Trần Nhuệ Tâm thực hiện
Tienve.org, tháng 2-2005
Thời thanh niên ông đã yêu bài thơ nào? Nếu ngay lúc này, trở lại tuổi mười tám và người yêu của ông muốn nghe ông đọc một bài thơ tình, trong những bài thơ tình ông biết (sau thời kỳ tiền chiến) ông chọn bài nào?
* Tình đầu của tôi bắt đầu và kết thúc chả ra hồn gì cả, nên tôi có mấy bài thơ tình… khùng.
Inrasara: Thuở mấy sợi ria lún phún mọc, tôi có thích TTKh., sau đó cũng biết ngâm ngợi Nguyên Sa: “Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt, trời không mưa…”
. Rồi thì:
Tôi còn yêu cho biển còn xanh
Mây còn bay cho chim chấp cánh
Ngựa què rồi em cưỡi lưng anh
Tôi cứ yêu khốn nạn cứ cười
Mây cứ bay cho chim mỏi cánh
Em chết rồi ai ám sát tôi.
Cuối cùng tới phiên Nguyễn Đức Sơn:
Có những nàng ta yêu phất phơ
Mà bây giờ tưởng lại cứ là mơ
Nhưng nắng cũ rung mờ
Ngàn năm đã lỡ
Mới dòm nhau cũng đã mắc cỡ
Huống chi ngồi than thở gần xa
Em còn hay đã thành ma
Đi trong nắng xế ngày tà ta đau.
Từ đó tôi không thích nổi một bài thơ tình nào nữa.
Tôi rất hiểu tại sao bạn thơ trẻ hôm nay (cả nam lẫn nữ) nếu có làm thơ tình thì nghiêng hẳn về tình… dục. Đọc thơ tình cho người cũ ư? Không, tôi chỉ đọc bài cũ của mình, để… đùa mấy em mới! Tôi chưa hề bày ra “hoàn cảnh” ra đời đầy tâm trạng của bài thơ này nọ.
Nếu một ngày mai đối diện với ba sự kiện. Thứ nhất: Người yêu muôn thuở bước ra từ giấc mơ. Thứ hai: Cuộc cách mạng nhân văn. Thứ ba: Người ngoài hành tinh mời ông đi du lịch một chuyến. Trong ba sự kiện, chỉ được phép chọn một. Ông chọn sự kiện nào để làm bài thơ lớn của đời ông? Tại sao?
Inrasara: Tôi chọn sự kiện thứ nhất. Đáng thèm lắm. Vào đầu cấp 3, tôi luôn ngạc nhiên là tại sao mấy đứa bạn cùng lứa tôi yêu sớm và yêu tỉnh táo thế? Họ vui vẻ kể lại bao nhiêu là thành tích… Mối tình đầu của tôi xảy tới rồi kết thúc chả ra hồn gì cả. Hệt một tai nạn, như bị đập bất ngờ vào đầu chẳng hạn. Tôi thèm được tai nạn lần nữa, biết đâu mình chớp được cái sát-na đó, để bật ra bài thơ tình lớn, đáng để người lớn chép vào sổ tay.
Ông có tin một bài thơ tình biết phản bội không? Ông có từng rơi vào trường hợp bị một bài thơ tình đưa vào cảnh trớ trêu, thậm chí vì một bài thơ tình nào đó mà ông bị em đá đít không? Ông có nghĩ hiện nay mọi người đang có nhu cầu đọc thơ tình thuần khiết không?
Inrasara: Yêu một loại thơ nào đó rồi rời bỏ nó đến với loại thơ khác, không thể gọi là phản bội. Thơ chung còn vậy, nói chi thơ tình. Còn kẻ yêu Xuân Diệu từ tuổi em vừa tròn mười tám đôi mươi mãi tận cổ lai hy thất thập vẫn còn yêu, đâu hẳn là chung thủy. Không có tình yêu thuần khiết nên, cũng chẳng có thơ tình thuần khiết. Có trong sáng, có vẩn đục, có lai tạp. Trong trinh nguyên cũng đôi lúc lai tạp tính toán vụ lợi chơi vơi; không ít cuộc tình nhầy nhụa nhớp nháp bất chợt vẫn cháy lên bao ánh nắng thủy tinh sáng tạo. Làm thơ tình, đọc thơ tình vẫn cứ lặp lại thế hệ qua thế hệ, như nhân loại muôn đời lặp lại mình.
Một quan niệm chung cho rằng cái đẹp tình yêu và những bài thơ viết về tình yêu là bất biến. Ông có cho rằng trong 10.001 năm nữa thơ tình chẳng cần thay đổi? Rằng mặc kệ các thời đại, không cần phải đưa chất liệu mới vào thơ tình? Ngày mai ông có tin rằng con ông sẽ đọc cho người yêu nghe thơ tình của ông hoặc bài thơ tình mà ông đã thích?
Inrasara: Không chỉ chất liệu, cả cách nói hay giọng điệu cũng phải thay đổi. Vụ này, tốt hơn tôi nên trích đoạn trong một tiểu luận của mình: Ví như sự vụ người yêu bỏ đi (chia ly, biệt ly, chia tay, dứt áo hay đội nón ra đi, bái bai…) thời nào và ở đâu cũng có. Nhưng giọng điệu mỗi thế hệ phải khác nhau. Ví dụ gần nhất, thời Tiền chiến, Huy Cận:
Thuyền người đi một tuần trăng
Sầu ta con nước trường giang lững lờ
Tiễn đưa dôi muối đợi chờ
Trông nhau bữa ấy bây giờ nhớ nhau.
Sang đến Tô Thùy Yên của năm 60, tốc độ câu thơ đi nhanh hơn, dứt khoát hơn ở giọng điệu, cường độ của bỏ đi, chờ và nhớ quyết liệt hơn, sôi bỏng hơn nên có thể nói – chông chênh và nguy hiểm hơn:
Rồi một ngày em bỏ đi không cầm lại được
Tương lai ùa đến rít gào như trận cuồng phong
Ta xây xẩm giữa đất trời như cái xoáy nước
Nghe bên trong cuồn cuộn khói xe.
Đừng nghĩ thế hệ trước yêu kém táo bạo hơn, ít say đắm hay dằn vặt kém dữ dội hơn. Ở đây chúng ta đang nói về văn chương, về giọng thơ, cách thể hiện. Bởi ngay vào cuối thế kỉ này, giọng thơ tình “ra đi” cũng đã khác, khác rất nhiều:
Tôi nằm mơ một đám ma mà người chết là tôi, tôi là người đã chết.
Những người tình của tôi xếp hàng lần lượt, những người không hề biết nhau và những người đã từng định giết nhau. Họ đến xếp hàng rồi gật đầu chào mời nhau hút thuốc, đồng loạt thở dài rồi lần lượt đi vòng quanh tôi. Từng người vòng quanh, họ cam đoan không bao giờ quên tôi được. Rồi nghe chừng hơi sốt ruột trong khi xếp hàng họ hỏi nhau xem hoa hậu năm nay mới đăng quang là ai… Mua phim sex lậu ở đâu rẻ nhất…
(Phan Huyền Thư)
Tôi không có bài thơ tình nào đọc được, các bài thơ tình của tôi chết trước khi nó chuẩn bị mở mắt chào đời nên, các đứa con tôi sẽ không bao giờ có cơ hội đọc chúng.
Cũng là ánh mắt, ngôn ngữ, cử chỉ, hoa hồng, trong không gian tràn ngập cảm xúc hoa hồng… một bài thơ tình điên điên cất lên. Ông có nghĩ là thiếu văn hoá, là đáng bị em cho là đồ yêu quái rồi “bái bai”…? Hay ông cho đó là liệu pháp cảm xúc chống lại bệnh não hoá biểu tượng tình yêu? Ông có làm thơ tình khùng, hay từng đọc tặng người yêu mình bài thơ khùng của ai khác không? Ông có thể bộc bạch cảm xúc nghệ thuật không kềm giữ của ông với bạn đọc không?
Inrasara: Thơ tình bình thường tôi cũng chẳng có thì làm gì có kinh nghiệm về dạng thơ tình khùng. Bị ngập tràn cảm xúc yêu, tôi lao vào làm loại thơ như tôi thường làm. Trời đất! Tôi khoái đọc nó cho người yêu nghe. Có thể gọi đó là bài thơ tình khùng, không sai. Lạ, nàng cũng tấm tắc khen… hay đáo để! Thế là tôi tiếp tục cho đến khi nào cảm xúc nghệ thuật không kiềm giữ qua đi. Cuộc tình đi qua không để lại gì cả, ngoài dấu vết ở dòng phụ cuối của bài thơ:… ngày… tháng…
Trên đỉnh cảm xúc lãng mạn của một đôi tình nhân trẻ. Nếu được phép nghe lén (trừ lúc lên giường) ông cho rằng sẽ nghe được gì?
Inrasara: Tôi không thích nghe lén, chuyện đôi tình nhân trẻ nói gì trong đỉnh cảm xúc lại càng không. Đơn giản: họ lặp lại những gì ông bà họ từng nói. Bằng “chất liệu” khác, dĩ nhiên.
Nếu một chàng trai 18 tuổi nào đó, như mọi chàng trẻ tuổi trên đời, bỗng một hôm bị cái đẹp tính dục quyến rũ không cưỡng được. Anh ta muốn làm bài thơ “hai trong một” tình yêu và tính dục. Bỏ qua lời khuyên “anh hãy giấu trong cõi riêng”. Ông sẽ nói gì với chàng trai ấy?
Inrasara: Tôi sẽ nói với chàng trai rằng: Trong thi ca tất cả mọi sự đều được phép. Và tôi là kẻ đầu tiên chờ đọc tác phẩm tự cho phép đó.
Xin cảm ơn sự cộng tác của ông.
“Tình yêu đã vỗ cánh rồi”
Thơ tình còn lại những lời…tào lao!
Xin được phỏng vấn anh Inra một câu bất chợt:
– Trong khi nhiều nhà văn, nhà thơ xem tình yêu như cứu cánh cuối cùng của cuộc sống thì anh lại phủ nhận. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được trong tâm thức tan vỡ của xã hội hiện đại.
Nhưng, cuối cùng anh tin điều gì sẽ cứu rỗi con người?
(Cám ơn nhiều nếu anh trả lời)
Đây chúng ta đang nói về tình yêu lứa đôi.
Trích nhé:
Yêu, “làm thơ tình, đọc thơ tình vẫn cứ lặp lại thế hệ qua thế hệ, như nhân loại muôn đời lặp lại mình”.
Dĩ nhiên lặp lại kiểu khác. Lặp lại kiểu hậu hiện đại là như vầy.
Đây là thế hệ say đắm yêu, nhưng say đắm với con mắt mở lớn đầy ý thức, từ/ qua thức nhận đòi hỏi bình đẳng giới tuyệt đối.
Trích ông nhà văn hậu hiện đại Ý Umberto Eco nè:
“Tôi nghĩ thái độ hậu hiện đại cũng tương tự như thái độ của một người đàn ông yêu một phụ nữ học thức cao; anh ta biết rằng anh không thể nói với cô kiểu “anh yêu em mê mệt”, bởi vì anh thừa hiểu là cô ta biết (và cô ấy cũng biết là anh biết) những chữ ấy đã được Barbara Cartland viết ra rồi. Tuy nhiên, vẫn còn có cách khác. Anh có thể nói thế này: “Như Barbara Cartland đã từng nói, anh yêu em mê mệt.” Như thế, vừa tránh được sự ngây thơ vờ vĩnh vừa có thể nói được rõ ràng những gì vốn không còn có thể được nói một cách ngây thơ, đồng thời, anh lại vừa nói lên được những gì anh muốn nói với người phụ nữ: anh yêu cô, nhưng anh yêu cô trong một thời đại đã mất sự ngây thơ”
Hay quá! Tuyệt vời anh Inra.
“Tôi không có bài thơ tình nào đọc được”, Inra trả lời vậy. Vậy thì bài này đọc đươc hay không:
Tìm lên đêm Cao Lan
Ngỡ một lần cho biết
Cần chi ché rượu cần
Say em cũng đủ chết.
Bài này rất nhiều báo đăng. Đâu có dở, hay Inra chê nó lạc hậu, nên không đưa vào tập thơ nào???
Nếu vậy thì chỉ là quan niệm.