Trần Can giới thiệu.
Giáo xứ Trà Kiệu nằm trên hai địa bàn thôn Kiệu Châu và Trà Châu, thuộc xã Duy Sơn, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng 40 cây số về hướng Tây Nam.
Do hoàn cảnh đặc thù của lịch sử, Giáo xứ Trà Kiệu được xây dựng trên nền phế tích kinh thành Shimhapura thuộc tiểu vùng Amaravati xưa. Biết bao nhiêu cổ vật đã được tìm thấy và đã bị tàn phá không thương tiếc bởi cơn sốt tìm vàng của những thập niên 1970-80s.
Là một linh mục quản nhiệm xứ đạo Trà Kiệu từ năm 1975–1989: Trong giai đoạn khó khăn này, Lm. Antôn Nguyễn Trường Thăng cũng là người có công sưu tầm một số cổ vật Chàm và làm thành một phòng trưng bày có giá trị.
Được sự cho phép của Cha Thăng, xin giới thiệu với độc giả Inrasara.com một vài tư liệu quý…
Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng
BÍ ẨN CON RÙA ĐẤT NUNG TRÀ KIỆU
Vào thập niên 1980, tôi làm việc tại giáo xứ Trà Kiệu. Nơi đây là thành đô SIMHAPURA, thành phố Sử tử của Vương quốc Champa. Một Singapore nổi tiếng thời Trung cổ mà những phế tích và di vật ngày nay mang hai từ Trà Kiệu qua sách báo và những tác phẩm được trưng bày tại nhiều bảo tàng Việt Nam và trên thế giới.
Một ngày, các em nhỏ khoe với tôi chúng tìm thấy một con rùa bằng đất nung và chúng đã đập ra. Nghe thế tôi giật mình, tiếc xót. Nhưng chúng bảo là chỉ bể một phần thôi. Tôi vội vàng yêu cầu chúng bán lại cho tôi.
Con rùa nầy về nghệ thuật không có gì đặc sắc lắm nhưng bao năm qua nó vẫn là một bí ẩn, một kỳ bí đối với tôi.
* Con Rùa đất nung Trà Kiệu (phía trên & phía dưới) do Cha Thăng chụp.
Các em kể lại, khi đào nó lên từ lòng đất, các em rung và nghe tiếng loong coong trong bụng nó. Ý tưởng đầu tiên là “trúng mánh”, chắc là vàng chứa trong nó. Vì vậy không thể làm gì hơn là phải đập nó ra. Nhưng vàng không thấy đâu mà chỉ có những hạt gốm nung tròn tròn nho nhỏ.
Tôi hỏi các em có đếm không. Chúng nói có, 52 viên tất cả. Chúng rơi rớt chỉ còn một ít.
Hai mươi năm qua tôi cứ suy nghĩ mãi mà không hiểu người Chăm làm con rùa nầy để làm gì? Tại sao nung kín cả con và trong ruột lại có 52 hạt gốm tạm gọi là “trứng”?
Tôi mò mẫm vào các trang mạng và thật đáng ngạc nhiên. Đề tài về con rùa bỗng trở nên hấp dẫn lạ lùng với bao nhiêu truyền thuyết từ Á sang Âu, Châu Mỹ và Châu Đại dương nữa. Người Việt có nhiều câu chuyện về rùa như chuyện nỏ thần Kim Quy. Rùa thần đã nhận lại chiếc kiếm Thuận Thiên ở hồ Lục Thủy nay là hồ Hoàn Kiếm từ tay vua Lê Lợi. Rùa hồ Hoàn Kiếm vẫn luôn là câu chuyện thời sự. Người Trung Hoa, Nhật Bản, các dân tộc ở vùng biển Thái Bình Dương, người Phi Châu và Mỹ Châu… đều có những truyền thuyết hấp dẫn về con rùa.
Người Champa chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ chắc phải tìm ý nghĩa con rùa nới nền văn hóa nầy.
Quả thật tôi không lầm.
Rùa là một con vật điểm tĩnh, trầm tĩnh (calm). Rùa tuy làm việc rất chậm nhưng lại thành công trong công việc. Như thế rùa có thể là biểu tượng cho thành công. Rùa tự bảo vệ trong mai. Rùa biết chiến đấu và nắm vững tình hình. Rùa tượng trưng cho sự lạc quan. Rùa là hóa thân (avatar) của Thần Vishnu và Kashyapa. Là biểu tượng của nuớc. Đôi khi tượng trưng cho tối tăm (darkness) hoặc cuộc sống gia đình (domesticity). Truyền thuyết Ấn Độ cho rằng thế giới được bốn chú voi nâng đỡ. Mà bốn con voi lại đứng trên mu rùa Akupara, con rùa chở thế giới trên lưng nó. Thần Vishnu hóa thân thành con rùa khổng lồ Kurma. Tại Andhra Pradesh, Ấn Độ có đền thần Kurma.
Còn nhiều chuyện nữa như Shatapatha Brahmana đồng hóa thế giới với thân xác Kurmaraja, “ vua loài rùa”, ba phần thân thề thể tượng trưng cho mặt đất, bầu khí quyển và vòm trời.
Tại đền Angkor Wat, một bức phù điêu cho thấy thần Vishnu ở trung tâm và con rùa hóa thân Kurma ở dưới.
Rùa chính là Nước, Mặt trăng, Mẹ – Đất, Thời gian, Bất tử và Sinh sản sung mãn.
Quả là lắm chuyện rùa. Các vị có thể vào công cụ tìm kiếm Google và đọc các bài viết trong đó.
Hóa ra con rùa nhỏ bé đất nung nầy ẩn chứa một kỳ bí .
Những vòng răng cưa đồng tâm dưới phần bụng phải chăng là những đợt sóng đại dương? Vòm mu tròn, phải chăng là bầu trời cong cong trên đầu chúng ta? Và 52 quả trứng phải chăng là biểu tượng thời gian 52 tuần trong một năm? Nếu thế thì từ lúc nào người Chăm biết về tuần lễ 7 ngày theo Kinh Thánh Cựu Ước của người Do Thái?
Bí ẩn vẫn cón là bí ẩn. Mong các vị cao minh giúp đỡ giải mã.
Bây giờ hãy quan sát con rùa kỳ diệu nầy.
Hội An, ngày 13 tháng 9 năm 2010
Rất cảm ơn Cha. Mong được đọc nhiều hơn nữa các bài viết của Cha. Thật là quý hóa quá!
Xin chân tình cảm ơn.
Chao Cha Anton
Nghe tin cha nam vien, khong biet da do chua. Cau chuc cha mau an manh.
Van nho cha khi thamu cac hoi thao o Hue.
Chao cha
Con Pham Huy Thong
Được tin cha ốm nằm viện . con là Đàng Năng Thọ ( nguyên giám đốc trung tâm nguyên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận ) rất mong muốn được đến thăm Cha vào đầu tháng 10 năm 2014 nếu cha cho phép để thăm hỏi và trao đổi về nguyên cứu văn hóa Chăm .
KÍNH CHÚC CHA mau mạnh khỏe . con Đàng Năng Thọ