Thi sĩ là kẻ ám ảnh bởi chữ. Trăm chữ, vài chục chữ, thậm chí vài chữ. Chúng làm thành định mệnh thơ của thi sĩ. Với Ngô Nhân Đức, đó là “giấc mơ”. “Giấc mơ” ám ảnh và bật ra bất ngờ, tuôn tràn vào thơ anh, hoàn toàn không cố ý.
Quan hệ khắng khít với “giấc mơ” là “giấc ngủ”. “Đêm mộng du và đêm không ngủ”. Lắm lúc muốn thoát khỏi giấc mơ, tôi cố “ru giấc ngủ”, nhưng vẫn không thể. “Mỗi giấc ngủ của tôi đều bắt đầu sau 3h sáng”. Khi “có người phụ nữ bắn hạ giấc mơ tôi”. Khi có muôn ngàn sự việc, sự cố hay sinh thể mang mặt nạ phụ nữ bắn hạ giấc mơ tôi. Bởi vì “tôi là giấc mơ tôi”. Giấc mơ tôi chết có nghĩa là tôi chết, “cái chết như giấc ngủ dài sáng mai không tỉnh giấc”. Tôi đành tìm đến giấc mơ khác, phải tạo ra giấc mơ mới và khác, “một giấc mơ ngã rẽ” “ở một sân khấu giấc mơ khác”. Bởi vì tôi không thể không có giấc mơ.
(Trích Inrasara, Giới thiệu Giọng khác của Ngô Nhân Đức)
Có người phụ nữ bắn hạ giấc mơ tôi
có người phụ nữ bắn hạ giấc mơ tôi
đêm qua
trong mưa tiếng cú rợn mờ
gió hú vặn cuối vườn cây mộc miên
bằng những mảnh vỡ trái tim nàng, sắc lạnh
dích dắc
tôi chơi vơi trong không khí trước khi đáp xuống đáy
quan tài bóng đêm
soi mình vào bóng
đêm tôi
chỉ là một vùng tối có đường viền nhờ nhạt hình dạng như hình người
sáng
riêng đóm rực điếu thuốc
xọc vào ngực đêm bằng lập loé tắt,
bùng
uống cạn nỗi giày vò cuối cùng
về thời gian
và sống hay chết tôi
yên tâm xuôi đôi bàn tay lông lá
vục mặt vào vũng xoáy
và sau ô cửa kính mù hơi mưa run rẩy
tôi bắt gặp bóng mình lềnh khênh trong gió tối lang thang
bỗng
tôi nghĩ mình đang sống không thời gian không hiện đại và cũng không hậu hiện đại gì hết
bỗng tôi nghĩ có khi ngay cả mình cũng chỉ là một giấc mơ
bồng bềnh trôi nổi
thoảng qua
thoảng qua
như giấc mơ tôi có người phụ nữ bắn hạ giấc mơ tôi có người phụ nữ bắn hạ giấc mơ tôi…