Khi nói đến chợ người ta sẽ liên tưởng ngay đến tụ điểm mà ở đó có thể tìm mua được những vật phẩm cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày và công việc đi chợ thường gắn liền với người phụ nữ. Ngày nay một cảnh tượng thường bắt gặp trong làng quê Chăm là có sự mọc lên vài cái chợ nhỏ ở trung tâm làng. Ban đầu, chợ được nhóm họp do nhu cầu trao đổi sản phẩm giữa những người dân trong làng và liên làng khác, đơn giản như người săn được thú rừng mang ra chợ để đổi lấy gạo, thực phẩm, người kiếm được củi, tre, nứa, bắt được cá, đem bán lấy tiền để trang trải cho cuộc sống gia đình, dĩ nhiên chưa giống với cái chợ như bây giờ, nơi diễn ra hoạt động trao đổi đó có thể là tận dụng mặt tiền trước nhà, các ngã 3, ngã 4 đường giao lộ để dựng lên vài cái nhà sàn (sạp) nhỏ có mái che chắn tránh mưa, nắng. Những cái sạp này chỉ nhóm họp vào buổi sáng và nhanh chóng tan chợ vào buổi chiều.
Những nhu yếu phẩm thường được bày bán ở chợ là cá biển, cá khô, rau củ quả, đồ gia vị, bánh kẹo, trầu cau, thuốc lá, rượu, vải vóc, giầy dép, đồ dùng học tập học sinh và một số mặt hàng khác. Bởi vì, không phải di chuyển xa nên người ta thường cuốc bộ từng lớp lớp, hàng hàng đến chợ và chỉ cần xách theo một cái giỏ hay rổ để đựng thực phẩm. Công việc đi chợ và chuẩn bị bữa ăn gia đình đều do phụ nữ Chăm đảm nhận, mỗi khi đến giờ đi chợ thì các chị, các cô, các bà lại gọi nhau, thế là những câu chuyện gia đình, xã hội được khui ra “tám” suốt chặng đường.
Như vậy, cùng với hoạt động trao đổi là hoạt động văn hoá được diễn tiến trong suốt hành trình đi chợ. Mặc khác, chợ cũng là nơi có thể gặp gỡ nhau trong tình cờ, để gửi gắm thông tin. Trong văn hoá Chăm khi một gia đình trong dòng họ tiến hành một lễ cúng, hay cưới hỏi thường có nghĩa vụ phải Nao khan (Báo tin) cho cả thành viên trong họ biết thì chợ là một kênh thông tin lan toả nhanh và hiểu quả nhất./.