Ngày nay việc sinh hoạt trên diễn đàn báo chí không còn xa lạ với đông đảo bạn đọc người Chăm, trong bài viết này thử điểm qua một số tạp chí, trang web điện tử do người Chăm sáng lập và điều hành để giới thiệu văn hoá Chăm với thế giới bên ngoài hầu thấy được bức tranh sống động về hoạt động của người Chăm trên toàn cầu. Ở đây, chỉ dừng lại tìm hiểu quan điểm của các diễn đàn chứ không đi sâu vào nội dung đang được đăng tải và bàn luận.
1. Trước năm 1975.
Mọi sinh hoạt văn hoá của người Chăm vẫn còn khép kín ở làng quê, sự giao lưu văn hoá bên ngoài rất hạn chế chỉ một số ít sinh viên, công chức có điều kiện đi ra đô thành Sài Gòn sinh sống và làm việc mới có cơ hội tiếp cận được với báo chí. Trên các tờ báo Nguyệt san Văn hoá, Phổ thông, Bách Khoa, Phát triển Sắc tộc có đăng các bài viết của Jaya Panrang (Lưu Quý Tân), Dohamide, Thiên Sanh Cảnh, Nại Thành Viết .v.v. giới thiệu về văn hoá, phong tục, lễ hội, truyện kể của người Chăm.
Đến năm 1968, nội san Ước Vọng do ông Thành Phú Bá sáng lập đã tạo ra một diễn đàn sinh hoạt văn chương sôi nổi trong giới học sinh, mặc dù chưa phải là diễn đàn để trao đổi rộng rãi trong quần chúng nhưng Ước Vọng thường đăng những bài phát biểu của Hiệu trưởng Trường Trung học Pô-Klong giúp cho độc giả nắm bắt được tình hình phát triển của nhà trường cũng như khó khăn mà thầy và trò cùng nhau phấn đấu vươn lên. Ước Vọng hoàn toàn tự do hoạt động không có bất cứ một sự kiểm soát nào nên mọi chi phí in ấn đều tự túc. Tuy vậy, Ước Vọng đã tạo được tiếng vang lớn, đánh dấu bước đi đầu tiên về sinh hoạt báo chí trong cộng đồng Chăm.
Năm 1970, Hội đồng Phát triển Sắc tộc tỉnh Ninh Thuận được thành lập, đứng đầu cơ quan này là ông Thiên Sanh Cảnh, để trình bày những vấn đề văn hoá xã hội của các sắc tộc trong tỉnh. Ông cho ra mắt một tờ báo có tên Nội san Panrang, những đề tài thường bàn bạc, tranh luận nhiều nhất là lịch pháp, sinh hoạt tôn giáo, phong tục tập quán, lễ hội, văn chương, nếp sống văn minh. Tờ báo này chịu sự quản lý trực tiếp của ông tỉnh trưởng Trần Văn Tự, mọi bài viết đều phải qua sự kiểm duyệt, chấp thuận mới được phép đăng. Tờ báo nhanh chóng thu hút được bạn đọc và gây chú ít trong cộng đồng, tạo được dư luận lớn. Tuy nhiên, mọi chi phí phát hành đều do các sáng lập viên bỏ tiền ra vì tờ báo này không chủ trương thương mại mà muốn định hướng dư luận thích nghi với thực trạng của cuộc sống đầy biến động nói một cách khác là tập thói quen đọc báo cho người dân.
Năm 1973, nhóm sinh viên Chăm ở Sài Gòn do Thuận Văn Hải làm niên trưởng cho ra mắt tờ báo Cong Tagok để giới thiệu về đời sống sinh viên ở các Trường Đại học, văn chương tuổi áo trắng, các hoạt động du ngoạn ở các tỉnh thành, chia sẻ kinh nghiệm trong đời sống và thông tin kết bạn bốn phương. Tờ báo Cong Tagok hoạt động tự do mọi chi phí đều tự chủ, chỉ biếu tặng không có bán.
Nhìn chung, bức tranh sinh hoạt báo chí trong giai đoạn này chỉ phản ánh những vấn đề liên quan đến văn hoá, xã hội, văn chương do ảnh hưởng các trào lưu báo chí không ngừng phát triển ở miền Nam, nhằm thông tin đến cộng đồng những tin tức mới hay hướng dẫn dư luận cùng nhận thức một vấn đề nào đó để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất đưa xã hội Chăm tiến kịp với nhịp sống chung của cả nước.
2. Sau năm 1975.
Những thế hệ học sinh Chăm được hưởng môi trường giáo dục ở Trường Trung học Pô-Klong đã trưởng thành và đang theo học ở các Trường Đại học. Họ là thế hệ trẻ mang nhiều hoài bão, lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh, điều kiện sinh hoạt sinh viên thiếu thốn nhưng không phải thế mà đời sống tinh thần nghèo nàn. Năm 1978, nhóm sinh viên Chăm thế hệ mới cho ra mắt tờ báo Vijaya do Lưu Văn Đảo, Quảng Đại Cẩn làm chủ bút chịu trách nhiệm tập hợp các bài viết, thực hiện khâu in ấn và phát hành. Tờ báo này ra được 2 số thì bị thu hồi, cấm lưu hành nên không phát triển tiếp được, mặc dù nó chỉ biếu tặng cho bạn bè cùng trang lứa đọc để trao đổi tâm tư tình cảm, nói lên ước mơ, quan niệm sống của thế hệ trẻ trong những ngày tháng xa nhà. Đây là tờ báo đầu tiên ra đời sau ngày Việt Nam thống nhất.
Mãi cho tới 22 năm sau, Tagalau (năm 2000) xuất hiện do Inrasara làm chủ biên để đáp ứng với nhu cầu thông tin và trao đổi văn hoá, trong điều kiện đất nước có nhiều đổi thay không ngừng phát triển. Hơn 10 năm hoạt động với 11 số đã được phát hành, Tagalau đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong cộng đồng Chăm. Bởi vì Tagalau không có trả nhuận bút nhưng vẫn được sự cộng tác liên tục và thường xuyên của bạn đọc. Phải chăng Tagalau là tiếng nói của văn thơ Chăm! Nên bạn đọc nhận thấy thế mạnh của Tagalau vẫn là lĩnh vực văn chương. Bên cạnh đó, có nhiều bài viết khảo cứu chuyên sâu về văn hoá Chăm. Tagalau có mục giải đáp thắc mắc bạn đọc những vấn đề bàn luận gây được sự quan tâm của dư luận. Đây là tờ báo giấy duy nhất có bề dày về lịch sử phát triển và số lượng phát hành.
Cộng đồng Chăm ở nước ngoài có đặc san Champaka và Vijaya đóng góp nguồn sử liệu quý qua việc dịch các tài liệu nước ngoài.
3. Báo điện tử
Khi mà khoa học kĩ thuật phát triển, mạng Internet được phổ biến, sinh hoạt báo chí người Chăm cũng biến chuyển theo làm bùng bổ lên phong trào báo chí điện tử trên toàn cầu. Do vậy, những sinh hoạt văn hoá, khoa học của người Chăm ở hải ngoại vốn không được biết đến, nay chỉ cần một cái click chuột đều có thể nhận diện tường tận. Tuy nhiên, đặc điểm của loại hình báo chí này mang nặng dấu ấn quan niệm của cá nhân nên đề tài nghị luận rất rộng lớn tuỳ khả năng, cảm nghĩ của đọc giả mà có thái độ trái ngược nhau.
Trước hết, là trang điện tử gilaipraung.com ra đời do sự gặp gỡ tình cờ giữa Inrajaka với sinh viên Chăm ở nông thôn vào Sài Gòn học tập, sau những bàn luận làm sao để có thể gặp gỡ, giao lưu với bạn bè Chăm. Gilaipraung (Con thuyền lớn khao khát vượt đại dương) đã đáp ứng được nhu cầu thông tin, thời gian hoạt động đã khẳng định được sức mạnh của mã lực chuyên chở những tâm tư, tình cảm của sinh viên đến với nhau. Hơn thế nữa, gilaipraung cũng có nhiều bài viết cảm tưởng rất xúc động. Với quan niệm là tạo sân chơi, giao lưu, học hỏi và kết bạn gilaipraung đã trở thành địa chỉ ghé thăm thường xuyên của các bạn trẻ.
Mạng điện tử chamvietnam.tk có nhiều hình ảnh đẹp về tháp Chăm, chuyên mục kết bạn bốn phương, nhiều bài về khoa học thường thức, bước đầu có bạn đọc đáng kể. Rất tiếc, tồn tại không bao lâu thì bị xoá vĩnh viễn.
Thay vào đó, trang chamranam.com. Đây được xem là tiếng nói của Chi hội Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh, thường đăng tải thông tin đến hoạt động của hội. Trang điện tử này mạnh về hình ảnh sinh hoạt chưa tạo được dư luận trên diễn đàn.
Mạng inrasara.com xuất hiện trong thời gian dài nhưng mới được biết đến trong thời gian gần đây. Thường đăng những bài thơ, văn, thông tin liên quan đến xã hội Chăm. Đặc biệt, tính chất ôn hoà, trung tính của trang điện tử này đã gây được thiện cảm cho độc giả, đang tạo được tiếng vang trong dư luận qua những bài viết cảm tưởng thể hiện sự trăn trở của cộng đồng Chăm trong thời đại toàn cầu hoá. Phải chăng trang điện tử này tập hợp nhiều người có năng khiếu văn chương nên có nhiều bài viết xã luận mong muốn thay đổi xã hội Chăm để thích nghi với lối sống hiện đại!
Ở nước ngoài, hàng loạt trang website khác ra đời, như: chamyouth.com, champaka.org, ilimochampa.org, ciacweb.org, diendanvijaya.com, nguoicham.com, mỗi trang có thế mạnh, sắc thái, giá trị riêng, góp phần thông tin các hoạt động của cộng đồng Chăm khắp nơi trên thế giới.
Tóm lại, sinh hoạt báo chí là một lĩnh vực còn non trẻ đối với cộng đồng Chăm khi bắt đầu hoà nhập vào môi trường quốc tế có xu hướng toàn cầu hoá. Nếu như báo giấy hạn chế về không gian và số lượng thì ngược lại báo điện tử đã mở ra một kính viễn vọng soi rọi tất cả những bí ẩn, mù mờ của quá khứ và hiện tại. Tuỳ theo quan niệm và nhận thức của độc giả thể hiện thái độ đồng tình, hài lòng hay không hài lòng với cách phân tích, đánh giá trên các diễn đàn báo chí. Một điều dễ nhận thấy, có lẽ xã hội Chăm quá bé nhỏ nên mọi giao tiếp, ứng xử đều ước lệ dựa vào tình cảm hơn là lí lẽ. Do đó, đã có sự nhầm lẫn giữa quan niệm của tác giả về vấn đề quan tâm đồng nhất với tình cảm của tác giả dành cho cộng đồng. Điều này đã gây ra một sự ngộ nhận, hiểu lầm đáng tiếc, một số cá nhân lợi dụng mạng điện tử để phê phán những người không cùng quan điểm với mình. Lịch sử cần có độ lùi nhất định, phải chăng một số trang điện tử đã đem ra đề tài, sự kiện còn đang tranh cãi nên tạo ra xung đột cộng đồng trên diễn đàn báo chí ./.
Bài viết không sâu nhưng đã khái quát được vấn đề. Nhận định đúng mực và chững chạc. Cần khai thác đào sâu thêm.
Cám ơn bạn cho mình biết được nhiều cái mới.
Bài Bahasa được lắm. Nhưng bạn viết:
“Mạng inrasara.com xuất hiện trong thời gian dài nhưng mới được biết đến trong thời gian gần đây”, là tại bạn mới biết đó thôi. Tui thì biết lâu rồi.
Đây là nhận định chính xác chăm phần chăm:
“Đặc biệt, tính chất ôn hoà, trung tính của trang điện tử này đã gây được thiện cảm cho độc giả, đang tạo được tiếng vang trong dư luận qua những bài viết cảm tưởng thể hiện sự trăn trở của cộng đồng Chăm trong thời đại toàn cầu hoá”.
Vậy chớ. Oánh nhau hoài thì chán quá! Anh Inra hổng thèm oánh ai mà ổng cứ ra sách đều đều, ẵm giải thưởng to đều đều…