Bây giờ nhắc nhớ lại những năm cuối thập niên 1970-80 nhiều người còn hãi hùng. Cả đất nước Việt Nam lúc ấy như một công/ nông trường khổng lồ. Người người cuốc đất, nhà nhà cuốc đất. Tất nhiên vùng Trà Kiệu không ngoại lệ, và chính do sự đào bới không quy hoạch này, biết bao nhiêu cổ vật Chăm vùng phế tích Shimhapura đã bị hủy hoại không thương tiếc. Vàng, bạc, đồ đồng thì thị đem phân kim, bán chui cho những người săn cổ vật. Đồ gốm sứ và đất nung thì bị đập vỡ không thương tiếc.
Nghe câu chuyện của cha Thăng mà không khỏi ngậm ngùi…
Trần Can.
*
LM Nguyễn Trường Thăng
ĐỒNG TIỀN VÀNG DINAR SIMHAPURA
Vào thập niên 1980, phong trào Hợp tác hóa ồ ạt được triển khai ở vùng Duy Xuyên và các huyện tỉnh Quảng Nam. Chương trình cải tạo mặt bằng và thủy lợi được phát động nhanh chóng để đưa nước vào ruộng và tạo lại diện mạo nông thôn mới. Tại xã Duy Sơn, Duy Trinh, Duy Trung…trong khi đào bới, nhiều hiện vật bằng gốm sứ, đất nung và vàng bạc được nông dân tìm thấy. Đồ sứ và đất nung bể tan dưới các nhát cuốc, cúp, xà beng… vì đã nằm hàng ngàn năm dưới đất ẩm. Thỉnh thoảng người ta lại tìm thấy một số đồ trang sức bằng vàng, bạc. Tin đồn được tung ra, thêu dệt thêm… khiến “phong trào đào đãi vàng” nổi lên như sóng cồn. Chỗ nầy, nhóm kia khoe họ đã đãi được mấy li, mấy chỉ… Nào là vàng 8, vàng 7 gì đó. Vàng làm chói mắt, mọi người đổ xô đi đãi vàng vì dù sao cũng có giá hơn một ngày công hợp tác xã chỉ có mấy cân lúa tươi.
Là linh mục làm việc trong khu vực, lại rất yêu quý văn hóa Chăm, tôi đã xách bị đi thu góp những mảnh vỡ đất nung, những mảnh gốm rơi vãi. Tôi cũng khuyên bà con cố gắng cẩn thận giữ gìn những vật tìm thấy, tôi sẽ mua giá cao nếu còn lành lặn. Nhờ thế mà đến nay, chúng tôi đã bảo vệ được một số hiện vật. Còn vàng, do giá trị quá cao, tiền bạc lại không có, tôi chỉ lưu giữ được chút ít. Phần còn lại được dân đem đến các tiệm vàng để “khò” ra “phân kim” đúc thành khâu, thành chỉ. Thời gian sau, tin tức đến tai những người săn đồ cổ. Họ mua giá cao. Theo không nổi, tôi đành “đầu hàng”.
Trong số những “hiện kim” gìn giữ được, tôi quý nhất một đồng tiền mang những dòng chữ A rập tìm được ở thôn Chiêm Sơn cách nhà thờ Trà Kiệu khỏang 3 cây số. Do không tìm gặp chuyên viên, tôi không hiểu về về xuất xứ và ý nghĩa những hàng chữ ghi trên đó. Năm 1993, tôi gặp anh Southworth, một nghiên cứu sinh người Anh (giờ anh là Tiến sĩ rồi), anh quan tâm đến những đồ sưu tầm mà tôi đã để lại tại Trà Kiệu. Anh tìm đến tôi, lúc đó đã được chuyển về nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng từ năm 1990. Toàn bộ đồ sưu tầm “nặng”, tôi đã để lại Trà Kiệu, tôi chỉ mang theo những món “nhỏ và qúy”. Một ngày, anh gặp và yêu cầu tôi cho giáo sư của anh nhìn qua nhưng món đồ nhỏ bé kia. Hôm đó lại là ngày tôi phải rời Đà Nẵng vào Sài Gòn lên đường đi tu nghiệp thần học ở Pháp. Mọi vật sưu tập đều đã được sắp xếp đâu vào đó rồi. Thấy cũng tội, tôi yêu cầu giáo sư phải có mặt trước 7 giờ sáng vì 8 giờ tôi lên máy bay. Đúng hẹn, anh và vị giáo sư khả kính đến, chính là giáo sư tiến sĩ Ian Glover của Đại học Khảo Cổ London. Sau khi xem và chụp hình một số hiện vật, tôi xin giáo sư giải thích giúp tôi về đồng tiến A rập kể trên. Vị giáo sư danh tiếng, từng là thầy dạy của Hoàng tử Thái Lan, đã khiêm tốn nói mình không chuyên về môn nầy và giáo sư hứa sẽ nhờ các chuyên viên của Bảo tàng Anh Quốc khoa tiền tệ Trung Đông giúp đỡ.
Cuối năm 1994, tôi nhận được thư của Giáo sư cho biết kết quả tại Paris.
Qua thư trả lời cho giáo sư. Phân viện tiền đúc và huy chương của British Museum cho biết thông tin về đồng tiền. Đó là một đồng Dinar, cân lượng khoảng một chỉ vàng tốt triều đại Abbasid của Vương triều Caliph (lãnh tụ đạo đời Hồi Giáo ) Al-Muktafi Billah 289-95 AH /902-8 AD tức từ năm 289 đến 295 niên lịch Hồi Giáo, tương đương năm 902 đến 908 Công nguyên. Theo chị Venitia Porter, tên của vị Vizier (lãnh tụ chính trị và tinh thần Hồi Giáo) là Wali al-Dawlah nắm quyền bính giữa những năm 288 và 291 lịch Hồi Giáo. Đồng tiền được đức vào năm 291 lịch Hồi Giáo tại Hamadan, ngày nay thuộc Cộng Hòa Hồi Giáo Iran
Bảo tàng Anh Quốc cảm thấy rất thích thú vì sự xuất hiện những đồng tiền Hồi Giáo tại vùng đất xa xôi Viễn Đông nầy. Rất tiếc là họ không phiên dịch những dòng chữ mặt trước và sau của đồng tiền. Nhưng hình như là những câu kinh Koran: Nhân danh Thượng đế duy nhất và tiên tri Mahomad của Người, như một bảo chứng cho niềm tin và chữ tín trong công việc thương mãi .
Bây giờ phải lý giải làm sao sự có mặt của đồng tiền nầy? Phải chăng ngay từ thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên, chậm nhất là vào thế kỷ 11, người Hồi Giáo đã trực tiếp buôn bán tại vùng đất Đại Chiêm Hải Khẩu và thành đô Simhapura nầy? Lịch sử cho biết, vào các thế kỷ 12, 13 và sau đó, trước sức tấn công của Đại Việt, người Chăm đã rời bỏ Sư tử thành Trà Kiệu để vào Viyaya, thiết lập kinh đô mới Đồ Bàn nên chắc chắn việc giao thương khó lòng được tiếp tục.
Với lại với chỉ một đồng tiền chưa đủ chứng cứ để nói về nền ngọai thương của Champa. Trên đồng tiền có đục một lỗ nhỏ để đeo hoặc gắn vào một thứ trang sức nào đó như thường thấy trên khăn đội đầu của phụ nữ A rập. Từ đó chỉ có thể suy đoán, đồng tiền trên được xử dụng như món đồ trang sức hơn là trong giao lưu thương mại. Các lái buôn hoặc thủy thủ Chăm khi đi buôn bán ở các nước miền Nam Champa như Malaysia, Indonesia… đã mua hoặc được trao tặng những đồng tiền vàng nầy. Họ đem về tặng lại cho vợ con để làm đồ trang sức… để rồi không rõ lý do gì, có thể là chiến tranh hay một biến cố nào đồng tiền đó lưu lạc và tồn tại đến hôm nay như một chứng tích giao lưu giữa Champa và miền đất Iran xa xôi.
Hội An, ngày 31 tháng 8 năm 2010.
Nhung cau chuyen cua Cha Nguyen Truong Thang rat hay va ly thu.
Rat cam on Cha.
rất hay. xin cám ơn!