báo Nhân dân Chủ nhật, 4-8-1996
Đó là truyện thơ Bini – Cham do ông Phú Trạm (Inrasara), công tác tại Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh công bố. Từ lâu, người Chăm truyền tụng với lòng hâm mộ Ariya Bini Cham. Nhưng mọi người chỉ nghe đồn, không biết hiện ai có tác phẩm đó. Do có công lao nhiều năm sưu tầm văn học dân tộc mình, ông Phú Trạm đã được tiếp xúc với bản chép tay của ông Than Tiơng, chép vào năm 1903. Như thế là một tác phẩm được đưa ra chào đời. Hơi đáng tiếc là sách vốn dài 650 câu, mà hiện chỉ còn 324 câu. Cảm ơn hai ông Than Tiơng và Phú Trạm.
Bini – Cham là tâm sự đau buồn của một Hoàng thân Chăm khi kể về mối tình của mình với nàng công chúa, người truyền đạo Islam từ đất Thánh La Mecque đến.
Qua các địa danh và sự kiện lịch sử được ghi lại trong tác phẩm, có thể đoán rằng truyện thơ ra đời đầu thế kỷ 18(1).
Bini Cham không theo khuôn mẫu thông thường của các truyện thơ các dân tộc. Các nhân vật ở đây không được giới thiệu tên tuổi, quê quán. Câu chuyện không theo trình tự thời gian chặt chẽ.
Mở đầu là việc cô gái bỏ đất Chăm đi về quê cũ để lại chàng trai Hoàng thân Chăm ngôi một mình trên bãi cát bờ biển Ma Lâm. Chàng trai ôm mặt khóc đau đớn tuyệt vọng trong sự cô đơn tuyệt đối và im lặng tuyệt đối:
Ta ngồi đó một mình trên bãi cát
Biển mêng mông, sóng nước bao la
Buồm em đi khói phủ nhạt mờ
Và ta khóc, hai bàn tay đẫm lệ
Nắng chiều êm sau rừng, xuống nhẹ
Soi bóng ta khô héo, rạc gầy
Chim rừng kêu thảm thiết đâu đây
Rồi bay hết. Cả đất trời im lắng(2)
Chàng quay ngựa thẫn thờ trở lại. Và trên đường về vừa bày tỏ tình cảm vừa ôn lại kỷ niệm xưa với công chúa Islam. Thời gian ở đây lẫn lộn hiện tại và quá khứ, cảm nghĩ và hồi tưởng.
Một mình một ngựa, mạch suy tưởng lan tỏa theo bước đi của chàng từ bờ biển Ma Lâm, đến tháp Pô Dam, Thanh Khiết, Lâm Giang… Mỗi nơi chàng đi qua là một nguồn cơn khơi dậy tình cảm yêu thương cô gái Islam.
Đây vùng đất – nơi tận cùng xứ sở
Gốc vỡ tan, rừng núi héo khô
Chim ơi có thấy em ta
Bước em ta, dáng đi yểu điệu
Mây ơi có thấy em ta?
Hương tóc em bay khắp nẻo.
Đồng thời những mảnh đất mà chàng đi qua cùng với cây cỏ, đền tháp, lâu đài cũng là nguồn cơn gợi tình cảm quê hương tha thiết của chàng, những hình ảnh thân thương.
Con mương khô cạn bên đàng
Cho nai đi lạc giữa vàng lá khô
Bóng ai đội nước đường xa
Dáng đi kiều diễm như là dáng xưa.
Và hình ảnh thân quen thân của đất nước Chăm (những cô gái đội nước) lại bị nhòa lẫn vào hình dáng kiều diễm của người yêu thuộc xứ La Mecque.
Trong tình cảm chàng trai, cô gái Islam và đất nước Chăm hòa làm một, nhưng trong thực tế, cay đắng thay đó là hai lực lượng đối lập, thù địch. Công chúa Islam đã đem đạo Islam đến do đó sinh ra chiến tranh làm cho quê hương Chăm tan hoang. Chàng đã đem hết sức để điều hòa hai lực lượng đó, đã van lơn, cầu khẩn mà hoàn toàn bất lực:
Ta ôm chầm lấy em trong vòng tay khẩn khoản
Ta hỏi em và ta hứa với em
Ta xin em và ta van lơn em
Giọng tha thiết như tiếng Cuốc
Nàng lắc đầu dỗi hờn một mực
Không nói năng và chẳng ngước nhìn
Rồi quành voi thẳng bước đi lên
Sức voi lớn, voi đi như gió
Ta nhìn theo
Ngựa ta vào Tuấn Tú
Bãi cát vàng, gió vùi dấu chân thơm.(3)
Nàng từ chối sự van xin của hoàng thân Chăm, quyết làm theo điều nàng đã định. Kết quả là :
Xứ Debere(4) loạn lạc lan tràn…
Đời ta sầu muộn, quê hương tan tành…
Và
Đất nước ngập chìm trong tối tăm…
Dòng hồi tưởng có lúc lại chảy ngược về thời trước chiến tranh huynh đệ tương tàn, lúc công chúa La Mecque mới đặt chân đến đất Chăm, đất nước đang ngập trong thanh bình thịnh vượng và hai người cùng đi bên nhau ngắm cảnh non sông tuyệt mỹ:
Ngựa ta chậm bước bên người tha phương
Biển Đông thoảng gió trùng dương
Quyện hương tóc tỏa mùi hương tuyệt vời
Voi qua xứ Bal Hangơu(5)
Xứ kỳ tuyết làm rạng danh đất nước
Tháp nối tháp xây thành cao trăm thước
Tượng rồng bay lấp lánh ánh vàng
Ruộng bao la lúa chín vàng đồng
Rừng bát ngát gỗ cây đâm thẳng
Đập chứa nước chia đôi dòng sông rộng
Và cửa sông tôm cá tụ về
Yêu lắm em, tổ quốc của ta!
Nhưng đó là hình ảnh của quá khứ đã tan nát từ lâu rồi. Thực tế là tình yêu tan vỡ, Tổ quốc đã hoang tàn vì chiến tranh, vì tôn giáo:
Lang thang như thuyền nan trôi lạc
Tình lênh đênh sóng giạt biển khơi
Sóng xô tình vỡ tơi bời
Kết cục là người Hoàng thân si tình mất hết cả người yêu, bạn bè, nhân dân và đất nước hòa hợp, cuối cùng cũng như một con chim lạc bay vào hư vô”:
Ta như kẻ mất hồn lang bạt
Cúng thánh đường, lên tháp lạy Yang
Đất nước ta xứ Pang-da-rang
Người đi lưu lạc, quê hương rã rời
Ta còn gì nữa trong tay
Một con chim lạc bay vào hư vô.
Thơ ca cổ kim nói về tình yêu đau đớn tuyệt vọng có thể chất thành núi, chảy thành sông. Trong số đó những bài thơ hay không nhiều. Truyện thơ Bini Cham là một trong những số không nhiều này.
Điều đáng nói hơn là sự éo le, phức tạp của câu chuyện tình yêu ở đây. Tình yêu cô gái và tình yêu đất nước trong chàng trai là một, đều là mãnh liệt, đắm say, anh muốn chúng hòa quyện vào nhau. Nhưng oái ăm thay, cô gái mà anh yêu và Tổ quốc mà anh yêu trong trường hợp này là thù địch của nhau. Anh không có quyền lựa chọn, không thể nào thu xếp và hậu quả tai hại tất yếu là sự tan hoang từ cả hai phía. Đây vốn là bài học lịch sử cho những ai dám dấn thân vào những tình yêu vốn chứa đựng bi kịch.
Diễn đạt một cách sắc sảo một tình trạng ngang trái và phức tạp như vậy, tác giả vô danh Chăm đã thật sự đã chứng tỏ một thiên tài, một tài năng thơ vô cùng độc đáo sáng tạo. Cho nên đã hai thế kỷ qua mà ngày nay đến với chúng ta, truyện thơ Bini Cham vẫn sáng rực tinh thần hiện đại; vì vậy mà Bini Cham vẫn là một trong những kiểu mẫu thơ tình yêu hiện đại.
Chúng ta đã làm quen với các truyện thơ các dân tộc như: Tiễn dặn người yêu (Thái), Tiếng hát làm dâu (Mông), Nàng Nga-Hai Mối (Mường), Vượt biển, Nam Kim-Thị Đan (Tày)… và cũng đã quen với truyện nôm (kinh) như Thạch Sanh, Nhị Độ Mai,Tống Trân Cúc Hoa, kể cả Lục Vân Tiên, Truyện Kiều… Nay được tiếp xúc với Bini Cham chúng ta ngỡ ngàng được bước vào một thế giới mới với hương vị, cảm xúc và ấn tượng kỳ lạ khó phai.
Tin tưởng rằng kho báu văn hóa nghệ thuật các dân tộc còn sẽ đem đến cho chúng ta nhiều phút dây sung sướng bàng hoàng vi đứng trước những giá trị to lớn để chúng ta trân trọng, nâng niu và chiêm ngưỡng.
_________
(1) Xem Phú Trạm (Inrasara): sách Văn học Chăm I – Khái luận – văn tuyển, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1994.
(2) Bản dịch của Phú Trạm (Inrasara), sách Văn học Chăm, vừa dẫn.
(3) Tên một làng Chăm ở Ninh Thuận.
(4) Tên của Thủ đô cũ của một vương quốc Champa ở khu vực Phan Rang.
(5) Tên của một thủ đô của vương quốc Champa ở Bình Định.