này chỉ là kết quả của chính sách Việt Nam hoá do vua Lê Thánh Tông tạo nên [5:23]
Lần 5: Đến thế kỉ XVI, Champa bao gồm một dãy đất chạy dài từ biên giới Sài Gòn đến đèo Cù Mông (phía nam tỉnh Bình Định) vẫn còn đủ điều kiện để nuôi dưỡng một đoàn quân khá hùng mạnh. Vì thế, năm 1594, vua Champa (dường như đã theo Hồi Giáo), đã gởi một đoàn quân sang giúp vua Johor, một tiểu vương ở miền Nam bán đảo Mã Lai, để chống lại thực dân Tây Ban Nha ở Malaka. Chính nhờ quân lực hùng mạnh này, Po Nit (1603-1613) đã quyết định xuất trận tiến đánh Quảng Nam, một khu vực hành chính nằm trong lãnh thổ nhà Nguyễn. Trước hành động này, chúa Nguyễn cũng xuất quân để chinh phạt Champa, xâm chiếm khu vực Phú Yên và dời biên giới phía nam của mình đến Cap Varella, ở phía bắc Nha Tranh. Sau đó, chúa Nguyễn biến đổi lãnh thổ này thành Dinh Trấn Biên và đưa hơn ba chục ngàn tù binh của nhà Trịnh sang khu vực này để phát hoang khai thác kinh tế [5:24]. Năm 1653, vua Champa là Po Nraop chuẩn bị lực lượng quân sự của mình để tuyên chiến với chúa Nguyễn, thu phục lại khu vực Phú Yên bị rơi vào tay của chúa Nguyễn vào năm 1611. Trước tình thế này, chúa Nguyễn đã gởi một đoàn quân hùng mạnh sang tấn công Champa, tiến đến sông Phan Rang, bắt được vua Po Nraop. Nhân cơ hội này, chúa Nguyễn cũng xâm chiếm vùng Nha Trang và dời biên giới của mình đến khu vực Cam Ranh. Thế là tiểu vương quốc Kauthara lại rơi vào tay nhà Nguyễn và khu vực này bị biến đổi thành Dinh Thái Khang và Diên Khánh trong hệ thống hành chính nhà Nguyễn. Vì thế, ngôi đền thiên liêng Po Ina Nagar được vua Champa quyết định chuyển về Phan Rang để thờ phượng ngày nay nằm ở làng Hữu Đức [5:26]. Như vậy, phần lãnh thổ cuối cùng của Champa chỉ bó hẹp trong tiểu vương quốc Panduranga.
Lần 6: Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long, lập ra triều Nguyễn, đóng đô ở Phú Xuân (Huế), cho đổi tên nước là Việt Nam (năm 1804). Tổ chức bộ máy nhà nước từng bước được hoàn thiện, lần đầu tiên có được một hệ thống hành chính địa phương thống nhất trên một lãnh thổ rộng lớn hơn bao giờ hết. Ban đầu Gia Long tạm giữ các đơn vị dinh, trấn cũ. Riêng 11 trấn Bắc Hà gộp thành một tổng trấn gọi là Bắc Thành, 5 trấn cực nam cũng gộp thành một tổng trấn gọi là Gia Định Thành. Đến năm 1832, Minh Mạng xoá bỏ cấp thành, nhất loạt chia cả nước thành 30 tỉnh và 1 phủ Thừa Thiên là nơi đóng kinh đô [2:230]. Như vậy, công cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng đã xoá bỏ tiểu quốc Panduranga-Champa trên bản đồ Đông Dương, chia lại đất đai này thành hai huyện An Phước và Hoà Đa trực thuộc tỉnh Bình Thuận [5:31]. Thế là, phần lãnh thổ cuối cùng của tiểu quốc Panduranga không được thừa nhận nữa kể từ năm 1832. Việc cải cách hành chính này vấp phải sự phản kháng rất lớn của người Chăm, được phản ánh trong các tác phẩm văn chương sáng tác vào thời kì này như Ariya Gleng Anak, Ariya Tuen Phaow. Từ đó, người Chăm trở thành dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Theo thời gian sự hoà hợp dân tộc Việt-Chăm ngày càng khăng khít. Người Chăm đã trở thành một bộ phận quan trọng cấu tạo nên lịch sử Việt Nam.
Từ các sự kiện lịch sử trên cho thấy, quá trình Việt hoá diễn ra khá chậm chạp và không liên tục, thường xuyên bị đứt đoạn. Mặc khác, những lần khôi phục được phần lãnh thổ bị chiếm đóng, Champa tiếp tục trụ đứng trên chính mảnh đất truyền thống của mình. Điều này có được là nhờ Champa biết tận dụng tình hình suy thoái, rối ren, bất ổn trong nội bộ Việt Nam và những lúc Trung Quốc quay trở lại đặt nền thống trị lên Việt Nam. Cụ thể là: Từ năm 1075-1077 nhà Lý bị nhà Tống xâm lược bằng quân sự, hơn 30 năm (1258-1288) nhà Trần đứng trước cuộc tiến công của quân Nguyên-Mông, Việt Nam mất nước thời nhà Hồ vào tay nhà Minh (Trung Hoa) hơn 20 năm (1407-1427), các cuộc tranh chấp quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến Việt Nam dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài mà không phân được thắng bại như nội chiến Nam-Bắc triều (1545-1592) giữa nhà Mạc với dòng dõi nhà Lê, nội chiến Trịnh-Nguyễn (1627-1672), Trịnh-Nguyễn qua phân (1672-1786) mỗi người một bờ cõi lấy sông Gianh làm giới tuyến, phong trào nông dân Tây Sơn (1771-1788), chỉ đến khi Nguyễn Ánh mới xác lập được triều đại nhà Nguyễn (1802-1884) thống nhất được Việt Nam như ngày nay. Những lúc Việt Nam bất ổn, là khoảng thời gian để Champa phục hưng về kinh tế, quân sự lẫn bang giao. Triều đại Po Rame đã xây dựng ngôi tháp Champa ở thế kỷ XVII, sau hơn 300 năm đứt đoạn, không một công trình kiến trúc đền tháp nào được dựng lên là một minh chứng cho lập luận trên.
Như vậy, trong diễn trình lịch sử Việt Nam chưa bao giờ là chiều dài thẳng băng. Nên có thể nói, người Việt không thể quản lý nổi vùng đất mới chiếm cư được. Hay nói cách khác, những vùng đất mới chiếm được chỉ là vùng đất kimi, tức là đường biên giới lỏng lẽo, đôi khi được uỷ thác cho các thủ lĩnh địa phương cai quản. Và cứ mỗi lần chịu sức ép từ Việt Nam, Champa buộc phải tản cư ra biển đảo, rút sâu vào vùng rừng núi của dãy Trường Sơn và lùi dần về phần lãnh thổ phía nam. Khi tình hình ổn định trở lại, họ sẽ quay về vùng đất cũ. Đây là cách giải Việt hoá mà Champa thường tiến hành. Bên cạnh đó, một bộ phận nhỏ chấp nhận hợp tác với Việt Nam để nhận ân sủng về chức tước hay được làm chủ trên phần đất chiếm cư của Champa để hàng năm phải chịu cống nạp thuế má. Chính lực lượng trụ lại (có thể là dòng tộc hay nông dân Champa) này đã giải Việt hoá bằng cách đồng hoá Việt Nam trở lại bằng chính văn hoá Champa. Xem qua các phù điêu đời Lý-Trần phần lớn đều chạm khắc các hình tượng Phật giáo (toà sen, lá đề, sóng nước), hình tượng các tiên nữ múa hát, các hình tượng rồng uốn khúc (loại rồng giun đơn giản và khoẻ khoắn). Các bức phù điêu chạm khắc gỗ nổi tiếng ở chùa Thái Lạc và chùa Phổ Minh. Tại khu lăng vua Trần, có nhiều người và thú vật bằng đá. Trong điêu khắc Lý-Trần, có ảnh hưởng của nhiều yếu tố mỹ thuật Champa [4:104]. Một số yếu tố văn hóa Chăm đã có mặt trong văn hoá Đại Việt như loại vải lĩnh (dệt ở Trích Sài, do một cung nữ Chăm truyền nghề). Các nhạc cụ trống cơm, đàn Ba lỗ, các điệu múa Tây thiên, các điệu hò Huế, các mô típ điêu khắc Garuda (chim thần), makara (thuỷ thần), kinnari (người đánh trống), apsara (tiên nữ) được tìm thấy ở chùa Phật Tích. Các truyện cổ tích Việt như Dạ thoa vương, Sọ dừa có nguồn gốc Chăm. Các thánh mẫu Bà chúa Ngọc (Hòn Chén, Huế) là những hình ảnh dung hợp của Thiên Yana (Chăm) và Bà chúa Liễu (Việt) [4:107]. Hơn thế nữa, quá trình khai quật kinh thành Thăng Long đã phát hiện nhiều di vật thuộc văn hoá Champa như viên gạch có khắc chữ Chăm, đầu rồng bằng gốm đất nung.v.v.
Tác phẩm Có 500 năm như thế bản sắc Quảng Nam từ gốc nhìn phân kỳ lịch sử của Hồ Trung Tú, không phải là thể loại nghiên cứu văn hoá xứ Quảng, cũng không phải là công trình lịch sử khảo cứu về hoạt động sống của người Champa trong khoảng thời gian 500 năm (1306-1802) khi Việt Nam đã xác lập chủ quyền trên lãnh thổ Champa. Mà tác giả Hồ Trung Tú, chủ yếu tập trung khẳng định có lớp cư dân Chăm-Việt sống hoà hợp với nhau, thậm chí các di dân Việt mới chiếm cư chỉ là thiểu số, chứ không phải người Champa thua trận, số còn sống sót bỏ đi hết, để lại vùng đất đai hoang vu vắng bóng người (land no man) – Người Chàm vẫn là số đông dân cư của vùng đất từ Thanh Chiêm vào Cổ Luỹ, tức nam Quảng Nam và Quảng ngãi ngày nay [1:103].
Từ đó, tác giả Hồ Trung Tú kết luận, người Champa vẫn giữ gìn từng mẩu bản sắc của cha ông trong sự thua kém ấy. Chỉ có thể trả lời cho sự thành công đó chính là nhờ vào số lượng đông đúc mà họ đã ở lại. Thế nhưng 143 năm dưới triều vua Nguyễn đã khiến họ đã phải từ bỏ tất cả, vì lý do gì chúng ta vẫn chưa thể biết, chỉ còn lại phảng phất đâu đó trong tính cách người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên một nét văn hoá, tính cách bất chợt lộ ra, nhiều khi xa lạ như người nước ngoài, khó nhọc diễn đạt ý tưởng, thô mộc trong ứng xử, chỉ lấy sự chân thành để bù đắp, lấy sự quyết liệt để thay thế cho sự tinh tế thị thành [1:219].
Tóm lại, việc nhận thức lại lịch sử đã khó khăn và phức tạp lắm rồi. Huống chi, Hồ Trung Tú lại đi minh chứng người Việt xứ Quảng là dân Chàm cả. Mặc dù, ông chỉ đưa ra hai tiêu chí căn bản trong việc xác định tộc người là lịch sử và ngôn ngữ. Nhưng không tiêu chí nào bằng việc tự nhận mình thuộc tộc người Chăm hay Việt. Cho dù việc quay trở về tộc người chính thể đối với người Việt ở miền Trung nói chung và xứ Quảng nói riêng không còn quan trọng và cần thiết nữa. Ai muốn nhận tộc người nào cũng được, miễn sao trong tâm thức của họ còn đọng chút tâm hồn của quá vãng, không nhất thiết như Phan Ngọc Hoan người Quảng Trị về sau gia đình chuyển về Bình Định đổi cả họ và tên thành Chế Lan Viên, như vậy rồi còn chưa thoả mãn, tính tự yêu cao lắm, còn sáng tác cả một tập thơ Điêu Tàn để nhắc nhở về dòng máu Chàm trong ông.
Những biến động xảy ra trong lịch sử Champa, đã làm cho địa bàn cư trú của họ bị xáo trộn rất lớn, kẻ ra Bắc người xuôi Nam, phần lên Tây Nguyên phần vượt biển ra nước ngoài. Qua việc xác định người Chàm ở xứ Quảng của Hồ Trung Tú, có thể sẽ trở thành tiền đề cho những khảo cứu về người Champa ở khắp tỉnh, thành Việt Nam và trên thế giới trong tương lai. Lịch sử đã ghi nhận khả năng giải Việt hoá trong văn hoá Champa là rất mạnh mẽ, ngây cả trong điều kiện sinh sống trong vùng ngoại biên văn hoá truyền thống. Ngược lại, ngày nay người Chăm Panduranga vẫn sinh sống thành từng palei, gìn giữ nếp gia đình và sinh hoạt cộng đồng qua lễ hội và tôn giáo, nhưng chỉ mới chưa đầy 60 năm tiếp nhận giáo dục Quốc ngữ (tiếng Việt) mà khả năng diễn đạt bằng tiếng mẹ đẻ của người Chăm rất hạn chế, lẫn lộn Chăm-Việt trong từng câu nói. Thậm chí, một số gia đình Chăm dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ giao tiếp, thay đổi luôn họ Chăm thành họ người Việt, người Hoa (Đàng = Đặng, Hán = Hàn, Nại = Mai, Trượng = Trương, hay dùng thẳng họ Nguyễn). Đây quả là việc đáng báo động về ý thức tộc người. Vậy tại sao tổ tiên Chăm vẫn ý thức được nguồn gốc tộc người ? Trong khi đó, một bộ phận Chăm chối bỏ tộc người mình ? Nền văn minh Champa đã để lại những công trình kiến trúc, điêu khắc, thách thức tư duy cả nhân loại trong việc khám phá kỹ thuật xây dựng đền tháp bằng vật liệu gạch, đứng sừng sững hàng ngàn năm, vẫn giữ nguyên vẹn màu hồng tươi đến kinh ngạc. Âm nhạc và múa Champa được xuất dương sang các nước Nhật Bản, Campuchia, và để lại nhiều dấu ấn trong nền âm nhạc Việt Nam. Như vậy thôi cũng đủ thấy sức lao động và khả năng sáng tạo của tổ tiên rất sáng ngời. Nhưng hậu duệ Champa còn co cụm ở miền đất Panduranga, Saigon hay phương trời hải ngoại có hãnh diện không khi đứng trước sự kì vĩ của đền tháp Champa dọc khắp Việt Nam từ miền Trung lên Cao Nguyên (highland)./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Trung Tú. 2011. Có 500 năm như thế bản sắc Quảng Nam từ gốc nhìn phân kỳ lịch sử. Hà Nội:Nxb. Thời Đại.
2. Huỳnh Công Bá. 2004. Lịch sử Việt Nam. Huế: Nxb. Thuận Hoá.
3. Lương Ninh (Chủ biên). 2008. Lịch sử Đông Nam Á. Nxb. Giáo dục.
4. Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên). 2007. Tiến trình lịch sử Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
Nhiều tác giả. 1999. Champaka số 1. Hoa Kỳ: IOC ấn hành.

11 thoughts on “Jaya Bahasa: Đọc sách Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú

  1. Bahasa chịu khó tra cứu, rất đang hoan nghênh, dù có vài chỗ cần trao đổi lại.
    Nhưng tôi không hiểu đoạn này, mong tác giả giải thích:

    “Tóm lại, việc nhận thức lại lịch sử đã khó khăn và phức tạp lắm rồi. Huống chi, Hồ Trung Tú lại đi minh chứng người Việt xứ Quảng là dân Chàm cả. Mặc dù, ông chỉ đưa ra hai tiêu chí căn bản trong việc xác định tộc người là lịch sử và ngôn ngữ. Nhưng không tiêu chí nào bằng việc tự nhận mình thuộc tộc người Chăm hay Việt. Cho dù việc quay trở về tộc người chính thể đối với người Việt ở miền Trung nói chung và xứ Quảng nói riêng không còn quan trọng và cần thiết nữa. Ai muốn nhận tộc người nào cũng được, miễn sao trong tâm thức của họ còn đọng chút tâm hồn của quá vãng, không nhất thiết như Phan Ngọc Hoan người Quảng Trị về sau gia đình chuyển về Bình Định đổi cả họ và tên thành Chế Lan Viên, như vậy rồi còn chưa thoả mãn, tính tự yêu cao lắm, còn sáng tác cả một tập thơ Điêu Tàn để nhắc nhở về dòng máu Chàm trong ông”.

    “Minh chứng” điều gì đó thì không cần thiết sao?
    Làm sao biết được tâm thức người nào đó “còn đọng chút tâm hồn quá vãng”, nếu người đó không bộc lộ ra?
    Nhà thơ CLV muốn chứng minh ông có được “tâm hồn quá vãng” đó, tại sao Bahasa bảo ông “tự yêu cao lắm”?
    Không hiểu được!!!

  2. Lâm Xuân
    Đây là sự thật 100%, tôi xin hỏi tác giả cuốn sách và tác giả bài điểm sách.
    Xin lỗi là ở đây không có phân biệt mà mà nêu sự thật.
    1. Phan Ngọc Hoan (có thể là Chăm hay Chawm lai Việt) sinh ở vùng Việt, đổi họ Chăm thành Chế Lan Viên, viết một tập thơ đầy “tâm hồn quá vãng” Chăm. Ông không, hay chưa có điều kiện đấu tranh cho dân tộc Chăm.
    Một nhạc sĩ Chăm, sinh ở vùng Chăm, vào sống ở vùng Việt, lấy vợ Việt, sáng tác nhạc không có gì “tâm hồn quá vãng” Chăm, không ở đâu ông tuyên bố mình là Chăm. Ông cũng không, hay chưa có điều kiện đấu tranh cho dân tộc Chăm.
    Vậy trong 2 trường hợp này, ai Chăm hơn ai?

    2. Một nữ giáo viên Chăm dạy cấp 3, lấy chồng Chăm, sống ở vùng Chăm. Nhưng trong gia đình nói tiếng Việt với nhau, dạy con nói tiếng Việt. Khi có chuyện, chưa bao giờ biết bênh vực cho cộng đồng.
    Một nữ giáo viên Việt 100% (sinh ở cực Bắc), lấy chồng Chăm, sống ở vùng Chăm. Trong gia đình dạy con nói tiếng Chăm, con lấy họ theo cha là Chăm. Có xích mích trong cộng đồng, biết lên tiếng bênh vực cộng đồng.
    Vậy ai Chăm hơn ai?

    Hỏi hai tác giả, nhưng tôi muốn nhắm vào anh Bahasa, vì câu đoạn văn này:
    không nhất thiết như Phan Ngọc Hoan người Quảng Trị về sau gia đình chuyển về Bình Định đổi cả họ và tên thành Chế Lan Viên, như vậy rồi còn chưa thoả mãn, tính tự yêu cao lắm, còn sáng tác cả một tập thơ Điêu Tàn để nhắc nhở về dòng máu Chàm trong ông”.

    Kính

  3. Có hai cực đoan cần nên tránh, đó là ”người Việt chỉ có tiếp thu văn hoá Chămpa ngoài ra không có gì thêm” và ”Người Quang Nam, miền Trung nay chính là người Chămpa”. Hà cớ gì mà cứ phải cực đoan như vậy? Tại sao không nghĩ rằng mọi chuyện truy nguyên nguồn gốc thực chất là vô nghĩa! Làm sao tách rời đươc 20% Champa, 20% Việt, 20% Trung Hoa, 20% Mã Lai…
    Hãy nhìn vấn đề một cách biện chứng hơn trong góc nhìn văn hoá chứ không phải nhân chủng chúng ta sẽ thấy vấn đề trở nên nhân hậu hơn dưới mọi góc nhìn .

  4. Nói rõ hơn , bản sắc văn hoá của người Quảng nói riêng và người miền Trung nói chung là thừa kế, là di sản của 500 năm giao hoà văn hoá Chăm – Việt chứ họ không phải là hậu duệ của riêng bất cứ tộc người nào. Hy vọng nhìn vấn đề như vậy chúng ta sẽ dễ có đồng thuận hơn.

  5. Ngắn gọn như nguyenquan vậy mà được, bác Bahasa ạ! Dùng tư liệu Văn hóa để cho ra một góc nhìn khác của Văn hóa như Hồ Trung Tú là điều chúng ta cần. Một ngày nào đó một bạn khác, lại cho ra một góc nhìn khác. Tri thức chúng ta được mở ra chút nữa. 700 năm, rồi 500 năm,… chẳng lẽ chúng ta cứ ri miết răng được! Con người là siêu nhân sao? Có thể.

  6. Bài này viết dở ở 2 điểm rất căn bản:
    Về các quá trình lịch lịch sử, chép lại người đi trước, chỉ cần nói ngắn thôi, tác giả viết quá dài. Không cần thiết, và không bàn.

    Dở 1.
    Lẫn lộn địa điểm rất lạc đề:
    “Chính lực lượng trụ lại (có thể là dòng tộc hay nông dân Champa) này đã giải Việt hoá bằng cách đồng hoá Việt Nam trở lại bằng chính văn hoá Champa. Xem qua các phù điêu đời Lý-Trần phần lớn đều chạm khắc các hình tượng Phật giáo (toà sen, lá đề, sóng nước), hình tượng các tiên nữ múa hát, các hình tượng rồng uốn khúc (loại rồng giun đơn giản và khoẻ khoắn). Các bức phù điêu chạm khắc gỗ nổi tiếng ở chùa Thái Lạc và chùa Phổ Minh. Tại khu lăng vua Trần, có nhiều người và thú vật bằng đá. Trong điêu khắc Lý-Trần, có ảnh hưởng của nhiều yếu tố mỹ thuật Champa”
    Trụ lại là trụ lại ở Quảng Nam,… trong khi các phù điêu,… là ở tuốt miền Bắc. Ảnh hưởng các phù điêu kia… là do tù nhân Chàm để lại.
    Vậy mà viết thành 1 khúc!!!

    Dở 2: Ở đoạn kết nói về NHẬN Chăm hay không NHẬN Chăm, rất lộn xộn. Chỗ này nhiều người có nhìn ra rồi, tôi không nói thêm.

    Rất mong anh Inrasara xem lại và nhắc nhở Bahasa lần sau. Tôi biết Bahasa còn trẻ, cần khuyến khích, nhưng phải cương quyết chỉ ra lỗi lầm.

  7. Chí Phèo hãy xem mình đi. Đồng ý là Bahasa còn nhiều khuyết điểm, nhưng cây bút trẻ này đã cố gắng. Anh ta lượt qua 6 giai đoạn lịch sử kia là cần chớ không phải không. Đó là LƯỢT chứ không phải CHÉP, như CP nói. Vậy mà cũng khuyên tác giả với nhà thơ Inrasra.
    Dù sao cũng đồng ý với CP 2 điểm sau.
    Cám ơn nhé

  8. Các bạn ơi, trích bài trường ca Quê hương của Sara. Xin đọc lại bài học cũ nhé:

    Ôi quê hương!
    Em đã đi và xa, đã xa và nhớ

    Khi bất chợt khóm dừa Yên Sở
    Giữa trùng trùng rặng tre quê Bắc – vươn mình
    Khi mỗi giọng Nam Ai xứ Huế
    Em thấm bao điệu hát thân quen

    Khi chạm những Makara, Garuda trên tháp đền Hà Nội
    Khi chiều Tây Nguyên giáp mặt Yang Praung
    Khi Phan Rí u huyền mắt gái Cham-Ywơn
    Khi Sài Gòn phố đông chàng trai da màu bánh mật
    Lững thững
    Bước qua đường
    Em bắt gặp quê hương

    Là quê hương khi em đi chuyến tàu Thống nhất
    Thoắt lúa đồng xanh, thoắt núi rừng xanh, thoắt biển bờ xanh
    Hay lúc em trên xe đò con đường Cái quan
    Chợt thành phố, chợt xóm plây, làng bản
    Qua từng ánh mắt, mỉm môi ẩn hiện
    Em nhận mặt quê hương

    Ôi quê hương
    Ta muốn điểm danh sự vật quê hương như thầy giáo
    trường làng mỗi sáng điểm danh học sinh
    (Dù chỉ bằng cái liếc nhanh, người đủ biết ai vắng mặt)
    Điểm danh từng cánh đồng, khu rừng, miếng đất
    Điểm danh dòng sông chết, con kênh đào.
    Điểm danh tất cả đỉnh cao, vũng sâu
    Điểm danh người còn, điểm danh kẻ mất
    Điểm danh trong ta bao suy tư, cảm xúc
    Để chắt qua chiều lớp không-thời gian nguồn suối hơi thơ


    Hãy yêu hãy yêu như ta chưa từng
    Đứa con đi hoang bỏ xa làng mạc
    Mang bụi đất quê hương về miền xứ khác

    Và hãy yêu hơn con người chân chất
    Sống một đời ôm mang đất – phù du

    (“Quê hương”, Tháp nắng, 1996)

  9. Công trình của HTT là một tác phẩm hay, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều thiếu xót và sai lầm về một số giai đoạn trong lịch sử và văn hóa. Dù sao, cũng đáng ghi nhận những nỗ lực của ông.
    Chào ông!

  10. Tôi tin rằng mạch sống rồi rào, huyền diệu của Tộc Chăm vẫn đang hiển hiện mạnh mẽ tiềm ẩn trên đất nước Việt Nam. Địa danh các làng xã, sông ngòi… ở Quảng Nam còn đậm đặc tiếng Chăm. Câu truyện con ma Le là đặc sắc của người Chăm, đến nay các bà các mẹ ở khu vực miền Trung vẫn mang ra hù con nít rất phổ biến, tương đương với việc lấy ông ba bị ra hù con nít ở ngoài bắc. Làng Nam Ô gần chân đèo Hải Vân là một làng rất lâu đời và trù phú nằm án ngũ ngay trên con đường nam tiến bằng đường thủy, đây chính là một làng cổ của người Chăm. Theo như các cụ cao tuổi thì giếng nước vuông ở giữa làng chính là của các Cụ Chăm để lại. Giếng nước rất đẹp, nước rất ngọt và trong. Vì vậy từ lâu tôi đã có xuy tư trong lòng, có lẽ một phần dân Nam Ô có gốc gác người Chăm, khă năng đó là cao.

  11. Pingback: Đọc sách Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú | Nhatbook

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *