1. Vài nét về tác giả Sakaya.
Sakaya là một học giả không còn xa lạ trong giới nghiên cứu dân tộc học ở Việt Nam, anh được biết đến qua các công trình khảo cứu về văn hoá, lễ hội, tôn giáo của người Chăm. Các tác phẩm tiêu biểu như Nghề gốm cổ truyền của người Chăm (2001), Lễ hội người Chăm (2003), Nghề dệt cổ truyền của người Chăm (2003), Luật tục người Chăm và Raglai (Phan Đăng Nhật chủ biên, 2003), và nhiều bài viết khoa học khác đã được đăng trên các tạp chí khoa học. Sau một thời gian làm nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm ở Ninh Thuận, anh sang Malaysia học sau đại học ở Trường Đại học Malaya theo chương trình học bổng quỹ Ford, trong thời gian du học nước ngoài, anh còn tham gia khoá đào tạo ngắn hạn một số chuyên đề ở Trường Đại học Arkansas và Trường Đại học Hawaii (Hoa Kỳ). Hiện nay, anh đang công tác tại khoa Nhân học của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh. Tác giả là người biết tiếng Chăm và có khả năng tra cứu tiếng Mã Lai, đây là điều rất hiếm thấy ở các nhà nghiên cứu Việt Nam khi viết về văn hoá Chăm. Bởi thế, trong công trình Văn hoá Chăm nghiên cứu và phê bình (tập 1), tác giả đã tập trung phân tích, chứng minh những sai lầm, thiếu sót và hạn chế của các nhà nghiên đi trước về ngữ nghĩa có nguồn gốc tiếng nước ngoài cũng như làm sáng tỏ các thuật ngữ cần lưu ý khi nghiên cứu về văn hoá Chăm.
2. Nội dung chính của tác phẩm.
Tác phẩm “Văn hoá Chăm nghiên cứu và phê bình” gồm có 630 trang chưa tính trang phụ lục ảnh và trang bìa in khổ 16x24cm (Sakaya. 2010. Văn hoá Chăm nghiên cứu và phê bình, tập 1, Hà Nội: Nxb. Phụ nữ). Đây là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, thể hiện sự khảo cứu chuyên sâu và rộng lớn ở nhiều lĩnh vực, được trình bày thành 7 chủ đề : Di tích-lịch sử, Văn hoá-xã hội, Tôn giáo, Lễ hội, Văn chương, Ngôn ngữ, Nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, cách chia này, khiến cho độc giả không có điều kiện đọc hết các bài viết của Sakaya sẽ khó nhận biết được đâu là bài nghiên cứu đâu là bài phê bình? Nên có thể phân loại ra làm 2 phần nghiên cứu và phê bình giống như tựa đề của cuốn sách để tránh khỏi nhầm lẫn.
2.1. Nghiên cứu.
Tác phẩm có 14 bài viết, trong đó, có 5 bài viết đã được công bố trên tạp chí, sách hay tại Hội thảo khoa học được tác giả viết lại, có 9 bài viết công bố lần đầu tiên. Bên cạnh việc xác định chủ nhân của thánh địa Cát Tiên, có mối liên hệ với Champa (Ai Là chủ nhân của thánh địa Cát Tiên-Lâm Đồng), và những trăn trở về hoạt động du lịch ở đền tháp Po Klong Garai đang xâm phạm đến không gian kiến trúc, thế giới tâm linh của người Chăm (Sự tác động của làn sóng du lịch đến tháp Po Klaong Garai tỉnh Ninh Thuận-một cảnh quan kiến trúc bị phá vỡ), là những lo lắng, suy tư về tình hình an ninh mất ổn định đang diễn ra ở làng quê, những đổi thay trong lối sống ở gia đình, đến các hoạt động văn hoá nghệ thuật khai thác đề tài về ca múa Chăm trên sân khấu. Đặc biệt, là vấn đề bảo tồn và phát triển tiếng nói và chữ viết. Làm thế nào để học sinh theo học các lớp tiếng Chăm ở nhà trường hiện nay có thể đọc và hiểu được di sản văn bản chữ viết của tổ tiên ? Cuối cùng, là việc phân tích giá trị tư tưởng trong tác phẩm văn học mang tên Poah Catuai để khép lại phần nghiên cứu, nhằm giáo dục ý thức trân trọng, tôn vinh những giá trị văn hoá của người Chăm.
2.2. Phê bình.
Trên cơ sở chọn lựa 18 công trình nghiên cứu của 15 tác giả, liên quan trực tiếp đến văn hoá Chăm, tác giả đã tiến hành nhận định, đánh giá, sửa sai bằng những luận chứng cụ thể, đồng thời bổ sung thêm nội dung, ý nghĩa của từng vấn đề được đề cập đến trong tác phẩm giúp cho độc giả có thể hiểu biết sâu sắc hơn về văn hoá Chăm. Dưới đây là các công trình được đem ra bình luận:
1 Bố Xuân Hổ, Truyền thuyết các tháp Chăm, Sách
2 Bùi Khánh Thế, Ngữ Pháp tiếng Chăm, Từ điển Chăm-Việt, Sách
3 Đình Hy, Trượng Tốn, Nhạc cụ truyền thống tộc người Chăm, sách
4 Hải Liên, Vai trò âm nhạc trong lễ hội dân gian Chăm Thuận Hải, Sách
5 Hoàng Minh Đô (Chủ biên), Tín ngưỡng, tôn giáo trong cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận – Sách
6 Inrasara, Văn học Chăm (tập 1), Ariya – Sách
7 Kay Amưh Akhar Thrah (Câu chuyện chữ nghĩa), Tạp chí
8 Lưu Văn Đảo, Tục ngữ câu đố Chăm, Sách
9 Ngô Thị Chính, Tạ Long Ảnh hưởng của các yếu tố tộc người tới phát triển kinh tế-xã hội của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận, Sách
10 Ngô Văn Doanh, Lễ hội Rija Nưgar của người Chăm, Lễ hội chuyển mùa của người Chăm, Sách
11 Nguyễn Hồng Dương (Chủ biên), Một số vấn đề cơ bản về tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào Chăm ở hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận ngày nay – Sách
12 Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Minh Ngọc, Người Chăm-những nghiên cứu bước đầu – Sách
13 Phan Quốc Anh, Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận – Sách
14 Thập Liên Trưởng Góp phần tìm hiểu lễ Rija Nưgar của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận – Tạp chí
15 Trương Hiến Mai (Chủ biên), Truyện cổ dân gian Chăm – Sách
Khi đọc hết các bài phê bình độc giả sẽ cảm thấy rằng, tác giả Sakaya đã khẳng định thế mạnh của mình là vốn hiểu biết về ngữ nghĩa tiếng Chăm, qua việc đối chiếu từ vững tiếng Chăm có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài. Nên các bài phê bình đều chỉ ra các lỗi về chính tả tiếng Chăm, sử dụng từ không đúng nghĩa, viết sai tiếng Chăm, một số lỗi sai của sách, lỗi tiếng Chăm, cách lí giải chủ quan, tiếng Chăm viết tuỳ tiện v.v. Thật chất, trong phần phê bình này hay đúng hơn là điểm luận tác phẩm, tác giả tập trung nhiều về mặt ngữ nghĩa, thuật ngữ, khái niệm. Từ đó, vận dụng vốn hiểu biết của mình vào nhận định giá trị của các tác phẩm mang lại, để thấy được những thành tựu, hạn chế của những nhà nghiên cứu đi trước, qua đó chỉ ra những sai lầm trong nhận thức để các học giả đi sau cần lưu ý không lập lại hay tránh vấp phải.
3. Kết luận.
Trong nghiên cứu khoa học, điểm luận các công trình là một thao tác quan trọng không thể thiếu, việc làm này có giá trị lớn để giúp cho công tác nghiên cứu về sau rất nhiều trong nhận thức các vấn đề được chính xác hơn, tránh được những sai lầm mà các tác giả trước đã mắc phải. Mặc khác, nó cung cấp một nguồn tư liệu quý về thành quả nghiên cứu, định hướng cho nghiên cứu mới kế thừa và phát triển thêm. Như vậy, tác phẩm Văn hoá Chăm nghiên cứu và phê bình, đã cho thấy phần nào bức tranh toàn cảnh về nghiên cứu văn hoá Chăm sau năm 1975 được diễn tiến ra sao, đồng thời thấy được những trọng tâm đề tài nghiên cứu thường hướng đến cũng như những vấn đề trăn trở của tác giả về sự biến chuyển của văn hoá Chăm ./.