Báo Người Lao động, 29-02-2008
* Inrahani tại Triển lãm quốc tế – Tokyo, Nhật Bản – 2002.
Bà Thuận Thị Trụ, nghệ nhân dân tộc Chăm, góp công lớn trong việc tạo nên tên tuổi cho nghề dệt thổ cẩm ở Việt Nam. Nghệ nhân Thuận Thị Trụ hiện là giám đốc Công ty Thổ cẩm Chăm Inrahani. Gần 40 năm cực nhọc, lăn lộn với nghề dệt thổ cẩm truyền thống vốn chưa đủ lo cái ăn cái mặc, bà thực hiện được ước mơ làm sống dậy một làng nghề, đưa dệt thổ cẩm VN đến khắp năm châu.
Hồi sinh làng nghề
Làng Mỹ Nghiệp (Ninh Phước- Ninh Thuận) nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm, gắn liền với người dân tộc Chăm từ bao đời nay. Nhưng sau 1975, cùng với quá trình đổi mới đất nước, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nghề dệt thổ cẩm ở Mỹ Nghiệp bắt đầu mai một dần. Dân làng một phần chuyển sang những công việc khác, một phần rời quê, tản mác khắp nơi.
Tuổi thơ của Thuận Thị Trụ là những tháng ngày cực nhọc bên khung cửi. Năm lên 10 tuổi, tự tay cô bé Chăm đã có thể dệt thành những thước thổ cẩm đẹp và ao ước được trở thành một nghệ nhân, đem nghề dệt thổ cẩm quê mình đi khắp nơi. Bà tâm sự: “Văn hóa Chăm và nghề dệt thổ cẩm không thể tách rời. Từ bé, tôi đã luôn ấp ủ ước mơ làm cho nghề dệt thổ cẩm sống lại, không chỉ giải quyết việc làm cho dân làng mà còn giúp khôi phục phần nào nền văn hóa lâu đời của dân tộc mình”.
Khao khát làm hồi sinh làng nghề đã hun đúc quyết tâm cho người phụ nữ này. Năm 1991, bà dốc hết số tiền tích cóp bao năm, mở một cơ sở dệt thổ cẩm ngay tại quê nhà với 10 nhân công. Tiếng thoi lại đều đặn vang lên. Làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp cũng hồi sinh từ đó. Sau quãng thời gian phải vay tiền để mua tơ, mua màu nhuộm, số nhân công của bà tăng lên đến 100 người. Năm 2000, Công ty Thổ cẩm Chăm Inrahani ra đời, số nhân công tăng lên 200 người.
Gian nan tạo dựng thương hiệu
Để công ty đứng vững đến hôm nay và để nghề dệt thổ cẩm không bị mai một theo thời gian, người phụ nữ Chăm ấy đã phải lao động cật lực. Bà kể: “Khi thành lập công ty, tôi mới thấy hết những khó khăn của một doanh nhân. Sản phẩm thì cứ quẩn quanh nơi nó ra đời, mẫu mã đơn điệu, dễ phai màu. Đã vậy, do chưa quen với làm ăn lớn, chưa thạo đường đi nước bước… nhiều lần tôi suýt vỡ nợ”.
Nhưng rồi bằng quyết tâm và nghị lực, bà cũng vượt qua được mọi khó khăn. Không dừng lại ở các màu cơ bản, không hài lòng với các sản phẩm thô, nhờ sự tìm tòi của bà, sản phẩm thổ cẩm thương hiệu Inrahani giờ có thể đáp ứng các yêu cầu của khách hàng về màu sắc, chất lượng lẫn kiểu dáng. Từ 30 mẫu hoa văn truyền thống, sau nhiều năm tìm tòi, bàn tay vàng dệt thổ cẩm năm 1996 đã phát triển thêm trên 50 mẫu họa tiết mới. Quần áo, ví, ba lô, túi xách… thổ cẩm của Inrahani không chỉ xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước mà còn vượt biên giới sang tận Pháp, Nhật, Bỉ, Canada…
Không ích kỷ giấu nghề, bà tận tình truyền dạy những kiến thức cho bất kỳ ai yêu nghề. Người nọ truyền người kia, nay, công ty của bà có khá đông công nhân người Kinh bên cạnh người Chăm. Anh Trần Văn Sơn, quê An Giang, cho biết nhờ tấm lòng và sự tận tình của bà giám đốc mà hơn một năm qua, từ lúc anh lên TPHCM với hai bàn tay trắng giờ anh đã có tay nghề khá, có công ăn việc làm ổn định.
Viết tiếp giấc mơ thổ cẩm
Ngoài làng Mỹ Nghiệp, sản phẩm của Inrahani giờ còn được sản xuất ở các xưởng nằm trên địa bàn TPHCM như: quận 4, quận Tân Phú và có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc thông qua các cửa hàng, đại lý. Tên tuổi của nữ doanh nhân Chăm này được nhiều người biết đến không chỉ với hơn 20 lần mang dệt thổ cẩm Inrahani ra nước ngoài triển lãm, mà còn hàng loạt hoạt động từ thiện: tổ chức đội bóng đá làng, tặng sách cho thư viện làng, giúp người nghèo mổ mắt, thực hiện dự án nước sạch cho dân làng, khen tặng các phụ huynh vượt khó nuôi con thành tài…
Khi làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp hồi sinh, thổ cẩm Chăm Inrahani đã khẳng định được tên tuổi, và khi các con trưởng thành, nối nghiệp mình, người đàn bà của dệt thổ cẩm bắt đầu trở về với công việc viết lách, từng mang đến cho bà giải thưởng của Nhà Xuất bản Kim Đồng 6 năm về trước. Thuận Thị Trụ chính là Trà Ma Hani- tác giả tập thơ Em, hoa xương rồng và nắng, là người bạn đời của nhà thơ Inrasara.
Quán cà phê của vợ chồng bà ở giữa làng Mỹ Nghiệp vừa được cải tạo thành một không gian văn hóa đậm nét Chăm để phục vụ nhu cầu giải trí lẫn tìm hiểu về văn hóa Chăm cho khách thập phương. Đôi khi, ở một góc quán, bên những trang sách về nền văn hóa Chăm-pa lâu đời, bên những sản phẩm thổ cẩm mộc mạc mà tinh tế, người đàn bà Chăm tài hoa ấy lại miệt mài viết tiếp những trang hồi ký về những thăng trầm của cuộc đời mình.
* Inrahani trả lời phỏng vấn tại Không gian Văn hóa Chăm – Hà Nội, 5-2010.
Bà Thuận Thị Trụ tâm sự: “Dù cuộc sống, dù việc kinh doanh không phải lúc nào cũng suôn sẻ nhưng tôi luôn nhắc nhở mình phải cố tìm niềm vui trong bổn phận đối với những người xung quanh”.