Sương Nguyệt Minh thực hiện
Đặc san Tinh hoa Việt, báo Đại đoàn kết, số Tết 2011.
L.T.S: Tết không chỉ đồng nghĩa với khoảng thời gian ngắn ngủi thiêng liêng giao mùa, đón xuân, lắng nghe vũ trụ xoay vần và tự lắng nghe mình; mà còn là dịp con người quây quần ấm áp bên nhau sau cả năm sinh nhai lam lũ, vất vả, sau các chuyến xa xứ tìm về quê hương. Không có thời gian nào trong năm, con người lại dễ thương, gần gũi và mật độ tình cảm lại đậm đặc như… dịp Tết.
Hầu như các tộc người trên thế giới đều ăn tết. Mỗi tộc người ăn tết theo cách riêng, và mỗi thời Tết biến đổi một khác, nhưng về căn bản phong tục, bản sắc vẫn gìn giữ lưu truyền từ đời này sang đời khác. Những năm gần đây, xã hội công nghiệp hiện đại và kinh tế thị trường đã tác động dữ dội đến đời sống hàng ngày của từng cá thể, từng gia đình; và tết cũng là bức tranh sinh động của sự đổi thay ấy. Có phải Hồn Tết xưa đang mai một để cho một Hồn Tết nay hiện đại đang thành hình?
HỒN TẾT, BẢN SẮC hay HIỆN ĐẠI? là chủ đề bàn luận tháng 1.2011.
B.B.T báo Đại đoàn kết xin trân trọng giới thiệu: Giáo sư Nguyễn Văn Huy – Viện trưởng Viện Dân tộc học; Phó GS, TSKH Nguyễn Hải Kế – CN Khoa Sử – Đại học KHXH & Nhân văn; Nhà thơ – Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara; Nhà văn – Nhà nghiên cứu văn hóa Tây nguyên Linh Nga Niêk Đăm và Nhà văn Sương Nguyệt Minh sẽ tham gia cuộc bàn luận này.
*
Đây là phần trả lời của Inrasara:
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Mỗi tộc người, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đều có cách ăn Tết theo văn hóa riêng. Ngày nay, dường như thế hệ trẻ không hình dung nổi cái Tết xưa như thế nào. Ông (bà) có thể kể vài cái phong tục của nhà mình (thực ra là của dân tộc mình, của vùng quê mình) đón Tết trong đêm giao thừa?
Inrasara: Hai thế kỉ sống xen cư và cộng cư với người Kinh, vào mùa Tết, Chăm không “ăn Tết” mới lạ. Nhưng Chăm ăn Tết có khác, đặc kì kiểu Chăm. Tết Ta lẫn Tết Tây, Tết chung Việt Nam lẫn tết dân tộc, ‘Tết’ Ramưwan của người Hồi giáo lẫn tết Katê.
Nhưng Katê có phải là Tết Chăm như lâu nay báo chí gọi thế không? Không hẳn vậy. Katê xuất phát Bà-la-môn, qua biến thiên lịch sử, nó đã thành lễ hội chung của Chăm, không phân biệt. Đúng ra chính Rija Nưgar mới mang đầy đủ ý nghĩa Tết. Rija Nưgar tổ chức vào đầu năm Chăm lịch, Katê thì đầu tháng Bảy. Katê tưởng niệm tổ tiên và vua chúa, trong lúc Rija Nưgar mang ý nghĩa tống khứ cái xấu xa ra khỏi làng, khỏi cộng đồng để đón nhận mọi đều tốt lành vào palei.
Vậy sao Katê hôm nay biến thành lễ hội lớn trong lúc Rija Nưgar càng ngày càng đìu hiu?! Đơn giản, bởi Katê có lên tháp, từ đó lễ dễ biến thành hội. Xã hội hiện đại là xã hội ăn-chơi-du lịch, nên Katê lôi cuốn giới trẻ Chăm, thu hút du khách thập phương, từ đó hai tiếng Katê trở nên nổi tiếng. Mọi người trong cộng đồng Chăm, người ngoài cả trong lẫn ngoài nước cũng chấp nhận nó như thế. Nhận Katê là lễ hội lớn nhất của cả dân tộc, như là Têt Chăm.
Thưa ông (bà)! Nhưng, trước đó, những ngày giáp Tết, khi mà không khí tiễn biệt năm cũ đã rất rộn ràng, thì bất cứ dân tộc nào cũng làm các thủ tục chia tay năm cũ như một thói quen, hoặc đã thành tục lệ.
Ví dụ: Quê tôi, Ninh Bình ở châu thổ sông Hồng. Ngày 23 Tết, cha tôi đã sửa một cái lễ cúng Ông Táo và thả cá chép ra sông tiễn ông lên chầu Giời. Ngày 25, 26 tết các nhà trong làng đã rộn rịch tát cá ao. Sáng 30 tết thì mẹ tôi sai tôi đem nước vôi quét trắng các gốc cây trong vườn, để cây cối cũng đón Tết. Và chiều 30 Tết thì cả nhà người cắt lá dong, người vo gạo nếp, ủ đậu xanh, thái thịt lợn, và quây quanh cái nong… gói bánh chưng. Thế còn quê ông (bà), dân tộc ông (bà), ngày xưa chuẩn bị đón Tết như thế nào?
Inrasara: Trưa 30 tháng Sáu, nghĩa là ngày cuối của nửa năm, Vương phục cổ người dân tộc Raglai anh em cất giữ trên vùng miền núi từ vài trăm năm trước được làm Lễ đón nhận rất long trọng. Để sáng hôm sau vương phục này cùng đoàn hành hương theo lên tháp trong khu vực, hành lễ. Sau đó bà con Chăm ăn Tết ở nhà Cả sư trụ trì đền tháp, tiếp đến là Katê làng, cuối cùng mới tới Katê tại gia đình. Tết Katê có thể kéo dài cả tháng Bảy.
Bánh pei nung, pei dalik, xakaya,… rất đặc trưng Chăm được mọi nhà thi thố nhau làm, suốt tối ba mươi tháng Sáu. Người Chăm không đốt pháo, nhưng thay vào đó là các điệu trống Ginơng – 74 điệu cả thảy. Ca-múa-nhạc rộn ràng, múa đơn, tập thê,… Katê rơi đúng vào mùa mưa, mà mưa với vùng đất khô hạn nhất nước là Ninh Thuận thì không khác gì ngày lễ.
Tôi có một cái Tết không quên: Ấy là Tết năm 1980 từ Căm Pu Chia về quê ăn Tết, người lính chúng tôi lên tầu lửa từ ga Bình Triệu – Sài Gòn. Hồi ấy giao thông cực kỳ khó khăn, cận Tết, người có vé và cả người không có vé đều ào lên tầu vì ai cũng muốn nhanh nhanh về quê. Tầu đầy ngắc hành khách, người ngồi trên nóc, người đu bám ở bậc lên xuống. Tôi có cảm giác tầu rùng mình một cái là người rơi lả tả xuống đường. Trong lúc chen tầu thì tôi bị mất ba lô, mọi quân tư trang người lính không cánh mà bay. Sau 5 năm xa nhà và ở chiến trường trở về, ngoài bộ quần áo và đôi giầy, tôi về quên ăn Tết trong thảm cảnh người không tiền bạc, hai tay đút túi quần. Bạn lính phải san sẻ, người cho gói mì chính, người cho cái áo Tô châu… Tôi về đến đầu làng, thấy chị gái đang xếp hàng ở cửa hàng thực phẩm mua được nửa cân thịt lợn mông sấn theo tiêu chuẩn tem phiếu mà trào cả nước mắt. Tôi nhắc lại để muốn nói, chúng ta đã từng sống một thời khốn khó, nhưng sống vẫn rất yêu thương. Xin ông (bà) hãy kể một cái Tết ám ảnh, hoặc ấn tượng thời bao cấp?
Inrasara: Thuở nhỏ, được mẹ cho đi theo ăn Tết Kinh nhà người quen, sướng không gì bằng. Mấy làng Kinh cách làng tôi hơn cây số với nhiều lối đi: dọc bờ mương, băng đồng mới gặt, lội sông nhỏ. Mẹ đội giạ nếp, tay xách cặp gà tơ. Cùng vài mẹ nữa. Mặt trời vừa quá cây sào, thì tới. Chờ được ‘ăn Tết’, tôi với anh Đạm cứ ngắm cây nêu được dựng lên khắp sân nhà trong làng, xem cây nào cao nhất để đoán xem nhà làm ăn ra sao. Rôi hai anh em chạy tranh nhau lượm mấy viên pháo xì. Trẻ con Chăm mà! Đi ăn Tết, vừa xơi bữa no nê vừa có tiền lì xì với lại được quà bánh mang về. Cánh đồng mênh mông vừa qua vụ mùa, lùa lũ trâu thả đồng, bọn nhóc chúng tôi mặc sức chơi và ăn Tết. Sau Tết, là nhớ Tết. Cận Tết thì nôn nao đợi Tết đến.
Khoảng 5 năm gần đây, tôi rất buồn bã mỗi khi tết đến xuân về. Vì tết đã không còn là Tết nữa. Ví dụ: Quê tôi, người ta không còn giã giò, mà tống thịt lợn vào xay. Chẳng còn cảnh chiều Ba mươi vo gạo gói bánh chưng và đêm Giao thừa quây quần thức canh nồi bánh cúng giao thừa. Có tiền là có tất cả. Mọi thứ đều đến chợ, hoặc siêu thị mua, giò lụa chả quế thì đến lò bán giò chả mà mua. Cái làng Đông Mỹ gói bánh chưng quanh năm, đến Tết cũng gói bán cho cả thành phố Hà Nội.
Các ông, (bà) có thể ví dụ thêm những cái xót xa tương tự như thế khi kinh tế thị trường, và đời sống công nghiệp đã làm cho cái tết mất dần hồn dân tộc đi?
Và ông (bà) nghĩ thế nào về chuyện nầy?
Inrasara: Hiện đại hóa với siêu thị, giò lụa hay bánh chưng có sẵn thì chỉ rút ngắn công đoạn thôi. Tôi nghĩ thế. Ta kéo dài chơi Tết khoản khác, xôm không kém. Hồn dân tộc không ngưng đọng hay dậm chân tại chỗ mà, luôn luôn biến. Biến tất thông, thông mới cửu. Chủ yếu là ta thêm khẩu phần gì, tăng món trò chơi nào, để Tết vẫn đậm đà Tết dân tộc Việt Nam.
Chưa bao giờ thời đại công nghiệp lại can thiệp sâu vào đời sống con người như hiện nay. Con người sinh ra lười nhác vì các phương tiện thông tin liên lạc. Cách đây 10 năm, bắt đầu từ chiều mùng 1, sáng mùng 2 là người ta đến nhà nhau thăm hỏi, chúc tết, ăn tết,… Cả năm làm ăn vất vả, ít có cơ hội, thời gian gặp gỡ nhau thì dịp Tết để bạn bè, người thân đến với nhau, mà không đến thì sẽ bị quở, trách. Bây giờ, có cái điện thoại di động, đem nhắn tin, hoặc gọi nói chuyện, thăm hỏi, chúc tụng. Chẳng gặp mặt nhau mà cũng coi như gặp. Thế là cũng biết thông tin về nhau, thế là cũng xong nghĩa vụ Tết nhất với nhau. Tưởng là chuyện rất nhỏ, nhưng tôi cảm thấy có điều gì đó lạnh lùng, bất nhẫn quá và tiếc nuối quá.
Về điều này, ông (bà) có chia sẻ với tôi không?
Inrasara: Tôi thì nghĩ khác, anh à. Thời hiện đại tiện nghi đủ thứ, là cái lợi, chứ không vấn đề gì cả. Xưa, đi bộ hay xe đạp, mỗi dịp Tết, ta chỉ có thể ghé thăm ba, bốn làng trong khu vực là đã nhiều. Hoặc có khi quanh quẩn vài chục gia đình quen thân trong làng. Nay thì ngược lại, với chiếc xe máy, ta có thể vi vu vài tỉnh thành khác nhau, được đi xa hơn, thăm nhiều bạn bè và bà con xa hơn. Không quý sao! Bà con Việt kiều, hôm qua còn ở Pháp, Mỹ, chiều hôm sau đã có thể có mặt tại quê nhà ăn Tết nữa. Thăm thú không hết, ta bắt điện thoại di động hỏi thăm được trăm người, hay riêng một nội dung tin nhắn, ta có thể “Chúc mừng năm mới” cùng lúc cả ngàn người – không sướng sao!? Gởi tin nhắn, để còn gặp mặt Tết sang năm – Chắc chắn nhé!
Tôi còn thấy cái vấn nạn: Tết đồng nghĩa với cơ hội để người ta mang rượu ngoại, phong bì đựng đô la đến biếu nhau… mang động cơ mưu lợi chứ không phải bày tỏ sự quý mến, kính trọng, hay biết ơn thuần tình cảm. Biếu thủ trưởng cấp trên để mong lên cấp lên chức; biếu người đang nắm quyền, nắm tiền, nắm dự án… để sang xuân còn mưu lợi.
Ông (bà) quan niệm về chuyện này thế nào?
Inrasara: Theo tôi, đây là chuyện hơi lạc đề. Tết chỉ là một trong vô vàn cơ hội ơn đề nợ trả thôi. Đổ cho Tết thì hơi bị… oan. Nếu tiêu cực thì ngay cái lễ nhỏ, nhí nhất cũng xảy ra ở đó bao nhiêu tiêu cực. Sinh nhật cháu, giỗ ông ngoại, khai trương cửa hàng, xe hơi mới tậu, phu nhân trúng gió… cũng ra chuyện. Hơi tí cũng có thể ra phong bì, chứ không đợi năm hết Tết đến đâu. Sinh nhật cũng thiêng liêng chán, nhưng khi có phong bìa hay quà cáp xen vào cũng thành hư.
Khác hẳn với những cái Tết truyền thống cổ xưa là người đi xa tứ xứ dù bận gì thì bận đến chiều Ba mươi cũng cố trở về quê hương, gia đình đoàn tụ trong 3 ngày tết, quây quần ở nhà cúng ông bà tổ tiên; Những năm gần đây, nhiều gia đình khá giả trong những ngày tết, đưa cả nhà đi nghỉ ở Đà Lạt, Sa Pa, Mũi Né, Bà Nà… Vẫn biết quy luật của đời sống là không thể ngưng trệ, đứng im mà không ngừng biến đổi. Nhưng, tôi vẫn có cảm giác như đang phải chia tay một cái gì đó gần gũi, rất thân thiết.
Điều này báo động điều gì? Và tín hiệu sẽ là tốt lành hay tệ hại?
Inrasara: Một bộ phận nhỏ thôi, – theo quan sát của tôi. Thành phố Hồ Chí Minh mênh mông là thế, xe cộ kẹt đường là chuyện cơm bữa, nhưng Tết đến, gần như đường sá trống trơn. Mọi người đi đâu? – Đổ dồn hết về quê nhà thôi. Có lẽ vài hiện tượng người “nhà quê” chưa có dịp ‘ăn chơi’, ngày Tết mới thèm đi Sapa, Mũi Né… Còn thì hầu hết dân phố chợ đều trụ tại quê nhà để ăn Tết quê hương. Còn nếu sau một, hai ngày quây quần ở nhà cúng ông bà tổ tiên, cả nhà kéo nhau đến các khu du lịch thì càng làm cho không khí Tết thêm đa dạng và phong phú, chứ không đến nỗi nào. Mất thì ít thôi, được lại nhiều hơn – có lẽ thế.
Người ta chơi xuân triền miên. Hết 3 ngày Tết rồi, ra Giêng mà cứ chúc tụng, đến cơ quan không làm việc cứ dắt díu nhau từng đoàn đến thăm hỏi nhà này, chúc Tết nhà kia. Nạn mê tín dị đoan nổi lên như rươu trong những ngày Tết và sau Tết. Rồi nhà nhà dập dìu đi lễ hội, đi cầu may, xin lộc Thánh. Đúng là “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Ông (bà) nghĩ gì về điều này?
Inrasara: Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Việt đã vậy, Chăm cũng không khác gì. Người ta chơi Katê cả tháng. Chơi mà vẫn làm: làm chơi. Vấn đề là cơ quan đó ứng xử với nhân viên thế nào, nhân viên đó trách nhiệm với việc làm thế nào. Dẫu sao, dư hưởng ăn chơi hậu-Tết cũng ảnh hưởng không ít đến làm việc và sản xuất. Công ty Dệt may Thổ cẩm Chăm của bà Inrahani đã mấy bận mất khách hàng cũng bởi nếp ‘xấu’ hậu-Tết đó. Nhưng cứ thử liếc qua công ty nước ngoài mà xem, ở đó mà đùa. Bạn bị trừ lương thẳng tay, nặng hơn – cho thôi việc là chuyện không có chi phải phàn nàn cả. Vậy, muốn thay đổi một nếp cũ, hãy dám bắt đầu.
Tôi có một cái nhìn khá bi quan về Tết thời hiện tại. Tuy nhiên, ngẫm lại thì, dù sao, Giao thừa vẫn là khoảng khắc thiêng liêng, Tết vẫn là cái mốc thời gian, mốc cuộc đời con người và chúng ta sống giao hòa trong đó với những tình cảm, ngẫm ngợi để sống tốt hơn.
Theo ông (bà) nên ăn Tết thế nào để vừa ấm áp tình cảm vừa đạt được đến độ văn hóa, văn minh?
Inrasara: Còn bắt đầu như thế nào, và từ đâu, thì tùy thuộc vào rất nhiều thứ. Cơ chế, ý thức, trình độ dân trí, vân vân…
Chuyện như đùa. Trong lúc nhà văn Sương Nguyệt Minh hỏi mà như muốn bảo vệ cái gì đó gọi là truyền thống, kỉ niệm xưa cũ; hỏi như thể muốn hướng người trả lời đồng tình với mình, thì nhà thơ Inrasara trả lời gần như ngược lại tất cả.
Thay đổi là tốt. Ăn Tết khác với ông bà là tốt. Thêm sự phong phú, thêm nhiều bạn bè, biết nhiều nơi chốn hơn. Tôi không biết 3 vị khác trả lời ra sao, nhưng suy nghĩ như nhà thơ Inrasara thì phải gọi là hàng… độc.
Tinh thần sáng tạo của Inrasara không nô lệ vào bản sắc, vào truyền thống, vào cái cũ xưa. Bởi anh nhìn cuộc đời động, truyền thống cũng động. Động để làm ra cái mới, thêm vào truyền thống cũ.
Ông nói:
“Hồn dân tộc không ngưng đọng hay dậm chân tại chỗ mà, luôn luôn biến. Biến tất thông, thông mới cửu”
Nhưng tôi thấy không hiếm người cứ bám vào bản sắc hay truyền thống văn hóa dân tộc cũ kĩ, rồi tố cáo người khác là phản bội truyền thống. Họ nhân danh dân tộc thực chất là chỉ vì quyền lợi của họ thôi. Hay là họ sợ sự tiến bộ sẽ biến họ thành lạc hậu.
Đồng ý chứ?!
Hong Minh ung ho va tan dong quan diem cua Sara.
Chung ta can co cai nhin thoang, coi mo va bao dung va ca tin tuong truoc su van dong cua xa hoi. Phat trien la quy luat tat yeu.
Nhung nen nep, le loi con phu hop voi cuoc song hien nay thi nen gin giu. Tuy nhien, ta khong nen cu nhat nhat lay quy chuan xua de ap vao cuoc song hien nay. Nhu the la khong “bien chung”, anh Sara nhi.
Hihi.
La mot nguoi tre, em co suy nghi the nay: nhung phong tuc, nhung truyen thong nen giu gin. Nhung quan trong hon ca la giu duoc hon cot, cot cach cua dan toc moi la quy nhat. Co duoc cai hon cot, cai cot cach thi cho du cuoc song bien thien the nao di nua, chung ta van vung vang voi ban sac cua ta, voi van hoa cua ta, voi cach ung xu cua ta.v.v…