Đã đăng Tagalau 11.
1. Đặt vấn đề
Người Chăm là một dân tộc sinh sống lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Họ sống phân tán từng làng (palei), từng khu vực tại các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận.
* Múa quạt truyền thống – Photo Inrajaya, 2010.
Trong lịch sử phát triển xã hội tộc người họ đã sản sinh ra một nền văn hóa rực rỡ, phong phú và đa dạng. Trong đó phải kể đến âm nhạc và múa truyền thống Chăm: Âm nhạc truyền thống Chăm với những bài ca nghi lễ, những làn điệu dân ca, những bài hát ru, những điệu ngâm hari ariya. Cũng như với những điệu múa được biểu diễn trong các lễ Rija (rija harei, rija dayep, rija praong…). “Katê” đã ăn sâu vào tâm hồn của mỗi người Chăm từ tấm bé. Nền âm nhạc và múa truyền thống ấy đã đem lại một sức sống hết sức mãnh liệt cho các sinh hoạt cộng đồng của người Chăm(1).
Tuy nhiên trong cuộc sống hiện nay, do sự tác động bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan thì nhiều giới trẻ Chăm không còn ham thích âm nhạc và múa truyền thống của dân tộc mình. Thêm vào đó họ đã tiếp nhận nền âm nhạc và múa theo thời hiện đại (nhạc trẻ), ngày càng quay lưng với âm nhạc và múa truyền thống của dân tộc mình.
Thế thì trong tương lai, âm nhạc và múa truyền thống Chăm sẽ ra sao? Và sẽ đi về đâu dưới sức ép của nền âm nhạc thời hiện đại? Hay chịu sự lai tạp của dòng nhạc hiện đại? Phải chăng âm nhạc và múa truyền thống Chăm đang kêu cứu vì sự chạy theo thời đại? Nhưng con người đã vô tình bỏ quên nó. Đây cũng chính là vấn đề chúng tôi làm đề tài “Bảo tồn âm nhạc và múa truyền thống Chăm”. Với mục đích bảo lưu nét văn hóa truyền thống của một dân tộc thiểu số trong 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên đất nước Việt Nam.
2. Lịch sử hình thành âm nhạc và múa truyền thống Chăm
Vương quốc Champa ra đời vào khoảng thế kỷ 2 sau Công nguyên, theo nguồn sử liệu vương quốc này không phải là một dân tộc duy nhất, mà là quốc gia đa chủng tộc, bao gồm cả dân tộc Chăm và các dân tộc định cư trên vùng cao nguyên như Êđê, Giarai, Raglai, Churu họ thuộc hệ ngôn ngữ Mã Lai – Đa đảo. Trước khi lập quốc, dân tộc Chăm từ xa xưa đến nay là cư dân nông nghiệp lúa nước, chứa đựng trong mình đầy đủ những loại hình tín ngưỡng dân gian của các dân tộc Đông Nam Á(2).
Bà-la-môn giáo du nhập vào vương quốc Champa khá sớm và phải chịu sự chi phối của nền văn hóa bản địa. Khi tiếp thu những thành tựu văn minh Ấn Độ, người Chăm đã gắn với nghệ thuật bản địa, làm cho văn hóa nghệ thuật Chăm trở nên độc đáo, có tính chất điển hình Đông Nam Á. Ngoài ra văn hóa Chăm còn tiếp thu văn hóa của các dân tộc như Khơme, Java, Đại Việt và một số dân tộc cận cư khác(3). Trong suốt quá trình lịch sử, người Chăm đã sáng tạo nên một nền văn hóa phát triển cao, một nền nghệ thuật dân gian đặc sắc mà hiện nay đang được lưu giữ trong cộng đồng người Chăm ở vùng Ninh Thuận – Bình Thuận: Đó là những làn điệu dân ca, điệu ngâm hari ariya, dân vũ, nhạc lễ, hát cúng, và những điệu múa dân gian cùng với hệ thống nhạc cụ đa dạng và độc đáo. Mà chủ thể sáng tạo nền âm nhạc và múa truyền thống Chăm là nhân dân lao động.
Nền âm nhạc và múa truyền thống của người Chăm vừa mang hình thái dân gian, vừa mang hình thái cung đình và hình thái nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo. Cả ba hình thái này đều có sự hòa đồng vào nhau. Hình thái âm nhạc và múa dân gian mang đậm màu sắc đời sống văn hóa của cư dân nông nghiệp, của cư dân văn hóa biển. Được thể hiện qua những làn điệu dân ca, điệu ngâm hari ariya… và những điệu múa trong sinh hoạt đời thường cũng như trong sinh hoạt hội hè: múa vãi chài, múa quạt, múa đội nước… Hình thái âm nhạc và múa cung đình của người Chăm đến nay chỉ còn lại sự vang bóng. Song, hình bóng đó còn để lại trong những bức chạm khắc tại các đền tháp và cả trong hình thái âm nhạc nghi lễ(4) như: Bức chạm khắc ở mi cửa Mỹ Sơn (E4), bức phù điêu trình bày cảnh một ông vua đang thưởng thức một buổi biểu diễn âm nhạc và múa trong vườn thượng uyển(5), các mảng điêu khắc vũ nữ Trà Kiệu, tượng Apsara(6). Hình thái âm nhạc và múa trong nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo phong phú và được gìn giữ trong đời sống văn hóa tinh thần của người Chăm. Được thể hiện qua các lễ nghi như: Lễ Rija Nâgar, Rija praong, các lễ nghi nông nghiệp, lễ nghi trền đền tháp, lễ tang ma, lễ nhập Kut.
Từ hàng nghìn năm trước, ngay từ khi lập quốc Champa đã tiếp nhận Bà-la-môn giáo. Thế nhưng, Bà-la-môn giáo với sự phân biệt đẳng cấp nặng nề chỉ đến được với tầng lớp tu sĩ, quý tộc, hình thành nên văn hóa cung đình Chăm, mà di sản để lại là nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm. Còn người dân lao động một mặt phải tuân thủ các hình thức tế tự của Bà-la-môn, mặt khác vẫn giữ được những truyền thống văn hóa bản địa.
Về sau người Chăm tiếp nhận thêm Hồi giáo từ Indonesia và cũng nhanh chóng bị bản địa hóa trở thành văn hóa của cộng đồng người Chăm Bàni. Ngoài ra người Chăm còn tiếp thu Phật giáo, nhưng Phật giáo với triết lý khổ hạnh, âm nhạc và múa bị kìm chế nên đã dần phai mờ theo thời gian.
Âm nhạc và múa truyền thống Chăm hình thành khá sớm và phát triển khá rực rỡ, có ảnh hưởng và kế thừa âm nhạc của các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên trong cuộc sống hiện nay, do sự tác động bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, và qua khảo sát tại các làng Chăm thuộc hai tỉnh Ninh Thuận – Bình Thuận, thì nhiều giới trẻ Chăm không hát được làn điệu dân ca, cũng như điệu ngâm hari ariya của dân tộc mình.
Như vậy mỗi chúng ta, cả cộng đồng người Chăm nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung, cần phải tìm giải pháp nào tốt nhất để bảo tồn âm nhạc và múa truyền thống Chăm? Đây là một việc làm rất thiết thực.
3. Bảo tồn âm nhạc và múa truyền thống Chăm – những việc đã làm được và hạn chế
3.1. Những việc đã làm được
Âm nhạc và múa truyền thống Chăm đã từng bước, đi vào đời sống sinh hoạt văn hóa văn nghệ quần chúng. Ở các làng Chăm đã hình thành nên các đội ca, múa, nhạc và đã được trình diễn trên sân khấu.
Nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa Chăm đã thu âm, chụp ảnh, ghi hình các làn điệu dân ca, điệu ngâm ariya, những bài ca nghi lễ của ông kéo đàn Kanhi (Ong Kadhar), ông vỗ trống Baranưng (Ong Mâduen) và những điệu múa của ông bóng (Ong Kaing), bà bóng (Muk Pajuw), bà vũ sư (Muk Rija), góp phần bảo lưu một phần nào đó về âm nhạc và múa truyền thống Chăm.
Ngay từ đầu những năm 80, viện Âm nhạc – múa Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thuận Hải triển khai thực hiện các công trình nghiên cứu về âm nhạc, múa dân gian Chăm. Vào những năm 90 một số công trình nghiên cứu về nghệ thuật dân gian Chăm được công bố như: Lê Ngọc Canh –Tô Đông Hải với cuốn Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Chăm đã thu thập và hệ thống các tư liệu về nghệ thuật biểu diễn dân gian Chăm. Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Ninh thuận năm 1995 đã cho xuất bản cuốn Nhạc cụ truyền thống Chăm. Đặng Hùng với cuốn Bước đầu tìm hiểu, phục hồi múa cung đình Chăm, NXB Trung tâm Văn hóa dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh, 1998. Đình Hy – Trượng Tốn với cuốn Nhạc cụ truyền thống Chăm, Sở văn hóa thông tin Ninh Thuận, 1995. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hải Liên đã cho xuất bản công trình Vai trò âm nhạc trong lễ hội dân gian Chăm ở Ninh Thuận, NXB Viện Âm nhạc, 1999…
Vào năm 1989 đội văn nghệ Chăm huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận được thành lập. Cùng với sự hình thành của đội văn nghệ Chăm huyện Bắc Bình, thì năm 1993 Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm, Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm Ninh Thuận cũng được thành lập. Đây là điều kịên thuận lợi cho việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo lưu và ứng dụng có hiểu quả văn hóa truyền thống Chăm vào sự nghiệp văn hóa nghệ thuật đương đại.
Nhiều nhà biên đạo, nhạc sĩ, nghệ sĩ, đã sáng tác và trình diễn rất thành công những bản ca, điệu múa Chăm như: Nhà biên đạo múa Đặng Hùng đã dựa vào phong cách múa truyền thống còn thể hiện trên các mảng điêu khắc như Vũ nữ Trà kiệu, tượng Apsara sáng tác ra tác phẩm múa gọi là múa cung đình Chăm. Cố nhạc sĩ Đàng Năng Quạ, cố nhạc sĩ TanTu, nhạc sĩ Amư Nhân, Phan Quốc Anh… đã sáng tác rất nhiều bản nhạc Chăm. Nghệ sĩ Đàng Năng Đức, nghệ sĩ Thập Ariya, ca sĩ Bonner Trinh… đã thể hiện rất thành công những bài ca Chăm.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vào năm 2009 nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hải Liên đã mở khóa học đánh trống Ginăng (ligem gineng), thổi kèn Saranai tại các làng Chăm Hữu Đức, làng Chăm Phú Nhuận,… cho con em đồng bào người Chăm. Kết thúc khóa học hầu hết các học viên đã đánh được các điệu trống Ginăng, thổi được kèn Saranai.
Tất cả những việc làm trên là điều đáng mừng, và hy vọng trong tương lai Đảng và Nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa để mở nhiều lớp, nhiều khóa học không những dạy về nhạc cụ Chăm mà còn dạy thêm các làn điệu dân ca, điệu ngâm ariya Chăm. Góp phần bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Chăm.
3.2. Những việc chưa làm được
Âm nhạc và múa truyền thống Chăm với tính thiêng cao, nên chỉ được cộng đồng người Chăm sử dụng trong các lễ nghi tín ngưỡng tôn giáo và trong các lễ hội dân gian nên không phổ biến, phát triển và bị phai mờ dần theo thời gian. Trong những năm gần đây mặc dù âm nhạc và múa truyền thống Chăm đã bước ra đời sống sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quần chúng, nhưng vẫn còn rất hạn chế.
Tuy ở các làng Chăm đã hình thành nên đội văn nghệ, nhưng chỉ mang tính chất phong trào chưa mang tính chuyên nghiệp.
Việc thu âm, chụp ảnh, ghi hình các làn điệu dân ca, điệu ngâm ariya, những bài ca nghi lễ và những điệu múa truyền thống Chăm của các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm và một số cơ quan chức năng có liên quan vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên, các vị chức sắc tín ngưỡng dân gian Chăm hát những bài ca nghi lễ như ông kéo đàn Kanhi (Ong Kadhar), ông vỗ trống Baranưng (Ong Mâduen)… Cùng với các nghệ nhân biết đánh trống Ginăng (gineng), thổi kèn Saranai, biết hát ru, ngâm ariya và biết múa cổ truyền Chăm đều đã già yếu. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho âm nhạc và múa truyền thống Chăm đang thất truyền hàng ngày hàng giờ.
Âm nhạc và múa truyền thống Chăm phong phú, đa dạng nhưng hiện nay Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm vẫn chưa khai thác, nghiên cứu hết những làn điệu dân ca, điệu ngâm ariya hiện đang tồn tại trong trí nhớ của cộng đồng người Chăm để trình diễn lên sân khấu.
Các nhà biên đạo múa sáng tác ra những tác phẩm múa gọi chung là múa cung đình Chăm, nhưng chưa nghiên cứu sâu về tín ngưỡng tôn giáo, về cả trang phục và động tác múa của các vũ nữ (tượng Shiva cách điệu và bước ra sân khấu) nên không đảm bảo được tín ngưỡng thờ cúng thần linh của người Chăm và đã từng bị các nhà nghiên cứu văn hóa người Chăm lên tiếng phản đối. Gần đây, một số đoàn nghệ thuật từ trung ương đến địa phương, từ chuyên nghiệp đến không chuyên nghiệp, dàn dựng nhiều tác phẩm múa Chăm, nhưng những động tác múa (thậm chí cả trang phục, âm nhạc) không dựa trên ngôn ngữ cơ bản của múa và âm nhạc dân gian Chăm mà do các biên đạo, nhạc sĩ “nghĩ ra “ mới hoàn toàn(7).
Vào năm 2009 nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hải Liên đã mở khóa tập đánh trống Ginăng, thổi kèn Saranai nhưng chưa mang tính chuyên nghiệp và còn gián đoạn về thời gian. Nghĩa là thời gian của mỗi khóa học còn quá ngắn chưa mang tính liên tục, kinh phí còn rất hạn chế.
Qua khảo sát thì hiện nay rất nhiều giới trẻ Chăm không hát được những làn điệu dân ca, điệu ngâm ariya, và không biết đánh các loại trống, không thổi được kèn Saranai… Thiết nghĩ những hạn chế nêu trên sẽ làm biến đổi dần sắc thái văn hóa của một dân tộc và làm mai một dần âm nhạc và múa truyền thống Chăm. Đây chính là vấn đề chúng ta cần phải quan tâm và phải có giải pháp hợp lý.
4. Kết luận
Âm nhạc và múa là phần hồn, là món ăn tinh thần của mọi dân tộc. Cũng như âm nhạc và múa truyền thống Chăm mang một giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử của người Chăm nhưng đến nay do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên âm nhạc và múa truyền thống Chăm đang dần phai mờ theo thời gian. Vì vậy để bảo tồn và phát huy âm nhạc và múa truyền thống Chăm chúng tôi kiến nghị một số vấn đề sau:
Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật dân gian của các dân tộc trong nước.
Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm Ninh Thuận và Đội Văn nghệ huyện Bắc Bình – Bình Thuận cần tuyển các diễn viên có chất giọng hát bài ca Chăm, và biết tiếng Chăm, chữ Chăm, nhằm khai thác triệt để những làn điệu dân ca, điệu ngâm ariya…, đang lưu truyền trong Cộng đồng người Chăm. Đồng thời đưa những làn điệu dân ca, điệu ngâm ariya…, lên trình diễn trên sân khấu, cho quần chúng thưởng thức. Từ đó góp phần bảo tồn và phát huy âm nhạc và múa truyền thống Chăm.
Nhà nước nên đầu tư nhiều kinh phí cho các cơ quan, những nhà nghiên cứu, những nhạc sĩ, các nhà biên đạo, để sưu tầm, thu âm, chụp ảnh, ghi hình phổ biến các loại âm nhạc và múa truyền thống Chăm đang lưu giữ trong cộng đồng Chăm hiện nay, đồng thời phải có kế hoạch sáng tác những bản nhạc và múa Chăm để đưa âm nhạc và múa Chăm vào đời sống sinh hoạt văn hóa văn nghệ quần chúng. Muốn làm được việc này Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận phải tích cực hoạt động hơn nữa mới có thể đảm trách vấn đề này, góp một phần mình vào công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Chăm ở tỉnh nhà.
Việc mở khóa tập đánh trống Ginăng và thổi kèn Saranai của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hải Liên tổ chức tại các làng Chăm, đã thành công nhưng không chỉ dừng lại ở đó mà cần phải có tổ chức mang tính chuyên nghiệp, liên tục không gián đoạn, nghĩa là nơi tập ổn định, chiêu sinh liên tục…
Văn hóa Chăm còn hay mất là do thanh niên, giới trẻ Chăm tự quyết định, không nên chờ người đến vớt. Vì vậy thanh niên, giới trẻ Chăm cần phải bảo tồn và phát huy âm nhạc và múa truyền thống của dân tộc mình. Nên thành lập đội văn nghệ tại các làng Chăm mang tính chuyên nghiệp hơn. Đồng thời khuyến khích các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước nên dàn dựng nhiều tác phẩm múa Chăm, nhưng phải dựa trên ngôn ngữ, trang phục, âm nhạc của người Chăm, góp phần bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số như Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương V (khóa VIII) đã đề ra.
Chú thích:
1 Phan Xuân Biên (Chủ biên) – Phan An – Phan Văn Dốp, Văn hóa Chăm, NXB Khoa học Xã hội, 1991, tr.336.
2 Phan Quốc Anh, Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2006.
3 Xem Phan Quốc Anh, Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2006, tr.114-5. Xem Cao Xuân Phổ (Chủ biên) – Ngô Văn Doanh – Trần Thị Lý – Trần Văn Khê, Nghệ thuật Đông Nam Á, NXB Viện Đông Nam Á, H., 1984.
4 Xem Lê Ngọc Canh – Tô Đông Hải, Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Chăm, NXB Văn hóa Dân tộc, 1995, tr.92
5 Xem Lê Ngọc Canh Canh – Tô Đông Hải, Sđd, tr. 50.
6 Xem Phan Quốc Anh, Sđd, tr.122-123. Xem Lê Ngọc Canh – Tô Đông Hải, Sđd, tr.150.
7 Xem Ts. Phan Quốc Anh, Nghệ thuật ca múa nhạc dân gian Chăm, những giá trị cần bảo tồn và phát huy, Bài tham gia hội thảo trong ngày hội Văn hóa các Dân tộc tại Phú Yên.
Bài viết này phạm nhiều sơ hở. Ví dụ:
– “Phan Quốc Anh… đã sáng tác rất nhiều bản nhạc Chăm”.
Sai! Nói nhạc sĩ này có sáng tác vài bài về Chăm thì được, chớ đâu có “nhiều bản nhạc Chăm”.
– Chăm không có “ligem gineng” mà chỉ có từ RAGEM, hay RAGƠM GINƠNG. Viết tiếng Chăm nếu chưa nắm vững thì nhớ tra Từ điển.
Lại trách nhà thơ Inrasara nữa rồi.
Còn vài chỗ sai linh tinh nữa.
Nhất là lập luận chưa chặt… Bạn nói về truyền thống, vậy bạn muốn cứ giữ truyền thống mãi sao? Như vậy thì đâu là tiếp thu và sáng tạo? Nghệ thuật thì phải tiếp thu cái mới và sáng tạo liên tục…
Tôi cho là tác giả bài viết này còn trẻ và chưa có kinh nghiệm. Nên cần viết rất thận trọng. Đừng học thói phê phán những người đi trước. Chỉ nên viết điều tốt, và viết điều mà mình hiểu kĩ.
Ví dụ Quyến đã viết đoạn này:
“Các nhà biên đạo múa sáng tác ra những tác phẩm múa gọi chung là múa cung đình Chăm, nhưng chưa nghiên cứu sâu về tín ngưỡng tôn giáo, về cả trang phục và động tác múa của các vũ nữ (tượng Shiva cách điệu và bước ra sân khấu) nên không đảm bảo được tín ngưỡng thờ cúng thần linh của người Chăm và đã từng bị các nhà nghiên cứu văn hóa người Chăm lên tiếng phản đối”.
Đặng Hùng là nghệ sĩ lớn, ông không làm điều gì thiếu suy nghĩ.
BVQ chưa hiểu nhiều về nghệ thuật, cần học hỏi rất nhiều, chớ đừng nghe “các nhà nghiên cứu người Chăm” mà không nêu ra tên ai, rồi phê phán bậc cha chú. Dễ dẫn tới sai lầm. Như vậy gọi là nói theo.
Lời khuyên của tôi: Học, học và học. Không biết thì hỏi, hỏi, hỏi.
Đúng lắm, bài viết nhiều sơ hở. Tiếc là bài ng cứu này đã in ở Tagalau số 11, tôi biết anh Sara ưu ái giới trẻ, muốn khích lệ họ. Lẽ ra anh phải làm việc thật cụ thể với tác giả, lúc này có internet dễ mà. Tôi không nói chi tiết sai mà là thao tác.
Trong xã hội Chăm đã có nhiều người nói theo, nói theo ông giáo sư nhất là ông gs đó đang dạy mình, đang hướng dẫn mình làm khóa luận. Hay nói theo “các nhà ng cứu” cũng đều rất hại. Nên Tagalau phải tránh tâm thế này. Dung dưỡng “nói theo” là dung dưỡng sự hèn nhát.
Nhà ng cứu trẻ phải học biết điều đó. Họ có thể thể tiếp thu người đi trước, nhưng phải có ý kiến độc lập của riêng mình thì mới có giá trị.
Mong Quyến tiến bộ. Cố lên.
Thơ Inrasara:
“Ta không thể đi vào tương lai bằng giấc mê Quá khứ
Đi vào ngày mai bằng niềm tiếc Ngày qua
Không thể bay cao khi hồn còn trì nặng sâu mọt căm thù
Không thể đi xa khi chân còn kéo lê sợi tơ kiêu hãnh hão
Hãy để Tháp Cánh Tiên, Tháp Chùa với nhà trùng tu thi gan giông bão
Để yên Tara, Garuda trong viện bảo tàng
Po Klaung, Xah Bin – xin thắp ngọn nến, nén nhang
Coi chừng hai buồng phổi ta thiếu ôxi bởi khói!”
(Tháp nắng, trường ca “Quê hương”)
Bài viết của bạn khá hay đấy, lập luận và minh chứng cụ thể đúng như một đề tài nghiên cứu khoa học (bạn là người của khoa học mà).
Bạn cũng nên chú ý đến những ý kiến góp ý của người khác để mình tiến bộ hơn.
Hôm nào rảnh thì alo nhé: 0902 6666 21
Alo thêm Jasi phangsa nữa nhé.
Không thể đòi người trẻ viết hay và chuẩn liền được. Sara đăng là có ý của anh. Chúng ta phê bình cũng nên nhẹ nhàng. Dĩ nhiên BVQ cần lưu ý các góp ý bài của bạn, để hoàn chỉnh hơn. Thêm nữa là cần thận trọng hơn khi phê bình.
Chuc bạn vui và khỏe.
Một tầm nhìn xa, một tầm nhìn rộng, cho bước đi mình dài hơn ngõ làng
không sợ hãi, chỉ còn
háo hức
có cảm tưởng, mỗi câu mình viết, đều tiềm ẩn cái sai – đúng. nhưng đâu là điều quan trọng hơn, cái đúng sai, hay cái háo hức tìm tòi của một người trẻ?
trong chuyến hành trình khám phá tri thức, ai cũng bước đi từ con số không, từ nghe lại, đọc lại, từ sai rất nhiều. nhờ cái háo hức mà họ tìm tòi, đào sâu hơn, trở thành giỏi giang hơn. cái háo hức mà, đáng tiếc ta đánh mất khi gọi là… trưởng thành hơn
một đứa trẻ ngồi vẽ một đứa tranh gia đình, cái bụng tròn to, tứ chi cà kheo, những vết nguệch ngoạc, những cái miệng cười, một ông mặt trời ấm áp trên cao… nên thấy đó và bảo bức tranh ấy xấu tởm, hay đó là bức tranh đẹp nhất mà một người cha – mẹ sở hữu đc?
Quyến còn trẻ, về tuổi theo năm sinh. nhưng trong tri thức, có lẽ, trẻ là nơi ta khởi đầu. Quyến mârat nhé, giữ lại cái háo hức ấy, nó đáng quý lắm, và truyền lại cho những ai thiếu nó, họ hạnh phúc hơn trong đời. Học không bao giờ là đủ, hãy dũng cảm viết, để bà con góp ý, ta trưởng thành hơn. bản thân mình xem lại những bài viết cũ cũng… xấu hổ lắm 😀
Quý độc giả, mong trao nhau những lời chân thành, chọn lời – ý sao cho ngọn lửa trong nhau ấm hơn, và chia sẻ tri thức của mình.