Bằng kinh nghiệm cá nhân, và lướt qua sự kiện xã hội Chăm, sau đây chỉ là những gạch đầu dòng vắn tắt cho dễ nhớ, để chúng ta có cái nhìn sâu hơn và giao tiếp hiệu quả hơn.
1. Nguyên nhân đầu tiên là thiếu hiểu biết. Có bằng cấp cao chưa hẳn là có hiểu biết, mà đó chỉ là biết đọc biết viết ở trình độ cao hơn.
2. Về mặt xã hội, thiếu hiểu biết nên không có cái nhìn toàn cảnh. Ta nhìn sự việc một cách cục bộ, và nhất là: chỉ thấy có mình. Từ đó ta có vài phát ngôn khi chưa suy xét kĩ.
3. Về khía cạnh học thuật, nghĩ cái gì cũng biết, nên ta hay phê bình mà chưa soi tỏ vấn đề. Trong khi bể học là mênh mông, biết đầu này thì hụt đầu kia, chưa nói cái biết đó còn vô vàn bấp bênh.
4. Cái tôi lớn, nên khi được góp ý thì chưa nhìn lại mình, ta nghĩ ta bị chê oan. Từ đó ta để bụng, đi tìm điểm yếu của người kia để chê lại.
5. Thiếu cẩn ngôn. Lời nói không mất tiền mua… Tranh luận hăng quá ta quên mất lời dạy của ông bà. Cứ dùng từ mà chưa đắn đo kĩ, chủ yếu chỉ để hả cơn giận.
6. Thiếu mấy “giọt độ lượng” cần thiết, nên không biết nhường nhịn nhau. Bấc ném đi thì chì ném lại, ném ngày càng nặng hơn.
7. Anh em, họ hàng, bè bạn bênh nhau trong khi người của mình chưa hẳn đã đúng. Cứ bênh vậy thôi, rồi ta chia lẻ thành các phe nhóm khi nào không hay.
8. Khi có vấn đề, ít khi chịu gặp nhau để giải tỏa. Nếu có đến gặp nhau, ta luôn mang theo cái tôi đầy định kiến có sẵn thay vì đối thoại để giải quyết vấn đề.
9. Không biết cười. Các bạn hãy thử cười to lên một tiếng đi, thì tất cả gánh nặng sẽ nhẹ bỗng ngay tức khắc.
10. Không biết chịu thua. Hãy biết chịu thua – đó là châm ngôn tuyệt nhất, khi mà cuộc tranh luận có mòi chệch hướng.
*
Sau đây là trích đoạn GIẢI PHÁP trong bài “Triết lí con nhím”, Tagalau 7.
Xin đăng lại cho ta cùng suy gẫm.
Câu hỏi đặt ra: làm thế nào Chăm xích lại gần nhau? Trả lời: có thái độ sẵn sàng đến với nhau. Yêu cầu đầu tiên với bạn và tôi là: cần học biết từ bỏ.
– Từ bỏ ý định ban đầu của tôi. Tôi đừng đến với bạn với cái khuôn đúc sẵn mang theo, và đòi hỏi bạn chui qua cái khuôn ấy. Đòi hỏi người khác chấp nhận “cái có sẵn”, như vậy là mình yêu ý kiến của mình, chứ không phải yêu cộng đồng. Kết quả: rất khó đối thoại.
– Từ bỏ tính ỷ lại, ỷ vào vai vế cha chú, chức vị hay học vị, học hàm; từ bỏ cả yếu tố tuổi tác. Từ bỏ như vậy, không phải là khuyến khích kẻ khuyết “vai vế” ấy có thái độ “asuw kaduw di akauk rimaung chó nhảy đầu cọp”, mà là để kích thích tinh thần dân chủ trong trao đổi. Vì, chỉ chấp nhận từ bỏ như thế, chúng ta mới dọn đường lắng nghe người đối thoại.
– Bỏ định kiến. Rằng anh này xưa đã phản đối tôi, chị nọ đã không bỏ phiếu ủng hộ tôi hay bác kia không chịu gả đứa cháu cho cô gái rượu của tôi,… Bỏ hết, chỉ biết rằng người đang đối diện với ta là một đơn vị Chăm!
– Cắt đứt thứ tinh thần kết bè, kéo nhóm. Tinh thần bè nhóm chỉ làm rối rắm thêm vấn đề, chứ không giải quyết được gì cả. Anh em, cha con, họ hàng máu mủ “nghe theo” nhau thì càng nên cắt!
Khi đã từ bỏ hết, tôi và bạn sẵn sàng bước vào cuộc với tinh thần đối thoại thực sự.
Bước tiếp theo là: Tinh thần đối thoại:
Yêu cầu cốt yếu của tinh thần đối thoại là: biết lắng nghe. Khi bạn không học biết lắng nghe, thì mọi thiện chí đều đổ sông đổ biển.
Hãy để cho đối tượng thoải mái xổ bầu tâm sự, u uất của họ ra. Hãy lắng nghe, và chỉ lắng nghe thôi. Đừng phản bác, cũng đừng cắt ngang (dĩ nhiên ngoại trừ các chuyên gia độc thoại), càng nên không đồng ý vội. Sau đó bạn ung dung trình bày ý tưởng của bạn: giản dị, ngắn gọn, rành mạch và, sẵn sàng lắng nghe phản hồi từ đối tượng. Thiết nghĩ, như thế là chúng ta đã thành công một nửa chặng đường rồi.
Cuối cùng là học sự khôn ngoan của con nhím.
Chăm chúng ta thiểu số, xã hội chúng ta chật hẹp, ai cũng biết rồi. Như hang nhím vậy. Các con nhím mùa đông rất cần đến hơi ấm, Chăm mình cũng vậy, nhưng nếu “xích lại gần nhau” quá thì lông chúng đâm vào mình nhau “Tagei dalah sibơr klah di kaik gơp Răng với lưỡi làm sao [đôi lúc] tránh cắn phải nhau”, còn nếu giữ khoảng cách xa quá thì: lạnh! Vậy là chúng nằm với khoảng cách “vừa phải”. “Gap urang gap drei Vừa người vừa ta.”
Đừng nói chi cao xa “tạo thành khối vững mạnh thống nhất”, chỉ yêu cầu đơn giản vậy thôi: triết lý con nhím, chúng ta đã làm được chưa nhỉ?
______
Thêm:
Hãy biết chịu thua – đó là châm ngôn tuyệt nhất!
Sau khi “Đính chính về Champaka” đăng trên Website Inrasara.com, tháng 7-2007, ba năm rưỡi qua tôi đã cương quyết tuân thủ châm ngôn đó. Chịu thua những người thuộc thế hệ đàn anh, người cùng trang lứa và cả lứa tuổi hạng em của tôi. Chịu thua cả cái gọi là trao đổi khoa học. Chịu thua – vậy thôi. Và tôi đã giải thoát mình khỏi mọi vướng bận – cực kì VUI SƯỚNG!
Nên rất mong bà con, anh chị em xin đừng lôi tôi vào cuộc trao đổi hay cãi vã nào bất kì.
Đa tạ! Đwa karun!
Inrasara viết:
“Hãy biết chịu thua – đó là châm ngôn tuyệt nhất!
Sau khi “Đính chính về Champaka” đăng trên Website Inrasara.com, tháng 7-2007, ba năm rưỡi qua tôi đã cương quyết tuân thủ châm ngôn đó. Chịu thua những người thuộc thế hệ đàn anh, người cùng trang lứa và cả lứa tuổi hạng em của tôi. Chịu thua cả cái gọi là trao đổi khoa học. Chịu thua – vậy thôi. Và tôi đã giải thoát mình khỏi mọi vướng bận – cực kì VUI SƯỚNG!
Nên rất mong bà con, anh chị em xin đừng lôi tôi vào cuộc trao đổi hay cãi vã nào bất kì.
Đa tạ! Đwa karun!”
Hoan hô! Nhà văn lớn thì thế chứ.
Tiếc cho tôi vì chưa có phúc để thưởng thức Tagalau 7! Phải tìm thôi!
Con số 10 nguyên nhân tròn trịa kia… coi như nguyên nhân cơ bản đã tìm được rồi đấy. Giải quyết NÓ đi thôi, bằng cách nào???
1/ THIẾU HIỂU BIẾT: Về vấn đề gì? Thuộc thành phần nào? Đối nhân sự thế ư?
2/ KHÔNG CÓ CÁI NHÌN TOÀN CẢNH: Trước tiên, trong mọi vấn đề về ứng xử, kinh tế hay gì gì đi nữa ta phải biết TA LÀ AI? Ta cần làm gì và làm nó như thế nào?
3/ CÁI GÌ CŨNG BIẾT: Phàm là người tục, ai ai cũng tự vỗ ngực rằng: Ta luôn tự hào về ta, ta đáng sống nhất trên đời này. Vì “ khi người uống rượu say luôn luôn nghĩ rằng ta chưa say”.
4/ CÁI TÔI LỚN: Đấy là điều luôn hiện hữu trong mỗi con người, đặc biệt là người hiện đại. Bụng ta luôn luôn đúng nên dễ dàng suy ra bụng người, xấu hay tốt chưa biết nên để đó cái đã. Nói đã mồm trước rồi suy nghĩ sau.
5/ THIẾU CẨN NGÔN: Là người phàm, mỗi khi tức giận về một vấn đề nào đó, cứ bung ra cái đã rồi toan tính sau. Một khi cơn tức giận đã chiếm hữu được tâm hồn (dù tức thời) thì… khả năng kìm hãm bản tính khó mà thành hiện thưc. Hả dạ trước đã rồi xin lỗi sau, không muộn đâu mà sợ. Đấy là điều luôn tồn tại trong tâm hồn và đặc biệt là người lớn đối với người nhỏ hoặc bằng tuổi nhau.
6/ KHÔNG BIẾT NHƯỜNG NHỊN: “một câu nhịn chín câu lành” tại sao không nhịn??? Và tại sao phải nhịn trong khi điều đó ta không nên nhịn? …
7/ BÊNH VỰC NHAU: “ Lá lành đùm lá rách” “ chị ngã em nâng” là vậy. chuyện nhỏ thì có thể bỏ qua được, nhưng nếu ảnh hưởng đến đời sống kinh tế thì… phải BÊNH nhau chứ! Vấn đề là: phải bênh như thế nào? Tại sao phải bênh? Cần truy xét cận kẽ. (Và cũng có thể “em ngã thì… chị đạp luôn”)
9/ KHÔNG BIẾT CƯỜI: “một nụ cười = 10 thang thuốc bổ” đấy! nên và cố gắng cười đi chứ!
10/ KHÔNG CHỊU THUA: Nếu ta biết chịu thua thì… liệu ai đó có biết chịu thua ta không!!! Nếu lần này ta thua thì chắc chắn lần sau ta cũng phải chịu thua vì ta là người luôn chịu thua và đối phương mãi mãi không chịu thua.
…….
– Sau một ngày làm việc, các bạn tôi thường tụ tập nhau buôn bán chuyện đời. trong đó tôi cứ suy nghĩ hoài về những lời lẽ đàm đạo rằng: “Làm người đã khó làm chó chưa chắc dễ” hay đấy chứ!!! Hoặc “bản thân ta mà ta chưa tin tưởng huống chi ta đi tin vào kẻ khác” cũng có lý đấy chứ !!! vân vân và vân vân… Những câu đại khái như trên thì cũ rích thế mà… chẳng mấy ai chịu suy nghĩ và làm theo.
– Với tôi: “đọc nhiều, đi nhiều, xem nhiều, nghe nhiều, làm nhiều” là bí quyết để thành công.
– Với tôi: trong đối nhân xử thế phải “trong nhu có cương và trong cương có nhu” “Làm gì anh cũng phải nghĩ đến tương lai, tốt xấu, nhân quả sẽ trả lời ở hiện tại”. Nếu là bạn bè thì… mọi lứa tuổi đều là bạn bè nhưng phải luôn luôn giữ tinh thần lắng nghe và học hỏi.
Tóm lại:
– Anh hùng tạo thời thế hay thời thế tạo anh hùng???
– Môi trường quyết định con người hay con người quyết định môi trường???
• NHÂN – LỄ – NGHĨA – TRÍ – TÍN: Chưa chắc một đời người đã học hỏi và thực thi hết.
• Câu hỏi sống chết cho tôi và mọi người: Mình là ai? Vì phải biết mình là ai mới biết được ai (cái gì) đang đối mặt với mình.
• Ngu dốt + tích cực = phá hoại. Không biết cần hỏi, cần giỏi phải học.
• “Trăm nghe không bằng một thấy”. Hãy đừng tin vào đôi tai của bạn mà hãy tin tưởng tuyệt đối vào cặp mắt sáng sủa của bạn.
Con người, sống và chết chỉ xảy ra một lần, hãy cố gắng sống sao cho trên dưới vẹn toàn.
– Jaka – bạn tôi nói: “phá hủy và sáng tạo – phá hủy để sáng tạo” chí lí đấy chứ!!!
Tại sao không??? Cứ vậy đi!!!
Thank you so much hay đwa karun!!! như nhau thôi mà !
Tinh thần CaRaMai đáng quý lắm đấy. Nhưng có lẽ anh hơi ít chú ý đến vế thứ hai:
Anh Inra viết:
“7. Anh em, họ hàng, bè bạn bênh nhau trong khi người của mình chưa hẳn đã đúng“.
Ta cứ bênh, cho dù người của mình có sai đến đâu đi nữa.
10. … Hãy biết chịu thua – khi mà cuộc tranh luận có mòi chệch hướng.”
Chệch hướng rồi, có thắng cũng vô ích, phải không anh?
Nói ở khúc trước là có điều kiện ở phần đuôi.
Chúc vui.