Ghi chép tháng 2-2011: Ngày Thơ, lang thang Ban Mê…


1. Cùng Hani tranh thủ ra Phan Rang ăn Tết trước, để còn về giữ nhà cho mấy đứa đi. Mấy cánh sinh viên tổ chức Tết ở Thon nữa.

21-1-2011, Tổng kết Hội VHNT Ninh Thuận. Đây là lần thứ hai tôi về dự tổng kết Hội tỉnh nhà. Chiều – cuộc lễ qua nhanh. Nhà thơ Inrasara được mời phát biểu cuối. Tôi tranh thủ nói nhanh ba ý trong bốn phút:
– Thưa các bạn đồng nghiệp!
Trước hết, tôi xin khoe một chức quan văn nhỏ: Tôi vừa được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Sở dĩ có tiết mục khoe khoang này, là bởi qua hai nhiệm kì trong Hội đồng Hội Nhà văn Việt Nam, tôi chưa nhìn thấy đơn xin vào Hội của cây bút nào thuộc tỉnh nhà cả. Ở tỉnh ta, mãi đến hôm nay, Inrasara vẫn là “nhà văn” duy nhất.
Chỉ đến nhiệm kì ba này, cái đơn đầu tiên của người tỉnh ta mới thấy xuất hiện. Tiếc là đã không được phiếu nào của Hội đồng. Trung ương rất ít biết về văn học ta, người viết văn làm thơ ở tỉnh nhà chưa có tiếng nói trên văn đàn cả nước. Tại sao? Trong khi thế hệ trẻ viết văn làm thơ Ninh Thuận không hiếm tài năng. Các khuôn mặt như: Nguyễn Vĩnh Nguyên, Thục Linh, Jalau Anưk, Lê Hưng Tiến, Tuệ Nguyên, Đồng Chuông Tử, Lưu Mêlan… đều là khuôn mặt sáng giá không thua kém bất kì cây bút “trung ương” nào. Ta đã không trân trọng các tài năng, cuối cùng họ phân tán đi khắp nơi. Xin hỏi, tỉnh có chương trình mời họ cộng tác với tạp chí VHNT tỉnh nhà chưa?
Trong Báo cáo Tổng kết vừa qua, anh Đình Hy có nêu không ít nhà văn lớn đăng thơ văn ở tạp chí. Đúng. Nhưng dù họ nổi tiếng tới đâu, nhìn chung tôi thấy đó là các sáng tác đã khá lạc hậu, cũ kĩ. Trong khi nguồn nội lực mới mẻ hơn, độc đáo hơn mà ta không biết khai thác…
Tết nhất, chớ nên nói lời phản biện không vui tai. Nhưng bởi hiếm khi tôi được dịp phát biểu với các bạn văn tỉnh nhà, nên rất mong thứ lỗi…

Chiều hôm sau, đèo Hani đi Bal Riya thăm bà con. Hơn mươi năm rồi là gì. Nên dẫn cả Jaya với Jakha đi theo cho biết. Ấm áp. Bao nhiêu chuyện kể, bao nhiêu là tâm tình. Ông Thường đã mất đột ngột non một năm trước. Xưa, ông bà Kluk đã tặng cho vợ chồng mình con bò: – “Trụ hãy lựa trong chuồng con tốt nhất”, – bà nói. Xúc động là vậy. Bà Ngã nữa, cũng đã tặng con bò cho gia đình nhỏ của Trụ cứu đói thời bao cấp khốn khó. Jaya chụp ảnh chân dung phòng ngày lễ các bà về với ông bà.

Tôi 23-1, anh em hội nhau ở nhà em Những. Thêm Phăng, Trà Vigia nữa. Đậm tình.
Thầy Tránh (đã nghỉ hưu) em rể nói rất thật:
– Em cả đời hiệu trưởng phấn đấu vào Đảng để con có tương lai, nhưng có được đâu…
Thầy Chương (em rể bên vợ, cũng đã hưu) thì chê anh Trạm “giỏi thì giỏi thật, nhưng chưa khôn ngoan”. Lặp đi lặp lại mấy lần. – Không khôn, không biết lo cho con qua Mỹ. Tháng sau thằng Đôn của em qua Mỹ, rồi thằng khác nữa để con cái chúng có tương lai…
Lạ quá hè! Mấy anh em đùa nhau: – Mỹ với Đảng, cùng anh em cả nhưng mỗi nghĩa tương lai thì mỗi người mỗi khác, là sao? Khó tri quá đi thôi. Phải tìm cho ra chân lí mới được. Cứ thế mà đùa nhau tốn hết ba thùng 333 rưỡi, vẫn chưa xong. Tôi lẻn đi ngủ trước.

2. Vào Sài Gòn, gặp Dorohiêm. Chiều, anh mời tôi và cả Hani qua quán anh ở đường Nguyễn Trọng Tuyển ăn phở. Anh tặng cuốn sách về tôn giáo Islam do anh Dohamide viết vừa xuất bản tại Mỹ.

3. Ngày Thơ Việt Nam lần thứ chín. Thường thì mọi người đổ xô về các trung tâm văn hóa lớn: Sài Gòn, Hà Nội hay ít ra cũng phải là Huế, Đà Nẵng… xôm tụ và vui. Nhất là khi họ đã là quan văn, oai chán. Tôi thì ngược lại. Năm ngoái đi Tây Ninh, năm nay lên Ban Mê Thuột. Lại là huyện Krong Pak vùng đồng bào dân tộc miền sâu vùng xa nữa.
Sáng 15-2-2011, lên xe.
Đường đang sửa, tài xế lại lần đầu tiên cầm lái lên Tây Nguyên. Tới nơi thì đã 6 giờ tối. Hội VHNT Tỉnh và anh chị em đã có mặt ở đó từ chiều. Mỗi Lê Vĩnh Tài còn chịu khó chờ để cùng đón taxi lên. 7 giờ, tới nơi, vào phòng thay quần áo, ngồi vào hội trường luôn. Dĩ nhiên lên dãy đầu, ghế giữa. Quan trung ương mà! MC và mọi người giới thiệu: Nhà thơ Inrasara, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong khi tôi chỉ đi với tư cách bạn bè để gặp mặt các bạn thơ là chính. Nhưng đâu được! Quan là quan, rành rọt đâu ra đấy. Thế là Inrasara buộc phải nhập vai – nhà thơ trung ương. Bụng đói meo, đành uống hết chai nước suối chống đói. Chống đói mãi đến 9 giờ. Đài Truyền hình Dak Lak mời “ngài” ra ngoài phỏng vấn. Rồi ngài trở vào hội trường phát biểu cảm tưởng cuối cùng về đêm thơ. Anh Hữu Chỉnh Chủ tịch Hội VHNT Dak Lak khóa trước sải những bước dài lên sân khấu đúng lúc tôi nhận bó hoa từ cô ca sĩ xinh đẹp, tuyên bố với đông đảo cử tọa:
– Xin giới thiệu bổ sung với quý đại biểu, nhà thơ Inrasara của chúng ta không chỉ là nhà thơ nổi tiếng từng đoạt Giải thưởng Văn học ASEAN mà còn là một nhà văn hóa, một nhà phê bình văn học tiếng tăm cả nước…
Vỗ tay…

9:30 giờ, chương trình vãn. Tôi, Lê Vĩnh Tài và Đinh Thị Như Thúy la cà ngoài phố tìm cái gì lót bụng. Bất ngờ có anh quan lớn Huyện nhà và đồng sự thấy mấy nhà thơ lang thang, liền đi đến. Sau hồi hỏi han, anh bảo:

– Ồ, các anh qua khách sạn mà ở, có người lo tất. Anh Sara cứ bảo với họ anh là khách của Huyện ủy. Ngày mai sẽ có xe đưa hai anh về Ban Mê.
Và rồi chuyện y hệt. Tình cảm là thế.
Hai anh em kéo nhau qua nhà Như Thúy tán dóc đến 2 giờ sáng mới qua khách sạn.

4. Nhà thơ Duy Bằng nhờ đọc bản thảo tập thơ anh sắp in và viết Tựa. Anh tán về Vườn Lạ Long An có năng lượng vũ trụ. Nước uống nơi đó có khả năng chữa bệnh hay ít ra cũng tăng cường sinh lực. Bệnh nhân thập phương qua ăn nghỉ chữa bệnh. Vài nhà văn viết bài ca tụng vườn lạ này. 21-2, anh đưa xe nhà rước tôi và Hani đi sớm, ở lại ăn và nghỉ trưa. Chiều, xách 20 lít “nước thánh” về. Nhiều cầu vồng lạ chụp được ở đó. Đâu đó, tôi cũng nghe nhiều về hiện tượng này. Nên khá tin. Còn chữa bệnh tới đâu, thì xem đã.


5. Tác phẩm Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú vừa ra. Anh có nhờ tôi viết Lời giới thiệu. Ba năm rồi, mãi ra Giêng năm nay mới in được. Hai trang, nhưng nhà xuất bản gạt hết, chỉ chừa lại vài đoạn in ở bìa bốn. Tội thế! Không muốn viết cho bất kì tác phẩm chưa in nào là vậy.

Sách có dư luận. Báo Sài Gòn Tiếp thị phỏng vấn đăng ngay số tân niên. Đài BBC phỏng vấn tôi và phát 9:30 giờ tối ngày 18-2-2011. Sau ba tối mất ngủ, mệt phờ, muốn từ chối nhưng lỡ nhận, nên trả lời. Hơi… dở.

Sài Gòn, 27-2-2011

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *