Cuối năm, Inrasara nhận được tin vui nhỏ, xin thông tin để bà con, anh chị em và bạn đọc Inrasara.com cùng chia vui.
Bài “Hòa giải và hóa giải ba loại nhà thơ hôm nay”
Được tạp chí Sông Hương
Tặng thưởng Tác phẩm hay trong năm 2010, thuộc lĩnh vực “Nghiên cứu phê bình lí luận”.
Trích đoạn:
Lạm phát thơ, ra ngõ gặp nhà thơ, người người làm thơ nhà nhà làm thơ, thơ nhiều nhưng nhà thơ không có bao nhiêu… Khắp nơi người ta kêu như thế, từ hơn chục năm qua. Kêu, và bắt chước nhau kêu. Kêu, như thể một phát âm rỗng, vô nghĩa, không chút sức nặng. Qua đó tạo thành thói quen kêu, nhàm và nhảm. Vì sao nên nỗi? – Không ai biết! Không ai bõ công truy tìm nguyên do…
Thử đặt câu hỏi có tính khái quát hơn: Thơ là gì, thực thể mà người ta than vãn rằng nó đang lạm phát ấy?
…
Tình trạng thơ hôm nay, tạm chia ra ba loại khác nhau (hãy loại bỏ tâm phân biệt trong thao tác phân loại này):
Người làm vần phục vụ đại chúng, gồm các nhà thơ phường xã, câu lạc bộ thơ hưu trí, thơ báo tường… Bộ phận này ưa chuộng thể thơ cũ, lục bát đậm đà bản sắc, thơ có vần điệu êm tai, dễ nhớ và dễ lưu truyền.
Nhà thơ tiếp hiện có vẻ “hiện đại” hơn. Họ biết “tiếp hiện” (tiếp nhận và thể hiện, chữ dùng của Nhất Hạnh) các thành tựu gần, sáng tác vừa với tầm mong đợi horizon of expectations của đại đa số độc giả “cao cấp” đương thời, bằng cách mở rộng và khuếch trương thành tựu hôm qua của thế hệ trước đó hoặc của chính mình.
Nhà thơ sáng tạo là kẻ luôn trên đường phiêu lưu khai phá, thay đổi và làm mới. Họ sẵn sàng làm mếch lòng độc giả từng yêu mến họ, kiếm tìm bộ phận độc giả mới, khác. Bởi họ dám thay đổi cách viết, thay đổi cả mĩ học sáng tạo.
Một thời khá dài, chúng ta quyết loại khỏi văn đàn “loài” nhà thơ thứ ba, nghĩa là kẻ tiên phong thám hiểm vùng đất mới, mà nhất tề tôn vinh nhà thơ tiếp hiện và người làm vần. Riết rồi thành nếp nghĩ khó gột rửa. Để mãi hôm nay, tâm lí ấy vẫn còn tồn đọng trong không ít đầu óc bảo thủ, xơ cứng với quan điểm nghệ thuật lạc hậu, rằng thơ thì phải thế, như vậy mới là thơ. Ai đi chệch khỏi hệ mĩ học đương thời thì là kẻ phá hoại. Là không phải thơ “đích thực”. Làm như ta đã hiểu thơ là gì rồi! May là quan niệm kia đã trở thành lỗi thời và lạc lõng trong thời đại toàn cầu hóa, khi thế giới đã trở thành một làng, làng toàn cầu. Các nghệ sĩ mọi nơi đang nỗ lực làm cuộc giải lãnh thổ hóa, giải địa phương hóa trong văn học.
….
Còn hơn thế, nhà văn hôm nay cần học chấp nhận sinh phận làm “kẻ bị đẩy xuống tàu” embarqué. Đây là từ dùng của Albert Camus. Không phải là nhập cuộc engagement, bởi nhập cuộc ít nhiều còn mang tính tự nguyện, mà là bị đẩy xuống, theo nghĩa mạnh nhất của từ này. Ông thêm: Nhà văn như kẻ đi trên dây giữa hai bờ vực, một bên là tuyên truyền cho thế lực, bên kia là xa hoa giả trá. Hắn cần giữ thăng bằng giữa hai thứ quyền lực đầy cám dỗ đó. Hơn nữa, giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và đất nước, tổ quốc và thế giới, trách nhiệm công dân và ý hướng tính sáng tạo của nghệ sĩ trước vũ trụ vô cùng. Do đó, hắn phải chấp nhận sống cùng bấp bênh và hiểm nguy thường trực. Vì chỉ như thế, hắn mới còn “sáng tạo” theo đúng nghĩa nguyên ủy của từ.
Nhà văn là kẻ sống thời đại mình, phơi trần toàn bộ con người mình ra với nó – trọn vẹn. Trong lúc thời cuộc ẩn chứa đầy rẫy tai ương rình rập.
….
Thấy rồi mới tìm.
“Đạo sĩ Bà-la-môn khi đã rời bỏ rừng sống đời khất sĩ, trút mọi gánh nặng hay thành quả sau lưng, nhẹ nhõm như mây trời, làm cuộc phiêu lãng vô định và bất tận. Mãi mãi trên đường. Đường, có thể là đường phố hay con đường điền dã hoặc lối đi trong rừng, thậm chí đường hàng không – không vấn đề! Thơ ca nẩy sinh và ở lại trên con đường vừa đi qua đó.
Chưa đặt một chân sang bờ bên kia, chưa là người biết Paramārtha-vid mà đã xài chữ, đã vội vã “sáng tạo”, bạn chỉ dừng lại ở kẻ tập tò làm vần. Triết học Ấn Độ hoài nghi ngôn ngữ, cả thứ ngôn ngữ đã được nạo bỏ các thứ lớp sơn giả tạo, ý đồ. Viết ở bờ bên này, chẳng những bạn làm bẩn tư tưởng thôi mà còn xả rác vào chính ngôn ngữ nữa. Bước sang bờ bên kia, nếu bạn một đi không ngoảnh lại, bạn không thể trở thành một nhà thơ chân tính. Hiểu māyā, vượt bỏ māyā, nhưng bạn vẫn ở lại với māyā. Ở lại cùng và yêu thương māyā. Đấy là hành động cao cường của một Bồ tát-nghệ sĩ Bodhisattva-artist!
Không sáng tác bằng tiếng dân tộc, bạn không xứng đáng là nhà thơ, một nhà thơ mang cảm thức hậu hiện đại với châm ngôn: Suy nghĩ toàn cầu – hành động địa phương. Nói một cách hình tượng: Dù phiêu du trên đường nhưng đạo sĩ vẫn ưu tư, lo lắng cho kẻ ở lại quê nhà. Ở lại giữa lòng ngôn ngữ dân tộc như là ở lại nhà mình”.
Xin gửi lời chân thành chúc mừng Sara nhé.
Công bằng mà nói, bài “Hòa giải và hóa giải…” ý tưởng hay lắm. Hay và độc đáo lắm. Thuyết phục lắm chớ. Có cái Giải là đúng chớ không sai.
Nhưng xin hỏi ông Inrasara, ông có hòa giải và hóa giải nổi chuyện Chăm của các ông không? Chăm có xíu mà không lo được? Hay ông xem nhẹ nó rồi lãng tránh, như bức thư ông gởi cho ca sĩ Chế Linh?
Mong trả lời lắm thay!!!
Xin hỏi Ronadinho muốn ông Sara hòa giải và hóa giải chuyện Chăm là chuyện gì vậy??…Sara đâu phải là Hoàng đế Champa mà phải đi lo chuyện Chăm.Ông ấy là nhà thơ.Ông ấy chỉ “Hòa giải và hóa giải ba loại nhà thơ hôm nay”.Con người không ai muốn đem rắc rối vào bản thân cả,ai cũng vậy thôi.Quan trọng là ý thức mỗi người.
Ronadinho là người gì ? cảm thấy chuyện dân tộc mình có ai lo chưa?nếu chưa, cảm thấy mình có lo nổi hay không????…
Mong trả lời lắm thay!!!.
Cả Ronadinho lẫn Ronaldo_VN đều hơi nhầm.
Anh Inra viết bài “Hòa giải và hóa giải…” thì không liên quan gì đến xã hội Chăm ta cả. Anh viết cho cả Việt Nam, và cả cho thơ thế giới, nếu tiểu luận đó thật sự có giá trị.
Từ chuyện thơ ca mà đặt ra vấn đề LO cho xã hội Chăm thì to quá. Rồi trách là Inra lãng tránh thì càng chưa đúng. Nếu giới hạn phạm vi thơ ca Chăm và ngôn ngữ Chăm thôi là đủ.
Ronaldo thì nhầm là do thành kiến. Ronaldinho nói việc này ra là ám chỉ chuyện xã hội, bởi Ronaldinho biết ngoài thơ ca, anh Inra còn làm nhiều thứ khác: ngôn ngữ, văn học, xã hội,… Ý bạn này hỏi là sao anh Inra có khả năng, sao không “hòa giải và hóa giải” mấy chuyện này trong xã hội Chăm đi.
Thế mà Ronaldo lại đẩy vấn đề lên tận HOÀNG ĐẾ thì rất trật.
Theo tôi bất cứ chuyện gì hay bất cứ cá nhân nào trong xã hội cũng vậy, ta chỉ yêu cầu họ trong khả năng họ trong phạm vi hoạt động của họ thôi.
Theo tôi biết, anh Inra TẠM THỜI không muốn dây dưa các vấn đề xã hội Chăm mình, vì mấy năm qua ta cãi nhau dữ quá, ít nhường nhịn nhau. Tôi nhớ anh Inra có nói ý này vài lần rồi.
Mong vui cả hai.
Mấy bạn trẻ Chăm suy nghĩ quá đỗi buồn cười và lệch lạc.
Nhà thơ Inrasara đang viết tiểu luận văn chương. Bài viết hay và được tạp chí SH uy tín bầu hay nhất trong năm.
Các bạn không có lời tán thưởng, mà 1 bạn thì nói đến sự LO, còn 1 bạn thì bảo Inrasara chỉ là nhà thơ không là HOÀNG ĐẾ.
Các bạn trẻ mong nhà thơ Inrasara thất bại để mở sâm banh ăn mừng chắc. Còn trẻ mà nghĩ thế thì chí nguy!!!
Lâu quá tôi mới viết “còm” lại. Cho dù tôi theo dõi thường xuyên mạng này.
Thứ nhất, người Chăm nào đạt được thành tích nào đó dù nhỏ thôi đều rất đáng ca ngợi. Để khích lệ họ. Ngoài ra còn khích lệ người khác phấn đấu.
Khi đọc một bài thơ khá, hay một bài nghiên cứu giá trị, hay một khám phá mới về Champa của tác giả có phải là Chăm hay không, ta có ý kiến là tốt. Họ có công viết để cho ta đọc. Nhà thơ Inrasara bỏ tiền để làm ra trang mạng này. Tất cả đều đáng quý cả.
Tôi thấy vài anh chị như Minh, Trần Can, Jalau Anưk, U.truong, Nguyen Anh Thy… và nhiều anh chị khác đã viết “còm” động viên kịp thời. Ý kiến của anh chị vừa tỏ rõ sự lành mạnh của tinh thần người hàm ơn khi có người viết hay để mình đọc. Không những tôi hoan hô người viết còn hoan hô họ.
Nhà thơ Inrasara mỗi năm đều có thành tích mới trong lãnh vực của anh ta, là điều rất đáng tự hào. Tôi lớn tuổi hơn anh ta, nói thật lòng là tôi cũng tự hào.
Thứ hai, nói vậy không phải là không nên có ý kiến ngược, các lời nói mang tính phê bình mà ta hay dùng chữ phản biện. Với tư cách là người lớn tuổi, tôi khuyên anh chị em nên dùng chữ nhẹ nhàng, nói năng sao cho người bị phê bình tiếp thu ý kiến của ta.
Tết Tân Mão xin chúc anh chị em hạnh phúc.
Chúc Inrasara.com thành công và đăng nhiều bài giá trị hơn nữa.