Báo Xây dựng & Pháp luật, số 34, ngày 15-12-2010
* Hình ảnh phụ nữ Chăm dệt thổ cẩm lên trang nhất của báo.
Hà Nội những ngày tháng Năm, trong Không gian Văn hóa Chăm hôm đó, tôi luôn chú ý đến một người phụ nữ xinh đẹp, dáng vẻ hồn hậu ngồi bên gian hàng trưng bày sản phẩm thổ cẩm. Với bất cứ ai bà đều nhẹ nhàng, dịu dàng giới thiệu một cách say mê về nghề dệt, về văn hóa Chăm ẩn chứa trên từng sản phẩm.
Bà chính là nghệ nhân Inrahani (Thuận Thị Trụ) nổi tiếng – người đầu tiên mang thổ cẩm Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Hồi sinh một làng nghề
Tuổi thơ của cô bé Hani sớm gắn liền với nghề dệt truyền thống bao đời của dân tộc Chăm. Năm 12 tuổi, cô gái nhỏ đã có thể dệt nên những thước vải thổ cẩm đẹp mắt. Trong khi đó nghề dệt trên quê hương Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận) của Inrahani đang đứng trước nguy cơ mai một dần, nguyên liệu khan hiếm, bà con suốt ngày chăm lo mấy mảnh ruộng rẫy khô cần nên số hộ gia đình theo nghề chỉ còn trên đầu ngón tay, chủ yếu là tự cung tự cấp. Bà chia sẻ: Ngay từ nhỏ, tôi đã ước mơ là nghề dệt thổ cẩm mình sẽ sống lại, người dân trong làng có việc làm, có cái có ái mặc đủ đầy.
Lớn lên thành cô giáo mầm non nhưng ước mơ thủa nhỏ vẫn luôn nung nấu trong lòng Inrahani. Cuộc sống khi đó chật vật, cơ cực hai vợ chồng phải xoay đủ nghề như trồng nho, trồng rau muống, buôn bán lẻ quần áo… để sinh nhai. Hi vọng khấm khá hơn, năm 1990 cả gia đình “kéo quân” vào Nam buôn bán từ thổ cẩm cho đến… heo con để rồi sau 9 tháng cả nhà hồi hương vẫn nguyên vẹn hai bàn tay trắng. Không nản chí, Inrahani bàn với chồng thuê Cửa hàng của HTX ở đầu làng bán cà phê, phần trang trải cuộc sống, phần dành dụm cho ước mơ để hồi sinh nghề dệt dân tộc. Năm 1992, bà dốc hết số tiền tích góp, mở Cơ sở dệt thổ cẩm ngay tại quê nhà với 10 nhân công.
– “Thời gian đó, tôi cứ đi về Ninh Thuận – Sài Gòn suốt để lấy hàng cho quán và cung cấp hàng thổ cẩm cho các cửa hàng trong thành phố. Sau một năm, tôi đã đã đủ tiền thuê một cửa hàng nhỏ ở Thương xá TAX để tự tiêu thụ sản phẩm của mình”.
Từ lúc này, có thể nói giấc mơ thổ cẩm Chăm bắt đầu. Những người phụ nữ nghèo ở Mỹ Nghiệp quay trở lại với nghề dệt trong niềm phấn khởi. Trong làng, tiếng thoi đưa lại được vang lên đều đặn bên những khung dệt. Làng nghề hồi sinh từ ấy!
Sau thành công với thổ cẩm Chăm, Inrahani chuyển sang nghiên cứu thổ cẩm của các dân tộc miền núi các tỉnh phía Bắc nhằm làm phong phú sản phẩm đưa vào thị trường. Bà chia sẻ:
– Tại các hội chợ triển lãm, khi thấy hàng thổ cẩm Chăm bán được, trong khi các hàng của các dân tộc khác như Thái, Mông… thì ế ẩm, nên tôi nghĩ cách mua mặt hàng thổ cẩm của các dân tộc, bỏ mối cho các shop lưu niệm trong thành phố. Thử nghiệm với hàng thổ cẩm dân tộc Thái. Kết quả là hàng bán chạy không thua hàng thổ cẩm Chăm chúng tôi. Năm 1996, tôi đã kết hợp với nhà tạo mẫu thời trang Minh Hạnh làm Thời trang thổ cẩm Chăm, sau đó cả thổ cẩm dân tộc phía Bắc. Tôi đã nhen nhóm trong lòng quyết tâm đưa thổ cẩm Việt Nam ra nước ngoài, ra thế giới rồi.
* Hani và sinh viên Sài Gòn trong Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani tại Caklaing, 2010.
Xây dựng một thương hiệu
Năm 2000, Công ty Dệt may Thổ cẩm Chăm ra đời. Thế nhưng để xuất khẩu mặt hàng thổ cẩm ra nước ngoài là không dễ dàng. Các sản phẩm mới chỉ là hàng thô, màu sắc cơ bản là đỏ và đen, mẫu mã đơn điệu… cộng thêm việc chưa quen cung cách làm ăn, đường đi nước bước trên thị trường mới nên Công ty nhiều phen khốn đốn, tiền thì cứ đội nón ra đi, nhiều lần suýt vỡ nợ. Khó khăn vất vả chưa bao giờ làm nản lòng người phụ nữ ấy. Bà tâm sự:
– “Tuổi con Trâu cứ cần cù mà làm thôi. Anh Sara nhà tôi vẫn bảo, làm cái gì cũng phải nghiên cứu. Anh vào Sài Gòn ôm cả đống sách kinh doanh về đọc, tóm lược lại rồi “lên lớp” mẹ con tôi làm. Trồng rau muống làm ruộng, dạy học hay làm kinh doanh điều có đam mê và phải làm cho đến nơi đến chốn mới thành công được”.
Dành nhiều năm sưu tầm hơn 30 năm hoa văn nền của thổ cẩm Chăm, cùng với bàn tay tài hoa, Inrahani đã cách điệu ra 50 mươi hoa văn mới, phục vụ nhu cầu và thị hiếu đa dạng của khách hàng. Năm 1998, bà lặn lội ra Hà Đông tìm mua máy dệt để về nghiên cứu cải tạo cách dệt nhưng không đánh mất truyền thống của người Chăm. Áp dụng cách dệt bán công nghiệp tạo nên sản phẩm nhanh hơn, đáp ứng đơn đặt hàng lớn tạo điều kiện cho Công ty kinh doanh ngày càng thuận lợi và phát triển. Đồng thời, bà cũng quyết định chuyển từ hàng thô thành hàng chế biến với hơn 300 hàng thổ cẩm như: ví, túi, balô, quần áo… Thổ cẩm của Inrahani đã có mặt hơn 20 nước trên thế giới như Tây Âu, Mỹ, Pháp, Nhật, Bỉ, Canada, Hàn Quốc… Tại Ninh Thuận và TP Hồ Chí Minh, những người phụ nữ nghèo được công ty cung cấp máy móc, phụ liệu tơ sợi để chị em may gia công, dệt vải tại nhà giúp giải quyết công ăn việc làm, đồng thời Inrahani cũng truyền nghề cho bất kỳ ai yêu nghề dệt, không phân biệt người Chăm hay người Kinh. Đau đáu nỗi niềm làm sao cho người dận làng hết nghèo, bớt khổ, Inrahani luôn có mặt giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, hỗ trợ gạo, quà, tặng thưởng cho các em học sinh vượt khó. Thấy nguồn nước làng bị ô nhiễm, bà liền đi tìm gặp Sứ quán Canada kêu gọi đầu tư hệ thống nước sạch và mẫu giáo cho con em làng.
Hơn 50 năm Inrahani gắn bó với khung dệt, thớ vải. Mơ ước làm sống lại làng nghề đã trọn vẹn và thổ cẩm Chăm đã khẳng định được tên tuổi. Giờ đây, Inrahani chỉ còn mong sao các thế hệ con cháu người Chăm hôm nay sẽ biết giữ và phát huy những giá trị và thành quả mà bao thế hệ cha ông và cả chính bà đã để trong tương lai.
Và hạnh phúc…
Bà con chòm xóm, láng giềng yêu mến, gia đình yên ấm, với Inrahani hạnh phúc như vậy đã quá đủ đầy. Bao biến cố thăng trầm lớn lao của cuộc đời, cùng bao năm lăn lội với nghề chưa bao giờ đánh gục bà. Năm đứa con và người chồng hết mực yêu thương là tài sản vô giá của Inrahani. Nhất đến tổ ấm của mình giọng bà thật ấm áp:
– “Chúng tôi luôn bên nhau, san sẻ cho nhau mọi chuyện, từ lúc khó khăn nhất đến khi có được một ít thành đạt như ngày hôm nay”.
Các con giờ đã trưởng thành và nối nghiệp mẹ, Inrahani có được phúc giây thơ thái để có thể làm thơ, viết văn hay chỉ đơn giản chỉ là thư thái hưởng thụ nhịp sống bình yên. Mới đây, Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani đầu tiên của Ninh Thuận vừa được xây dựng xong ở quê nhà, thêm một lần nữa ước mơ của bà đã thành hiện thực. Nơi đây chứa đựng những văn hóa, tinh thần của người Chăm bao đời từ đồ dùng hàng ngày, sách cổ, trang phục cho đến tượng sao, ảnh tháp các loại… Đặc biệt có một chiếc xe trâu cổ, là một trong ba chiếc còn lại ở Việt Nam. Danh tiếng chỉ là phù hoa đối với người phụ nữ ấy. Inrahani muốn làm nhiều việc hơn nữa để giới thiệu văn hóa Chăm đến với mọi người, với bà đó chính là bổn phận, trách nhiệm thiêng liêng và cả một niềm tự hào.
Cuộc đời Inrahani quá đủ để viết nên một cuốn sách mà tôi tin bất cứ ai khi đọc nó đều phải nể trọng hành trình một người phụ nữ Chăm vượt lên định kiến xã hội và đi đến thành công. Người phụ nữ nhỏ bé, dịu dàng đã mang cả mùa xuân đến thổ cẩm Chăm hôm nay.