Khởi động cho hóa giải lịch sử và hòa giải dân tộc

Lời giới thiệu Có 500 năm như thế, khảo luận của Hồ Trung Tú.


Hồ Trung Tú
Có 500 năm như thế
NXB Thời đại & Phương Nam Book xuất bản, 2011.
Khổ 13 X 21, in 1.000 bản, 264 trang – giá bìa: 49.000 đồng

Từ thế kỉ thứ II, người Champa đã lập quốc và dựng nên nền văn minh tại bốn vùng văn hóa – lịch sử: Amaravati, Vijaya, Kauthara, Panduranga, chạy dọc gần suốt giải đất miền Trung Việt Nam ngày nay. Khi Champa tan rã vào cuối thế kỉ XVIII, để nhập làm một nước Việt Nam thống nhất, cư dân của vương quốc một thời hưng thịnh đó tản mát khắp nơi.
Họ ở đâu?
Chăm Panduranga gồm Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận được kể đến đầu tiên. Sau biến cố Lê Văn Khôi, bà con chạy lên vùng núi Lâm Đồng ẩn náu thời gian rồi quy hồi cố hương, sinh con đẻ cái. Phần không chịu xuống núi trở thành Cam Cru Chăm Churu, nói cả tiếng Churu lẫn lộn tiếng mẹ đẻ cũ; số còn lại thì chạy qua Campuchia thành Cam Kur Chăm Khmer. Số dân ở đây luôn gấp đôi Chăm tại Việt Nam. Biết rằng trong thời đoạn lịch sử tồn tại ngắn ngủi của chế độ diệt chủng Pôn Pốt, Chăm bị sát hại không biết bao nhiêu mà kể. Ngôn ngữ bà con dùng pha tạp tiếng Khmer không phải là ít. Biến loạn ở Campuchia giai đoạn đầu, Chăm từ miền đất mới chạy ngược về Việt Nam, cư trú tại An Giang, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Long Khánh. Hầu hết bà con ở đây theo đạo Isalam, tiếng dân gian gọi là Cam biruw Chăm mới. Nhưng có bộ phận khác thiên di xa hơn, sang tận Thái Lan. Tại Ban Khrua – Bangkok, những người Chăm Thái còn nhớ đến nguồn cội không quá con số nửa vạn.
Chăm nào nữa? Hậu duệ Ppo Rome ở Kelantan? Chăm bôn ba qua đảo Hải Nam – Trung Quốc thời Lưu Kì Tông làm vua xứ Champa năm 983? Hay Chăm lưu trú các nước Hoa Kì, Tây Âu trong chương trình đoàn tụ nhân đạo, vài chục năm qua? Giới nghiên cứu còn biết đến tên gọi khác của Chăm: Cam Ywơn hay Kanh Cụ, Kinh Cổ đang sống tại hai làng thuộc Bắc Bình – Bình Thuận. Là hệ quả của các mối tình Chăm – Việt, cả những thanh niên Kinh trốn lính thời chiến tranh nữa. Xa hơn, Chăm Hroi ở Phú Yên và Khánh Hòa “hình thành” khi Lê Thánh Tông chiếm đóng Vijaya vào năm 1471, bà con chạy lên vùng núi lánh nạn. Họ lẩn vào cộng đồng Bana, hành tập tục Bana, tiếng nói lai độn tiếng Bana không phải là ít. Thuật ngữ dân nghiên cứu trước 1975 gọi là Chàm Cổ.

Nhưng còn Chăm cư trú vùng văn hóa – lịch sử lớn nhất, xây dựng nền văn minh lâu dài và huy hoàng nhất: Amaravari là Quảng Nam ngày nay, họ đâu cả rồi? Đâu là Chăm? Cư dân của vương quốc kia bị xua đuổi hay sát hại hết chăng?
– Đó là chuyện không hề có.
“Người Chiêm Thành nào đi thì cho đi. Người ở lại thì bổ làm quan” – Hồ Quý Ly dù mang tiếng quyết liệt, đã phải ra chính sách dung hòa đó. Không ít người có học ở lại. Số thường dân ở lại càng không ít. Nhất là cánh chị em. Quý ông quân nhân Việt sau chiến tranh trở thành dân thường, nhu cầu tìm bạn tình là rất lớn. Lớn đến nỗi vua Lê Hiến Tông 28 năm sau Lê Thánh Tông “bình Chiêm” phải ra chiếu dụ với giọng điệu khá cứng: “Kể từ nay, trên từ thân vương, dưới đến dân chúng, đều không được lấy đàn bà con gái Chiêm Thành làm vợ, để giữ cho phong tục được thuần hậu”. Cả thế kỉ sau khi mất Đồ Bàn rồi Phú Yên, nơi ranh giới Tuy Hòa, “người Chàm nếu có ai ra vào cửa khẩu vùng biên để thăm bà con thân thuộc thì đều phải trình báo rõ ngày giờ với các quan đồn”, theo chính sách mới của ông Bùi Tá Hán. Sự thể chứng tỏ Chăm vẫn ở lại rất nhiều, sau khi chính quyền bỏ thủ phủ chạy vào Nam. Và, ai dám đảm bảo người từ trong ra thăm bà con đã không trốn ở lại? Và để ở lại cho trót, nếu họ “chối mình là Chăm” thì chẳng có gì đáng trách cả.
Như vậy, ta có thể khẳng nhận rằng suốt cõi Huế, Quảng Nam đến Phú Yên, Khánh Hòa hôm nay, mênh mông Chăm đang thở hơi thở tại quê hương mình. Dù họ khai dân tộc Kinh, mang họ Kinh, hay dù có lắc đầu quầy quậy rằng ta không là Chăm, nhưng họ cứ là Chăm “đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm” – Hồ Trung Tú xác quyết như thế. Tôi cũng vậy:

… tổ tiên góp sức gì vào xuống cấp hôm nay?
tâm hồn đám hậu duệ khô gạch nung
âm tắc đọng vòm họng dân Quảng 500 năm không chịu mất vết
vẫn đậm mắt buồn tháp hoang
vẫn môi dày, mày rậm, tóc gợn, da ngâm, bắp tay săn chắc

(Inrasara, Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

Nhưng đó mới là tiếng nói của thơ qua cảm nhận đầy cảm tính của thơ ca.

Hồ Trung Tú thì khác. Bằng thao tác khoa học, anh lùng sục vào những dấu ấn của bản sắc văn hóa Quảng Nam thể hiện qua từng giai kì lịch sử Nam tiến, khảo sát địa phương tính ở từng miền đất hẹp, lần mò ngược về nguồn cội các dòng họ dân Quảng, và nhất là phân tích sự hình thành giọng nói người Quảng Nam,… với những dẫn liệu phong phú và chuẩn xác. Qua bao nhiêu tài liệu đa ngành, cổ và kim, từ trong nước đến hải ngoại. Để đi đến kết luận rằng: Chúng ta là Chăm “đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm”. Đây là một nhận định vừa chuẩn xác vừa dũng cảm, vừa khoa học vừa nhân văn.
Tôi đánh giá cao công trình mang tính đột phá này.

Bà con và anh chị em [Chăm] ở cực Nam miền Trung và miền Tây tổ quốc thương mến ơi! Chúng tôi ở Quảng Nam [và…] là đồng chủ nhân của nền văn minh này. Nhưng bởi kí ức lịch sử bị đứt quãng và bị bỏ quên, nên đã rất lâu rồi ta hết còn tiếp nối và làm phong phú nó. Hôm nay, bổn phận của chúng ta là bảo tồn và tiếp nhận tinh hoa văn minh Champa rực sáng một thời để làm ra cái mới.

Đó là tiếng nói nhân bản.
Qua Có 500 năm như thế, cộng đồng Chăm biết mình không cư trú cô độc hiu hắt ở vài vùng hẻo lánh, mà đang hiện diện khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S này. Là khởi điểm quan trọng cho hóa giải lịch sử và hòa giải “dân tộc”.

Sài Gòn, 2-6-2009.

4 thoughts on “Khởi động cho hóa giải lịch sử và hòa giải dân tộc

  1. Anh Sara có thể đặt mua giùm Minh 02 cuốn không?
    Sẽ gởi tiền và cả cước phí để gởi đến anh.
    Cảm ơn anh nhiều.

  2. Ừa, mình sẽ mua giúp cho bạn. Lên Ban Mê sẽ đưa. Nếu cần thì chuyển bưu điện. Mong vui
    Sara

  3. Sách này nên phát hành ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Cho bà con Chăm cùng đọc để biết. Nghe nói ông Hồ Trung Tú viết khá hay.

  4. Pingback: Khởi động cho hóa giải lịch sử và hòa giải “dân tộc” » Gilaipraung

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *