Đã đăng Tagalau 11.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một vấn đề mà toàn xã hội đang quan tâm. Đặc biệt là ngôn ngữ (chữ viết), nó quyết định đến sự tồn tại văn hóa của dân tộc đó. Ai là người đảm bảo cho sự tồn tại đó và đó chính là thế hệ trẻ Chăm chúng ta? – Các bạn sinh viên Chăm, – đó là câu trả lời khả dĩ nhất. Vậy thì hiện nay các bạn sinh viên Chăm đã làm gì để bảo tồn tiếng Chăm (tiếng mẹ đẻ) chưa? Đó là một câu hỏi to tướng (?) mà thế hệ chúng ta cũng như các thế hệ trước cũng đã cố gắng thực hiện chúng, nhưng đến nay nó vấn là một bài toán khó đối với các thế hệ trẻ Chăm. Hiện nay tiếng Chăm đã ra sao? Đó là một vấn đề mà thế hệ trẻ cần bàn tới.
1. Hiện trạng
Hiện nay xã hội ngày một phát triển và có nhiều đứa con người Chăm đã sống và làm việc trong môi trường mới. Yêu cầu của công việc đòi hỏi họ trao đổi bằng tiếng phổ thông. Từ đó dẫn đến vài trường hợp các bạn Chăm, đặc biệt là các bạn sinh viên Chăm khi về cố hương (không phải tôi vơ đũa cả nắm đâu, nhưng cũng có một số bạn cũng rất thích nói tiếng Chăm và còn nói tốt nữa chứ!) hay sử dụng tiếng phổ thông trong giao tiếp với người đồng tộc. Như vậy các bạn có thấy thật đáng buồn không?
Thời đại càng phát triển thì nguy cơ tiếng Chăm sẽ càng mai một dần. Mặc dù các ngành chức năng và những người quan tâm đến văn hóa Chăm vẫn còn lưu giữ và tìm mọi cách tốt nhất cho những đứa con người Chăm biết được tiếng mẹ đẻ như: Dạy tiếng Chăm trên truyền hình và truyền thanh tiếng Chăm qua Đài Truyền hình Việt Nam, phát hành sách Tự học tiếng Chăm của Inrasara… nhưng tình trạng độn tiếng phổ thông trong giao tiếp vẫn chưa được cải thiện.
Tiếng mẹ đẻ ngày càng mai một dần đồng nghĩa với văn hóa chúng ta cũng sẽ quên dần đi qua năm tháng. Các phong tục tập quán, các lễ hội như lễ Rija Nưgar, lễ hội Katê, các lễ nghi cộng đồng… đều sử dụng tiếng Chăm. Nếu thế hệ trẻ bỏ quên tiếng mẹ đẻ, thì liệu sau này các phong tục này của dân tộc còn nữa hay không hay là nó sẽ biến mất? Và thế hệ sau chúng ta nữa họ sẽ nghĩ sao về văn hóa dân tộc?
Ngày nay tiếng Chăm đang mai một, đang lai căn và có nguy cơ đang mất dần đi, các bạn à! Mà nguyên nhân nào khiến tiếng mẹ để của chúng ta lại mất dần đi hỡi các bạn sinh viên thế hệ của trí tuệ?
2. Nguyên nhân
Đa phần sinh viên Chăm khi họ đi học xa khi về quê (trong đó kể cả những thanh niên, những người đang công tác trong môi trường giao tiếp bằng tiếng phổ thông, đặc biệt là các bạn ở thành phố lớn), khi có dịp về quê quen dùng tiếng phổ thông trong khi tiếng Chăm có, từ đó họ quên mất từ vựng đó rồi dần quên luôn. Các bạn có thấy buồn không?
Vậy đâu là nguyên nhân? Theo tôi có mấy nguyên nhân sau.
– Môi trường: Do họ đi học hay làm việc xa hoạt động trong môi trường toàn dùng tiếng phổ thông nên họ có thói quen khi giao tiếp với các bạn Chăm thì vẫn dùng tiếng phổ thông. Nguyên nhân này tạm thời chấp nhận được.
– Làm oai: Như nhà thơ Inrasara đã trình bày trong Tagalau 5.
– Họ cho họ là sinh viên thành phố, nên họ cho họ nói tiếng phổ thông rành hơn cần phải thể hiện, vì đa phần người Chăm mình hay có tính hay chơh karơk như tác giả Nguyễn Văn Tỷ đã nêu lên trong vấn đề xã hội Chăm trong Tagalau 6. Ông không cố ý nói quá đâu!
– Họ ngại khi giao tiếp bằng tiếng Chăm chăng?
– Không muốn nhận mình là một người Chăm khi đứng trước nhiều người (đặc biệt là đứng trước các bạn người Kinh). Tôi đã gặp không ít trường hợp trớ trêu này. Khi gọi điện hay tiếp chuyện, họ ít nói tiếng Chăm. Họ sợ người ta biết họ là người dân tộc. Tự hào dân tộc đâu rồi nhỉ?
– Vài người tài giỏi, chức cao, thường họ có suy nghĩ khác lạ là học tiếng Chăm không có lợi cho công việc. Thay vì học tiếng Chăm chúng ta nên học tiếng Anh không lợi thiết thực hơn sao! Đó là một điều tốt nhưng quá sai lầm rồi các bạn ơi!
Chỉ đề cập đến các bạn sinh viên thôi mà đã vậy, nếu nói đến tình trạng chung nữa thì sao? Buồn không các bạn?
3. Giải pháp
Tại sao lại như vậy?
Đây là vấn đề mà tôi muốn các bạn sinh viên và mọi đứa con Chăm cần phải quan tâm hơn nữa. Bảo tồn tiếng mẹ đẻ là nhằm mục đích bảo tồn văn hóa dân tộc từ đó làm phong phú văn hóa đa dân tộc Việt Nam.
Vậy, cần giao tiếp với nhau bằng tiếng Chăm. Không yêu cầu phải nói rặt (nếu nói hết bằng tiếng Chăm thì càng tốt ), mà chỉ cần tránh pha độn và không ngại dùng tiếng mẹ đẻ. Chẳng hạn khi gặp nhau, sao không nói “xalam” đi, mà lại nói là “xin chào”; sao không “naw bac” (đi học) hay “rwak” (bệnh) chẳng hạn? Chúng vừa đậm đà dân tộc vừa hay nữa chứ! Hãy nhặt từng con chữ! Bắt đầu từ đây vẫn chưa muộn đâu. Cũng như các bạn, thời gian rảnh tôi mới lấy sách ra tập đọc từng chữ, hay tập nói “xalam”… chứ đâu phải bắt các bạn phải đi học lớp này trường nọ đâu (nếu có càng tốt). Và việc nói hay học tiếng Chăm đối với mình đâu quá khó, vì ta là Chăm cơ mà.
Sinh viên Chăm có cơ hội, vì đây là thời tuổi trẻ năng động tham gia các phong trào trong plei, giao lưu đó đây nhiều hơn và có khả năng kết bạn nhiều hơn. Đặc biệt là các bạn Chăm ở khắp các plei không phân biệt tôn giáo, vùng miền. Đơn giản là khi các bạn có dịp được nghỉ hè, Katê, tết… các bạn hay sang thăm hay đi chơi nhà các bạn trong làng hay các làng khác để thăm hỏi, chúc sức khỏe bạn bè, chúc năm mới… Để nhân những lúc trò chuyện, chúng ta nâng cao tiếng mẹ đẻ của mình. Nếu từ nào không hiểu, ta có thể hỏi. Lâu ngày thành quen thôi. Từ đó ta hỏi thuần thục tiếng mẹ đẻ và tiếp cận dễ dàng các văn bản Chăm, phải không các bạn?
Hoặc ở plei có tổ chức chương trình gì thì ta nên nói bằng tiếng Chăm (lên chương trình bằng tiếng Chăm) là tốt hơn như : Văn nghệ, cấm trại, thể thao, họp mặt sinh viên trong các dịp nghĩ. Cũng có thể tổ chức cuộc nói chuyện bằng tiếng Chăm cho các bạn học sinh – sinh viên – thanh niên trong dịp hè.
Tôi cũng như các bạn thôi khi viết bài này tôi cũng chưa rành tiếng Chăm cho lắm và tôi cũng cố gắng nhặt nó qua sinh hoạt hàng ngày, qua sách báo, qua thông tin…
Hãy đi từ đơn giản đến phức tạp. Người biết thì nói cho người khác biết. Và cứ thế không đường nào khác ai ai cũng sẽ biết nói và biết hết những ngôn ngữ mà trước kia mình chưa biết hay ngại sử dụng. Như vậy tiếng Chăm sẽ không bị lãng quên. Chúng ta hãy hành động ngay bây giờ đi các bạn khi vẫn còn có cơ hội.
Ngôn ngữ của một dân tộc là kết tinh của văn hóa dân tộc. Bảo tồn được tiếng dân tộc đồng nghĩa với bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc.
Bài này gần giống bài “Làm thế nào để nói tiếng Chăm” của nhà thơ Inrasara, viết từ năm 2005.
Vija Nhàn trẻ, anh tiếp nhận ý tưởng đàn anh, đặt vấn đề cụ thể hơn. Theo tôi vẫn hay thôi. Nhưng bạn phải làm sao để cụ thể hóa được vấn đề. Như trhế mới đáng chứ, phải không bạn tôi?
Chúc Tết Âm lịch thật vui.