“Thơ Việt Nam trong năm 2010”, BBC.Vietnamese, 20-12-2010
bài cũ trên BBC: “Văn chương tiếng Việt 2008 – 10 tác phẩm tôi chọn”, 18-2-2009
*
Cuối năm, thử ngoảnh nhìn lại hành trình thơ Việt Nam qua các sinh hoạt đầy trì trệ hoặc có khả tính mang mầm mống thay đổi; các khuôn mặt thơ mới xuất hiện gây ấn tượng hoặc bị chìm nghỉm, các tác phẩm mới ra đời lôi kéo dư luận bàn tán hay bị bỏ quên oan uổng. Bao nhiêu vụ việc trôi qua – điểm lại chỉ còn 7 sự kiện đậm nổi đọng lại trong trí nhớ. 7 sự kiện được chọn trong vô vàn sự kiện, có thể là chủ quan. Cứ tạm chấp nhận chủ quan đó. Bởi, khi văn chương mạng phát triển ồ ạt, khi không ít người làm thơ – mới lẫn cũ, đã hay chưa thành danh – xu hướng chọn xuất hiện ngoại biên, khi thơ không chỉ dừng lại ở hình thức in giấy, vân vân… thì thơ đã khác trước rất nhiều rồi. Nó buộc chúng ta nhìn nhận bằng cách khác, với thái độ khác, qua tâm thế khác.
* Lê Vĩnh Tài tại Nhà trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani tại Caklaing 2010.
1. Trước hết là các hội thảo. Hội thảo “Tố Hữu – thân thế và sự nghiệp” kỉ niệm lần thứ 90 ngày sinh của nhà thơ cách mạng “lá cờ đầu”; sau đó là hội thảo về “Thân thế và sự nghiệp nhà thơ Chế Lan Viên” nhân sinh nhật thứ 90 của ông(1). Hoặc ở tầm nhỏ hơn: về Lê Anh Xuân, về Trịnh Thanh Sơn… Ở mức độ khác nhau, các hội thảo lôi cuốn sự chú ý đáng kể của đông đảo văn giới và độc giả. Nhiều vấn đề bỏ lửng thời bao cấp [bao che] được xới lên thảo luận, mổ xẻ – cả ở phạm vi ngoài hội thảo. Chúng lôi kéo cả cư dân mạng và blogger nhập cuộc. Là điều xưa nay chưa từng.
Thế nhưng hội nghị tầm cỡ nhất trong năm, tốn nhiều tiền của và công sức: Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Vịệt Nam ra nước ngoài tổ chức đầu năm 2010 khởi động đầy hứa hẹn, lại biểu hiện sự lúng túng thấy rõ. Ở đó, không có ai hiểu ai. Bởi ta chưa chuẩn bị cho sự hiểu kia. Về nền văn học ta lẫn văn học các nước bạn. Hội nghị [để] quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, nhưng ở bộ phận văn học trẻ, – nhìn từ góc độ hẹp hơn, về thơ trẻ – không có tham luận nào nêu được với đại biểu quốc tế thơ trẻ Việt Nam hôm nay có bao nhiêu dòng chính, mỗi dòng thể hiện được gì, và đâu là tác giả và tác phẩm tiêu biểu đáng chú ý(2). Không ít nhận định hay phát ngôn theo kiểu sờ voi, bởi không nắm bắt hết thực thể vận động của thơ trẻ đương đại – cho dù đứng về phía bảo thủ hay cách tân -, đã rất bất cập.
2. Tiếp theo là giải thưởng các loại. “Giải thưởng cần hướng về phía mới, phía tương lai”, nhất là với văn chương Việt Nam còn nhập nhằng tối sáng. Tuy thế, các giải thưởng luôn ẩn chứa sự bấp bênh. Sau sự cố từ chối Giải thưởng thơ của chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh và nhà thơ Ly Hoàng Ly năm 2007, Hội Nhà văn Việt Nam ba năm liền gần như “tháo khoán” giải thơ. Nhưng dù trao hay không trao, sự thể đã gây các phản ứng tiêu cực dây chuyền từ dư luận. Văn giới và độc giả có quyền hồ nghi: Hoặc Hội đồng “thiếu” con mắt xanh, hoặc sợ hãi. Ở chiều ngược lại, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh hai năm liên tục đặt vương miện cho loài thơ đại sến. Vừa không mất lòng ai lại được món an toàn. An toàn đến báo chí cũng không buồn nhắc đến. Như thể nó chưa hề có mặt trên trần đời này! Cạnh đó, Giải thưởng Thơ của công ty tư nhân Bách Việt, có hai tập thơ của tác giả Chăm được chọn trong năm tác phẩm vào chung khảo là Tuệ Nguyên (Những giấc mơ đa chiều) và Đồng Chuông Tử (Mùi thơm của im lặng), là một hiện tượng bất ngờ. Bất ngờ đến tại buổi ra mắt chung khảo Giải thưởng tại thành phố Hồ Chí Minh, khi có nhà báo đặt câu hỏi: Phải chăng các cây viết trẻ người dân tộc thiểu số này đã khơi mạch lạ trong dòng chảy của thơ tiếng Việt? thì một Ủy viên Hội đồng mới cho hay rằng “mãi khi nghe câu hỏi chúng tôi mới biết hai bạn trẻ này là dân tộc Chăm”. Điều trớ trêu là Giải thưởng Văn học của Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam năm 2009, trong 11 tác giả đoạt giải thì có đến 7 là dân tộc… Kinh!(3)
* Hội thảo quốc tế Văn học Việt Nam, 1-2010.
3. Nhưng chắc chắn sự kiện bất ngờ và gây xôn xao hơn cả là việc xuất hiện tác phẩm Thơ đến từ đâu? do nhà xuất bản Lao động in cuối năm 2009, phát hành đầu năm 2010. Cuộc phỏng vấn dài kì 25 nhà thơ trong nước lẫn hải ngoại được Nguyễn Đức Tùng thực hiện đã đăng tải trên mạng Talawas. Nó xảy ra xuôi chèo mát mái như bao cuộc phỏng vấn khác. Khi chúng được tập hợp, biên tập để xuất hiện dưới dạng in giấy ở trong nước, tác phẩm đã khai mào một cuộc tranh luận mất mặn mất nhạt làm phân hóa giới văn nghệ. Bài viết lẫn ý kiến phản hồi xuất hiện liên tục trên mạng tiếng Việt toàn cầu: Talawas.org, Tienve.org,… Để rồi sau buổi ra mắt sách tại L’Espace Trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội vào tháng 2, vấn đề lại được xới lên lần nữa. Cuộc tranh luận lây lan sang cả chuyện ngoài văn chương: Văn nghệ chấp nhận kiểm duyệt hay không kiểm duyệt? Nhà văn người Việt sống ở nước ngoài, muốn được in trong nước, có phải chịu để tác phẩm hoặc ý kiến của mình bị cắt xén hay không? Nếu có, thì ở mức độ nào? Chắc chắn đây là tác phẩm về/ xung quanh thơ được bàn đến nhiều nhất trong suốt thập niên qua. Thế nhưng hầu như mọi ý kiến đều tập trung quanh thái độ trí thức của người làm văn học vậy thôi, chứ chưa đề cập vào chủ đề chính của Thơ đến từ đâu? Là đề tài không phải không đáng bàn trong tình trạng sáng tác và phê bình hiện tại. Nên khi ấn phẩm lần nữa tái ra mắt ở Hội thảo thơ tại Festival Huế vào buổi chiều 6-6-2010, nó gần như bị chìm.
4. Dù gì thì gì, tiêu đích cuối cùng của các tổ chức văn học, các hội thảo hay hội nghị, của mọi giải thưởng hay phê bình cùng các sinh hoạt văn học nói chung, là chúng có tạo điều kiện và môi trường văn học để kích thích kẻ sáng tạo viết ra tác phẩm văn chương đặc sắc hay không? Khí hậu văn học Việt Nam đương thời đã làm được gì cho tiêu đích đó?
Quý 3-2010, xuất hiện hai tập thơ khá sáng giá là Bông & Giấy và Thơ Kể cùng của NXB Lao động. Trong lúc Bông & Giấy tập hợp nhiều giọng thơ khác nhau của vài thế hệ thơ, ở đó không thiếu các khuôn mặt mới, thì qua Thơ Kể – tập thơ song ngữ Anh – Việt của 22 nhà thơ Việt cả trong lẫn ngoài nước – qua miệt mài không mệt mỏi của nhà thơ Khế Iêm hiện đang sống ở Hoa Kì -, thơ tân hình thức vốn bị cho là ngoại lai và ngoại biên đã chính thức nhập vào dòng chảy của thơ Việt đương đại. Bên cạnh sáng tác thuộc trào lưu hậu hiện đại, thơ tân hình thức đã thổi làn gió mát vào không khí thơ Việt, mươi năm qua.
Cũng trong dòng chính, hai tập thơ Hôm sau và Đột nhiên gió thổi của Mai Văn Phấn in cuối năm 2009, đánh dấu một nỗ lực cách tân khác của chính anh trong hành trình thơ Việt. Hiếm nhà thơ hôm nay dứt áo với quá khứ vừa đau đớn, nhọc nhằn vừa khó khăn như Mai Văn Phấn. Bỏ làm thơ trong thời gian dài, mãi sắp bước sang tuổi tứ thập anh mới xuất hiện trở lại. Các tập thơ thời kì đầu: từ Giọt nắng (1992) cho đến trường ca Người cùng thời (1999) gặt hái các giải thưởng thơ liên tục từ năm 1991 đến năm 1995, đủ dọn cho anh một chỗ ngồi đường hoàng trên chiếu văn. Những tưởng anh “yên bề”, nhưng không! Sự vận động vươn vượt không ngưng nghỉ của nhà thơ này là rất đáng trân trọng.
5. Song song với văn học dòng chính, năm 2010, sinh hoạt văn chương “vỉa hè” tạo nên dấu ấn đậm bằng hàng loạt ấn phẩm do Nhà xuất bản Giấy Vụn cho ra mắt công chúng: Bài thơ của kẻ yêu nước mình của Trần Vàng Sao, Bài thơ một vần của Bùi Chát, Khi kẻ thù ta buồn ngủ của Lý Đợi, và Trước khi thành giấy vụn của Trúc Ty. Cạnh đó, Nhà xuất bản Tùy Tiện phát hành phỤt của Bỉm. Các tác phẩm “con rơi” kia góp phần đáng kể làm cho thơ Việt phát triển đa dạng và sôi động hơn, nhập cuộc và có ích hơn.
Phong trào in photocopy khởi động từ đầu thiên niên kỉ mới tại Sài Gòn, qua một thập niên, đã đặt nền móng vững chắc cho dòng văn chương “phi chính thống”. Họ có quan niệm khác về thơ, về lối làm thơ, hình thức in ấn và phát hành, và nhất là – thái độ thơ của các văn nghệ sĩ tự do. Cách làm của họ đã tác động ngấm ngầm đến sinh hoạt văn học đương thời, ở đó không ít nhà văn cư lưu lề phải cũng không ngần ngại nhập cuộc. Vài năm qua, thơ và thái độ thơ kia tạo được tiếng vang đáng kể ở ngoài nước. Nhà thơ Bùi Chát, thành viên sáng lập Nhóm Mở Miệng đồng thời là người điều hành Nhà xuất bản Giấy Vụn, được Literaturwerkstatt Berlin mời qua Berlin tham gia đọc và thảo luận tại dự án “Văn học từ Việt Nam” vào cuối năm nay, là một minh chứng.
Vậy mà, chúng cứ bị cho là phi chính thống. Bị đặt ra ngoài lề.
6. Chịu chung tình trạng này – dù ở mức độ tương đối hơn – còn có Thơ Trình diễn.
Thơ Trình diễn được trình diễn ở Văn Miếu – Hà Nội nhân Ngày Thơ Việt Nam 2010, là một sự kiện. Sự kiện này được tiếp diễn tại Festival thơ Huế bốn tháng sau đó với sự góp mặt của các nhà thơ trẻ đến từ Sài Gòn, Hà Nội và Ninh Thuận. Suốt hành trình đó, Lê Anh Hoài là nhân vật nổi bật với cách trình diễn độc đáo, nhiều ẩn ngữ mời gọi diễn giải. Vùng đất kinh kì là vậy, trong khi Sài Gòn vốn là đất văn nghệ tự do, lại là nơi khai mào loại hình thơ này khi nó còn trứng nước vào năm đầu thế kỉ XXI, lại cấm tịt nó. Sức mạnh của ngôn từ được lên chương trình tại TP Hồ Chí Minh ngày 3-8-2007 hứa hẹn sôi động bị cắt vào giờ chót. Rồi Chuyến xe thơ dự định kéo dài mười ngày từ 16-9 đến 26-9-2007 với màn trình diễn thơ xuyên Việt cũng cùng số phận. Sự cố đã tạo cái hẫng đáng tiếc! Chúng ta không chịu tìm biết cái mới lạ, không sẵn sàng đón nhận cái mới lạ thì làm gì văn chương tiếng Việt có thể hứa hẹn bật ra những sự mới lạ. Mới lạ và hay? Tức nước vỡ bờ – không dừng lại ở “đáng tiếc”, nhóm nghệ sĩ tự do Sài Gòn phản ứng lại bằng Chuyến xe thơ 47 khứ hồi Sài Gòn – Vũng Tàu vào cuối tháng sau đó với thái độ “12 giờ không nghệ thuật”.
7. Cuối cùng là Hiện tượng Lê Vĩnh Tài và Lưu Mêlan. Gọi là hiện tượng, bởi đây là hai tác giả viết mạnh nhất trong năm qua. Ồ ạt và táo bạo. Từ “Thơ” được đánh số 1 đến “Thơ” số 50 cho đến “Làm thơ” 1 đến 16, và còn hứa hẹn nữa… đăng tràn ngập trên Tienve.org, Lê Vĩnh Tài liên tù tì cật vấn quyết liệt cái gọi là thơ và chủ thể làm ra thơ, từ đó đưa thơ va chạm mạnh với thời sự văn học đương thời. Có thể nói, không sự cố, khía cạnh nào của thơ và sinh hoạt thơ đương đại thoát khỏi cái nhìn soi mói của Lê Vĩnh Tài, cái nhìn được thể hiện bằng thứ ngôn từ đời thường, linh hoạt, sắc bén và giễu cợt đồng thời.
Lưu Mêlan người thơ trẻ sinh ở đất nắng Phan Rang này viết như nhập đồng, phơi bày hết cỡ tâm trạng và tâm tưởng cá thể mình. Có mặt gần như mỗi ngày, từ Tienve.org đến Damau.org đến tận Vanchuongviet – vô phân biệt. 50 bài, 100 rồi 200 bài thơ xuất hiện gần như không biết đâu là điểm dừng. Ưu tư siêu hình va chạm với hiện thực trần trụi của xã hội Việt Nam đương thời nung chảy trong tâm hồn thơ thế hệ hậu @ làm bật lên tiếng kêu thét, rú, gào đau khổ, mất niềm tin, tuyệt vọng và đầy sự tự hủy.
Thế nhưng, hai tên tuổi trên – cùng với những khuôn mặt mới như: Phạm Tường Vân, Jalau Anưk, Đỗ Trí Vương, Tuệ Nguyên, Đoàn Minh Châu, Tiểu Anh, Nhã Thuyên, Du Nguyên… đã không tí ti lôi cuốn được cánh phê bình báo chí ngoảnh về phía mình. Báo chí chính thống thì càng. “Lập biên bản” Các khuôn mặt thơ mới của Inrasara đăng rải rác trên website Tienve.org, Inrasara.com… từ đầu năm(4), như thể một nắm lá ném vào cánh rừng khô. Nó không có lấy được một vọng âm đáp lại. Lạ!
*
1 năm – 12 tháng – 7 sự kiện, không lấy chi làm nhiều với nền thơ của một đất nước có tiếng là yêu thơ. Chắc chắn nó còn “trầm lắng” hơn nữa – như có người đã nhận định(5) – nếu ta còn chưa thay đổi lối nhìn cũ, chưa phá vỡ các định kiến cố hữu về thơ và nhất là, nếu ta còn cầm chân thơ bằng nhiều thái độ và hình thức khác nhau. Các hình thức có khi hoàn toàn ở ngoài phạm vi văn học.
Sài Gòn, 4-12-2010.
_______
(1) Hội thảo “Tố Hữu – thân thế và sự nghiệp” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 4-10-2010. Hội thảo về “Thân thế và sự nghiệp nhà thơ Chế Lan Viên” tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam – Hà Nội, ngày 19-11-2010,
(2) Inrasara, “Vẫn chưa sẵn sàng cho giao lưu“, hoinhavanvietnam.vn, 26-8-2010
(3) “Nên dành riêng cho tác giả người dân tộc“, Lê Anh Hoài thực hiện, báo Tiền phong cuối tuần, số 48, 11-2009
(4) Xem thêm các bài viết về Phạm Tường Vân, Lưu Mêlan, Lam Hạnh, Lê Hải, Tuệ Nguyên… trên Tienve.org, Inrasara.com.
(5) “Trầm lắng Thơ năm 2010“, báo Điện tử Tổ quốc, 4-12-2010
Sự kiện thứ 8: Rất nhiều nhà thơ VN thành “quốc tế” qua việc HNV tài trợ tiền cho đi nước ngoài
Thứ 9: Các nhà thơ “quốc tế” này đã trở thành Ủy viên BCH sau khi các nhà thơ khác đồng loạt rút tên ra khỏi danh sách ứng cử
Và cuối cùng, thứ 10: nhà thơ Hữu Thỉnh làm chủ tịch ba nhiệm kì liên tục.
Vậy là ta đã có đủ 10 sự kiện thơ trong năm. (Người ta chọn gì cũng chọn đủ 10, vậy mới đẹp)
Sự kiện thứ 5, em nghĩ là một sự kiện khích lệ rất lớn cho việc tự do sáng tác với những người tiên phong táo bạo và đặc sắc như anh Lí Đợi và Bùi Chát.
Sự kiện thứ 7: vẫn còn đang mong chờ những vần thơ cách tân từ những cây bút khác. Điều đáng nể là bút lực của hai nhà thơ Lê Vĩnh Tài và Lưu Mêlan dồi dào thật. Em vẫn chờ tác phẩm xuất bản của họ để xác định rõ hơn cái nhìn cô đọng, thật sự.
Cám ơn bài viết của anh.
Anh mới gởi thông tin, thật ra thì em đã đọc trên BBC tuần trước rồi.
Anh có cái nhìn quán xuyến vấn đề, là điều rất hay. Quan trọng hơn thái độ anh công tâm với nhiều dòng văn chương khác nhau. Đăc biệt anh có lối nhìn lạ, thông minh gây bất ngờ.
Anh đối xử với văn học hay với các vấn đề về Chăm và người Chăm cũng như vậy: công bằng và rộng mở.
Cám ơn anh.
Anh Inra luôn chứng tỏ được bản lãnh phi thường của mình, dù anh rất khiêm cung.
Quá yêu mến anh!