Khi tôi ngỏ ý muốn giới thiệu nhà thơ Inrasara với Cha Thăng, thì thật bất ngờ, Cha đã trả lời như sau:
“Anh Trần Can thân mến.
Tôi chưa gặp anh Inrasara nhưng tôi rất yêu thơ và niềm tự hào Champa của anh.”
Nghe vậy là thích rồi, nhà thơ của chúng ta cũng oách chứ nhỉ? Thơ Sara và niềm tự hào Champa là hai khái niệm riêng nhưng thật khó tách rời. Sara là giọng thơ của thời đại mới. Đẹp, hiện đại và minh triết. Không (thèm) oán than thù hận. Không (cần) rên xiết khóc hờn. Anh mang một dung mạo Chăm hoàn toàn tinh khôi, kiêu hãnh và thông tuệ.
Anh chính là chân dung Chăm của ngày mai…
Tôi nghĩ, đó chính là lý do khiến Lm. Nguyễn Trường Thăng, dù chưa một lần gặp anh, mà đã yêu quý đến thế…
Dông dài vài hàng, xin phép được giới thiệu với các bạn độc giả Inrasara.com bài viết thứ hai của Lm. Thăng.
Lm. Antôn Nguyễn Trường Thăng
ĐÈN CHAMPA
Bên cạnh những đồ đá, đồ gốm, vàng bạc, người Chăm còn là những người thợ đúc kim loại tài ba.
Tại vùng Amaravati, tức vùng Thuận Quảng sau nầy (Quảng Bình đến Quảng Ngãi) người ta đã tìm được nhiều hiện vật quý giá bằng vàng, bạc, đồng, chì… Tượng Lokesvara BồTát Đồng Dương hay các Kosa Siva chứng tỏ nghề đúc kim loại Champa đạt đến đỉnh cao nghệ thuật.
Thăm bảo tàng Sài Gòn, Guimet Paris, hay Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, chúng ta có dịp chiêm ngắm những tác phẩm các vị Bồ Tát bằng đồng hoặc may mắn hơn chúng ta sẽ thấy các Kosa bằng vàng quý giá tại các bảo tàng ngoại quốc hay là quốc bảo trong hầm sâu các ngân hàng Việt Nam. Ngày nay với phương tiện Internet hiện đại, chúng ta cũng xem được những hình ảnh trên qua các bài viết của các tác giả như John Guy và Trần Đình Sơn.
Trong thời gian sống tại Trà Kiệu, tôi không sưu tầm được nhiều đồ đồng ngoại trừ một vài món đồ nhỏ trong đó có một phần hình đầu rồng makara mà khi đào được người ta tưởng vàng nên mỗi người một mảnh chia nhau đem đi mất. Một người thử mãi ở khắp các tiệm kim hoàn mà không tìm thấy vàng mới nhường lại cho tôi.
Nhân dịp Hội thảo về linh mục Léopold M. Cadière ở Huế, tôi có dịp chiêm ngắm một bộ sưu tập đèn rất độc đáo mà Ban tổ chức nói là của linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết không rõ là tặng hay cho mượn. Đèn bằng đồng và hình dáng rất lạ và cho rằng đây là đèn Champa
Một số đèn mang hình thần Ganesa (Thần hình voi ngồi). Tôi không tin là đèn Champa lắm vì xem ra chất đồng quá mới… Có thể xuất xứ từ Ấn Độ để dùng trong việc thờ tự của các tín đồ Ấn Giáo tại Việt Nam thế kỷ 19, 20. Nhưng sau đó có một loạt nhiều chiếc đèn được trưng bày mang một phong cách rất lạ và rất Champa.
Bộ đèn đồng có thể có nguồn gốc Chăm rất độc đáo. Tại cuộc triển lảm tại Trung tâm mục vụ Huế, tôi thấy có nhiều kiểu dáng rất lạ. Có cái dạng đứng giống bình đựng hương công giáo với hình rắn hổ Naga cách điệu. Nhiều đèn treo rất đẹp với sợi xích đồng chắc chắn và những hình trang trí bắt mắt nói lên niềm tin tôn giáo của dân tộc Champa. Không trực tiếp quan sát mà chỉ xuyên qua tủ kính trưng bày, ánh sáng lại thiếu nên không thể nhìn rõ các chi tiết, dù vậy qua các họa tiết trang trí chúng ta có thể tin rằng đây quả thật là những đèn Chăm cổ. Thời điểm nào: thế kỷ 11-13 theo như các chuyên viên Sài Gòn đã cho cha Triết biết? Có thể lắm nếu các hiện vật nầy tìm thấy nằm ở vùng Amaravati. Lý do, trước sức tấn công của Đại Việt vào các thế kỷ 10, 11. Người Chăm không thể bảo vệ an toàn kinh đô Simhapura, Sư tử thành Trà Kiệu buộc họ phải di chuyển kinh đô vào miền Viyaya, Bình Định tức thành Đồ Bàn trước thế kỷ 12. Thời gian trước đó, dân tộc Chăm miền Amaravati theo Ấn Giáo và Phật Giáo. Phân tích họa tiết và trang trí trên các đèn không thấy dấu vết Phật Giáo ví dụ như hoa sen rất đặc trưng nhưng chỉ là những tượng thần Ấn Giáo như Ganesa, Siva hoặc các nam nữ thần khác. Họa tiết trang trí như dây leo theo hình rắn naga, đầu hồi với hình khối rồng nước (makara) trang trí các cạnh tháp như Mỹ Sơn rất rõ nét. Nhóm đèn nầy cũng giúp chúng ta hình dung các ngôi nhà Chăm thời xưa. Mái nhà có ảnh hưởng Trung Quốc nhưng ít cong như ở nước Đại Việt mà chỉ hơi cong vào đoạn kết thúc.
Trong các loại đèn, thấy có loại thắp một tim đèn, có loại hai tim, có loại đến 4 tim đèn. Nguyên liệu thắp đèn vào thời chưa có dầu lửa nên phải dùng dầu thực vật. Dầu gì? Dầu dừa? Cây dừa vẫn còn rất xa lạ tại vùng cực Bắc Vương quốc Champa? Dầu mù u? Mù u chỉ phát triển từ thời vua Gia Long? Theo tôi, dầu phụng là nguyên liệu chính dùng để thắp đèn, ảnh hưởng còn kéo dài đến tận thế kỷ 20 tại vùng Quảng Nam cho đến khi được dầu lửa thay thế.
Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết cũng cho những thông tin về một chiếc đèn đặc biệt cũng thuộc di sản Champa, không trưng bày trong cuộc triển lãm tại Huế vừa qua. Về chiếc đèn rất độc đáo nầy có những thông tin như sau:
1. Chất liệu: đồng thau
2. Số đo: cao 30cm – rộng 18cm
3. Niên đại: thế kỷ 11-13
4. Xuất xứ Quảng Nam – Đà Nẵng
5. Tình trạng: nguyên vẹn
6. Miêu tả: máng dầu hình vuông chia làm 4 ô có vách, ngăn như vậy có thể thắp một lúc 4 ngọn, 4 hoa văn ôm 1 bệ hình mái tháp ở trung tâm – Hoa văn hình rắn naga cách điệu.
Một đai treo hình cong giống vòm cửa tháp Chăm, trên đai trang trí hình chim. Điểm đặc biệt nhất là giữa bệ có hình tượng thần Siva cưỡi bò thần Nandin.
Qua bài viết nầy, tôi muốn giới thiệu sơ qua các cây đèn trên với quý độc giả và xin những nhà chuyên môn văn hóa Ấn Độ và Champa tham gia ý kiến. Tôi chỉ là một người yêu văn hóa Chăm rất “amatơ” (amateur) nghiệp dư nên không thể bàn thêm gì ngoài tầm hiểu biết.
Văn hóa, văn minh Chăm có được những người yêu như LM. Nguyễn Trường Thăng & anh Trần Can quả là một điều đáng vui lắm
Web nhà thơ Inrasara luôn dành cho bạn đọc nhiều bất ngờ thú vị. Nhiều tiểu luận văn học sâu sắc, nhiều khám phá mới mẻ về văn hóa Chăm. Rồi nhiều tên tuổi mới toanh hay các sự kiện xã hội nóng bỏng được đăng lên.
Mọi người được quyền nói lên ý kiến, thẳng thắn mà rất chừng mực và nhất là biết nghe nhau.
Nhà thơ biết chọn lọc đề tài có ích, tránh chuyện gây hấn làm bất lợi cho cộng đồng. Tên tuổi nhà thơ thu hút được nhiều cô bác ngoài cộng đồng tham gia, tin tưởng gởi bài.
Các bài viết của Cha Thăng mới đây là thí dụ. Chúng rất thú vị.
Cám ơn Cha Thăng, và trước hết cũng cám ơn Trần Can.
Lưu Văn
Mình cũng cảm ơn anh Lưu Văn, riêng với Jalau Anưk thì mến lâu rồi mà anh em chưa có dịp gặp. (Bao giờ gặp sẽ… uống vài ly nhỉ!)
Cha Thăng còn vài bài viết rất hay về Champa. Mình đã xin phép Cha để gởi tới mọi người, chia sẻ những điều thú vị về văn hóa, văn minh Chăm. Nền văn hóa của một dân tộc mà mình rất yêu thương và ngưỡng mộ…
Quý mến gửi anh Trần Can!
JA cũng thường dõi đọc anh và qua inrasara cũng nghe nhiều điều thú vị về anh. Đáng quý lắm. JA tửu lượng khiêm tốn nhưng nếu có dịp gặp cũng sẽ rất dũng cảm uống với anh vài ly. Sẽ có nhiều điều thú vị. Anh em biết nhau khá lâu, tiếc là chưa có duyên và dịp gặp.
Nhân tiện, JA chúc anh năm mới hạnh phúc, thành công và luôn tràn đầy tâm thế để khám phá “Nền văn hóa của một dân tộc mà mình rất yêu thương và ngưỡng mộ…” như anh bộc bạch. Một khi nó đã là tình yêu và ngưỡng mộ chắc sẽ là mình sẽ khó lòng mà không dành cho nó một tình cảm đạc biệt anh nhỉ!
Không biết anh chị em, bà con, đồng tộc, các học giả, những nhà chuyên môn trong, ngoài Chăm … thì sao. Nhưng khi đọc những gì anh viết, với hạn hữu những hiểu biết của mình, JA thấy dường như nó mới lắm và rất thú vị. Biết đâu đây sẽ là một khé he hé để hiểu và biết thêm nhiều điều mới mẻ về Champa.